Câu hỏi tự luận địa lí 7 chân trời Bài 10: Đặc điểm dân cư, xã hội châu Phi

Bộ câu hỏi tự luận địa lí 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 10: Đặc điểm dân cư, xã hội châu Phi. Cấu trúc tuần tự trong thuật toán. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học địa lí 7 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án địa lí 7 chân trời sáng tạo (bản word)

BÀI 10: ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI CHÂU PHI

(15 câu)

1. Nhận biết (4 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm dân cư của châu Phi?

Trả lời:

Châu Phi là châu lục đông dân đứng thứ hai thế giới (sau châu Á). Năm 2020, châu Phi có số dân hơn 1,3 tỉ người, chiếm hơn 17% số dân thế giới. Dân số châu Phi vẫn còn tăng nhanh.

 

Câu 2: Trình bày cơ cấu dân số ở châu Phi?

Trả lời:

Châu Phi có cơ cấu dân số trẻ với số dân trong và dưới tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao. Năm 2020, số người trong độ tuổi 0 – 14 tuổi chiếm khoảng 40,6% số dân và số người trong độ tuổi 15 – 64 tuổi chiếm 55,9% số dân.

Dân số đông, tăng nhanh cùng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao tạo ra nhiều áp lực đối với phát triển kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm, đói nghèo,...

 

Câu 3: Trình bày tỉ suất gia tăng dân số ở châu Phi?

Trả lời:

Từ năm 2000 đến nay, với tỉ suất sinh cao và tỉ suất tử giảm dần, tỉ suất tăng dân số tự nhiên của châu Phi vẫn còn ở mức cao so với thế giới. Nhiều quốc gia ở châu Phi có tỉ suất tăng dân số tự nhiên trên 3%. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân dẫn được cải thiện, tăng dần qua các năm.

Câu 4: Trình bày tình trạng xuất cư của người dân châu Phi?

Trả lời:

Châu Phi có số người xuất cư nhiều hơn nhập cư. Phần lớn dân di cư chuyển đến châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Á và chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động.

2. Thông hiểu (4 câu)

Câu 1: Phân tích vấn đề nạn đói ở nhiều quốc gia châu Phi?

Trả lời:

Nạn đói vẫn còn xảy ra ở nhiều quốc gia châu Phi, đặc biệt ở khu vực Nam Xa-ha-ra do điều kiện canh tác hạn chế, xung đột vũ trang dẫn đến sản lượng lương thực không đủ để cung cấp cho người dân. Hằng năm, một số quốc gia ở châu Phi cần cứu trợ khẩn cấp về lương thực.

 

Câu 2: Phân tích vấn đề xung đột quân sự ở châu Phi?

Trả lời:

Hiện nay, một số khu vực của châu Phi đang diễn ra các cuộc xung đột quân sự do mâu thuẫn giữa các bộ tộc, do cạnh tranh về tài nguyên,... gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường thiên nhiên,...

 

Câu 3: Tại sao nói châu Phi là nơi có nhiều di sản lịch sử?

Trả lời:

Châu Phi là một trong những cái nôi của loài người với các di sản có lịch sử từ lâu đời như phép tính, giấy,... Đặc biệt, châu Phi có khá nhiều di sản lịch sử nổi tiếng được công nhận là di sản thế giới như: các kim tự tháp từ Gi-da (Giza) tới Đát-sua (Dahshur) ở Ai Cập, thành phố cổ Tim-bút-tu (Timbuktu) ở Ma-li (Mali), hoàng cung A-bô-mây (Abomey) ở Bê-nanh (Benin),...

 

Câu 4: Việc chăm sóc và bảo vệ các di sản lịch sử ở châu Phi gặp những khó khăn gì?

Trả lời:

Việc chăm sóc và bảo vệ các di sản như công tác trùng tu, bảo tồn gặp khó khăn do nguồn kinh phí lớn, nguy cơ xung đột quân sự, hoạt động khủng bố, ảnh hưởng của thiên tai,... làm cho các công trình bị phá huỷ, xuống cấp. Để bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản này đòi hỏi sự chung tay bảo vệ của chính quyền và nhân dân các nước châu Phi cũng như cộng đồng quốc tế.

 

3. Vận dụng (3 câu)

Câu 1: Quan sát bảng số liệu về tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của thế giới và châu Phi và nhận xét tỉ lệ tăng dân số tự nhiên ở châu Phi so với thế giới trong giai đoạn 1960 - 2019?

TỈ LỆ TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN CỦA CHÂU PHI VÀ THẾ GIỚI

GIAI ĐOẠN 1960 – 2019 (%)

                              Năm

Châu lục/thế giới  

1960

1980

2000

2019

Châu Phi

2,3

2,8

2,5

2,6

Thế giới

1,8

1,6

1,4

1,2

Trả lời:

Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của châu Phi luôn lớn hơn mức tăng trung bình của thế giới. Tỉ lệ gia tăng dân số trung bình của thế giới có xu hướng giảm qua từng giai đoạn nhưng tỉ lệ gia tăng dân số trung bình của châu Phi vẫn có xu hướng tăng.

- Năm 1960, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của châu Phi gấp 1,28 lần thế giới.

- Năm 2019, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của châu Phi gấp 2,17 lần thế giới.

Câu 2: Sự xung đột tộc người ở châu Phi diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Châu Phi có nhiều tộc người, với hàng nghìn thổ ngữ khác nhau.

Trước đây, thực dân châu Âu thành lập các quốc gia ở châu Phi trên lãnh thổ của các tộc người khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn giáo,... và lợi dụng điều này nhằm thực hiện chính sách chia để trị.

Chính quyền nhiều nước thường nằm trong tay các thủ lĩnh của một vài tộc người. Điều đó đã làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các tộc người trong từng nước và giữa các nước láng giềng với nhau, dẫn đến xung đột biên giới và nội chiến liên miên (như ở Li-bê-ri-a, Ê-ti-ô-pi-a, Xu-đăng, Xô-ma-li, Bu-run-đi, Ru-an-đa,...), gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế – xã hội và tạo cơ hội để nước ngoài can thiệp.

Nền kinh tế của nhiều nước châu Phi vẫn là tự cấp, tự túc. Việc trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá còn quá ít, khiến sự ngăn cách giữa các bộ tộc càng thêm nặng nề.

Câu 3: Tại sao nói châu Phi là một trong những cái nôi của loài người?

Trả lời:

Châu Phi là một trong những cái nôi của loài người.

Lịch sử châu Phi được bắt đầu với sự xuất hiện của người hiện đại Hô-mô Sa-pi-en ở Đông Phi, sau đó là sự ra đời của các nền văn minh cổ đại. Nền văn minh Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới.

4. Vận dụng cao (4 câu)

Câu 1: Giải thích tại sao kế hoạch hóa rất khó thực hiện ở châu Phi?

Trả lời:

Vấn đề kế hoạch hóa rất khó thực hiện ở châu Phi vì gặp các trở ngại của tập tục, truyền thống, sự thiếu hiểu biết về khoa học – kĩ thuật,..

 

Câu 2: Cuộc xung đột sắc tộc ở châu Phi dẫn đến những hậu quả gì?

Trả lời:

- Hình thành những làn sóng người tị nạn từ vùng có chiến tranh hoặc xung đột sắc tộc đến những nơi an toàn hơn.

- Làng mạc, thành phố bị tàn phá, các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, đồng ruộng bị phá hủy, đốt cháy, bỏ hoang, sản xuất đình trệ, mức sống bị hạ thấp,...

- Những nơi tiếp nhận người tị nạn có nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết: nạn thất nghiệp, bệnh tật, tiếp tế nước sạch, thực phẩm, thuốc men, phòng chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng...

- Sự đoàn kết thống nhất trong một nước giữa các dân tộc, các sắc tộc,... không bền vững, mầm mống bất ổn định kinh tế – xã hội vẫn duy trì lâu dài, cản - trở sự phát triển kinh tế đất nước.

 

Câu 3: Tại sao những vùng ven cảng biển là nơi phân bố các thành phố lớn của châu Phi

Trả lời:

Trong suốt một thời gian dài (từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX), châu Phi là thuộc địa. Các thành phố cảng là nơi để chuyển các tài nguyên khai thác ở châu Phi về các nước chính quốc. Vì vậy các thành phố lớn của châu Phi thường là các thành phố Cảng.

 

Câu 4: Trình bày sự phân bố các di sản ở châu Phi?

Trả lời:

Châu Phi có nhiều di sản được Uỷ ban Di sản Thế giới (WHC) ghi danh. Đây là các di sản lịch sử về kiến trúc, điêu khắc, khảo cổ,... có giá trị nổi bật toàn cầu. Đến năm 2019, châu lục này có 54 di sản lịch sử thế giới phân bố trên 30 quốc gia, trong đó tập trung nhiều ở Cộng hoà Nam Phi, Ai Cập, Ma-rốc, Tuy-ni-di, An-giê-ri, Ê-ti-ô-pi, Kê-ni-a, Tan-da-ni-a, Cộng hoà Dân chủ Công-gô, Cốt-đi-voa, Xê-nê-gan,...

 

=> Giáo án địa lí 7 chân trời bài 10: Đặc điểm dân cư, xã hội Châu Phi (2 tiết)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay