Câu hỏi tự luận Công dân 8 chân trời sáng tạo Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 8 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án công dân 8 chân trời sáng tạo
ÔN TẬP BÀI 1-3 (PHẦN 2)
Câu 1: Em hãy kể tên một số truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Trả lời:
* Truyền thống yêu nước: nhân dân ta có một lòng yêu nước mãnh liệt, truyền thống ấy được truyền lại cho thế hệ sau bằng những câu hát, lời ru; nuôi nấng tình yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống yêu nước của Việt Nam lại bùng nổ mãnh liệt khi đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh, lòng yêu nước tập hợp thành sức mạnh của toàn thể đánh bại hết bè lũ xâm lược.
* Truyền thống bất khuất, kiên trung đánh thắng giặc ngoại xâm: người Việt Nam nhỏ bé mà kiên chung là thế, những anh hùng dám hy sinh thân mình vì cách mạng khi tuổi đời còn rất nhỏ, trong thời bình truyền thống bất khuất này vẫn không hề bị phai nhạt khi hằng năm rất nhiều chiến sĩ xung phong ra đảo xa, nơi địa đầu tổ quốc để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ.
* Truyền thống tôn sư, trọng đạo: đất nước chúng ta có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tôn vinh những “người lái đò” hằng năm. Một người làm thầy dù ở đâu cũng đáng nhận được sự tôn trọng.
* Truyền thống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ: Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đặt chữ “hiếu” làm cốt lõi phát triển của một con người. Bố mẹ hiếu thảo với ông bà, con cái nhìn vào đó cũng lấy điều đó làm gương mà trở thành một người sống có tình nghĩa và giàu lòng nhân ái.
* Truyền thống cần cù lao động: người Việt luôn cần cù sáng tạo trong lao động, lao động không quản ngại khó khăn, trong quá khứ sự cần cù lao động của người Việt được thể hiện qua việc vừa tạo ra lương thực nuôi sống gia đình vừa tham gia vào sản xuất để cung ứng cho tiền tuyến đang làm nhiệm vụ. Thời bình, truyền thống cần cù lao động của người Việt được thể hiện qua sự không ngừng nỗ lực tìm ra các cách làm hay, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, tạo được ra nhiều thành quả xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và đóng góp cho cộng đồng.
* Truyền thống hiếu học: Truyền thống này thể hiện một cách rõ ràng nhất ở những nơi vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện cơ sở vật chất còn vô cùng khó khăn. Những đứa trẻ phải đi xa hàng cây số, vượt qua mấy con suối, con mương mới có thể tới trường học chữ.
* Truyền thống đoàn kết: Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước.
Câu 2: Thế nào là tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác? Nêu các biểu hiện của tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác?
Trả lời:
- Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới là tôn trọng tính cách, truyền thống, phong tục tập quán... của các dân tộc; luôn tích cực tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào chính đáng về dân tộc mình; phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.
- Biểu hiện của tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác: tôn trọng ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán của họ: thừa nhận và học hỏi những tinh hoa, văn hóa, những thành tựu về các mặt của họ.
Câu 3: Như thế nào là lao động cần cù, sáng tạo? Nêu ý nghĩa của lao động cần cù, sáng tạo?
Trả lời:
- Lao động cần cù là chăm chỉ, chịu khó làm việc một cách thường xuyên, phấn đấu hết mình vì công việc.
- Lao động sáng tạo là luôn luôn suy nghĩ, cải tiến để tìm tòi cái mới, tìm ra cách giải quyết tối ưu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.
- Lao động cần cù, sáng tạo giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội bởi vì: Tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng trong một thời gian ngắn sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao. Đồng thời, bản thân người lao động sẽ thấy hạnh phúc, tự hào vì thành quả lao động của mình và họ sẽ có thu nhập cao, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Câu 4: Những hành động và hành vi nào sau đây thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc? Vì sao?
- Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: chèo, tuồng, hát xẩm, đờn ca tài tử,…
- Kính trọng và biết ơn thầy, cô giáo.
- Lấn chiếm, xâm phạm các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
- Tích cực tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc.
Trả lời:
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì việc giới thiệu cho bạn bè quốc tế về các làn điệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc là một cách quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết đến, tìm hiểu về nét đẹp đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì từ xa xưa người Việt ta vẫn luôn có truyền thống quý trọng người đã dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho chúng ta.
- Hành động không thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc thân mình hy sinh cho sự độc lập tự do của dân tộc vậy mà người đời sau không ghi nhớ công ơn còn làm ra các hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng đến người đã khuất.
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc, vì việc tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc giúp chúng ta có thêm cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp truyền thống mà ông cha đã hết lòng gây dựng, phát triển.
Câu 5: Em đồng tình hay không đồng tình với mỗi quan điểm dưới đây? Vì sao?
