Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 3: Đặc điểm thổ nhưỡng và sinh vật Việt Nam (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 3: Đặc điểm thổ nhưỡng và sinh vật Việt Nam (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án địa lí 8 chân trời sáng tạo

ÔN TẬP CHƯƠNG 3

ĐẶC ĐIỂM THỔ NHƯỠNG VÀ SINH VẬT VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 11 và kể tên những nơi phân bố đất feralit nâu đỏ trên đá vôi.

Trả lời:

Đất feralit nâu đỏ trên đá vôi được phân bố ở: trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 11 và kể tên những nhóm đất phù sa.

Trả lời:

Những nhóm đất phù sa là: đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn, đất cát biển, đất xám trên phù sa cổ.

Câu 3: Trình bày đặc điểm chung của đất Việt Nam.

Trả lời:

Đất ở nước ta rất đa dạng, thể hiện rõ tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của thiên nhiên Việt Nam.

Sự đa dạng của đất là do nhiều nhân tố tạo nên như: đá mẹ, địa hình, khí hậu, nguồn nước, sinh vật và sự tác động của con người.

Nước ta có ba nhóm đất chính

- Nhóm đất feralit hình thành trực tiếp tại các miền đồi núi thấp, chiếm 65% diện tích đất tự nhiên. Đặc tính của đất là chua, nghèo mùn, nhiều sét. Đất có màu đỏ, vàng do có nhiều hợp chất sắt, nhâm. Các hợp chất này thường tích tụ thành kết von hoặc thành đá ong nằm cách mặt đất khá sâu (0,5 – 1m). Khi đá ong bị mất lớp che phủ và lộ ra ngoài trời sẽ khô cứng lại. Đất xấu đi nhanh chóng và không thể trồng trọt được.

- Đất feralit hình thành trên đá badan và đá vôi có màu đỏ thẫm hoặc đỏ vàng có độ phì rất cao, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp.

+ Nhóm đất mùn núi cao:

Khi lên núi cao, nhiệt độ giảm dần, đất feralit chuyển dần sang các loại đất mùn feralit và đất mùn núi cao, hình thành dưới thảm rừng á nhiệt đới hoặc ôn đới vùng núi cao.

chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là rừng đầu nguồn cần được bảo vệ.

+ Nhóm đất phù sa sông và biển chiếm 24% diện tích đất tự nhiên:

Tập trung tại các đồng bằng lớn, nhỏ từ bắc vào nam. Rộng lớn và phì nhiêu nhất là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Độ phì của đất phù sa phụ thuộc vào đặc tính phù sa của các song và chế độ canh tác của con người. Đất phù sa nhìn chung rất phì nhiêu, dễ canh tác và làm thủy lợi. Đất tơi xốp, ít chua, giàu mùn,… thích hợp với nhiều loại cây trồng (lúa, hoa màu, cây ăn quả,…)

Nhóm đất này chia thành nhiều loại và phân bố ở nhiều nơi: đất trong đê, đất ngoài đê (hay đất bãi đồi) khu vực sông Hồng; đất phù sa cổ miền Đông Nam Bộ; đất phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu; đất chua, mặn, phèn ở các vùng trũng Tây Nam Bộ,…

Câu 4: Các yếu tố nào tạo nên sự đa dạng của đất Việt Nam?

Trả lời:

- Các loại đất dao động trong khoảng rộng về thành phần và cấu trúc theo từng khu vực. Các loại đất được hình thành thông qua quá trình phong hóa của các loại đá và sự phân hủy của các chất hữu cơ. Phong hóa là tác động của gió, mưa, băng, ánh nắng và các tiến trình sinh học trên các loại đá theo thời gian, các tác động này làm đá vỡ vụn ra thành các hạt nhỏ. Các thành phần khoáng chất và các chất hữu cơ xác định cấu trúc và các thuộc tính khác của các loại đất.

- Đất có thể chia ra thành hai lớp tổng quát hay tầng: tầng đất bề mặt, là lớp trên cùng nhất, ở đó phần lớn các loại rễ cây, vi sinh vật và các loại hình sự sống động vật khác cư trú và tầng đất cái, tầng này nằm sâu hơn và thông thường dày đặc và chặt hơn cũng như ít các chất hữu cơ hơn.

- Nước, không khí cũng là thành phần của phần lớn các loại đất. Không khí, nằm trong các khoảng không gian giữa các hạt đất, và nước, nằm trong các khoảng không gian cũng như bề mặt các hạt đất, chiếm khoảng một nửa thể tích của đất. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng của thực vật và các loại hình sự sống khác trong thiết diện đứng của đất trong một hệ sinh thái cụ thể.

