Nội dung chính Công nghệ 12 Lâm nghiệp Thuỷ sản Cánh diều Bài 10: Các nhóm thuỷ sản và phương thức nuôi phổ biến
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 10: Các nhóm thuỷ sản và phương thức nuôi phổ biến sách Công nghệ 12 - Lâm nghiệp - Thuỷ sản cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án Công nghệ 12 Lâm nghiệp - Thuỷ sản cánh diều
BÀI 10: CÁC NHÓM THỦY SẢN VÀ PHƯƠNG THỨC NUÔI PHỔ BIẾN
1. Phân loại các nhóm thủy sản
1.1 Theo nguồn gốc
- Nhóm bản địa: những loài có phân bố tự nhiên tại Việt Nam. Ví dụ: cá chép, cá tra, cá vược, tôm hùm, cua biển, nghêu (ngao),...
- Nhóm ngoại nhập: những loài không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, được nhập vào Việt Nam để nuôi. Ví dụ: cá hồi vân, cá tầm, tôm thẻ chân trắng, rong nho,...
1.2 Theo đặc tính sinh vật học
a) Theo đặc điểm cấu tạo
- Nhóm cá: Cá là động vật có xương sống, đa số biến nhiệt và hô hấp bằng mang. Ví dụ: cá chép, cá tra, cá mè, cá giò, cá vược (cá chẽm),...
- Nhóm giáp xác: Giáp xác là động vật không xương sống. Cơ thể được bao bọc bởi lớp xương ngoài còn được gọi là lớp vỏ kitin. Cơ thể và chân phân đốt, hô hấp bằng mang, sinh trưởng qua các lần lột xác. Ví dụ: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển,...
- Nhóm động vật thân mềm (nhuyễn thể): nhóm động vật không xương sống, thường có lớp vỏ đá vôi bao bọc và nâng đỡ cơ thể như hàu, nghêu, vẹm vỏ xanh, bào ngư, ốc nhồi, ốc hương,..
- Nhóm bò sát, lưỡng cư:
+ Bò sát là nhóm động vật có màng ối, gồm: rùa, ba ba, rùa biển, cá sấu,...
+ Lưỡng cư là nhóm động vật có xương sống, biến nhiệt. Vòng đời trải qua giai đoạn phát triển ấu trùng ở nước, hô hấp bằng mang, giai đoạn trưởng thành sống trên cạn và hô hấp bằng phổi. Đại diện nhóm này là ếch.
- Nhóm rong, tảo: là các loài thực vật bậc thấp, cơ thể chưa phân thành thân, rễ, lá thật. Cấu trúc cơ thể có thể là đơn bảo, đa bào dạng tập đoàn, dạng sợi. Nhóm này gồm rong biển (rong câu, rong sụn, rong nho,...) và các vi tảo như tảo lục, tảo mắt, tảo silic,...
b) Theo tính ăn
- Nhóm ăn thực vật: những loài thuỷ sản có phổ thức ăn là thực vật. Ví dụ: cá mè trắng, cá trắm cỏ, cá bỗng,..
- Nhóm ăn động vật: những loài thuỷ sản có phổ thức ăn là động vật, có tính săn mồi. Ví dụ: cá quả, cá vược, cá mú (cá song),...
- Nhóm ăn tạp: những loài thuỷ sản có phổ thức ăn là cả động vật, thực vật và mùn bã hữu cơ. Ví dụ: cá tra, cá rô phi, cá trôi,...
c) Theo các yếu tố môi trường
- Theo nhiệt độ
Nhóm thuỷ sản nước lạnh: những loài thuỷ sản ưa nhiệt độ thấp như cá hồi vân, cá tầm.
Nhóm thuỷ sản nước ấm: những loài ưa nhiệt độ ấm áp như cá tra, tôm càng xanh, tôm sú,...
- Theo môi trường nước sinh sống
Nhóm thuỷ sản nước ngọt: cá chép, cá mè, cá trắm cỏ, cá quả, cá rô phi,...
Nhóm thuỷ sản nước lợ, mặn: cá giò, cá vược, tôm hùm, nghêu, hàu,...
2. Một số phương thức nuôi trồng thủy sản phổ biến
2.1 Nuôi trồng thủy sản quảng canh
- Nuôi quảng canh là phương thức nuôi với nguồn thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, có thể thả thêm con giống với mật độ thấp. Diện tích ao, đầm nuôi quảng canh thường rất lớn.
- Ưu điểm: vốn vận hành sản xuất thấp do không phải chi phí nhiều cho con giống và thức ăn.
- Nhược điểm: năng suất và lợi nhuận thấp, khó khăn trong việc quản lí và vận hành sản xuất.
2.2 Nuôi trồng thủy sản bán thâm canh
- Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh là nuôi trồng thuỷ sản trong điều kiện kiểm soát được một phần quá trình tăng trưởng, sản lượng của loài thuỷ sản nuôi và sự tăng trưởng của loài thuỷ sản nuôi phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên và thức ăn thuỷ sản. Mật độ thả giống không cao. Diện tích ao nuôi lớn từ vài nghìn mét vuông đến một hecta. Nguồn nước cấp và thoát chủ động, có trang thiết bị hỗ trợ cho hệ thống nuôi.
- Ưu điểm: phù hợp với nhiều người dân về mức đầu tư và kĩ thuật nuôi. Lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cao, dễ dàng vận hành và quản lí.
- Nhược điểm: năng suất chưa đạt tối ưu trên một đơn vị diện tích.
2.3 Nuôi trồng thủy sản thâm canh
- Nuôi trồng thuỷ sản thâm canh là nuôi trồng thuỷ sản trong điều kiện kiểm soát được quá trình tăng trưởng, sản lượng của loài thuỷ sản nuôi và sự tăng trưởng của loài thuỷ sản nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn thuỷ sản. Mật độ thả giống cao. Diện tích ao nuôi nhỏ. Nguồn nước cấp và thoát hoàn toàn chủ động, đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, hoá chất để phòng và xử lí bệnh.
- Ưu điểm: năng suất cao, kiểm soát được các khâu trong quá trình nuôi.
- Nhược điểm: cần vốn đầu tư lớn, đồng thời người nuôi phải nắm vững kĩ thuật nuôi và có nhiều kinh nghiệm thực tế.