Nội dung chính Lịch sử 9 kết nối Chủ đề 2: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (2)
Hệ thống kiến thức trọng tâm Chủ đề 2: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (2) sách Lịch sử và Địa lí 9 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án lịch sử 9 kết nối tri thức
CHỦ ĐỀ 2: VĂN MINH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG VÀ SÔNG CỬU LONG
1. Văn hóa ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long
* Văn hóa ở châu thổ sông Hồng
- Dấu ấn của nền văn minh sông Hồng được thể hiện qua những di sản văn hoá.
– Các di sản vật thể gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc: Thành Cổ Loa, Cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám,...
– Các di sản văn hoá phi vật thể rất phong phú:
+ Ẩm thực với các món ăn truyền thống gắn với đồng ruộng, lúa gạo.
+ Các nghề thủ công truyền thống như: gốm Bát Tràng (Hà Nội), đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), thêu ren Văn Lâm (Ninh Bình),...
+ Các lễ hội độc đáo (hội Lim, lễ hội chùa Hương, hội Gióng,...).
+ Các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian (dân ca quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật Ca Trù,...).
+ Nếp sống của cộng đồng dân cư và văn học dân gian truyền miệng.
* Văn hóa ở châu thổ sông Cửu Long
- Văn hoá sông nước là nét đặc sắc ở châu thổ sông Cửu Long. Cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân châu thổ sông Cửu Long gắn với sông nước (nhà nổi, buôn bán trên sông, di chuyển bằng ghe, xuồng rất phổ biến,...).
– Ẩm thực châu thổ sông Cửu Long gắn với sản vật từ sông nước, lúa gạo: mắn, cá khô, bánh làm từ gạo.
- Một số nghề thủ công truyền thống: đóng ghe xuồng, làm bột gạo, làm đường thốt nốt,...
- Có nhiều lễ hội: lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Đua ghe Ngo,...
– Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, phổ biến rộng rãi, là di sản văn hoá phi vật thể thế giới.
2. Biến đổi khí hậu ở châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long
* Biểu hiện
– Về nhiệt độ: có xu thế tăng ở cả hai vùng châu thổ.
– Về lượng mưa: tổng lượng mưa trung bình năm có sự biến động qua các thập niên.
– Các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên bất thường, khó dự báo và gây ra hậu quả nặng nề hơn.
+ Châu thổ sông Hồng, số ngày nắng nóng có xu thế tăng, số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm.
+ Châu thổ sông Cửu Long, số ngày nắng nóng, số lượng các đợt hạn có xu thế tăng.
– Mực nước biển có xu thế tăng lên ở ven biển hai châu thổ, trung bình 2,7 mm/năm.
* Tác động
– Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế – xã hội châu thổ sông Hồng:
+ Các đợt nắng nóng kéo dài làm tăng chi phí cho các thiết bị làm mát trong sản xuất và xây dựng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người dân.
+ Số ngày rét có xu thế giảm, mùa lạnh ngắn đi làm ảnh hưởng đến sản xuất cây vụ đông.
+ Bão, mưa lớn xuất hiện nhiều hơn dẫn đến ngập lụt gây thiệt hại về người và tài sản. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng làm sản xuất nông nghiệp càng trở nên bấp bênh hơn.
– Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế – xã hội châu thổ sông Cửu Long:
+ Nhiệt độ có xu thế tăng làm gia tăng sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng, vật nuôi.
+ Mùa khô ngày càng gay gắt hơn, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
+ Nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, khiến diện tích đất nông nghiệp, rừng ngập mặn bị thu hẹp. Trong mùa khô, nước biển xâm nhập sâu làm cho đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ảnh hưởng đến cây trồng.
+ Ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
* Biện pháp
- Để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hai châu thổ cần giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển (hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch,...) và tăng cường sự hấp thụ các chất khí nhà kính (tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng, bảo vệ rừng,...).
– Một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở châu thổ sông Hồng:
+ Trong nông nghiệp: áp dụng các kĩ thuật canh tác, công nghệ sản xuất để hạn chế tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, sâu bệnh; thay đổi thời gian mùa vụ,...
+ Đối với cộng đồng, cần theo dõi thường xuyên các thông tin về thời tiết để có thể đưa ra phương án phòng, chống thiên tại hiệu quả,..
- Một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở châu thổ sông Cửu Long:
+ Trong nông nghiệp: tạo ra các giống cây trồng chịu mặn, chịu hạn; chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thuỷ sản ở các khu vực đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hạn hán; xây dựng kênh mương, xây dựng đê biển, kè chắn sóng, cống ngăn mặn,...
+ Trong du lịch: chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với sông nước, miệt vườn, rừng ngập mặn, rừng tràm; du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên,...
+ Đối với cộng đồng, cần có các biện pháp để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt,...
=> Giáo án Lịch sử 9 kết nối Chủ đề 2 Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (2)