Đề thi thử Ngữ văn Tốt nghiệp THPTQG 2025 - Đề tham khảo số 2

Bộ đề thi thử tham khảo môn ngữ văn THPTQG năm 2025 sẽ giúp thầy cô ôn tập kiến thức, luyện tập các dạng bài tập mới cho học sinh để chuẩn bị tốt cho kì thi quan trọng sắp tới. Đề thi cập nhật, đổi mới, bám sát theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Mời thầy cô và các em tham khảo.

Xem: => Bộ đề luyện thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ văn

ĐỀ SỐ 2 – ĐỀ THI THAM KHẢO

Môn thi: NGỮ VĂN

(Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề)

I. Phần Đọc hiểu (4,0 điểm)

Tôi có ước mơ

Còn nhớ khi xem một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng, tôi đặc biệt ấn tượng với phân cảnh cô con gái và bố chia sẻ ước mơ của mỗi người. Tim tôi nghẹn lại trước lời thú nhận của cô bé: “Con không có ước mơ bố ạ” – một câu nói ngắn gọn đến đau lòng, như sự vùng vẫy trong mơ hồ của những người trẻ trên hành trình tìm kiếm mục đích sống.

Khi nghe đến 2 từ “ước mơ” các bạn thường hình dung đến một cái đích còn xa, không dễ chạm đến, đôi khi không tưởng. Ước mơ còn hay bị “phán xét” bởi những người xung quanh, bởi mọi người thường gán rất nhiều kì vọng lên nó, như cần đủ lí tưởng, đủ khả thi, nên vô tình đặt ra nhiều áp lực nơi bạn. Có lẽ vì vậy mà ta thường cảm thấy trống rỗng khi được hỏi về ước mơ mà không biết trả lời ra sao.

Tôi tin chắc rằng ai cũng có những điều khao khát hay mong muốn có được, trở nên và trở thành trong tương lai. Có những bạn nhỏ ước mơ lớn lên trở thành giáo viên, chú bộ đôi, bác sĩ, kĩ sư hay doanh nhân thành đạt. Có người lại ước mơ được đi du lịch đó đây, khám phá những vùng đất mới. Chúng ta gọi một cái tên thật đẹp cho những mong muốn đó là ước mơ.

Có người ước mơ lớn, khó thực hiện, có người lại mơ ước những điều bình dị. Đó là điều ta có thể với tới hoặc không, hình thành trong tâm trí của mỗi chúng ta và cũng chưa quá rõ ràng. Vì vậy, ước mơ phản ánh hy vọng cho tương lai và thiên về ý nghĩ.

[….]

Người ta thường nói “không ai đánh thuế ước mơ”, nên dù có mông lung đi chăng nữa, tôi cũng hy vọng bạn đừng từ bỏ quyền “được mơ” của bản thân mình.

Ước mơ là khát vọng, 

là đợi mong cho tương lai

(Trích Hơn cả đợi mong, Nguyễn Duy Hà, NXB Dân trí, 2022, tr.74)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định vấn đề nghị luận của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.

Câu 3: Trình bày mối liên hệ giữa vấn đề nghị luận với nhan đề của văn bản.

Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn: “Có những bạn nhỏ ước mơ lớn lên trở thành giáo viên, chú bộ đôi, bác sĩ, kĩ sư hay doanh nhân thành đạt. Có người lại ước mơ được đi du lịch đó đây, khám phá những vùng đất mới.”

Câu 5. Từ nội dung văn bản, anh/chị hãy rút ra vai trò của ước mơ đối với mỗi người (trình bày khoảng 5 – 7 dòng).

II. Phần Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch cho tương lai.

Câu 2 (4,0 điểm)

 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh hình cô thanh niên xung phong trong hai đoạn trích sau:

   Tổ phá bom trên đường Rú Trét*

                   (Trích)

Năm cô gái công binh bật khỏi cửa hầm

Lao về phía những quả bom chờ nổ

Mười bàn chân chạy bộ

Đạp lên đá gan gà

Khát se môi không kịp hái lá chua

Cành “chua ngút” choài mình theo gió….

[…]

Đã qua rồi những phút đợi chờ,

Cờ hiệu vẫy hồng trên Rú Trét

Xe hai phía rú ga băng qua dốc

Cái chết cúi đầu

Trời trưa lại nở căng vòm ngực

Mang hình năm cô gái phá bom

Đứng trên đỉnh trái tim sau phút hiểm nghèo.

(Trích Tình yêu sáng sớm,  Nguyễn Trọng Tạo, NXB Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, 1972, tr.15-16)

       Gửi em, cô thanh niên xung phong

                        (Trích)

Có lẽ nào anh lại mê em

Một cô gái không nhìn rõ mặt

Đại đội thanh niên đi lấp hố bom

Áo em hình như trắng nhất.

Người tinh nghịch là anh dễ thân

Bởi vì thế có em đứng gần

Em ở Thạch Kim*, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc dài quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn:

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

(Trích Vầng trăng quầng lửa, Phạm Tiến Duật, NXB Văn học, 1970)

* Rú Trét: địa danh xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một trong những vị trí chiến lược trên tuyến đường Trường Sơn.

* Thạch Kim: một xã thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bộ đề luyện thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ văn - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay