Câu hỏi tự luận địa lí 11 chân trời sáng tạo Bài 13: Hiệp hội cách quốc gia Đông Nam Á (Asean)
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 13: Hiệp hội cách quốc gia Đông Nam Á (Asean). Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án địa lí 11 chân trời sáng tạo
BÀI 13: HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN)
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1: Kể tên 5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Trả lời:
5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan
Câu 2: Kể tên các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này (từ năm 1984 trở đi).
Trả lời:
Các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này là: Bru-nây, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, Đông Ti-mo.
Câu 3: Biểu tượng ASEAN tượng trưng cho điều gì? Biểu tượng ASEAN có mấy màu? Nêu ý nghĩa của mỗi màu sắc.
Trả lời:
- Biểu tượng ASEAN tượng trưng cho một cộng đồng ASEAN hoàn bình, ổn định, năng động và thống nhất.
- Bốn màu chủ đạo của biểu tượng là: xanh da trời đỏ, trắng và vàng
- Ý nghĩa của mỗi màu sắc:
+ Màu xanh da trời: biểu hiện cho hòa bình và ổn định.
+ Màu đỏ: thể hiện dũng khí và sự năng động.
+ Màu trắng: cho thấy sự thuần khiết.
+ Màu vàng: biểu trưng cho sự thịnh vượng.
Câu 4: Hình ảnh vòng tròn màu đỏ viền trắng và hình ảnh bó lúa xuất hiện trong lá cờ ASEAN có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
- Hình ảnh vòng tròn màu đỏ viền trắng là biểu hiện cho sự thống nhất của cộng đồng ASEAN.
- Hình ảnh bó lúa là tượng trưng cho ước mơ của các thành viên sáng lập về một ASEAN bao gồm tất cả các nước ở Đông Nam Á trong tình hữu nghị và đoàn kết.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được hình thành và phát triển như thế nào? Nêu các mục tiêu của ASEAN. So sánh mục tiêu giữa ASEAN và EU
Trả lời:
* Quá trình hình thành và phát triển của ASEAN:
- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8/8/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 quốc gia thành viên ban đầu là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan.
- Năm 2021, ASEAN gồm 10 thành viên, các thành viên gia nhập sau này gồm: Bru-nây (1984), Việt Nam (1995), Lào và Mi-an-ma (1997), Cam-pu-chia (1999).
- Ngày 22/11/2015, trong cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), lãnh đạo các quốc gia ASEAN đã kí kết tuyên bố chung, chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN.
- Cộng đồng ASEAN đã chính thức trở thành một thực thể pháp lí vào ngày 31/12/2015.
* Mục tiêu của ASEAN: Các mục tiêu chính của ASEAN được quy định trong Hiến chương bao gồm:
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa của các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển.
- Thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, duy trì một khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
- Thúc đẩy hợp tác, tích cực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên về vấn đề cùng quan tâm (kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, hành chính,...).
- Duy trì hợp tác chặt chẽ cùng có lợi giữa ASEAN với các nước hoặc tổ chức quốc tế khác.
Mục tiêu chung: đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định, cùng phát triển.
* So sánh mục tiêu giữa ASEAN và EU:
- Giống nhau: thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng,…
- Khác nhau:
+ EU: Sự thống nhất, liên kết giữa các nước thành viên xuất phát từ lĩnh vực kinh tế, thương mại.
+ ASEAN: Động cơ liên kết ban đầu của các nước là hợp tác về chính trị - an ninh (do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bối cảnh thế giới và khu vực lúc bấy giờ).
Câu 2: Trình bày cơ chế hoạt động của ASEAN.
Trả lời:
* Cơ chế hoạt động của ASEAN tuân theo các nguyên tắc bảo đảm được mục tiêu và được thể hiện qua hoạt động của các cơ quan ASEAN.
* Các cơ quan của ASEAN:
- Cấp cao ASEAN:
+ Đây là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của ASEAN.
+ Cơ quan này xem xét, đưa ra các chỉ đạo về chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN, đến lợi ích của các quốc gia thành viên.
+ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức hai lần một năm do quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tổ chức và có thể được triệu tập khi cần thiết.
- Hội đồng Điều phối ASEAN:
+ Hội đồng bao gồm các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN
+ Hội đồng Điều phối ASEAN có nhiệm vụ: chuẩn bị các cuộc họp Cấp cao ASEAN; điều phối việc thực hiện các thoả thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN; xem xét và theo dõi tổng thể tất cả các hoạt động của ASEAN.
- Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN:
+ Bao gồm: Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN; Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN; Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
+ Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN có nhiệm vụ đảm bảo việc thực hiện các quyết định có liên quan của Hội nghị Cấp cao ASEAN, điều phối công việc trong các lĩnh vực phụ trách.
- Các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN: các cơ quan này thực hiện những thoả thuận và quyết định của Cấp cao ASEAN trong phạm vi phụ trách; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức trách để hỗ trợ liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
- Ngoài ra, tham gia điều hành ASEAN còn có:
+ Tổng Thư kí ASEAN và Ban thư kí ASEAN
+ Uỷ ban Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN
+ Ban thư kí ASEAN quốc gia
+ Cơ quan Nhân quyền ASEAN
+ Quỹ ASEAN
Câu 3: Trình bày một số hợp tác về kinh tế, văn hóa giữa các nước trong ASEAN.
Trả lời:
* Hợp tác về kinh tế:
- Các cơ chế hợp tác về phát triển kinh tế trong khối ASEAN khá đa dạng:
+ Thông qua các diễn đàn như Diễn đàn kinh tế ASEAN.
+ Thông qua các hiệp ước, hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
+ Thông qua các hội nghị như Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN.
+ Thông qua các chương trình, dự án như hợp tác giữa các nước thành viên về phát triển giao thông vận tải.
- Ngoài hợp tác với các nước trong khối, ASEAN còn thực hiện hợp tác ngoại khối, như:
+ Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng
+ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc
+ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản
+ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU,...
* Hợp tác về văn hóa:
- Các cơ chế hợp tác phát triển văn hóa trong khối ASEAN cũng khá đa dạng:
+ Thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Văn hóa Thanh niên ASEAN.
+ Thông qua các hội nghị như Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC).
+ Thông qua các dự án hợp tác như Dự án hợp tác văn hóa đa dân tộc ASEAN.
+ Thông qua các chương trình, dự án như các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
+ Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa như Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN, Liên hoan phim ASEAN.
- Ngoài ra, ASEAN còn thực hiện các hợp tác ngoại khối như: Hội nghị ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc ở cấp Bộ trưởng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Lễ hội văn hóa ASEAN - EU,...
Câu 4: Trình bày và phân tích một số thành tựu, thách thức của ASEAN theo bảng sau:
Lĩnh vực | Thành tựu | Thách thức |
Kinh tế | ||
Xã hội | ||
Khai thác tài nguyên và môi trường | ||
Giữ vững chủ quyền và an ninh khu vực |
Trả lời:
Lĩnh vực | Thành tựu | Thách thức |
Kinh tế | - Xây dựng các cơ chế hợp tác, mở rộng hợp tác giữa các nước thành viên trong và ngoài khối. - Có sự liên kết, hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực. | - Chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên. - Quy mô nền kinh tế của từng nước trong ASEAN vẫn còn nhỏ. |
Xã hội | - Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. - Một số nước có HDI ở mức rất cao như Xin-ga-po, Bru-nây, Thái Lan,… - Các vấn đề giáo dục, y tế cũng không ngừng được cải thiện. | - Chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa các nước. - Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở khu vực đô thị. |
Khai thác tài nguyên và môi trường | - Các nước thành viên đang chung tay giải quyết các vấn đề về: quản lí tài nguyên nước, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học... | - Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn chưa hợp lí; - Tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều quốc gia. |
Giữ vững chủ quyền và an ninh khu vực | - Các nước thành viên đã tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định khu vực - Các nước cũng đạt được thỏa thuận Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) | - Vấn đề giải quyết tranh chấp ở biển Đông vẫn còn tồn tại. |
Câu 5: Chứng minh Việt Nam có sự hợp tác đa dạng trong ASEAN. Trình bày vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Trả lời:
* Việt Nam có sự hợp tác đa dạng trong ASEAN:
- Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.
- Đến nay, Việt Nam đã tham gia hợp tác ở tất cả các lĩnh vực của ASEAN như kinh tế, văn hóa, khai thác tài nguyên và môi trường, an ninh khu vực,...
+ Hợp tác thông qua các diễn đàn, như: Diễn đàn Kinh tế ASEAN; Diễn đàn Văn hóa Thanh niên ASEAN; Diễn đàn Du lịch ASEAN; Diễn đàn Biển ASEAN;…
- Hợp tác thông qua các hiệp ước, hiệp định, tuyên bố,... như: Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA); Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC);...
+ Hợp tác thông qua các hội nghị, như: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN,…
+ Hợp tác thông qua các dự án, như: dự án hợp tác về Mạng lưới điện ASEAN; dự án hợp tác văn hóa đa dân tộc ASEAN; Chương trình nghị sự phát triển bền vững;...
+ Hợp tác thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, như: giao lưu văn hóa, nghệ thuật ASEAN mở rộng; giao lưu thể thao văn hóa, thể thao kỉ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN; tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games);...
* Vai trò của Việt Nam trong ASEAN: được thể hiện thông qua một số phương diện sau:
+ Mở rộng khối, như thúc đẩy sự kết nạp các nước Lào, Mianma và Campuchia vào ASEAN;
+ Cùng các nước ASEAN mở rộng quan hệ hợp tác nội khối, khu vực và quốc tế;
+ Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN (năm 2010 và 2020);
+ Đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị, tiêu biểu là: Hội nghị Cấp cao ASEAN (năm 1998, 2010, 2020), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (năm 2022).
+ Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giải quyết các vấn đề của khu vực, như: tham gia vào quá trình hình thành các liên kết kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch ASEAN như một điểm đến chung, thúc đẩy giáo dục về biến đổi khí hậu,...
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?
Trả lời: Mục tiêu của ASEAN nhấn mạnh đến sự ổn định vì:
- Trong lịch sử, các nước Đông Nam Á từng bị chiến tranh xâm lược, nên nd Đông Nam Á rất trân trọng giá trị của hòa bình.
- Hòa bình, ổn định là xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay.
- Trong lịch sử cũng như ở thời điểm hiện tại, giữa một số nước Đông Nam Á vẫn tồn tại sự tranh chấp, phức tạp về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải,…
- Đông Nam Á là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, các tôn giáo và phong tục tập quán đa đa dạng.
- Các nước Đông Nam Á có nhiều dân tộc, một số dân tộc phân bố không theo biên giới quốc gia gây khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội.
Câu 2: Tại sao ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU?
Trả lời:
- ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU vì trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực, sự chậm phát triển trong lĩnh vực tài chính của một số quốc gia quốc gia làm cho việc thành lập đồng tiền chung gặp trở ngại.
- Ngoài ra, một đồng tiền chung cần hệ thống tài chính và thị trường mạnh mẽ, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thể chế nhưng không phải tất cả các nước ASEAN đều có thể chế như vậy để đối phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực tài chính.
Câu 3: Vì sao từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị? Trả lời:
- Từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị vì:
+ Vấn đề an ninh luôn vô cùng quan trọng trong việc hợp tác chính trị.
+ Những thông tin bảo mật cần được lưu giữ và mục đích chung đó là bảo vệ an ninh quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
+ Sự hoà bình giữa các quốc gia trong khu vực luôn là vấn đề tiên quyết.
→ Vì vậy, nên phải luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu đầu.
Câu 4: Sưu tầm tài liệu và trình bày về cơ hội, thách thức của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trả lời:
* Cơ hội:
- Nền kinh tế Việt Nam được hội nhập với nền kinh tế trong khu vực
- Tạo điều kiện để nền kinh tế nước ta thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
- Tiếp thu những thành tựu về khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất của thế giới để phát triển kinh tế.
- Có điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư; tiếp thu, học hỏi trình độ quản lí của các nước trong khu vực.
- Giao lưu về văn hóa, giáo dục, khoa học - kĩ thuật, y tế, thể thao với các nước trong khu vực.
* Thách thức:
- Nếu không tận dụng cơ hội để phát triển thì nền kinh tế nước ta có nguy cơ tụt hậu với các nước trong khu vực.
- Sự cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
- Hội nhập dễ bị “hòa tan”, đánh mất bản sắc và truyền thống của dân tộc.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN cần phải làm gì để giải quyết tình hình hiện nay ở Biển Đông?
Trả lời:
- Phải xác định ASEAN là động lực chính để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
- ASEAN cần tìm ra giải pháp để ưu tiên những lợi ích then chốt chung giữa các quốc gia thành viên và giảm bớt các ảnh hưởng có hại đến sự khác biệt của từng quốc gia riêng lẻ. Nhấn mạnh giá trị chiến lược của tự do hàng hải, tôn trọng pháp luật quốc tế và sự ổn định khu vực giúp cho ASEAN tạo được sự đồng thuận bên trong, tạo điều kiện củng cố khả năng thương lượng của khối.
- ASEAN cần tích cực để Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (DOC) được ký kết.
- Việt Nam cần thúc đẩy ASEAN thực hiện các sáng kiến hợp tác an ninh khu vực tăng cường các cơ chế ARF, ADMM+, EAS,… trong việc thúc đẩy đối thoại về an minh biển, gia tăng hợp tác để bảo đảm an ninh biển.
- Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN phấn đấu để ASEAN trở thành một định chế giám sát khu vực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Điều này giúp ASEAN tăng cường lợi ích các bên liên quan về hiệu quả thực sự của việc hợp tác trong mối quan hệ này và qua đó buộc Trung Quốc phải cân nhắc nhiều hơn tới việc tôn trọng các qua.
Câu 2: Có ý kiến cho rằng “Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Giải thích lí do.
Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:
- Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, đóng góp chủ động vào sự phát triển chung của cộng đồng.
- Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ.
- Việt Nam cũng đóng góp trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực
- Năm 2020, với những thách thức to lớn của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, như tổ chức thành công hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37.