Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 4: Khoáng sản Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 4: Khoáng sản Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.

Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều

BÀI 4: KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

(17 câu)

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên một số khoáng sản ở Việt Nam.

Trả lời:

Một số khoáng sản ở Việt Nam là: than, dầu khí, sắt, apatit, đá vôi,...

Câu 2: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết than đá phân bố ở đâu?

Trả lời:

Than đá phân bố tập trung ở: Vàng Danh, Hòn Gai, cẩm Phả (Quảng Ninh), Quỳnh Nhai (Điện Biên), Lạc Thủy (Ninh Bình), Phấn Mễ (Thái Nguyên), Nông Sơn (Quảng Nam).

Câu 3: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết quặng, sắt phân bố ở đâu?

Trả lời:

Quặng, sắt phân bố tập trung ở: Tùng Bá (Hà Giang), Trại Cau (Thái Nguyên), Trân Yên (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Câu 4: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết dầu mỏ, khí tự nhiên phân bố ở đâu?

Trả lời:

Dầu mỏ, khí tự nhiên phân bố tập trung ở: thềm lục địa phía đông nam.

Câu 5: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết thiếc phân bố ở đâu?

Trả lời:

Thiếc phân bố tập trung ở: Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Châu (Nghệ An).

Câu 6: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết bô-xít phân bố ở đâu?

Trả lời:

Bô-xít phân bố tập trung ở: Măng Đen (Kon Tum), Đắk Nông (Đắk Nông), Di Linh (Lâm Đồng).

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày các đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản Việt Nam:

+ Khoáng sản nước ta phong phú và đa dạng. Cả nước phát hiện trên 5000 mỏ và điểm quặng với 60 loại khoáng sản khác nhau.

+ Khoáng sản nước ta có trữ lượng vừa và nhỏ. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Than đá, dầu mỏ, khí đốt,…

+ Sự hình thành khoáng sản ở nước ta gắn với sự hình thành và phát triển của tự nhiên.

Câu 2: Giải thích tại sao nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng.

Trả lời:

Nguồn khoáng sản nước ta đa dạng do:

+ Kết quả của quá trình địa chất kéo dài.

+ Vị trí địa lí nước ta nằm ở nơi giao nhau giữa 2 vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

Câu 3: Trình bày đặc điểm phân bố khoáng sản ở Việt Nam.

Trả lời:

Đặc điểm phân bố: Khoáng sản phân bố ở hầu khắp cả nước. Tuy nhiên, một số khoáng sản có trữ lượng đáng kể tập trung ở một số khu vực như:

+ Than đá phân bố chủ yếu ở vùng Đông Bắc, nhiều nhất là ở bể than Quảng Ninh.

+ Than nâu phân bố nhiều ở đồng bằng sông Hồng.

+ Dầu mỏ, khí đốt phân bố nhiều ở thềm lục địa phía đông nam.

+ Bô-xít phân bố nhiều ở vùng Tây Nguyên.

+ A-pa-tit phân bố nhiều ở tỉnh Lào Cai.

+ Đá vôi có nhiều ở vùng núi phía bắc và vùng Bắc Trung Bộ.

Câu 4: Tại sao khoáng sản nước ta lại phân bố hẩu khắp cả nước.

Trả lời:

Sự phân bố khoáng sản ở nước ta có liên quan chặt chẽ với sự phân hoá phức tạp, đa dạng của các hoạt động địa chất nội sinh và ngoại sinh.

+ Các mỏ khoáng sản nội sinh thường tập trung tại các đứt gãy sâu với hoạt động uốn nếp và mac-ma diễn ra mạnh mẽ.

+ Các khoáng sản ngoại sinh thường tập trung ở vùng biển nông, thềm lục địa hoặc vùng trũng trong nội địa.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Chứng minh khoáng sản nước ta phong phú về chủng loại, đa dạng về loại hình.

Trả lời:

Sự đa dạng của từng nhóm khoáng sản:

- Khoáng sản năng lượng:

+ Than: có nhiều loại, trữ lượng khoảng 7 tỉ tấn, tập trung chủ yếu ở bể than Đông Bắc.

+ Than antraxit: tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh (các mỏ: Vàng Danh, Hòn Gai, cẩm Phả, Đông Triều,...) với trữ lượng hơn 3 tỉ tấn (chiếm hơn 90% trữ lượng than cả hước), cho nhiệt lượng 7000 - 8000 calo/kg.

+ Than mỡ: Làng cẩm (Thái Nguyên), Nông Sơn (Quảng Nam).

+ Than nâu: phân bố ở Đồng bằng sông Hồng với độ sâu 300 - 1000 m, trữ lượng hàng chục tỉ tấn; còn có mỏ Na Dương (Lạng Sơn) và các mỏ phía tây Nghệ An.

+ Than bùn: có ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực U Minh.

+ Dầu khí: Tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa, trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Hai bể trầm tích có triển vọng nhất về trữ lượng và khả năng khai thác là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn.

+ Các mỏ dầu: Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc (bể Cửu Long), Đại Hùng (bể Nam Côn Sơn),...

+ Các mỏ khí: Lan Tây, Lan Đỏ, Tiền Hải,...

- Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen:

  • Sắt: Tùng Bá (Hà Giang), Trại Cau (Thái Nguyên), Trân Yên (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), Thạch Khê (Hà Tĩnh).
  • Crôm: Cổ Định (Thanh Hóa).
  • Mangan: Cao Bằng, Nghệ An.
  • Titan: có nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung.
  • Kim loại màu:
  • Bôxit: tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên: Măng Đen (Kon Tum), Đắk Nông (Đắk Nông), Di Linh (Lâm Đồng).
  • Thiếc: Tĩnh Túc,(Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Châu (Nghệ An).
  • Đồng: Sinh Quyền (Lào Cai), Yên Châu (Sơn La), Sơn Động (Bắc Giang).
  • Chì, kẽm: Chợ Điền (Bắc Kạn).
  • Vàng: Bồng Miêu (Quảng Nam).

