Câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 1: Trồng trọt (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Trồng trọt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 7 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án công nghệ 7 kết nối tri thức (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 1: TRỒNG TRỌT
(PHẦN 1 – 20 CÂU)

Câu 1: Trình bày sự phân chia các nhóm cây trồng ở Việt Nam? Liệt kê một số phương thức trồng trọt phổ biến ở Việt Nam? Trồng trọt ngoài tự nhiên là gì?

Trả lời:

- Cây trồng rất đa dạng, phong phú. Dựa vào mục đích sử dụng, con người phân chia cây trồng thành nhiều nhóm khác nhau như cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây rau, cây thuốc, cây gia vị, cây hoa, cây cảnh, cây lấy gỗ,...

- Một số phương thức trồng trọt phổ biến ở Việt Nam: Trồng trọt ngoài tự nhiên, trồng trọt trong nhà có mái che và trồng trọt kết hợp.

- Trồng trọt ngoài tự nhiên là phương thức trồng trọt phổ biến, được áp dụng cho hầu hết các loại cây trồng. Theo phương thức này, mọi công việc trong quy trình trồng trọt đều được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.

Câu 2: Nêu mục đích của các công việc chính trong giai đoạn làm đất?

Trả lời:

Các công việc làm đất gồm:

- Cày đất: Làm xáo trộn lớp đất mặt ở độ sâu khoảng 20 – 30 cm. Cày đất có tác dụng làm tăng bề dày lớp đất trồng, chôn vùi cỏ dại, làm cho đất tơi, xốp và thoáng khí.

- Bừa/đập đất: Có tác dụng làm nhỏ đất, thu gom cỏ dại trong ruộng, trộn đều phân bón và san phẳng mặt ruộng.

- Lên luống: Một số loại cây trồng cần phải làm luống để dễ chăm sóc, chống ngập úng và tạo tầng đất dày cho cây sinh trưởng, phát triển.

Câu 3: Trình bày quy trình gieo hạt?

Trả lời:

Thường áp dụng đối với cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô, đỗ, rau,...) và trong các vườn ươm cây. Đối với các loại hạt nhỏ thì gieo trực tiếp hạt giống lên mặt đất ẩm, sau đó phun sương cho hạt bám vào đất trồng. Đối với các hạt to hơn thì nên vùi hạt xuống đất với độ sâu từ hai đến ba lần đường kính của hạt, sau đó lấp đất lại. Không nên đất quá chặt sau khi vùi lấp hạt.

Câu 4: Thành tựu khoa học kĩ thuật nào được áp dụng trong thu hoạch?

Trả lời:

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, nhiều loại máy thu hoạch đã được áp dụng trong sản xuất (như máy thu hoạch lúa, máy thu hoạch ngô, máy thu hoạch mía, máy thu hoạch cà chua,...) giúp nâng cao hiệu quả thu hoạch, tiết kiệm thời gian và sức lao động.

Câu 5: Nêu các bước thực hiện kỹ thuật giâm cành?

Trả lời:

Bước 1. Chọn cành giâm: Chọn cành bánh tẻ (không quá non hay quá già), cành khoẻ mạnh, không bị sâu, bệnh.

Bước 2. Cắt cành giâm: Dùng dao cắt vát cành giâm thành từng đoạn khoảng 10 – 15 cm, có từ 2 đến 4 lá, cắt bớt phiến lá.

Bước 3. Xử lý cành giâm: Nhúng gốc cành giâm sâu khoảng 1 – 2 cm vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ, trong khoảng 5 – 10 giây .

Bước 4. Cắm cành giâm: Cắm cành giâm hơi chếch vào khay đất hay luống đất ẩm, sâu khoảng 3 – 5 cm, khoảng cách 5 cm x 5 cm hoặc 10 cm x 10 cm.

Bước 5. Chăm sóc cành giâm: Tưới nước giữ ẩm. Sau từ 10 đến 15 ngày, kiểm tra thấy cành giâm ra rễ nhiều, rễ dài và chuyển từ màu trắng sang màu vàng thì chuyển ra vườn ươm.

Câu 6: Khi trồng rau tại nhà cần lưu ý những điều gì?

Trả lời:

Để trồng rau xanh tại nhà, ban công thành công, bạn cần lưu ý một số điều sau:

- Chọn loại rau phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và diện tích trồng.

- Chuẩn bị đất trồng tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

- Tưới nước thường xuyên, mỗi ngày 2-3 lần.

- Bón phân định kỳ 2-3 lần/tháng.

Phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Câu 7: Phân tích ưu và nhược điểm của phương pháp trồng trọt trong nhà có mái che?

Trả lời:

- Ưu điểm: Trồng trọt theo phương thức này, cây ít bị sâu, bệnh, có thể tạo ra năng suất cao, chủ động trong việc chăm sóc và có thể sản xuất được rau, quả trái vụ, an toàn.

- Nhược điểm: phương thức này đòi hỏi phải đầu tư lớn và kỹ thuật cao hơn so với trồng trọt ngoài tự nhiên.

Câu 8: Nêu cách bón phân lót cho cây trồng đang được áp dụng ở gia đình, địa phương em theo mẫu bảng sau:

STT

Loại cây trồng

Cách bón phân lót

1

 

Trả lời:

STT

Loại cây trồng

Cách bón phân lót

1

Cây lúa

Rắc đều lên mặt ruộng

2

Cây ngô

Bón theo hốc trồng cây

3

Cây khoai lang

Bón theo hàng

 

Câu 9: Nêu tác dụng của biện pháp canh tác và sử dụng giống chống sâu, bệnh?

Trả lời:

Biện pháp canh tác (như làm đất, vệ sinh đồng ruộng, gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc kịp thời, bón phân hợp lí, luân phiên các loại cây trồng khác nhau trên một đơn vị diện tích,...) có tác dụng hạn chế mầm sâu, bệnh; tránh thời kì sâu, bệnh phát triển mạnh, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức chống chịu sâu, bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng giống chống sâu, bệnh giúp tránh sự xâm nhập của sâu, bệnh vào cây trồng.

Câu 10: Vì sao sau khi tuốt lúa lại cần phải phơi thóc hoặc đem thóc đi sấy ngay mà không để thóc tươi và đánh đống lại?

Trả lời:

Khi tuốt lúa lại cần phải phơi thóc hoặc đem thóc đi sấy ngay mà không để thóc tươi và đánh đống lại vì:

- Hạt thóc sau khi tuốt thường có độ ẩm cao (khoảng 20% - 27%) thuận lợi cho quá trình hô hấp của tế bào, vì vậy, nếu đánh đống lại thóc sẽ hô hấp mạnh dẫn đến bị hao hụt và giảm chất lượng gạo.

- Đem thóc đi phơi hoặc sấy làm cho độ ẩm trong tế bào hạt thóc giảm xuống, ngăn cản quá trình hô hấp của tế bào, thóc không bị hao hụt và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản.

Câu 11: Giải thích tại sao khi phòng trừ sâu bệnh, người ta lại đặt nguyên tắc phòng là chính lên hàng đầu?

Trả lời:

- Phòng bệnh đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, ít tốn kém hơn chữa bệnh.

- Khi phòng bệnh tốt thì:

+ Cây trồng sẽ không hoặc ít mắc bệnh

+ Sinh trưởng và phát triển tốt

+ Năng suất và chất lượng cao.

- Khi cây trồng đã mắc bệnh thì:

+ Tốn công, tiền để chữa bệnh

+ Cây trồng mắc bệnh sẽ sinh trưởng và phát triển kém

+ Giảm năng suất và chất lượng nông sản

+ Một số bệnh còn không chữa được

Câu 12: Mô hình trồng trọt nào đang và sẽ áp dụng rộng rãi trong trồng trọt?

Trả lời:

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều công nghệ mới, hiện đại như tự động tưới nước, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm,... đang và sẽ áp dụng rộng rãi trong trồng trọt nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản; thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Câu 13: Tại sao cần phải bón phân thúc cho cây trồng?

Trả lời:

Bón phân thúc bằng phân hữu cơ hoai mục và phân hoá học. Trước khi bón phân cần làm sạch cỏ dại, sau khi bón phân cần vun xới, vùi phân bón vào đất. Bón phân thúc giúp cung cấp đầy đủ, kịp thời chất dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản

Câu 14: Em hãy đề xuất quy trình chuẩn bị đất để trồng cây trong vườn/ ban công?

Trả lời:

Đề xuất quy trình chuẩn bị đất để trồng cây rau muống trong vườn là:

- Bước 1: Cuốc đất vườn cho tơi xốp, thoáng khí.

- Bước 2: Băm đất cho nhỏ

- Bước 3: Lên luống

Câu 15: Trước khi bón phân cần phải làm cỏ dại. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Trước khi bón phân cần phải làm cỏ dại để giảm sự cạnh tranh chất dinh dưỡng của cây trồng và hạn chế nơi trú ẩn của sâu bệnh. Nếu không làm cỏ dại sạch sẽ, cỏ sẽ cạnh tranh phân bón với cây trồng. Cỏ càng mọc nhanh sẽ cạnh tranh cả nước, ánh sáng, không gian chứa khí và điều kiện để sâu bệnh phát sinh phát triển.

Câu 16: Liệt kê một số loại cây ở nước ta có thể thực hiện kỹ thuật ghép?

Trả lời:

Ở nước ta, cây trồng thường được thực hiện kỹ thuật ghép là cây ăn quả. Một số loài cây phổ biến được thực hiện kỹ thuật ghép là cam quýt, cây nhãn, cây vải.

Câu 17: Trồng trọt trong nhà có mái che là gì? Trồng trọt kết hợp là gì? Trồng trọt công nghệ cao có những đặc điểm gì?

Trả lời:

- Trồng trọt trong nhà có mái che là phương thức trồng trọt thường được tiến hành ở những nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi (như già rét, hạn hán, sương muối,...) hoặc áp dụng đối với những cây trồng khó sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tự nhiên

- Trồng trọt kết hợp là phương thức trồng trọt kết hợp giữa trồng trọt ngoài tự nhiên và trồng trọt trong nhà có mái che.

- Đặc điểm của trồng trọt công nghệ cao:

+ Ưu tiên sử dụng các giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn.

+ Đất trồng dần được thay thế bằng các loại giá thể hoặc dung dịch dinh dưỡng, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

+ Ứng dụng ngày càng nhiều các thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm chủ động và nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động.

+ Người lao động có trình độ cao, quy trình sản xuất khép kín từ khâu nghiên cứu, ứng dụng sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Câu 18: Căn cứ vào những yếu tố nào để xác định thời vụ gieo trồng?

Trả lời:

Con người căn cứ vào các yếu tố khí hậu, tình hình phát sinh sâu, bệnh ở mỗi địa phương để xác định thời vụ gieo trồng thích hợp cho từng loại cây trồng.

Câu 19: Trình bày các giai đoạn trong trồng trọt kết hợp?

Trả lời:

Đối với một số loại cây rau, cây chè, cây lúa trồng trong vụ đông ở miền Bắc, thời kỳ gieo hạt và thời kỳ cây con thường được tiến hành trong nhà có mái che, các giai đoạn sau tiến hành trồng ngoài tự nhiên để đảm bảo các điều kiện ngoại cảnh thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.

Câu 20: Tại sao chúng ta cần thực hành tiêu nước cho cây trồng?

Trả lời:

Nếu thửa nước sẽ gây ngập úng, làm ảnh hưởng đến rễ cây, lá bị vàng úa. Ngập nước lâu ngày có thể làm cây trồng bị chết. Vì thế, phải tiến hành tiêu nước kịp thời, nhanh chóng bằng các biện pháp thích hợp.

=> Giáo án công nghệ 7 kết nối bài: Ôn tập chương I

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay