Câu hỏi tự luận Công dân 7 kết nối Ôn tập từ bài 7 - bài 10 (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 7 - bài 10 (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án giáo dục công dân 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP BÀI 7+8+9+10
PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – QUẢN LÍ TIỀN – PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI – QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN TRONG GIA ĐÌNH
Câu 1: Hậu quả của bạo lực học đường là gì?
Trả lời:
Bạo lực học đường có thể gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng, như tạo ra các cá nhân trẻ tuổi có nguy cơ trở thành người lớn có vấn đề về hành vi và tình thần. Nó cũng có thể tạo ra một vòng lặp bạo lực trong xã hội, gây ra rối loạn trật tự công cộng và làm suy yếu môi trường hòa bình.
Câu 2: Nêu những biểu hiện của bạo lực học đường.
Trả lời:
- Biểu hiện của bạo lực học đường:
+ Hành hạ, ngược đãi, đánh đập;
+ Xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Cô lập, xua đuổi, cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần.
Câu 3: Theo em người thực hiện hành vi bạo lực học đường thường là ai?
Trả lời:
Theo em,, người thực hiện các hành vi bạo lực học đường thường là học sinh. Những hành vi đó thường xảy tại trên trường trên lớp. Nguyên nhân chủ yếu là do những xích mích, va chạm không giải quyết được. Để khắc phục được tình trạng trên cần có quy định nghiêm ngặt về bạo lực học đường.
Câu 4: Theo em phải làm gì để ngăn chặn hiện tượng bạo lực học đường?
Trả lời:
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Tuyên truyền cho bạn bè, gia đình về tác hại, hậu quả của bạo lực học đường;
- Xây dựng mối quan hệ gắn bó với bạn học và nhà trường;
- Lên án, đấu tranh chống bạo lực học đường bằng các biện pháp cần thiết, phù hợp với khả năng của bản thân.
Câu 5: Từng là một nạn nhân của việc thoá mạ trên mạng xã hội, N là học sinh lớp 7, bị bịa đặt loan truyền trong lớp về những câu chuyện hoàn toàn sai sự thật về mình. Trong đó có chuyện bịa là N hay nhìn bài của bạn khi kiểm tra nên mới được điểm cao, hay chuyện chế N “béo như lợn”, “xấu tính”, và còn nhiều chuyện rất không hay về N và gia đình. Chỉ một thời gian sau, những lời nói xấu N bị đăng tải lên Facebook. Lúc đó có rất nhiều người hùa theo chửi bới N mà chẳng cần biết chuyện đúng hay sai sự thật. Từ đó N không sao chịu nổi và trở nên trầm cảm. Em nhận xét thế nào về hành vi của những bạn trong lớp đối với N?
Trả lời:
Hành vi thóa mạ, bịa đặt sai sự thật của các bạn trong lớp về N là hành vi bạo lực học đường. Hành vi này đã gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của N, khiến N rơi vào trạng thái trầm cảm.
Câu 6: Hãy nêu một số nguyên tắc quản lý tiền hiệu quả.
Trả lời:
Một số nguyên tắc quản lý tiền hiệu quả:
- Xác định rõ mục tiêu quản lý tiền trên cơ sở các khoản thu thực tế của bản thân.
- Tiết kiệm trước khi chi tiêu, tiết kiệm phải thường xuyên, đều đặn.
- Chỉ chi tiêu các khoản cần thiết, tránh lãng phí.
Câu 7: Hãy nêu một số cách tạo nguồn thu nhập cá nhân.
Trả lời:
Để tạo nguồn thu nhập, mỗi người có thể tìm cho mình một công việc phù hợp với độ tuổi, sở thích và điều kiện, để biết quý trọng đồng tiền của bản thân, gia đình và xã hội. Ví dụ, học sinh chúng ta có thể tạo nguồn thu nhập cá nhân bằng việc tự sáng tạo, tái chế những chai lọ, vật phẩm nhựa thành những đồ dùng sáng tạo, đẹp mắt và hữu dụng, có thể thu gom những sách vở, báo không dùng đến để bán giấy vụn,…
Câu 8: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?
-
Quản lý tiền là việc của người trưởng thành, không phải là của học sinh.
B, Quản lý tiền hiệu quả giúp mỗi người chủ động trong chỉ tiêu để thực hiện các dự định tương lai của bản thân.
-
Quản lý tiền là việc không cần thiết, tốn thời gian, nên dùng thời gian đó để kiếm tiền thi tốt hơn.
-
Quản lý tiền hiệu quả giúp mỗi người có thể để phòng những trường hợp rủi ro bất ngờ trong cuộc sống.
-
Học sinh không cần quản lý tiền, vì nhiều cha mẹ học sinh không muốn con minh sớm bị đồng tiền làm ảnh hưởng.
Trả lời:
- Em đồng tình với ý kiến: B, D.
Vì những ý kiến này đúng với ý nghĩa và mục đích của chi tiêu tiền hợp lý.
- Em không đồng tình với ý kiến: A, C, E.
Vì những ý kiến này không đúng với ý nghĩa và mục đích của chi tiêu tiền hợp lý.
Câu 9: Vì sao tiết kiệm thức ăn, điện, nước,...lại giúp chúng ta tiết kiệm được tiền? Nêu ý nghĩa của việc tiết kiệm thức ăn, điện, nước,...trong cuộc sống.
Trả lời:
Vì thức ăn, điện, nước chúng ta đều phải chi trả bằng tiền, vì vậy sử dụng vừa đủ, không lãng phí thức ăn, điện, nước sẽ giúp tiết kiệm tiền.
- Ý nghĩa của việc tiết kiệm thức ăn, điện, nước:
+ Khi chúng ta không sử dụng hoang phí, biết tiết kiệm thức ăn, điện, nước,... chúng ta sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, có thể dành để chi tiêu cho những việc cần thiết khác.
+ Thức ăn, điện, nước,... là những thứ có hạn, rất nhiều người trên thế giới không có thức ăn để ăn, không có điện và nước sạch để sử dụng, vì vậy chúng ta cần phải sử dụng hợp lí những nguồn tài nguyên này.
Câu 10: Đầu năm mới, H nhận được một khoản tiền mừng tuổi và dự định dùng số tiền đó để mua một chiếc máy tính cầm tay. Nhưng khi thấy cửa hàng gần nhà bán một đồ chơi hấp dẫn, H đã dùng hết số tiền này để mua mà quên mất dự định của minh.
-
a) Em có nhận xét gì về việc làm của H?
-
b) Nếu em là bạn của H, em sẽ khuyên H như thế nào?
Trả lời:
-
a) Việc làm của H đã thể hiện bạn là người không biết cách quản lí tiền bạc và chi tiêu hiệu quả. Việc H dùng hết tiền để mua một món đồ chơi khi chưa lên kế hoạch kĩ lưỡng là vô cùng phí phạm. Hơn nữa vì vậy mà H không còn tiền để mua chiếc máy tính cầm tay phục vụ cho việc học tập nữa.
-
b) Nếu em là bạn của H, em sẽ khuyên H rằng hãy cố gắng tập quản lý chi tiêu, không nên chi tiêu theo cảm tính thích gì mua đó, tập cách cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua một thứ gì đó xem đó có phải là thứ thực sự cần thiết không, có ý nghĩa lâu dài hay k và nên duy trì cho bản thân một khoản tiền tiết kiệm. Bởi vì quản lí chi tiêu hiệu quả sẽ giúp H không rơi vào tình trạng chi tiêu quá mức, luôn ở trong trạng thái chủ động và có thể mua được những thứ cần thiết phục vụ cho cuộc sống.
Câu 11: Nêu nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội.
Trả lời:
- Nguyên nhân: Do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng sống; do lười lao động, ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ; do ảnh hưởng của môi trường gia đình, môi trường xã hội tiêu cực;…
Câu 12: Tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả gì?
Trả lời:
- Hậu quả: Tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả tiêu cực:
+ Sức khỏe, tâm lí, tính mạng, kinh tế của bản thân và gia đình
+ Ảnh hưởng của môi trường gia đình, môi trường xã hội tiêu cực
+ Làm tha hóa về nhân cách
+ Rối loạn về hành vi
+ Rơi vào lối sống buông thả
+ Dễ vi phạm pháp luật và phạm tội
+ Gây rối loạn trật tự xã hội
+ Cản trở sự phát triển của đất nước
Câu 13: Tại sao phải phòng chống tệ nạn xã hội?
Trả lời:
Phòng tránh tệ nạn xã hội là nhằm mục đích tránh những hậu quả xấu của tệ nạn gây nên đối với con người và xã hội xung quanh. Nhưng hậu quả xấu mà có thể thấy như căn bệnh xã hội HIV/AIDS, tội phạm do tệ nạn gây nên, gia đình ly tán, kinh tế thụt giảm,... Những tác hại của tệ nạn này sẽ khiến cho con người, xã hội bị thụt lùi cả về đạo đức, văn hoá và kinh tế.
Câu 14: Em hãy nêu cách phòng chống tệ nạn mại dâm.
Trả lời:
- Rà soát, cập nhật thông tin về tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, tình hình di biến động của các đối tượng có liên quan đến tệ nạn mại dâm; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn các vụ vi phạm.
- Tổ chức các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo... nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp, chuyển đổi nghề nghiệp, hòa nhập cộng đồng bền vững.
- Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... trong việc phối hợp cảm hóa, hỗ trợ tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm, giúp người bán dâm có điều kiện ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm.
- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa tệ nạn mại dâm, đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa phương trọng điểm và phức tạp. Phối hợp với các ngành liên quan thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ nảy sinh tệ nạn mại dâm, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm và xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm.
Câu 15: Đóng vai và giải quyết tình huống: Một người bạn rủ em hút He-rô in
Trả lời:
Em sẽ từ chối lời mời của người đó. Nếu đó là người cũng mới thử lần đầu , em sẽ khuyên nhủ người đó không nên hút Hê-rô-in vì đó là chất gây nghiện, không tốt cho con người. Ngược lại, nếu đó là người xấu, thì em sẽ tìm cách báo cáo với cơ quan chức năng để họ điều tra và giải quyết.
Câu 16: Em hãy nêu các quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình.
Trả lời:
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, các thành viên trong gia đình có quyền và nghĩa vụ:
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình;…
- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân tốt; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; không phân biệt đối xử giữa các con; không ngược đãi, ép buộc con làm điều trái pháp luật, trái đạo đức;…
- Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ; có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ và tham gia công việc gia đình phù hợp lứa tuổi; giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình;…
- Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ,…
- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu; nuôi dưỡng cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự không có người nuôi dưỡng,…
- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại,…
Câu 17: Anh, chị, em trong gia đình có bổn phận với nhau như thế nào?
Trả lời:
Anh chị em phải có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ.
Câu 18: Em nên làm những việc gì để đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình?
Trả lời:
Những việc làm để đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình:
+ Nghe lời ông bà, cha mẹ
+ Giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà
+ Chăm sóc người thân khi họ bị ốm
+ Thường xuyên thăm hỏi, động viên ông bà.
+ Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người thân.
Câu 19: Em hãy sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ nói về bổn phận của các thành viên trong gia đình đối với nhau.
Trả lời:
-
Môi hở răng lạnh;
-
Cá kg ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư;
-
Con không cha như nhà không nóc;
-
Quyền huynh thế phụ;
-
Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Câu 20: Gia đình ông bà Huyên có hai người con, một trai một gái. Ông Huyên thường chiều chuộng cô con gái hơn người anh của cô. Thấy vậy, cậu anh trai có vẻ phản đối và cho rằng bố không công bằng. Ông Huyên thì cho rằng, mình là bố nên có quyền quý đứa này hơn đứa kia, thậm chí có thể phân biệt đối xử giữa các con của mình.
a/ Cách xử sự của ông Huyên có đúng với quy định của pháp luật không ? Vì sao ?
b/ Nếu ở vào trường hợp bị phân biệt đối xử giữa anh chị em trong gia đình, em sẽ xử sự thế nào ?
Trả lời:
a/ Cách cư xử của ông Huyên không đúng pháp luật. Bởi vì, theo quy định con cái phải được tôn trọng, đối xử công bằng.
b/ Em sẽ giải thích cho bố hiểu về hành vi vi phạm của mình, nhưng cũng không đố kỵ và giận bố.