Câu hỏi tự luận địa lí 10 chân trời sáng tạo Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố dịch vụ

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố dịch vụ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 Chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án địa lí 10 chân trời sáng tạo (bản word)

BÀI 33: VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM, CƠ CẤU, CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DỊCH VỤ

(17 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Trình bày cơ cấu của ngành dịch vụ?

Trả lời: 

- Là khu vực có cơ cấu ngành hết sức phức tạp.

- Người ta thưởng chia dịch vụ thành ba nhóm:

+ Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hoá, bản buôn, bán lẻ....

+ Dịch vụ tiêu dùng y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch, bưu chính viễn thông,...

+ Dịch vụ công hành chính công, thủ tục hành chính.....

Câu 2: Nêu vai trò của dịch vụ?

Trả lời: 

Sự phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội:

- Thúc đẩy sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế khác.

- Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

- Khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và kinh tế – xã hội để phát triển đất nước.

- Thúc đẩy liên kết giữa các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

- Nâng cao đời sống văn hoá, văn minh cho người dân.

Câu 3: Trình bày đặc điểm của ngành dịch vụ?

Trả lời: 

Sản phẩm của ngành dịch vụ thường không phải là vật chất cụ thể.

Ngành dịch vụ có sự liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác và là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất.

Ngành dịch vụ có cơ cấu ngành đa dạng, thay đổi nhanh về quy mô, loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Các thành tựu khoa học – công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và năng suất lao động.

Câu 4: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố dịch vụ?

Trả lời: 

Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố dịch vụ:

Vị trí địa lí ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm phân bố, sự liên kết phát triển, hội nhập quốc tế,… của ngành dịch vụ.

Điều kiện kinh tế – xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ:

- Trình độ phát triển kinh tế mang tính quyết định tình hình phát triển và phân bố.

- Quy mô dân số ảnh hưởng đến quy mô phát triển ngành dịch vụ.

- Cơ cấu dân số và lịch sử – văn hoá tạo nên sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ.

- Phân bố dân cư, sự phát triển cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến mạng lưới phân bố.

- Xu hướng tiêu dùng, tiến bộ khoa học - công nghệ, chính sách phát triển và hội nhập ảnh hưởng đến xu hướng phát triển ngành.

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là tiền đề vật chất cho sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ. Các điều kiện về địa hình, khí hậu, nguồn nước, sinh vật,... ảnh hưởng đến sự lựa chọn khai thác một số loại hình dịch vụ như giao thông vận tải, du lịch,...

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Dịch vụ có tác động như thế nào đến sản xuất?

Trả lời: 

Tác động của dịch vụ đến sản xuất:

+ Thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bản thành phẩm... vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.

+ Giao thông vận tải, thông tin liên lạc tác động mạnh mẽ đến phân bổ sản xuất; tạo cơ sở hạ tầng.. các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.

+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư; các dịch vụ về tài chính tạo nguồn lực về sản xuất cho các doanh nghiệp.

+Các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.

Câu 2: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ? 

Trả lời: 

- Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước và năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất có ảnh hưởng rất căn bản tới sự phát triển các ngành dịch vụ. Điều này thể hiện rõ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các nước đang phát triển. Năng suất lao động trong nông nghiệp, công nghiệp có cao, thì mới có thể chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ. Bởi vậy, quá trình phát triển và phân bố các ngành dịch vụ phải luôn luôn cận đối với trình độ chung của sự phát triển kinh tế đất nước, cân đối với các ngành sản xuất vật chất.

- Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ gia tăng dân số và sức mua của dân cư đề ra những yêu cầu về quy mô phát triển, nhịp độ tăng trưởng và cơ cấu các ngành dịch vụ. 

- Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng gắn bó mật thiết với sự phân bố dân cư, và cụ thể hơn nữa là các ngành dịch vụ cần phân bố ngay trong lòng các điểm dân cư (thành phố, thị xã, các làng bản,...).

- Trong một khu dân cư, các điểm dịch vụ phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân (ví dụ các điểm thương nghiệp bán lẻ, cửa hàng ăn uống công cộng, trường tiểu học, mẫu giáo, trạm xá,...) cần có bán kính phục vụ hẹp hơn so với các điểm dịch vụ về văn hóa nghệ thuật, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, các trường trung học phổ thông, bệnh viện chuyên khoa....

- Truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của dân cư có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dịch vụ.

- Mức sống và thu nhập thực tế của nhân dân quyết định sức mua, nhu cầu dịch vụ, và do vậy có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ.

- Đối với sự hình thành các điểm dịch vụ du lịch, sự phân bố các tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Câu 3: Dân cứ có tác động như thế nào tới sự phát triển của ngành dịch vụ?

Trả lời: 

Dân cư tác động đến sự phát triển ngành dịch vụ.

+ Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ tăng dân số và sức mua của dân cư đặt ra những yêu cầu về quy mô phát triển, nhịp độ tăng trưởng và cơ cấu của ngành dịch vụ.

+ Sự phân bố dân cư kéo theo sự phân bố mạng lưới dịch vụ tiêu dùng; các ngành dịch vụ thường phân bố ở ngay trong lòng các điểm phân bố dân cư (thành phố, thị xã, các làng bản...).

- Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân cư có ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ: lễ + hội, văn hóa dân gian,... càng đa dạng và phong phú là cơ sở để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.

Câu 4: Trình bày những điều kiện để phát triển ngành du lịch?

Trả lời:

- Phải có nhu cầu xã hội về du lịch, nghỉ dưỡng.

- Phải có nguồn tài nguyên du lịch phong phú (tài nguyên thiên nhiên, các di sản lịch sử, văn hóa).

- Phải có một hệ thống các cơ sở phục vụ du lịch, phục vụ tốt (chẳng hạn như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, khu điều dưỡng, các bãi tắm, các khu thể thao, hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc,...), có khả năng phục vụ nhu cầu của nhiều loại khách du lịch khác nhau, nhiều loại hình du lịch khác nhau.

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Sự phân bố các ngành dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế. Giải thích tại sao?

Trả lời: 

Sự phân bố các ngành dịch vụ có ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế:

+ Loại hình dịch vụ có ảnh hưởng đến phân bố kinh tế chủ yếu là dịch vụ sản xuất, trong đó chủ yếu là giao thông vận tải, thông tin liên lạc.

+Các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tác động mạnh mẽ đến phân bố sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ khác. 

+Các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.

+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Câu 2: Chứng minh rằng sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế?

Trả lời: 

Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế, vì

- Các ngành thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bán thành phẩm. và vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, như vậy là tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.

- Các dịch vụ về tài chính có ý nghĩa càng lớn khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng và vốn, bất động sản là nguồn lực của các doanh nghiệp.

- Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại, khoa học trở thành lực lượng sản xuất - trực tiếp, thì các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.

- Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông vận tải và thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho việc quản lí xã hội, quản lí nền kinh tế, làm thay đổi quan niệm của con người về không gian, về khoảng cách, làm tăng thêm vai trò của yếu tố thời gian.

- Trên thực tế, ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kì, EU và Nhật Bản đều là các nền kinh tế với công nghiệp chế tạo có công nghệ cao và dịch vụ rất phát triển.

Câu 3: Sự phát triển kinh tế tác động tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ như thế nào?

Trả lời: 

Tác động của sự phát triển kinh tế tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ:

- Sự phát triển của các ngành sản xuất vật chất làm nảy sinh các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất.

- Kinh tế phát triển, mức sống của nhân dân sẽ tăng, quyết định sức mua, nhu cầu dịch vụ.

- Sự phát triển kinh tế sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất

vật chất sang khu vực dịch vụ.

- Việc mở rộng sự phân bố sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ kéo theo sự phân bố rộng rãi và chuyển dịch phân bố dịch vụ.

Câu 4: Chứng minh rằng ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ?

Trả lời: 

Ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ:

- Kinh tế thế giới ngày càng phát triển; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước ngày càng cao, đẩy nhanh sự phát triển các ngành dịch vụ sản xuất, tiêu dùng,...

- Quy mô dân số thế giới nói chung và các nước nói riêng ngày càng lớn, chất lượng cuộc sống người dân ở nhiều nước được nâng cao tác động mạnh đến dịch vụ tiêu dùng.

- Quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh tác động đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ công ở các đô thị.

- Toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, mở rộng thị trường tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp dịch vụ, mở cửa cho thương mại và đầu tư dịch vụ. Liên kết và hợp tác quốc tế phát triển đẩy mạnh nhanh chóng dịch vụ và thương mại quốc tế, hợp tác giữa các nước trong phát triển dịch vụ.

- Khoa học kĩ thuật và công nghệ phát triển mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức sản xuất nhiều loại hình dịch vụ, phát triển dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.

- Chính sách của các quốc gia phát triển tự do các hình thức dịch vụ và đa dạng hoá hoạt động dịch vụ.

Câu 5: Vẽ sơ đồ cơ cấu ngành dịch vụ?

Trả lời: 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Chứng minh rằng sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất?

Trả lời: 

Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất, vì:

- Dịch vụ sản xuất là ngành phục vụ cho yêu cầu của các ngành sản xuất, đảm bảo và tạo điều kiện để các ngành sản xuất phát triển.

- Các ngành dịch vụ sản xuất (trừ giao thông vận tải) không chịu ảnh hưởng của phân bố tài nguyên thiên nhiên, chỉ chịu tác động của các nhân tố kinh tế – xã hội.

Câu 2: Dịch vụ sản xuất ngày càng phát triển mạnh. Giải thích tại sao?

Trả lời: 

Dịch vụ sản xuất phát triển, do:

- Sản xuất ngày càng phát triển với quy mô lớn, năng suất cao, tốc độ nhanh..., đòi hỏi ngành dịch vụ sản xuất (vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...) phát triển đáp ứng.

- Sự phát triển của nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ sản xuất phát triển (ví dụ, các phương tiện kĩ thuật hiện đại cùng với toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho các hoạt động của dịch vụ sản xuất diễn ra rất thuận lợi). 

Câu 3: Dịch vụ tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh. Giải thích tại sao?

Trả lời: 

Dịch vụ tiêu dùng (hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch,...) phát triển, do:

- Dân số:

+ Quy mô dân số: Quy mô dân số càng lớn, nhu cầu tiêu thụ càng nhiều, quy mô dịch vụ càng lớn. 

+ Gia tăng dân số: Dân số tăng nhanh kéo theo tốc độ tăng nhanh của dịch vụ tiêu dùng.

+ Cơ cấu dân số: Cơ cấu dân số theo tuổi, giới, lao động văn hóa,... đòi hỏi sự đáp ứng đa dạng của dịch vụ tiêu dùng, dẫn đến cơ cấu dịch vụ tiêu dùng đa đạng.

+ Phân bố dân cư: Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng gắn bó mật thiết với sự phân bố dân cư; việc phân bố dân cư ngày nay mở rộng phạm vi ở nhiều nơi trên thế giới, kéo theo sự phân bố rộng rãi các ngành dịch vụ tiêu dùng.

- Trình độ phát triển kinh tế, năng suất lao động xã hội:

+ Trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao, điều kiện và nhu cầu về dịch vụ càng lớn, thu hút người lao động tham gia các hoạt động dịch vụ.

+ Năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.

- Quá trình đô thị hóa trên thế giới: Đô thị hóa phát triển, số dân đô thị ngày càng tăng, lối sống đô thị phổ biến, tạo nhu cầu dịch vụ lớn và đa dạng, hoạt động dịch vụ phát triển mạnh.

Câu 4: Tại sao ở các nước đang phát triển, lao động trong các ngành dịch vụ còn ít?

Trả lời: 

– Trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội thấp.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tới các nước này còn yếu.

Trình độ đô thị hóa thấp, mạng lưới thành phố kém phát triển, tỉ lệ dân thành thị còn thấp.

– Mức sống của nhân dân nhìn chung còn thấp.

=> Giáo án địa lí 10 chân trời bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay