Đề thi thử Ngữ văn Tốt nghiệp THPTQG 2025 - Đề tham khảo số 14
Bộ đề thi thử tham khảo môn ngữ văn THPTQG năm 2025 sẽ giúp thầy cô ôn tập kiến thức, luyện tập các dạng bài tập mới cho học sinh để chuẩn bị tốt cho kì thi quan trọng sắp tới. Đề thi cập nhật, đổi mới, bám sát theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Mời thầy cô và các em tham khảo.
Xem: => Bộ đề luyện thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ văn
ĐỀ SỐ 14 – ĐỀ THI THAM KHẢO
Môn thi: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề)
I. Phần Đọc hiểu (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người, do công ty OpenAI phát triển. ChatGPT sở hữu nhiều chức năng khác nhau, bao gồm trả lời câu hỏi, giải phương trình toán học, viết văn bản, bài luận, làm thơ, soạn nhạc, thiết kế, gỡ lỗi và sửa mã trong lập trình, dịch giữa các ngôn ngữ, tạo bản tóm tắt văn bản. Thậm chí có thể tạo ra các ý tưởng sơ khai về chiến lược kinh doanh hay lên kế hoạch cho một hoạt động cụ thể.
Công ty OpenAI đã ra mắt bản nâng cấp GPT-4, với hệ thống này, người dùng có thể nhập liệu bằng hình ảnh kèm câu lệnh và nhận được kết quả mong muốn. GPT-4 còn có thể linh hoạt xử lý giữa hình ảnh và văn bản trong cùng một câu lệnh.
Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT giúp công việc của giáo viên, học sinh, sinh viên trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. ChatGPT giúp giáo viên giải phóng khỏi một số công việc, tập trung vào thay đổi cách thức dạy học từ truyền đạt nội dung là chủ yếu sang phát triển năng lực sáng tạo của người học và thúc đẩy học tập theo hướng cá thể hóa. Chẳng hạn, sử dụng ChatGPT để tạo tình huống trong giảng dạy hay giao bài tập cho học sinh.
ChatGPT giúp học sinh, sinh viên mạnh dạn hơn trong học tập, đưa ra các câu hỏi và tranh luận. Khi tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, học sinh thường e ngại, không dám hỏi hoặc rất ít hỏi, còn với ChatGPT người học có thể hỏi mọi câu hỏi. Điều này đồng nghĩa với ChatGPT đi đúng với bản chất của giáo dục hiện đại. Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm cũng như việc hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là cách thức để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học tập và phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ChatGPT còn bộc lộ nhiều hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng nó một cách vô trách nhiệm và thiếu đạo đức. Trước hết, độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế của ChatGPT, trong nhiều trường hợp nội dung hồi đáp bị sai lệch, bởi thông tin đưa ra dựa trên dữ liệu tổng hợp từ nguồn internet có thể không chính xác. Hơn nữa, kho dữ liệu hiện tại mà ChatGPT sử dụng chỉ mới được cập nhật đến năm 2021.
Chẳng hạn, liên quan tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ChatGPT trả lời: “Anh ta được biết đến như một trong những người tiên tiến trong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20... Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường”. Ðây có thể xem là một ví dụ điển hình cho thấy những lỗ hổng rất lớn của ChatGPT trong quá trình thu thập thông tin để trả lời câu hỏi của người dùng.
Với khả năng tạo ra các đoạn văn, bài thơ, bài tiểu luận khá mạch lạc chỉ trong thời gian ngắn, xuất hiện những lo ngại về nguy cơ phụ thuộc của người học vào ChatGPT, dẫn đến hạn chế về tư duy phản biện cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề. ChatGPT có thể “tiếp tay” cho việc gian lận học thuật và nguy cơ xói mòn trí tuệ người học. Một khảo sát đầu tháng 1/2023 với 1.000 sinh viên đại học do tạp chí trực tuyến Intelligent thực hiện cho thấy 30% đã sử dụng ChatGPT trong các bài tập viết. Đây là con số báo động về sự phụ thuộc của sinh viên với công cụ này.
Mặc dù cho đến nay, OpenAI đã có một số biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa mọi người yêu cầu ChatGPT tạo mã phần mềm độc hại, nhưng vẫn có kẽ hở khiến giáo viên, học sinh, sinh viên có thể bị mất cắp dữ liệu một cách nhanh chóng. ChatGPT tạo ra một phần mềm độc hại có thể đánh cắp dữ liệu người khác mà không bị phát hiện chỉ trong thời gian rất ngắn (vài giờ). Sau khi nắm giữ dữ liệu, nó có thể chia dữ liệu thành các phần nhỏ hơn và ẩn các phần đó trong các hình ảnh khác trên thiết bị. Những hình ảnh được tải lên thư mục Google Drive và rất khó bị phát hiện.
Giáo viên, học sinh, sinh viên, công chức hoạt động trong ngành giáo dục sử dụng ChatGPT, nếu không cảnh giác có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lan truyền tin sai sự thật. Vừa qua, một số đối tượng chống phá, thù địch đã và đang triệt để khai thác hạn chế của ChatGPT, đăng tải trên các diễn đàn, trang mạng xã hội hòng xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chống phá Ðảng, Nhà nước. Ðây là một thủ đoạn mới cần kịp thời nhận diện, ngăn chặn, góp phần bảo đảm sự lành mạnh trên môi trường mạng và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
(Nguyễn Nhâm, Để ChatGPT thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, vov.vn, 25-4-2023)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 2: Văn bản cho thấy hai khía cạnh nào của ChatGPT?
Câu 3: Xác định tên gọi và tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: ChatGPT sở hữu nhiều chức năng khác nhau, bao gồm trả lời câu hỏi, giải phương trình toán học, viết văn bản, bài luận, làm thơ, soạn nhạc, thiết kế, gỡ lỗi và sửa mã trong lập trình, dịch giữa các ngôn ngữ, tạo bản tóm tắt văn bản.
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Với khả năng tạo ra các đoạn văn, bài thơ, bài tiểu luận khá mạch lạc chỉ trong thời gian ngắn, xuất hiện những lo ngại về nguy cơ phụ thuộc của người học vào ChatGPT, dẫn đến hạn chế về tư duy phản biện cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề? Vì sao?
Câu 5: Qua văn bản, anh/chị có giải pháp gì để sử dụng hiệu quat ChatGPT?
II. Phần Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
- Con ơi, trước khi nhắm mắt Cha con dặn con suốt đời Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì? Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Mẹ ơi một người chân thật Thấy vui muốn cười cứ cười Thấy buồn muốn khóc cứ khóc. Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
(Phùng Quán, Lời mẹ dặn, thivien.net)
Từ ý thơ và kết hợp với trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Tuổi trẻ và lòng trung thực.
Câu 2: (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) làm rõ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong văn bản sau:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.
(Nhớ, Nguyễn Đình Thi, Tuyển tác phẩm văn học,
Nhà in Bộ LĐTBXH, 2001)