Câu 5: Giải thích vì sao quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng của nước ta.

Trả lời:

- Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng của nước ta, vì:

+ Ở nước ta, khí hậu nhiệt đới gió mùa với: nền nhiệt, ẩm cao; lượng mưa lớn và mưa tập trung theo mùa đã làm cho quá trình rửa trôi các chất badơ dễ hòa tan diễn ra mạnh, dẫn đến tích lũy các oxit sắt và oxit nhôm, tạo nên đất feralit có màu chủ đạo là đỏ vàng.

+ Quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp trên đá mẹ axit; trong khi đó, địa hình nước ta chủ yếu là đồi núi thấp, vì thế đất feralit là loại đất chính ở vùng đồi núi Việt Nam.

Câu 6: Lấy ví dụ cụ thể chứng minh một số loại đất của nước ta đang bị thoái hóa.

Trả lời:

- Ví dụ 1: Nhiều diện tích đất feralit ở khu vực trung du và miền núi của Việt Nam đã bị rửa trôi, xói mòn bạc màu, trở nên khô cằn, nghèo dinh dưỡng.

- Ví dụ 2: Đất phù sa ở vùng cửa sông ven biển bị suy thoái do nhiễm mặn nhiễm phèn, ngập úng.

Câu 7: Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần làm gì để bảo vệ và phát huy hiệu quả tài nguyên đất ở nước ta?

Trả lời:

- Một số hành động mà em có thể làm được để góp phần bảo vệ tài nguyên đất:

+ Dọn dẹp, vệ sinh lớp học, khuôn viên nhà ở.

+ Vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

+ Trồng cây xanh.

+ Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

+ Vận động người thân và mọi người xung quanh thực hiện nghiêm Luật đất đai do nhà nước ban hành.

+ Vận động người thân và mọi người xung quanh tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón sinh học; hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

+ Phê phán các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất (ví dụ: sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, chặt phá rừng,…).

Câu 8: Nêu tình trạng suy thoái tài nguyên đất và các biện pháp bảo vệ đất ở vùng đồi núi và vùng đồng bằng nước ta.

Trả lời:

- Suy thoái tài nguyên đất:

+ Trong 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng thì ở đồng bằng có khoảng 350 nghìn ha, còn lại 5 triệu ha là đất đồi núi bị thoái hóa nặng (năm 2015).

+ Diện tích đất đai bị thoái hóa vẫn còn rất lớn. hiện có khoảng 9,3 triệu ha đất bị đe dọa thoái hóa (chiến 28% diện tích đất đai).

- Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất:

+ Đối với vùng đồi núi:

Áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác như: làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá, trồng cây theo băng.

Cải tạo đất hoang, đồi núi trọc bằng các biện pháp nông- lâm kết hợp.

Bảo vệ rừng và đất rừng, tổ chức định canh, định cư.

+ Đối với vùng đồng bằng:

Cần phải có biện pháp quản lí chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp.

Thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cần canh tác hợp lí, chống bạc màu, glây, nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Bón phân cải tạo đất thích hợp; chống ô nhiễm do chất độc hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại, chất bẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng.

Câu 9: Giải thích tại sao sử dụng đất bền vững, tiết kiệm và có hiệu quả đã trở thành chiến lược quan trọng có tính toàn cầu?

Trả lời:

Ngày nay, sử dụng đất bền vững, tiết kiệm và có hiệu quả đã trở thành chiến lược quan trọng có tính toàn cầu. Nó đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại, bởi vì:

Một là, tài nguyên đất vô cùng quý giá. Bất kỳ nước nào, đất đều là tư liệu sản xuất nông - lâm nghiệp chủ yếu, cơ sở lãnh thổ để phân bố các ngành kinh tế quốc dân. Gần đây trong báo cáo về suy thoái đất toàn cầu, UNEP khẳng định “Mặc cho những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vĩ đại, con người hiện đại vẫn phải sống dựa vào đất”. Đối với Việt Nam, một đất nước với “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, đất càng đặc biệt quý giá.

Hai là, tài nguyên đất có hạn, đất có khả năng canh tác càng ít ỏi. Toàn lục địa trừ diện tích đóng băng vĩnh cửu (1.360 triệu héc-ta) chỉ có 13.340 triệu héc-ta. Trong đó phần lớn có nhiều hạn chế cho sản xuất do quá lạnh, khô, dốc, nghèo dinh dưỡng, hoặc quá mặn, quá phèn, bị ô nhiễm, bị phá hoại do hoạt động sản xuất hoặc do bom đạn chiến tranh. Diện tích đất có khả năng canh tác của lục địa chỉ có 3.030 triệu héc-ta. Hiện nhân loại mới khai thác được 1.500 triệu héc-ta đất canh tác.

Ba là, diện tích tự nhiên và đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm do áp lực tăng dân số, sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa và các hạ tầng kỹ thuật. Bình quân diện tích đất canh tác trên đầu người của thế giới hiện nay chỉ còn 0,23 ha, ở nhiều quốc gia khu vực châu Á, Thái Bình Dương là dưới 0,15 ha, ở Việt Nam chỉ còn 0,11 ha. Theo tính toán của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), với trình độ sản xuất trung bình hiện nay trên thế giới, để có đủ lương thực, thực phẩm, mỗi người cần có 0,4 ha đất canh tác.

Bốn là, do điều kiện tự nhiên, hoạt động tiêu cực của con người, hậu quả của chiến tranh nên diện tích đáng kể của lục địa đã, đang và sẽ còn bị thoái hóa, hoặc ô nhiễm dẫn tới tình trạng giảm, mất khả năng sản xuất và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Trên thế giới hiện có 2.000 triệu héc-ta đất đã và đang bị thoái hóa, trong đó 1.260 triệu héc-ta tập trung ở châu Á, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam hiện có 16,7 triệu héc-ta bị xói mòn, rửa trôi mạnh, chua nhiều, 9 triệu héc-ta đất có tầng mỏng và độ phì thấp, 3 triệu héc-ta đất thường bị khô hạn và sa mạc hóa, 1,9 triệu héc-ta đất bị phèn hóa, mặn hóa mạnh. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm do phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải, nước thải đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, sản xuất, dịch vụ và chất độc hóa học để lại sau chiến tranh cũng đáng báo động. Hoạt động canh tác và đời sống còn bị đe dọa bởi tình trạng ngập úng, ngập lũ, lũ quét, đất trượt, sạt lở đất, thoái hóa lý, hóa học đất...

Năm là, lịch sử đã chứng minh sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành trên đất tốt mới có hiệu quả. Tuy nhiên, để hình thành đất với độ phì nhiêu cần thiết cho canh tác nông nghiệp phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm. Vì vậy, mỗi khi sử dụng đất đang sản xuất nông nghiệp cho các mục đích khác cần cân nhắc kỹ để không rơi vào tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt.

Câu 10: Khi không có biện pháp sử dụng đất hợp lý sẽ gây ra những tác hại nào?

Trả lời:

Chỉ xét riêng Việt Nam là một quốc gia phát triển chủ yếu dựa trên nông nghiệp. Hàng năm chúng ta xuất khẩu một lượng hàng nông sản vô cùng lớn ra nước ngoài. Nhờ vậy mà tạo nên công ăn việc làm và thu nhập cho mọi người. Tuy nhiên chính việc sử dụng đất không hợp lý đã và đang gây nên những hệ lụy. Theo như nghiên cứu thì độ phì nhiêu của đất ở nước ta đang có sự giảm sút nghiêm trọng về lượng mùn và chất hữu cơ trong đất. Đất ở những đồng bằng phù sa màu mỡ cũng chỉ còn dưới 1% hàm lượng hữu cơ.

Đất trồng đang bị vắt kiệt bởi việc canh tác liên tục và đất không hề được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Tình trạng này kéo dài đã khiến cho đất nông nghiệp trở nên khô cứng, bạc màu.

Thực trạng hiện nay đã có hơn 1,3 triệu ha đất bị suy thoái. Hơn 2,3 triệu ha đất có dấu hiệu và 6,6 triệu ha có nguy cơ bị suy thoái. Những con số này chính là hồi chuông cảnh tỉnh nếu như không có biện pháp sử dụng đất hợp lý.

Câu 11: Trình bày đặc điểm đất phù sa.

Trả lời:

- Được hình thành do quá trình bồi tụ của các hệ thống sông.

- Đất phù sa ở nước ta có đặc điểm chung là tầng đất dày và phì nhiêu. Tuy nhiên, do điều kiện hình thành và quá trình khai thác đã tạo ra các loại đất phù sa có tính chất khác nhau:

+ Đất phù sa sông (điển hình là đất phù sa của sông Hồng và sông Cửu Long) là loại đất phù sa trung tính, ít chua; đất có màu nâu, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng.

+ Đất phèn là loại đất hình thành ở những vùng trũng nước lâu ngày; đất bị chua, nghèo dinh dưỡng.

+ Đất mặn là loại đất được hình thành ở các vùng cửa sông, ven biển.

 - Ngoài ra, còn một số loại đất phù sa khác như: đất xám trên phù sa cổ, đất cát ven biển,..

Câu 12: Kể tên một số vườn quốc gia ở nước ta có hệ sinh thái rừng trên đảo và ven biển.

Trả lời:

Vườn quốc gia có hệ sinh thái rừng trên đảo và ven biển là: vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Côn Đảo.

Câu 13: Nơi phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn nước ta là ở đâu?

Trả lời:

Nơi phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta là ở: vùng đất triều bãi cửa sông, ven biển.

Câu 14: Nơi phát triển hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa nước ta là ở đâu?

Trả lời:

Nơi phát triển hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa ở nước ta là ở: vùng đồi núi.

Câu 15: Nơi phát triển hệ sinh thái nông nghiệp nước ta là ở đâu?

Trả lời:

Nơi phát triển hệ sinh thái nông nghiệp ở nước ta là ở: đồng bằng, đồi núi thấp, sông ngòi,...

Câu 16: Liệt kê ít nhất 3 dự án Việt Nam đang triển khai để bảo tồn đa dạng sinh học.

Trả lời:

Dự án Việt Nam đang triển khai để bảo tồn đa dạng sinh học là:

- Dự án Quản lý Rừng bền vững.

- Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học.

- Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp.

- Dự án Bảo tồn Biển đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 17: Nêu đặc điểm chung của sinh vật Việt Nam.

Trả lời:

Đặc điểm chung của sinh vật Việt Nam là:

- Sinh vật nước ta rất phong phú và đa dạng. Trước hết là sự đa dạng về thành phần loài, sự đa dạng về gen di truyền, sự đa dạng về kiểu hệ sinh thái và sau nữa là sự đa dạng về công dụng của các sản phẩm sinh học.

- Trên đất liền, hình thành đới rừng nhiệt đới gió mùa và trên Biển Đông hình thành một hệ sinh vật biển nhiệt đới vô cùng giàu có.

- Do tác động của con người, nhiều hệ sinh thái tự nhiên (rừng, biển ven bờ) bị tàn phá, biến đổi và suy giảm về chất lượng và số lượng.

Câu 18: Nêu các kiểu hệ sinh thái ở Việt Nam.

Trả lời:

- Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng đất triều bãi cửa sông, ven biển.

- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa ở vùng đồi núi với nhiều biến thể:

+ Rừng kín thường xanh ở Cúc Phương (Ba Bể).

+ Rừng thưa rụng lá (rừng khộp) Tây Nguyên.

+ Rừng tre nứa ở Việt Bắc.

+ Rừng ôn đới núi cao (Hoàng Liên Sơn).

- Hệ sinh thái rừng thứ sinh hoặc trảng cỏ, cây bụi phân bố ở các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.

- Hệ sinh thái nông - lâm nghiệp ở vùng nông thôn đồng bằng, trung du, miền núi: đồng ruộng, vườn làng, ao hồ, sông.

- Hệ sinh thái là các khu bảo tồn thiên nhiên và quốc gia.

Câu 19: Ta nói sinh vật là thành phần chỉ thị của môi trường địa lý tự nhiên là tạo sao?

Trả lời:

Ta nói sinh vật là thành phần chỉ thị của môi trường địa lý tự nhiên vì:

- Sinh vật ở nơi nào thì chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu, đất trồng nơi ấy.

- Các yếu tố của môi trường đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Mỗi một loại môi trường khác nhau thì có một hệ sinh vật tương ứng khác nhau.

Câu 20: Kể tên một số vườn quốc gia của nước ta. Các vườn quốc gia có giá trị như thế nào và cho ví dụ cụ thể.

Trả lời:

- Tên một số vườn quốc gia: Cúc Phương, Ba Bể, Cát Bà, Tam Đảo, Bến Em, Bạch Mã, Côn Đảo, Tràm Chim…

- Các vườn quốc gia có giá trị:

+ Giá trị khoa học:

Bảo tồn nguồn gen sinh vật tự nhiên.

Cơ sở để nhân giống và lai tạo giống mới.

Là phòng thí nghiệm tự nhiên không có gì thay thế được.

+ Giá trị kinh tế - xã hội:

Phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân địa phương (tạo việc làm, tăng thu nhập, phục hồi nghề truyền thống, các lễ hội tốt đẹp ở địa phương).

Tạo môi trường sống tốt cho xã hội (chữa bệnh, phát triển thể chất, rèn luyện thân thể...).

Xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

Ví dụ: Vườn quốc gia Tràm Chim có vai trò bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim sếu, bảo tồn các loài động - thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay