Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều bài 12: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Đia lí 11 Cánh diều bài 12: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Cánh diều.

Xem: => Giáo án địa lí 11 cánh diều

BÀI 12: HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

(16 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 4: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là gì?

Trả lời:

- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Câu 2: Kể tên 5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Trả lời:

5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, Thái Lan

Câu 3: Kể tên các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này (từ năm 1984 trở đi).

Trả lời:

Các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này là: Bru-nây, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam. Ti-mo, Lét-xtê.

Câu 3: Những mục tiêu chính của ASEAN được nêu trong Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 là gì?

Trả lời: Những mục tiêu chính của ASEAN được nêu trong Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 là:

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa trong khu vực.

- Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

- Thúc đẩy cộng tác giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cần quan tâm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật và hành chính để nâng cao mức sống người dân.

- Hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các nước, khối nước hoặc các tổ chức quốc tế.

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập như thế nào? Trình bày mục tiêu của ASEAN và so sánh mục tiêu của ASEAN với EU.

Trả lời:

* Sự thành lập:

- Ngày thành lập: 8/8/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan).

- Tuyên bố Băng Cốc (được xem là bản tuyên ngôn khai sinh ra ASEAN) đã đưa ra mục tiêu của tổ chức này.

- Số lượng thành viên: 11/11 (tính đến năm 2022).

- 15/12/2008: tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41) được tổ chức ở Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực với các mục tiêu cụ thể và toàn diện.

* Mục tiêu:

- Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hướng tới hòa bình trong khu vực. Duy trì khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

- Nâng cao năng lực tự cường khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.

- Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau; nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân trong khu vực.

- Thúc đẩy phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường khu vực, tài nguyên, di sản văn hóa…

- Hướng tới một ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định dài lâu, kinh tế phát triển bền vững, thịnh vượng và tiến bộ xã hội.

* So sánh mục tiêu của ASEAN với EU:

- Giống nhau: Đều thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng,…

- Khác nhau:

+ EU: Sự thống nhất, liên kết giữa các nước thành viên xuất phát từ lĩnh vực kinh tế, thương mại.

+ ASEAN: Động cơ liên kết ban đầu của các nước là hợp tác về chính trị - an ninh (do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bối cảnh thế giới và khu vực lúc bấy giờ).

Câu 2: Trình bày cơ chế hoạt động của ASEAN.

Trả lời:  Hoạt động của ASEAN tuân theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương ASEAN và thông qua các hoạt động của các cơ quan ASEAN, các hợp tác, các chương trình, các hiệp ước,…

* Các cơ quan điều phối của ASEAN:

- Hội nghị Cấp cao ASEAN:

+ Gồm những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ.

+ Là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, đưa ra các chỉ đạo và các vấn đề then chốt.

- Hội đồng Điều phối ASEAN:

+ Gồm Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN.

+ Chuẩn bị các cuộc họp cấp cao, điều phối việc thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN.

+ Xem xét báo cáo của Tổng Thư kí ASEAN về chức năng và hoạt động của Ban Thư kí cũng như của các cơ quan liên quan khác,…

- Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN:

+ Gồm Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Hội đồng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội  ASEAN.

+ Đảm bảo việc thực hiện các quyết định có liên quan của Hội nghị Cấp cao ASEAN.

+ Điều phối các công việc trong lĩnh vực phụ trách và các vấn đề liên quan tới các Hội đồng Cộng đồng khác,…

- Các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN:

+ Hoạt động theo chức năng, quuyền hạn đã được xác định

+ Thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN.

- Ngoài ra còn có Tổng thư kí ASEAN, Ban Thư kí ASEAN, Ủy ban Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN, Ban Thư kí ASEAN quốc gia, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Quỹ ASEAN.

* Các nguyên tắc hoạt động chính của ASEAN:

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

- Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

- Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay các hành động khác dưới bất kì hình thức nào trái với luật pháp quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.

- Tuân thủ các nguyên tắc thương mại và các cơ chế dựa trên luật lệ của ASEAN.

Câu 3: Trình bày một số hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế.

Trả lời:

* Các nước ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện kinh tế thông qua các hiệp định, xây dựng các khu vực thương mại, đầu tư,...

* Một số biểu hiện cụ thể là:

- Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA):

+ Thành lập vào tháng 1/1992

+ Bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN

+ Mục tiêu: Đưa ASEAN thành khu vực sản xuất cạnh tranh trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng tính hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.

- Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC):

+ Thành lập vào tháng 1/2015.

+ Bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN.

+ Mục tiêu: Tạo ra một thị trường chung ASEAN, thông qua việc thúc đẩy tự do lưu thông hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và lao động trong khu vực.

