Câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 1: Trồng trọt (P3)
Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Trồng trọt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án công nghệ 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 1: TRỒNG TRỌT
(PHẦN 3 – 20 CÂU)
Câu 1: Gieo trồng gồm những hình thức nào? Nêu các yêu cầu của kỹ thuật gieo trồng? Thời vụ là gì?
Trả lời:
- Có hai hình thức gieo trồng chính là gieo bằng hạt và trồng bằng cây con. Ngoài ra, có thể trồng bằng củ, bằng đoạn thân,... Tùy theo mỗi loại cây mà áp dụng kĩ thuật gieo trồng phù hợp.
- Các yêu cầu của kỹ thuật gieo trồng:
+ Khi gieo trồng phải đảm bảo các yêu cầu về thời vụ, mật độ, khoảng cách và độ nông, sâu.
+ Mỗi loại cây được gieo trồng vào một khoảng thời gian nhất định, thời gian đó gọi là thời vụ.
Câu 2: Nêu một số phương pháp thu hoạch sản phẩm trồng trọt phổ biến?
Trả lời:
Một số phương pháp thu hoạch sản phẩm trồng trọt phổ biến là: hái, nhổ, đào, cắt, sử dụng máy thu hoạch
Câu 3: Nhân giống vô tính là gì?
Trả lời:
Nhân giống vô tính cây trồng là hình thức tạo ra cây giống trực tiếp từ các bộ phận sinh dưỡng (lá, thân, rễ) của cây mẹ. Các cây con được tạo ra bằng hình thức nhân giống này mang các đặc điểm giống với cây mẹ. Hình thức nhân giống này thường được áp dụng cho các loại cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh,...
Câu 4: Nêu tiến trình của dự án trồng rau an toàn
Trả lời:
Tiến trình của dự án trồng rau an toàn:
- Lập kế hoạch và tính toán chi phí
- Chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ
- Trồng, chăm sóc và thu hoạch rau
Câu 5: Có thể áp dụng thành tựu khoa học công nghệ nào để dự báo sâu bệnh?
Trả lời:
Ứng dụng công nghệ cao trong dự báo sâu bệnh
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phân tích mối quan hệ giữa quá trình sinh trưởng của sâu bệnh với các yếu tố thời tiết, thiên địch, điều kiện địa lý,... có thể dự báo sự xuất hiện và bùng phát sâu bệnh, đưa ra được giải pháp phòng trừ tốt nhất.
Câu 6: Làm đất, bón lót trước khi gieo trồng rất có lợi cho cây. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Làm đất giúp cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, chất dinh dưỡng, đồng thời diệt cỏ dại và mầm mống sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Bón lót là bón phân vào đất trước khi gieo trồng nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây con ngay khi mới mọc hoặc mới bén rễ.
Câu 7: Nêu các phương pháp thu hoạch sản phẩm trồng trọt đang được áp dụng ở gia đình, địa phương em
Trả lời:
Phương pháp thu hoạch |
Loại cây trồng áp dụng |
Phương pháp hái |
Rau, đỗ, nhãn, chôm chôm |
Phương pháp nhổ |
Su hào, sắn, lạc |
Phương pháp đào |
Khoai tây, khoai lang |
Phương pháp cắt |
Lúa, hoa, bắp cải |
Câu 8: Trình bày quy trình trồng cây con?
Trả lời:
Thường áp dụng rộng rãi với nhiều loại cây trồng ngắn ngày và dài ngày. Khi trồng cần đảm bảo mật độ và độ nông, sâu phù hợp với từng loại cây, vun gốc để giúp cây đứng vững, tưới nước đầy đủ cho cây sau khi trồng.
Câu 9: Trình bày kỹ thuật ghép trong nhân giống vô tính cây trồng?
Trả lời:
Dùng một bộ phận sinh dưỡng của một cây (mắt ghép, chồi ghép, cảnh ghép) ghép vào một cây khác (gốc ghép), sau đó bỏ lại. Chất dinh dưỡng sẽ đi trực tiếp từ gốc ghép sang phần được ghép (mắt ghép, chồi ghép hoặc cành ghép) giúp cho phần được ghép tiếp tục phát triển.
Câu 10: Nêu yêu cầu của chuẩn bị nguyên vật liệu và dụng cụ?
Trả lời:
- Cây giống hoặc hạt giống: mua ở các cửa hàng uy tín, nếu là cây giống thì cây phải khoẻ mạnh, không có mầm bệnh; nếu là hạt giống thì bao bì phải còn nguyên vẹn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Xử lí hạt giống trước khi gieo theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
- Chậu nhựa chuyên dụng hoặc thùng xốp: sạch sẽ, không có mầm bệnh. Nếu là thùng xốp, cần đục các lỗ ở bên thành (sát mặt trong của đáy thùng) để thoát nước.
- Đất trồng: Có thể sử dụng đất sạch trồng rau có nguồn gốc tự nhiên hoặc đất trồng rau hữu cơ (có thành phần chính là xơ dừa, vỏ trấu).
- Phân bón: Sử dụng phân bón phù hợp với từng loại rau. Tốt nhất nên sử dụng các loại phân vi sinh.
- Dụng cụ trồng và tưới nước: bộ dụng cụ trồng rau, bình tưới nước.
Câu 11: Trình bày đặc điểm của một số ngành nghề trong trồng trọt mà em biết?
Trả lời:
- Kỹ sư trồng trọt
Kỹ sư trồng trọt là những người làm nhiệm vụ giám sát và quản lý toàn bộ quá trình trồng trọt, nghiên cứu cải tiến và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
Phẩm chất cần có của kỹ sư trồng trọt là yêu thiên nhiên, yêu thích công việc chăm sóc cây trồng, thích khám phá quy luật sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
- Kỹ sư bảo vệ thực vật
Kỹ sư bảo vệ thực vật là những người làm nhiệm vụ nghiên cứu và phòng trừ các tác nhân gây hại để bảo vệ cây trồng nhằm giúp trồng trọt đạt hiệu quả cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Phẩm chất cần có của kỹ sư bảo vệ thực vật là yêu thiên nhiên, thích nghiên cứu khoa học, thích khám phá quy luật phát sinh, phát triển của côn trùng và các loài sâu, bệnh.
- Kỹ sư chọn giống cây trồng
Kỹ sư chọn giống cây trồng là những người làm nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các giống cây trồng hiện có; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng mới phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phẩm chất cần có của kỹ sư chọn giống cây trồng là yêu thích cây trồng, thích nghiên cứu khoa học, cần thận, kiên trì và tỉ mỉ.
Câu 12: Những loại phân bón nào được dùng để bón phân lót cho cây?
Trả lời:
Loại phân thường sử dụng để bón lót là phân hữu cơ hoặc phân lân. Phân bón được rắc đều lên mặt ruộng hay bón theo hàng, theo hốc trồng cây.
Câu 13: Nêu các dụng cụ được sử dụng để thu hoạch sản phẩm trồng trọt mà em biết
Trả lời:
Dụng cụ thu hoạch |
Sử dụng cho loại cây trồng |
Máy gặt, liềm |
Cây lúa |
Máy thu hoạch ngô, cuốc |
Cây ngô |
Máy thu hoạch mía, cuốc |
Cây mía |
Máy thu hoạch cà chua, cuốc |
Cây cà chua |
Câu 14: Việc tỉa, dặm cây khi chăm sóc cây trồng có mục đích gì?
Trả lời:
Tiến hành tỉa bỏ các cây yếu, cây bị sâu, bệnh; tỉa cây tại chỗ có cây mọc dày và dặm cây khoẻ vào chỗ hạt không mọc hoặc cây bị chết. Tía, dặm cây nhằm đảm bảo khoảng cách, mật độ cây trên đồng ruộng giúp cây sinh trưởng tốt, đảm bảo năng suất.
Câu 15: Liệt kê một số loại cây ở nước ta có thể thực hiện kỹ thuật chiết cành?
Trả lời:
Hiện nay ở nước ta chiết cành tuy đã được thay thế dần dần bằng ghép nhưng còn áp dụng khá phổ biến cho những cây như chanh, bưởi, vải, nhãn, mơ, mận (Prunus), hồng xiêm, khế, gioi
Câu 16: Kể tên những loại rau xanh dễ trồng tại nhà, ban công?
Trả lời:
Một số loại rau xanh dễ trồng tại nhà, ban công: rau muống, rau cải xanh, rau dền, rau muống, rau ngót, rau mồng tơi, tía tô, mùi ta, mùi tàu
Câu 17: Làm cỏ, vun xới khi chăm sóc cây trồng có mục đích gì?
Trả lời:
Cần tiến hành làm cỏ, vun xới kịp thời để đáp ứng những yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Làm cỏ giúp giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu, bệnh. Vun xới giúp cây đứng vững, tạo độ tơi xốp, thoáng khi cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển.
Câu 18: Ở nước ta có bao nhiêu vụ gieo trồng chính trong năm?
Trả lời:
Ở nước ta có ba vụ gieo trồng chính trong năm là vụ đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), vụ hè thu (từ tháng 4 đến tháng 7), vụ mùa (từ tháng 7 đến tháng 11). Các tỉnh miền Bắc còn có vụ đồng (từ tháng 10 đến tháng 12), gieo trồng một số loại cây như các loại ngô, khoai tây, đậu tương, cải bắp, su hào...
Câu 19: Nêu mục đích của các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh?
Trả lời:
- Vệ sinh đồng ruộng: Loại bỏ các cây (hoặc các phần cây) bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng, thu gom tập trung và và xử lý sẽ giúp ngăn ngừa sự lan truyền của các tác nhân gây bệnh tới các cây khỏe; phòng trừ sâu bệnh hại.
- Gieo trồng đúng thời vụ: Để cây được trồng ở điều kiện khí hậu, mật độ thích hợp, giúp cây phát triển thuận lợi, đạt năng suất cao.
- Chăm sóc kịp thời, bón phân hợp lí: Giúp cây sinh trưởng , phát triển tốt , tăng sức chống chịu sâu, bệnh cho cây.
- Luân canh cây trồng: Thay đổi điều kiện sống và nguồn thức ăn của sâu bệnh.
- Sử dụng giống chống chịu sâu bệnh: Tránh sự xâm nhập của sâu, bệnh.
Câu 20: Bạn nam rất yêu thiên nhiên, yêu thích công việc chăm sóc cây trồng. Nam mơ ước sau này sẽ nghiên cứu tạo ra các hệ thống trồng cây giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Theo em, bạn Nam phù hợp với ngành nghề nào trong trồng trọt? Vì sao?
Trả lời:
- Theo em, bạn Nam phù hợp với nghề kỹ sư trồng trọt.
- Giải thích: Vì Nam yêu thiên nhiên, yêu thích công việc chăm sóc cây trồng là phẩm chất cần thiết của kỹ sư trồng trọt. Nghiên cứu tạo ra các hệ thống trồng cây giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao là công việc của kỹ sư trồng trọt.
=> Giáo án công nghệ 7 kết nối bài: Ôn tập chương I