+ Khoáng sản phi kim loại: Apatit: Cam Đường (Lào Cai).

+ Vật liệu xây dựng: rất phong phú.

 - Nguồn đá vôi và sét làm xi măng có nhiều ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 - Ngoài ra còn có cao lanh để làm đồ gốm, cát làm thủy tinh, đá ốp lát, đá trang trí,...

Câu 2: Khoáng sản nước ta có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.

Trả lời:

- Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, thuận lợi để xây dựng một số ngành công nghiệp trọng điểm dựa trên thế mạnh lâu dài về tài nguyên.

- Một số loại khoáng sản có trữ lượng nhỏ, khó khai thác làm hạn chế hiệu quả và gây khó khăn cho công tác quản lí, thường đi đôi với quy mô cơ sở công nghiệp nhỏ.

- Nhiều khoáng sản đòi hỏi công nghệ hiện đại, trong điều kiện nước ta chưa tự khai thác được, cần liên doanh, hợp tác với nước ngoài.

- Sự phân bố khoáng sản có ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu công nghiệp của nhiều vùng.

Câu 3: Vai trò của khoáng sản về mặt kinh tế, chính trị.

Trả lời:      

- Vai trò mặt kinh tế:

+ Khoáng sản là một trong những nguồn nguyên liệu không thể thiếu đối với rất nhiều nền kinh tế. Khoáng sản là gì? Đó chính là sắt, đồng, bạc, vàng, dầu mỏ,…. Đây đều là những nguyên liệu cần thiết và không thể thiếu trong các ngành kinh tế.

+ Khoáng sản là một nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa kinh tế lớn. Ngay bản thân ngành khai thác khoáng sản đã vươn mình lên và phát triển, đóng góp lớn vào GDP mỗi năm.

- Vai trò mặt chính trị:

+ Sự phong phú về khoáng sản là bệ đỡ cho tiềm lực chính trị của các quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi, giao lưu kinh tế của nhiều đất nước với nhau. Khoáng sản tạo thế chủ động cho nhiều quốc gia trong quá trình phát triển.

+ Không những vật, khoáng sản còn tăng ảnh hưởng của một quốc gia đối với các quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt là những quốc gia không có nguồn tài nguyên khoáng sản.

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Trình bày vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản ở nước ta. Lấy ví dụ cụ thể để chứng minh.

Trả lời:

Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản ở nước ta:

- Khoáng sản có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc khai thác khoáng sản ở Việt Nam còn chưa hợp lí gây lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường và sự phát triển bền vững.

- Biện pháp:

+ Thực hiện nghiêm Luật khoáng sản của Việt Nam.

+ Quản lí chặt chẽ việc khai thác khoáng sản để tránh tình trạng thất thoát.

+ Sử dụng khoáng sản tiết kiệm để đảm bảo lợi ích lâu dài của đất nước.

+ Quản lí trữ lượng và sản lượng khai thác.

+ Sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến để tránh làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả khai thác.

Ví dụ: Việc khai thác cát trái phép trên sông Lô:

- Nhiều năm qua, sông Lô đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang là một trong nhiều điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép.

- Tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ gây thất thoát lớn tài nguyên của quốc gia mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của cư dân, ví dụ như: gây tình trạng sụt lún, thiệt hại đến hoa mùa; gây mất an ninh trật tự trong khu vực,…

- Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm xử lý quyết liệt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô.

Câu 2: Hãy giải thích vì sao nước ta lại giàu có về tài nguyên khoáng sản?

Trả lời:

Sự giàu có tài nguyên khoáng sản nước ta do các nguyên nhân chính sau đây:

- Việt Nam có lịch sử địa chất, kiến tạo rất lâu dài, phức tạp.

- Việt Nam trải qua rất nhiều chu kì kiến tạo lớn. Mỗi chu kì kiến tạo sản sinh một hệ khoáng sản đặc trưng.

- Việt Nam nằm ở vị trí tiếp giáp của hai vành đai sinh khoáng lớn của thế giới là Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.

- Sự phát hiện, thăm dò, tìm kiếm khoáng sản của ngành địa chất nước ta ngày càng có hiệu quả.

Câu 3: Một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta.

Trả lời:

Nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta là:

- Quản lí lỏng lẻo, tự do khai thác bừa bãi (than, vàng, sắt, thiếc, đá quý,...).

- Kĩ thuật khai thác lạc hậu, hàm lượng quặng còn nhiều trong chất thải bỏ.

- Thăm dò đánh giá không chính xác về trữ lượng, hàm lượng, phân bố làm cho khai thác gặp khó khăn và đầu tư lãng phí.

Câu 4: Hoạt động khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản 2012 được Việt Nam quy định như thế nào?

Trả lời:

Trong điều 2, Luật Khoáng sản 2010 quy định rằng, hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm:

- Khảo sát khoáng sản.

- Thăm dò khoáng sản.

- Khai thác khoáng sản.

- Chế biến khoáng sản.

Nhà nước đã xây dựng những quy định rất rõ ràng, cụ thể và chi tiết đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Nước ta là một nước có trữ lượng khoáng sản lớn, cần khai thác có kế hoạch, tránh lãng phí, cạn kiệt tài nguyên. Pháp luật về khoáng sản tại Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, xong vẫn có những quy định chi tiết, cụ thể đối với từng trường hợp trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam. Trên hết, khai thác khoáng sản ở Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và gìn giữ nguồn tài nguyên khoáng sản của dân tộc.

=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 4: Khoáng sản Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay