Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời Bài 1: Văn bản đọc Bạch tuộc
Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1: Văn bản đọc Bạch tuộc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 7 chân trời sáng tạo (bản word)
VĂN BẢN. BẠCH TUỘC (15 câu)1. NHẬN BIẾT (6 câu)
1. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả
Trả lời:
- Jules Gabriel Verne, thường được biết đến với tên Jules Verne (sinh ngày 8 tháng 2 năm 1828, mất ngày 24 tháng 3 năm 1905), là nhà văn người Pháp nổi tiếng, người đi tiên phong trong thể loại văn học Khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những "Cha đẻ" của thể loại này.
- Với những tác phẩm nổi tiếng như Hành trình vào tâm Trái Đất (1864), Hai vạn dặm dưới biển (1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873), Jules Verne đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế. Theo tổ chức Index Translationum, ông là người có tác phẩm được dịch nhiều thứ ba trên thế giới, những tác phẩm của ông cũng được chuyển thể thành phim nhiều lần.
Câu 2: Tác phẩm thuộc thể loại nào?
Trả lời:
Tiểu thuyết
Câu 3: Phương thức biểu đạt chính của tác phẩm là gì?
Trả lời:
Tự sự
Câu 4: Em hãy tóm tắt tác phẩm bằng đoạn văn ngắn.
Trả lời:
Đoạn trích kể về cuộc chiến đấu mãnh mẽ dũng cảm giữa giáo sư A- rôn- nác và những người đồng hành trên con tàu No -ti -lớt và lũ quái vật “bạch tuộc”. Trong trận chiến đó bằng sự thông minh, mưu trí, dũng cảm những con người đã chiến thắng được bọn “bạch tuộc” nhưng cũng thật buồn vì lũ bạch tuộc đã cướp đi người thủy thủ xấu số vào đại dương mênh mông.
Câu 5: Nêu hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ của tác phẩm
Trả lời:
Đoạn trích “Bạch tuộc” được trích từ cuốn tiểu thuyết cổ điển về khoa học viễn tưởng Hai vạn dặm dưới biển năm 1870.
Câu 6: Bố cục tác phẩm được chia làm mấy phần ?
Trả lời:
Chia văn bản thành 2 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến “Nét la lên”: Cuộc trò chuyện của A- rôn- nát, Công – xây và Nét – Len về con quái vật biển “bạch tuộc”
- Đoạn 2: Còn lại: Trận “giáp chiến” giữa những người trên tàu ngầm và quái vật biển “bạch tuộc”
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Nêu nội dung chính của tác phẩm
Trả lời:
Đoạn trích kể lại cuộc chiến đấu của các thành viên tàu No-ti-lớt với những con quái vật bạch tuộc khổng lồ ở quần đảo Lu-cai. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng tiếp thêm dũng khí, bài học về lòng dũng cảm, kiên cường và tinh thần đồng đội khi gặp những tình huống khó khăn thử thách trong cuộc sống. Từ đó cho thấy sự mãnh mẽ, kiên cường của con người chế ngự thiên nhiên.
Câu 2: Em hiểu thế nào về nhan đề “Hai vạn dặm dưới đáy biển”?
Trả lời:
Hai vạn dặm dưới đáy biển ghi nhận bầu không khí nóng hổi, sục sôi của một thời kỳ đầy khát vọng chinh phục biển cả của con người. Đối với nhiều người sống cùng thời Jules Verne thì việc đi dưới lòng đại dương là điều không thể, những trang sách hoàn toàn chỉ là điều tưởng tượng, nhưng ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh không gì là không thể và khả năng “đi trước thời đại” của ông.
Câu 3: Văn bản được kể theo ngôi thứ mấy?
Trả lời:
Ngôi kể thứ nhất
+ Góc nhìn “nhân vật tôi” là một góc nhìn khám phá. Điều này rất phù hợp với những truyện du ký, thám hiểm.
+ Những tình tiết của câu chuyện được triển khai thông qua góc nhìn và suy nghĩ của “tôi” sẽ sáng tỏ dần theo những bước chân của nhân vật gây sự tò mò, hứng thú cho người đọc.
Câu 4: Chỉ ra những chi tiết trong văn bản thể hiện đặc trưng của truyện khoa học viễn tưởng.
Trả lời:
Truyện có yếu tố cho biết tính chất tưởng tượng về một tương lai rất xa so với thời điểm tác phẩm ra đời là con tàu No-ti-lớt có khả năng lặn sâu tới đáy biển và những tiện nghi có trong con tàu.
Truyện có dựa vào hiểu biết và những thành tựu của khoa học, không có các yếu tố thần kì, siêu nhiên như truyện truyền thuyết, cổ tích là những dẫn chứng có thật trong thực tế và căn cứ logic về cách mà con tàu hoạt động cùng các thiết bị có trên tàu.
3. THÔNG HIỂU (3 câu)
Câu 1: Tại sao nhân vật "tôi" lại gọi là dịp may hiếm có khi gặp được một con bạch tuộc như thế? Từ đó, em hiểu thêm gì về nhân vật "tôi"?
Trả lời:
Nhân vật "tôi" lại gọi là dịp may hiếm có khi gặp được một con bạch tuộc như thế vì loài bạch tuộc khổng lồ này thường rất khó gặp. Ông cho rằng đây là cơ hội hiếm có để ông có thể nghiên cứu nó một cặn kẽ.
Qua chi tiết này có thể thấy, nhân vật "tôi" là một người ham mê tìm hiểu, yêu thích nghiên cứu.
Câu 2: Nhan đề "Hai vạn dặm dưới đáy biển" đã tác động đến em như thế nào khi đến với tác phẩm? Nhan đề bộc lộ ước mơ gì của tác giả?
Trả lời:
- Nhan đề Hai vạn dặm dưới biển đã thể hiện ước mơ khám phá tận sâu dưới đáy biển - nơi còn nhiều bí ẩn của Giuyn Véc-nơ và những người cùng thời với ông.
- Ước mơ ấy ngày nay đã được hiện thực hóa: con người có thể lặn sâu xuống dưới biển, đã có những tàu ngầm, con người đã có nhiều hiểu biết về đại dương.
Câu 3: Em có suy nghĩ gì về phần kết thúc đoạn trích "Bạch tuộc"?
Trả lời:
Đoạn trích kết thúc với chiến thắng thuộc về các thuyền viên. Qua đó khẳng định sức mạnh của nhân loại khi phải đối mặt với những khó khăn thử thách của thiên nhiên.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Bạch tuộc?
Trả lời:
Giá trị nội dung:
Đoạn trích kể về cuộc chiến đấu mãnh mẽ dũng cảm giữa giáo sư A- rôn- nác và những người đồng hành trên con tàu No -ti -lớt và lũ quái vật “bạch tuộc”. Qua đó thể hiện sự thông minh, mưu trí, dũng cảm của con người trước nguy hiểm.
Giá trị nghệ thuật:
- Tác phẩm sử dụng những yếu tố có tính chất tưởng tượng về một tương lai rất xa so với thời điểm tác phẩm ra đời.
- Tình huống truyện đặc biệt.
Câu 2: Phân tích tác phẩm Bạch tuộc
Trả lời:
Giuyn Véc-nơ là một nhà văn người Pháp nổi tiếng, là người đi tiên phong trong thể loại truyện khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những “cha đẻ” của thể loại này. Các tác phẩm của ông được dịch nhiều thứ 3 trên thế giới và những tác phẩm của ông được chuyển thành phim nhiều lần. Trong đó không thể không nhắc đến đoạn trích Bạch tuộc được trích trong tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển vô cùng nổi tiếng của ông. Đoạn trích kể về cuộc giáp chiến giữa những con bạch tuộc khổng lồ dưới đại dương với những nhà thám hiểu trên con tàu ngầm No-ti-lớt.
Khi con tàu No-ti-lớt lặn xuống biển sâu cách mặt biển một ngàn năm trăm mét, gần đấy là quần đảo Lu-cai. Từ đáy biển nổi lên những mỏm đá lớn dựng đứng, phủ đầy những loại tảo khổng lồ. Nơi đây có rất nhiều hang đá thích hợp cho cho bạch tuộc sống. Nét với Giáo sư A-rôn-nác cùng nhau nói về những con bạch tuộc ở vùng đại dương rộng lớn. Thông qua cuộc nói chuyện của hai người chúng ta cũng có thể dần mường tượng ra hình ảnh của loài bạch tuộc. Đó là một con vật to lớn, khổng lồ, rất đáng sợ, bí ẩn dưới đại dương. Con quái vật này dài khỏng chừng tám mét, nó bơi lùi rất nhanh về phí tàu. Mắt nó màu xanh xám, nhìn thẳng không động đậy. Tám chân từ đầu mọc ra dài gấp đôi thân và luôn uốn cong, nhìn thấy rõ hai trăm rưỡi cái giác ở phía trong vòi. Hai hàm răng bạch tuộc giống cái mỏ vẹt bằng sừng, luôn luôn mở ra, khép lại. Lưỡi nó cũng bằng chất sừng, hàm răng nhọn, rung lên bần bật mỗi khi thò ra khỏi mồm. Thân nó hình thoi phình ở giữa, là một khối thịt nặng chừng hai mươi, hai lăm tấn. Màu sắc nó thay đổi rất nhanh từ màu xám chì sang màu đỏ nâu. Nó thay đổi màu sắc như đang giận dữ với sự xuất hiện của con tàu No-ti-lớt. Từ những miêu tả cụ thể của tác giả đã giúp cho người đọc dần tưởng tượng ra được hình dáng của con bạch tuộc. Bởi trong khỏng thời gian này có rất ít người từng gặp bạch tuộc vì vậy nhờ có phần mô tả chi tiết này đã thu hút rất nhiều độc giả đến với tác phẩm.
Mọi người trong con tàu đều bất ngờ khi bắt gặp con quái vật này. Họ bàn tán với nhau xem đây liệu có phải là con bạch tuộc mà tàu A-lếch-tơn đã gặp không. Nhưng rồi tàu No-ti-lớt chợt rung lên như va phải vật gì đó rồi nó lại đứng yên không nhúc nhích gì nữa, chân vịt cũng không quay. Hóa ra con thuyền đã va phải lũ bạch tuộc và chuẩn bị giáp chiến với chúng. Họ định cho con tàu nổi lên rồi tiêu diệt sạch chúng. Nhưng thật khó thay bởi thân của bạch tuộc mềm nếu dùng súng để bắn thì đạn sẽ không nổ được vì không đủ sức cản. Và rồi họ quyết định dùng rìu và dao nhọn để tấn công lũ quỷ quái này. Khi ê-cu vừa được vặn ra thì nắp tàu đã bật lên rất mạnh. Ngay sau đó một cái vòi dài trườn xuống dưới thang như một con rắn còn khoảng hai mươi cái vời nữa thì ngoằn ngoèo ở phía trên. Thuyền trưởng Nê-mô lấy rìu chặt đứt cái vòi khủng khiếp đó khiến nó lặn xuống vực sâu. Họ cùng nhau chiến đấu chống lại con quái vật ngoài đại dương sâu thẳm. Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt và đã khiến họ mất đi một người đồng đội. Với sự mạnh mẽ, kiên cường họ đã chiến thắng đàn bạch tuộc và thể hiện sự chế ngự thiên nhiên.
Tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất làm câu chuyện chân thực, bộc lộ cảm xúc của người kể chuyện cùng với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn và thú vị. Ngoài ra tác giả còn chăm chút từ ngữ để nó giàu sức gợi hình gợi cảm, sử dụng nhiều từ ngữ bộc lộ cảm xúc, những câu cảm thán để tác phẩm không bị khô khan và thu hút nhiều người đọc hơn. Đó cúng chính là một sự thành công của tác giả khi viết ra tác phẩm này.
Qua câu chuyện này đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc khi gặp khó khăn, thử thách nguy hiểm trong cuộc sống. Đó là bài học về sự quan sát, đánh giá mức độ của khó khăn, thử thách. Sau đó, từ những gì quan sát được đưa ra được cách giải quyết hợp lí, rõ ràng. Đặc biệt, khi gặp tình huống khó khăn hay thử thách nguy hiểm cùng nhiều người, chúng ta phải đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách đó. Đây là một bài học quý giá, giúp cho chúng có thể vượt qua được những thử thách nguy hiểm, khó khăn trong cuộc sống.