- Mỗi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có những điều tốt đẹp để chúng ta học tập.
- Chúng ta có thể học hỏi tất cả những điều tốt đẹp của các dân tộc khác nhưng chỉ nên áp dụng những gì phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống của dân tộc ta.
- Khi học hỏi, tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc của dân tộc mình.
Trả lời:
- Em đồng ý với ý kiến của bạn vì mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những điểm độc đáo, riêng biệt mà chúng ta nên học tập để làm phong phú thêm vốn hiểu biết của chính mình.
- Em đồng ý với ý kiến của bạn vì chúng ta chỉ nên chọn lọc, áp dụng những điều tốt đẹp của các dân tộc khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống. c. Em không đồng ý với ý kiến của bạn vì chúng ta cần học hỏi, tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác có chọn lọc để làm giàu đẹp, phong phú thêm vốn hiểu biết của mình.
Câu 6: Tại sao phải lao động cần cù, sáng tạo? Nếu không lao động cần cù, sáng tạo sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Trả lời:
- Cần lao động cần cù và sáng tạo vì chúng ta đang sống trong thời đại khoa học và kỹ thuật phát triển, được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống và trong sản xuất xã hội. Không chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong học tập thì không thể tiếp cận với sự phát triển của nhân loại.
- Chỉ khi nào mỗi người lao động cần cù và sáng táo thì mới không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tất cả mọi người, mới thực hiện được mục tiêu mà Đảng đã đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Thực hiện mục tiêu trên là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người.
Câu 7: Câu ca dao, tục ngữ: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” nói về truyền thống gì của dân tộc Việt Nam. Giải thích ý nghĩa.
Trả lời:
- Câu tục ngữ: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”
=> Ý nghĩa: khuyên con người cần kính trọng, biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô
Câu 8: Em hãy bày tỏ quan điểm đối với những ý kiến sau:
- a) Tiếp thu văn hóa của dân tộc khác sẽ làm mất đi giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
- b) Mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng.
- c) Không có nền văn hóa lớn và nền văn hóa nhỏ, chỉ có các nền văn hóa khác nhau.
- d) Đoàn kết, tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc là một trong những việc làm để chống lại phân biệt chủng tộc.
Trả lời:
- Ý kiến a) Không đồng tình. Vì: mỗi dân tộc đều có những cái hay, cái đẹp để chúng ta học hỏi. Việc học hỏi, tiếp thu có chọn lọc nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác sẽ giúp chúng ta bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm văn hóa của dân tộc mình.
- Ý kiến b) Đồng tình. Vì: các dân tộc trên thế giới tuy có sự khác biệt nhất định về: màu da, ngoại hình, văn hóa,… song đều bình đẳng với nhau.
- Ý kiến c) Đồng tình. Vì: ở một vùng nói riêng và trên thế giới nói chung, có sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, dạng thức văn hóa và cách biểu đạt văn hóa,… Mỗi nền văn hóa ấy lại có những nét đặc trưng, nét đẹp riêng đáng để chúng ta tiếp thu, học hỏi.
- Ý kiến d) Đồng tình. Một trong những việc làm để chống lại phân biệt chủng tộc chính là: sự đoàn kết, tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc,… Ngoài ra, chúng ta cũng cần tinh thần dũng cảm, sự bao dung và lòng yêu thương con người,…
Câu 9: Tại sao nói lao động là điều kiện, là phương tiện để con người và xã hội phát triển? Nếu con người không lao động thì điều gì sẽ xảy ra?
Trả lời:
- Lao động là hình thức hoạt động của con người, nhờ có lao động mà bản thân mỗi cá thể (con người) được hoàn thiện về các phẩm chất đạo đức, tâm lý, các năng lực được phát triển và điều quan trọng là làm ra của cải cho xã hội để đáp ứng nhu cầu của con người ngày càng tăng.
- Nếu con người không lao động thì sẽ không có gì để ăn, để mặc, để ở, vui chơi giải trí về văn hóa, thể dục, thể thao. Nếu không lao động thì con người sẽ không tồn tại được, xã hội không thể phát triển được.
=> Như vậy, lao động làm cho con người và xã hội phát triển không ngừng.
Câu 10: Em đang tham gia một khóa trao đổi học sinh tại một trường quốc tế, tại đây tổ chức buổi giới thiệu về quê hương đất nước của mình. Em sẽ giới thiệu đến mọi người truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam.
Trả lời:
Em có thể lựa chọn một trong những truyền thống sau đây để giới thiệu.
- Truyền thống yêu nước: sự kiên cường của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam trước tình cảnh đất nước đang gặp các tình huống lâm nguy, những trận đánh làm nên tên tuổi của Việt Nam.
- Truyền thống tôn sư trọng đạo: sự kính mến những người thầy cô đã mang đến tri thức cho mình, ngày 20/11 ngày để tôn vinh các thầy cô giáo, các việc làm thể hiện được sự kính trọng của học sinh Việt Nam đối với thầy cô giáo.
- Truyền thống đoàn kết: tình đoàn kết giữa anh em trong một gia đình, cùng giúp đỡ, san sẻ công việc nhà, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập; tình đoàn kết giữa xóm giềng, chia sẻ những khi chúng ta gặp khó khăn; sự đoàn kết của một khối tập thể khi tham gia vào chống lại các thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến hòa bình của tập thể.
Câu 11: Cho tình huống: “Anh B là du học sinh tại nước X. Học xong, anh B quyết định ở lại quốc gia đã học và làm việc. Sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào Công ti A, mặc dù đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển dụng nhưng anh B vẫn bị từ chối. Anh B liên hệ với Công tỉ A để thắc mắc thì được trả lời rằng: "Công ti không nhận người châu Á". Anh B cảm thấy thất vọng nhưng chưa biết nên giải quyết như thế nào.”
- Em có nhận xét gì về quyết định từ chối nhận người của Công ti A?
- Nếu là anh B, em sẽ xử lí như thế nào?
Trả lời:
- Nhận xét: quyết định từ chối nhận người châu Á vào làm việc của công ty A là hành động không đúng, thể hiện sự phân biệt chủng tộc và văn hóa.
- Nếu là anh B, em sẽ:
+ Viết thư/ email gửi tới bộ phận tuyển dụng để bày tỏ quan điểm bản thân về hành động phân biệt đối xử của công ty.
+ Chứng minh năng lực của bản thân thông qua những hành động phù hợp.
Câu 12: Có quan điểm cho rằng: Chỉ có thể rèn luyện được tính cần cụ vì đó là phẩm chất đạo đức. Còn sáng tạo không rèn luyện được vì đó là tố chất trí tuệ, do bẩm sinh di truyền mà có. Em có đồng tình với quan điểm đó không? Tại sao?
Trả lời:
Em không đồng ý với quan điểm đó; vì sự sáng tạo trong học tập, trong lao động và các hoạt động khác cũng phải từ sự rèn luyện trong học tập lao động và bản thân tự tìm tòi, rút kinh nghiệm những gì đã làm để từ đó sáng tạo ra những cái mới, phương pháp mới, tất nhiên tố chất trí tuệ, yếu tố bẩm sinh di truyền là rất quan trọng.
Câu 13: Em hãy giải thích sự khác nhau giữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với những hủ tục, tập quán lạc hậu.
Trả lời:
- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Là những giá trị tinh thần (tư tưởng, đạo đức,…) được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phù hợp với xã hội hiện đại.
+ Ví dụ: Truyền thống yêu nước; bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, hiếu học,….
- Hủ tục: Là những phong tục đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về văn hóa, văn minh, đạo đức và nếp sống hiện đại.
+ Ví dụ: Hủ tục bắt vợ, phơi xác chết nhiều ngày rồi mới đem chôn,…
Câu 14: Thời mở cửa, nhiều người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, ăn diện theo “mốt” Tây, dùng tiếng Việt pha tiếng nước ngoài, đổ xô đi học ngoại ngữ, đưa nhau tổ chức sinh nhật tại nhà hàng sang trọng...
Theo em, những biểu hiện trên có gì đúng? Có gì sai?
Trả lời:
- Biểu hiện trên đúng ở chỗ:
+ Thể hiện con người Việt Nam đã biết bắt kịp xu hướng và không lạc hậu với thời thế hiện đại.
+ Thể hiện tinh thần ham học hỏi của người Người Việt Nam. Học ngoại ngữ là cách để giúp chúng ta nâng cao kiến thức và dễ dàng giao lưu với người nước ngoài.
- Biểu hiện trên sai ở chỗ: Khi đã biết hiện đại thì con người không còn giữ được những truyền thống và nét văn hóa mà ông cha ta để lại.
Câu 15: Trên đường đi học về, An hỏi Hùng: Hùng ơi! Mấy bài tập cô giáo giao làm thế nào ấy nhỉ?
Hùng: Cách làm tương tự bài hôm nay cô chữa trên bảng ấy, nhưng mình đang suy nghĩ xem có cách giải nào đơn giản hơn không.
An: Ôi, tớ thấy khó lắm, nghĩ cũng chẳng ra đâu, cậu làm đi rồi cho tớ chép nhé!
Hùng: Ừ, thôi thế cũng được, chúng mình là bạn bè mà.
- Theo em, việc Hùng cho bạn chép bài của mình như vậy là đúng hay sai? Vì sao? b. Em có nhận xét gì về thái độ học tập của An?
- Đóng vai Hùng, em hãy đưa ra lời khuyên để giúp An học tập tốt hơn.
Trả lời:
- a) Theo em , việc làm của Hùng là sai . Khi cho bạn chép bài của mình bạn sẽ dần hình thành một thói quen, chép mà không hiểu gì cả sẽ dẫn đến nguy hiểm trong học tập.
- b) Thái độ học tập của An không nghiêm túc học hành , không tự mình nghĩ ra lời giải để làm bài mà phải chép , bài cô chữa cũng không ghi vào vở . Thể hiện bạn An là một người lười học
- c) Nếu em là Hùng em sẽ nói An nên thay đổi bản thân , luôn tìm tòi để học hỏi đừng đi chép bài, dẫn đến hậu quả không hiểu và đi thi không làm được bài…
Câu 16: T xin phép mẹ cho em được tham gia các hoạt động tìm hiểu về các cuộc chiến tranh của Việt Nam. Mẹ T không đồng ý trước lời ngỏ ý của T nên đã bảo con không nên tham gia vì các hoạt động đó không giúp ích gì cho con trong việc học hành ở trên lớp. T cảm thấy buồn nhưng không biết giải thích cho mẹ hiểu như thế nào. Em hãy giúp T giải thích cho mẹ hiểu được giá trị của việc tìm hiểu về các cuộc chiến đấu của Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược.
Trả lời:
T có thể giải thích cho mẹ hiểu như sau:
- Việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh không hề vô ích, giúp chúng ta ghi nhớ được công lao của thể hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để đổi lại nền hòa bình độc lập như bây giờ.
- Am hiểu thêm về kiến thức lịch sử, giúp ích cho việc học môn lịch sử trên trường lớp.
- Học hỏi được những bài học lịch sử đắt giá, nhạy bén trước các âm mưu của kẻ thù xâm lược ngay cả trong thời bình.
Câu 17: Hùng xin phép bố mẹ cho tham gia câu lạc bộ nhảy hiện đại do Đoàn trường tổ chức. Bố mẹ hùng nghe thấy vậy liền phản đối và cho rằng: Nước mình rất nhiều loại hình nghệ thuật tại sao không học, lại đi học mấy loại hình hiện đại này, không hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.
- Em suy nghĩ như thế nào về quan điểm của bố mẹ Hùng?
- b) Đóng vai Hùng, em hãy giải thích để bố mẹ cho phép em tham gia câu lạc bộ.
Trả lời:
- Bố mẹ Hùng có quan điểm muốn bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thế nhưng trong thời buổi hội nhập như ngày nay, chúng ta cần tôn trọng những nét đặc sắc của dân tộc khác thông qua học tập, tìm hiểu
- Nếu là Hùng, em sẽ giải thích cho bố mẹ hiểu rằng việc tìm hiểu, học hỏi văn hóa của các dân tộc khác như nhảy hiện đại, chơi các nhạc cụ của dân tộc khác... không phải là đi ngược với truyền thống văn hóa của dân tộc mà giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học, làm việc mệt nhọc.
Câu 18: Người lao động sáng tạo là người như thế nào?
Trả lời:
Người lao động sáng tạo là người luôn say mê, tìm tòi, phát hiện và xử lí linh hoạt các tình huống trong học tập, lao động, công tác... nhằm đạt kết quả cao.
Câu 19: Em chứng kiến bạn thân của mình có thái độ không được tốt khi tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc. Em sẽ làm gì để khuyên bạn mình trong trường hợp này.
Trả lời:
Em chứng kiến bạn thân của mình có thái độ không được tốt khi tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc em sẽ:
- Nói cho bạn nghe về tầm quan trọng khi tham gia vào các hoạt động truyền thống của dân tộc.
- Khuyên bạn nên có thái độ tích cực khi tham gia vào các hoạt động truyền thống, nên tìm hiểu thêm về các hoạt động truyền thống để hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của dân tộc.
Câu 20: Em hãy nêu những việc nên làm và không nên làm để thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và giải thích tại sao.
Trả lời:
- Những việc nên làm:
+ Tôn trọng tính cách, truyền thống, phong tục tập quán,... của các dân tộc;
+ Luôn tích cực tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào chính đáng về dân tộc mình;
+ Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.
+ Tích cực quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, đất nước và con người của dân tộc mình.
- Những việc không nên làm:
+ Tỏ thái độ hoặc hành động kì thị, phân biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa, các vùng, miền,…
+ Tiếp thu một cách rập khuôn, máy móc; sao chép nguyên bản, không có sự chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài.
+ Ủng hộ các hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.
+ Khép kín, không chịu tiếp thu thành tựu văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác.
+ Tỏ thái độ và hành động xấu hổ, tự ti về văn hóa, đất nước và con người của dân tộc mình.