+ Ngoài ra, AEC cũng tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và đầu tư vào các lĩnh vực, đổi mới, sáng tạo để tăng cường sức cạnh tranh.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP):

+ Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

+ Là hiệp định thương mại tự do với 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã kí hiệp định thương mại tự do (Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Di-len)

+ Mục tiêu: Hướng tới hình thành Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á (CEPEA).

- Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA):

+ Có hiệu lực từ ngày 5/4/2021

+ Là hiệp định thương mại dịch vụ của các quốc gia thành viên ASEAN.

+ Mục tiêu:

Ÿ Tăng cường kết nối về kinh tế

Ÿ Tạo ra thị trường và quy mô dịch vụ lớn hơn

Ÿ Giảm các rào cản, tăng tính dự báo về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ

Ÿ Tăng cường hợp tác và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP):

+ Có hiệu lực từ ngày 1/1/2008

+ Là hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản.

+ Mục tiêu:

Ÿ Từng bước tự do hoá, tạo thuận lợi thương mại hàng hoá và dịch vụ, cải thiện cơ hội đầu tư.

Ÿ Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Ÿ Thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản.

- Ngoài ra các quốc gia ASEAN còn tổ chức hàng loạt các Hội nghị Bộ trưởng trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, du lịch,…

Câu 4: Trình bày một số hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực văn hóa:

Trả lời:

* ASEAN ngày càng có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hoá như: giáo dục, y tế, thể thao, thanh thiếu niên, lao động....

* Một số biểu hiện cụ thể là:

- Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR):

+ Thành lập vào tháng 10/2009

+ Bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN.

+ Mục tiêu: Thúc đẩy nhận thức và bảo vệ các quyền con người trong các tầng lớp nhân dân ASEAN, tăng cường hợp tác giữa chính phủ các nước thành viên.

- Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games):

+ Tổ chức lần đầu tiên vào 1959 tại Băng Cốc (Thái Lan)

+ Là một sự kiện thể thao với sự tham gia của các vận động viên đến từ các quốc gia trong khu vực và diễn ra 2 năm một lần.

+ Mục tiêu:

Ÿ Tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Ÿ Nâng cao thành tích, kĩ thuật, chiến thuật các môn thể thao để có cơ sở tham gia các đại hội thể thao lớn hơn.

- Chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSESYP):

+ Tổ chức lần đầu tiên vào năm 1974.

+ Diễn ra hằng năm do Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và chính phủ Nhật Bản tổ chức.

+ Mục tiêu: Tăng cường mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa thanh niên các nước ASEAN và thanh niên Nhật Bản.

- Ngoài ra các hội nghị bộ trưởng như: Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED), Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW)… thường xuyên được diễn ra, nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hẹ giữa các quốc gia thành viên trên mọi lĩnh vực.

Câu 5: Trình bày một số thành tựu và thách thức của ASEAN.

Trả lời:

* Thành tựu:

- Về kinh tế:

+ Thúc đẩy tăng trưởng và bền vững kinh tế của khu vực, thế giới.

+ Xây dựng ASEAN trở thành khu vực kinh tế phát triển năng động, thu hút đầu tư.

+ Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, khối nước, thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

+ Bước đầu đạt được các thỏa thuận và các hiệp định kinh tế trong các tổ chức thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

- Về văn hóa, xã hội:

+ Tạo dựng được nền văn hóa đa dạng trong thống nhất.

+ Nhận thức và ý thức cộng đồng của người dân đã được nâng lên.

+ HDI của các nước đều tăng, đời sống của người dân được cải thiện.

- Về an ninh, chính trị:

+ Tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

+ Đạt được thỏa thuận Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

* Thách thức:

- Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia.

- Mức sống chệnh lệch, tình trạng đói nghèo, di cư, sắc tộc, tôn giáo, dịch bệnh, môi trường, thiên tai,…

- Giữ vững chủ quyền, an ninh khu vực, vấn đề Biển Đông còn có những thách thức.

Câu 6: Kể tên các lĩnh vực hợp tác của Việt Nam trong ASEAN. Vai trò của Việt Nam trong ASEAN có gì nổi bật?

Trả lời:

* Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

* Các lĩnh vực hợp tác của Việt Nam trong ASEAN: ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng…

* Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ASEAN và đã khẳng định được vai trò của mình trong hipệ hội:

- Vai trò trong việc mở rộng ASEAN: Việt Nam cùng với các quốc gia khác đã thúc đẩy việc kết nạp Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia gia nhập vào ASEAN.

- Vai trò trong thường trực ASEAN:

+ Hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010, 2020.

+ Đạt được nhiều kết quả cao, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, phát triển các tổ chức mới và nâng cao vị thế của ASEAN trên thế giới.

- Vai trò trong việc tổ chức, điều phối các hoạt động của ASEAN:

+ Đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác trong các nước.

+ Đăng cai và tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (năm 2003) và lần thứ 31 (tổ chức vào năm 2022).

- Vai trò trong xây dựng thể chế:

+ Góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy các nước kí kết thành công và đưa ra các biện pháp để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

+ Chủ động tham gia vào quá trình soạn thảo để đi đến kí kết và thực hiện hóa Hiến chương ASEAN, một văn kiện quan trọng để hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

- Các vai trò khác:

+ Giữ vai trò kết nối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong ASEAN.

+ Tham gia tích cực trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cùng ASEAN bước sang một giai đoạn mới, tầm nhìn mới để hội nhập toàn cầu.

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Vì sao từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị?

Trả lời:  

- Từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị vì:

+ Vấn đề an ninh luôn vô cùng quan trọng trong việc hợp tác chính trị.

+ Những thông tin bảo mật cần được lưu giữ và mục đích chung đó là bảo vệ an ninh quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

+ Sự hoà bình giữa các quốc gia trong khu vực luôn là vấn đề tiên quyết.

→ Vì vậy, nên phải luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu đầu.

Câu 2: Tại sao ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU?

Trả lời: ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU vì trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực, sự chậm phát triển trong lĩnh vực tài chính của một số quốc gia quốc gia làm cho việc thành lập đồng tiền chung gặp trở ngại. Ngoài ra, một đồng tiền chung cần hệ thống tài chính và thị trường mạnh mẽ, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thể chế nhưng không phải tất cả các nước ASEAN đều có thể chế như vậy để đối phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực tài chính.

Câu 3: Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?

Trả lời: Mục tiêu của ASEAN nhấn mạnh đến sự ổn định vì:

- Các nước Đông Nam Á có nhiều dân tộc, một số dân tộc phân bố không theo biên giới quốc gia gây khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội.

- Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, các tôn giáo và phong tục tập quán đa đa dạng.

- Có sự tranh chấp, phức tạp về biên giới, đảo, vùng biển (vấn đề biển Đông).

- Trong lịch sử, các nước Đông Nam Á từng bị chiến tranh xâm lược, chính trị mất ổn định.

- Sự ổn định trong khu vực sẽ không tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.

Câu 4: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 1. GDP/người của các nước Đông Nam Á năm 2020 (USD)

Nước

GDP/người

Nước

GDP/người

Bru-nây

23,117

Ma-lai-xi-a

10,192

Cam-pu-chia

1,572

Mi-an-ma

1,333

In-đô-nê-xi-a

4,038

Thái Lan

7,295

Xin-ga-po

58,484

Việt Nam

3,498

(Theo: IMF, 2020)

  1. Vẽ biểu đồ so sánh GDP/người của một số quốc gia ở Đông Nam Á năm 2020.
  2. Nhận xét về GDP/người của các nước và giải thích.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:

Biểu đồ thể hiện GDP/người của một số nước Đông Nam Á năm 2020

  1. Nhận xét và giải thích:

* Nhận xét:

- GDP/người giữa các nước ASEAN không đều.

- Nước có GDP/người cao nhất là Xin-ga-po (58484 USD), tiếp theo là Bru- nây (23117 USD), Ma-lai-xi-a (10192 USD), Thái Lan (7295 USD).

- Các nước có GDP/người thấp là Cam-pu-chia (1572 USD), Mi-an-ma (1333 USD).

- GDP/người của Xin-ga-po gấp 44 lần GDP/người của Mi-an-ma và gấp 37 lần GDP/người của Cam-pu-chia.

* Giải thích:

- Có sự chênh lệch là do khác nhau về tổng sản phẩm trong nước và quy mô dân số.

- Do sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1. Khi trở thành một thành viên của ASEAN, Việt Nam đã gặp rất nhiều lợi thế và khó khăn. Em hãy chứng minh điều đó.

Trả lời:

* Những lợi thế:

- Có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ.

- Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng.

- Môi trường chính trị - xã hội trong nước ổn định.

* Khó khăn:

- Khi mới gia nhập, trình độ công nghiệp hóa của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a,…

- Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa chưa cao.

- Sự khác biệt về thể chế chính trị dẫn đến việc giải quyết các mối quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội gặp khó khăn.

- Sự bất đồng về ngôn ngữ cũng gây khó khăn lớn khi nước ta mở rộng giao lưu với các nước.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng “Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Giải thích lí do.

Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, đóng góp chủ động vào sự phát triển chung của cộng đồng.

- Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ.

- Việt Nam cũng đóng góp trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực

- Năm 2020, với những thách thức to lớn của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, như tổ chức thành công hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay