Bài tập file word sinh học 10 cánh diều Bài 18: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật
Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 18: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật. Sinh học và sự phát triển bền vững. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 cánh diều.
Xem: => Giáo án sinh học 10 cánh diều (bản word)
CHỦ ĐỀ 9: SINH HỌC VI SINH VẬT
BÀI 18 - SINH TRƯỞNG VÀ SINH SẢN Ở VI SINH VẬT
I. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Sự sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật thường được mô tả như thế nào?
Trả lời:
Sự sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật thường được mô tả bằng sự sinh trưởng của một quần thể vi sinh vật do vi sinh vật có kích thước rất nhỏ, thường không quan sát được sự sinh trưởng và phát triển của từng cá thể bằng mắt thường.
Câu 2: Sinh trưởng ở vi sinh vật là gì? Nêu diễn biến các pha sinh trưởng của quần thể vi khuẩn.
Trả lời:
- Sinh trưởng của vi sinh vật là sự tăng lên về số lượng tế bào của quần thể vi sinh vật thông qua quá trình sinh sản.
- Trong hệ kín (môi trường mà các chất dinh dưỡng không được bổ sung thêm đồng thời không rút bớt sản phẩm và chất thải trong suốt quá trình nuôi), sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn được diễn ra theo 4 pha:
Đặc điểm | Pha tiềm phát (pha lag) | Pha lũy thừa (pha log) | Pha cân bằng | Pha suy vong |
Quần thể vi khuẩn | - Vi khuẩn thích ứng dần với môi trường, chúng tổng hợp các enzyme trao đổi chất và DNA, chuẩn bị cho quá trình phân bào. - Mật độ tế bào vi khuẩn trong quần thể gần như không thay đổi. | - Vi khuẩn phân chia mạnh mẽ. - Mật độ tế bào vi khuẩn trong quần thể tăng nhanh, quần thể đạt tốc độ sinh trưởng tối đa. | - Số tế bào sinh ra cân bằng với số tế bào chết đi. - Mật độ tế bào vi khuẩn trong quần thể hầu như không thay đổi. | - Số tế bào chết hoặc bị phân hủy nhiều hơn số tế bào sinh ra. - Mật độ tế bào vi khuẩn trong quần thể bắt đầu suy giảm. |
Dinh dưỡng | Dinh dưỡng đầy đủ cho sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn. | Dinh dưỡng đầy đủ nhưng tiêu hao nhanh cho sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn. | Dinh dưỡng bắt đầu thiếu hụt cho sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn. | Dinh dưỡng cạn kiệt và các chất độc hại cho sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn tích lũy tăng dần. |
Câu 3: Vi sinh vật nhân sơ sinh sản bằng cách nào?
Trả lời:
- Phân đôi: là hình thức sinh sản của phần lớn các vi sinh vật nhân sơ và là hình thức phân bào không có thoi vô sắc (trực phân).
- Nảy chồi: là kiểu sinh sản vô tính có ở một số vi khuẩn.
- Hình thành bào tử
Câu 4: Vi sinh vật nhân thực sinh sản bằng cách nào?
Trả lời:
- Phân đôi và nảy chồi
- Sinh sản bằng bào tử vô tính
- Sinh sản bằng bào tử hữu tính
Câu 5: Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật?
Trả lời:
- Các yếu tố hóa học: Nguồn dinh dưỡng, độ pH, chất ức chế,...
- Các yếu tố vật lí: Nhiệt độ, áp suất thẩm thấu, độ ẩm,...
- Các yếu tố sinh học là các yếu tố do sinh vật sản sinh ra gây ảnh hưởng đến các sinh vật khác sống trong cùng môi trường.
II. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Nêu biện pháp để khắc phục hiện tượng mật độ tế bào vi khuẩn không tăng ở pha cân bằng.
Trả lời:
Biện pháp để khắc phục hiện tượng mật độ tế bào vi khuẩn không tăng ở pha cân bằng là: Bổ sung thêm chất dinh dưỡng và lấy bớt đi dịch nuôi cấy.
Câu 2: Nêu điểm khác nhau giữa nảy chồi của nấm men so với nảy chồi ở vi khuẩn.
Trả lời:
- Ở nấm men, các chồi mọc lên trực tiếp không có các ống rỗng như nảy chồi ở vi khuẩn.
- Sự phân chia vật chất di truyền trong nảy chồi ở nấm men theo kiểu phân bào có thoi vô sắc còn ở vi khuẩn phân bào không có thoi vô sắc.
Câu 3: Lấy ví dụ minh họa cho yếu tố sinh học ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật.
Trả lời:
Ví dụ: Một số thực vật tiết các chất hữu cơ đặc thù qua rễ, kích thích sự phát triển của khu hệ vi sinh vật vùng rễ.
Câu 4: Thuốc kháng sinh được dùng để làm gì?
Trả lời:
Thuốc kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật.
III. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Người ta ứng dụng áp suất thẩm thấu như thế nào để ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại?
Trả lời:
Ứng dụng: Tạo môi trường ưu trương để gây co nguyên sinh nhằm ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại.
Câu 2: Người ta ứng dụng độ ẩm như thế nào để ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại?
Trả lời:
Ứng dụng: Tạo độ ẩm phù hợp cho các vi sinh vật có lợi phát triển tối ưu. Tạo độ ẩm bất lợi (phơi khô) nhằm ức chế các vi sinh vật gây hại cho con người.
Câu 3: Vi sinh vật được ứng dụng như thế nào trong y dược?
Trả lời:
- Các sản phẩm trao đổi chất ở vi sinh vật còn được ứng dụng trong lĩnh vực y dược để sản xuất thuốc kháng sinh, vaccine, các amino acid, protein đơn bào, hormone, probiotics và nhiều chế phẩm sinh học có giá trị khác.
- Vi sinh vật còn được ứng dụng trong việc chuẩn đoán các bệnh hiểm nghèo, ung thư, bệnh mới phát sinh.
Câu 4: Vi sinh vật được ứng dụng như thế nào trong xử lí chất thải? Lấy ví dụ.
Trả lời:
- Dựa vào khả năng hấp thụ và phân giải nhiều hợp chất, kể cả chất thải, chất độc hại và kim loại nặng của vi sinh vật, con người đã sử dụng chúng để xử lí ô nhiễm môi trường hiệu quả, ít tốn kém.
- Ví dụ:
+ Sử dụng hệ vi sinh hiếu khí hoặc kị khí trong các bể xử lí sinh học để xử lí nước thải.
+ Sử dụng các vi sinh vật “ăn” dầu như Alcanivorax borkumensis để xử lí các sự cố tràn dầu trên biển.
+ Sử dụng các Archaea sinh methane để xử lí chất thải vật nuôi nhằm vừa tạo ra khí biogas làm chất đốt cho gia đình vừa tránh ô nhiễm môi trường và tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Câu 5: Nêu một số thành tựu của công nghệ vi sinh vật.
Trả lời:
Đóng vai trò then chốt trong công nghệ vi sinh vật là công nghệ lên men và công nghệ thu hồi sản phẩm:
- Công nghệ lên men:
+ Thức ăn chăn nuôi
+ Bia, rượu, sữa chua,…
- Công nghệ thu hồi sản phẩm:
+ Thuốc bảo vệ thực vật sinh học (Bacillus thuringiensis - Bt)
+ Thuốc kháng sinh, vaccine
+ Chế phẩm xử lí chất thải rắn và nước thải.
+ Phân vi sinh.
+ Acid và dung môi hữu cơ,…
IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Trình bày 10 nguyên tắc vô khuẩn theo Bô Y tế.
Trả lời:
- Không trực tiếp dùng tay không để tiếp xúc với vật đã được vô khuẩn (bắt buộc phải dùng vật phẩm như kiềm... và đeo găng tay)
- Phải luôn đối diện trực tiếp, không được xoay lưng với hướng vô khuẩn khi đi qua vùng vô khuẩn
- Giữ trật tự, không ho, hắt hơi, không đưa tay qua mặt vô khuẩn.
- Các dụng cụ đã được tiệt khuẩn không được để ở nơi ẩm và không ngâm trong dung dịch với các dụng cụ y tế như kiềm, dao, kẹp... đã được vô khuẩn phải luôn được đặt trên thắt lưng và khi sử dụng không được chổng ngược lên trên, nhất là khi kiềm đã được nhúng vào dung dịch.
- Khi mở gói vô khuẩn, phải cầm gói đưa rìa khăn ra xa và mở khăn hướng về người thực hiện.
- Mở nắp hộp vô khuẩn nếu cầm trên tay thì úp, để trên bàn thì ngửa, không được để chạm vào quần áo.
- Một vật sau khi đã vô khuẩn và được lấy ra khỏi hộp, sẽ tuyệt đối không được chạm bất cứ vật gì khác.
- Sau khi một vật vô khuẩn được lấy ra ngoài, tuyệt đối không bỏ vật phẩm đó trở lại hộp đựng.
- Bất kỳ một vật phẩm nào đó bị nghi ngờ về tình trạng vô khuẩn thì mặc định xem vật đó chưa được vô khuẩn.
Câu 2: Quy định 5K trong đại dịch Covid-19 là gì?
Trả lời:
5K có nội dung cụ thể như sau: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với dịch bệnh:
- Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
- Không tập trung: không tập trung đông người.
- Khai báo y tế: Thực hiện khai báo Y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095, hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
=> Giáo án sinh học 10 cánh diều bài 18: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật