Đề thi thử Ngữ văn Tốt nghiệp THPTQG 2025 - Đề tham khảo số 20
Bộ đề thi thử tham khảo môn ngữ văn THPTQG năm 2025 sẽ giúp thầy cô ôn tập kiến thức, luyện tập các dạng bài tập mới cho học sinh để chuẩn bị tốt cho kì thi quan trọng sắp tới. Đề thi cập nhật, đổi mới, bám sát theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Mời thầy cô và các em tham khảo.
Xem: => Bộ đề luyện thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ văn
ĐỀ SỐ 20 – ĐỀ THI THAM KHẢO
Môn thi: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề)
I. Phần Đọc hiểu (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Trời Hà Nội bâng khuâng những nét phác thảo mùa...Thu chần chừ, vấn vương chia tay trong hương cốm Vòng man mác đồng quê, hương hoa sữa nồng nàn, ngây ngất phố, và màu nắng mật ong say say Tình yêu.
Mùa đông ngập ngừng với mấy cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, lẫn vào từng cơn mưa, mưa lá bay đầy trời, kéo theo cái lành lạnh dịu dàng của khoảnh khắc giao mùa, vừa đủ cho những đôi tình nhân tìm hơi ấm tay trong tay bên nhau. Lập đông Hà Nội có gam màu và hương vị đắm say là lạ. Màu vàng nắng của cây, lá, hương phố ở những hàng quà rong dọc vỉa hè mang cho nhiều người đến với Hà Nội, xa Hà Nội nỗi nhớ khó tả...
Đường Tràng Thi, Quán Thánh và nhiều con đường khác với những cây bàng đang thay sắc lá, thỉnh thoảng vài chiếc lá rời cây rơi xuống giống như một mảnh nắng vàng lấp lửng khoảng không. Nhưng hấp dẫn đến ngẩn ngơ là màu vàng rực của quả bàng chín, treo lủng lẳng trên cảnh, lâu lâu gió ào qua lại lộp độp rớt xuống gốc. Quả bàng tỏa mùi thơm nhẹ nhàng mà có lẽ chỉ có trẻ em Hà Nội mới gọi đúng tên được. Tôi đã từng được nghe kể về kỷ niệm của người Hà Nội với những gốc bàng, mùa quả chín, một thứ quả đặt biệt của tuổi thơ Hà Nội, lấy bao nỗi nhớ ngày lớn lên vào đời. Và đúng là khó quên được cái vị bùi bùi, ngọt ngọt của nhân quả bàng mà những em bé đã mời tôi nếm thử.
Mang cái hồn nhiên lây từ em bé và quả bàng, tôi ngạc nhiên với một loài cây mang cái tên rất chân quê nơi con phố khá sầm uất ở Hà Nội - Cây cơm nguội ở dọc phố Lý Thường Kiệt. Cây cao, thẳng, lá nhỏ, tiết trời đầu đông nhuộm lá thành màu vàng mơ bay rơi ào ào như mưa nắng từng giọt đổ xuống trong chiều... Đẹp quá. Rồi bần thần, thầm thắc mắc, quả của nó có giống cơm nguội không? Và ai đã đặt tên cho một loài cây đẹp như thế một cái tên bình dị, khiêm tốn đến vậy.
…Cứ vẩn vơ, mơ màng với cây, với lá phố Hà Nội trong cái lạnh ngọt ngào còn vương chút thu. Tôi dừng chân phố Hai Bà Trưng. Mùi bếp núc ấm nóng ngầy ngậy theo gió xộc vào mũi... Ôi! Quẩy nóng! Món quà phố giản dị, hình như chỉ có ở Hà Nội... Chảo dầu đầy ắp sôi lăn tăn trên bếp lửa liu riu không to, không nhỏ. Cứ hai thỏi bột nặn trắng mịn quấn lấy nhau thành một... ngụp lặn trong chảo dầu. Chốc lát ngả màu vàng rộm, tỏa mùi thơm quyến rũ vô cùng. Cô chủ hàng tròn như cục bột, trắng như bột nặn, má hồng rực luôn tay nắn, se bột thả vào chảo...
…Những ngày đầu đông ở Hà Nội, tôi đã được nếm nhiều vị ngon, vị lạ của nghệ thuật ẩm thực người Hà Nội. Và hình như Hà Nội muốn ban cho tôi cái hậu, cho tôi hoàn hảo bức tranh lập đông Hà Nội trước khi trở về phương Nam: tình cờ tôi được uống trà (chè) giữa phố cổ Hà Nội.
Một quán chè chén - người Hà Nội gọi thế, giữa phố Hàng Gai, cạnh gốc cây đa mấy trăm tuổi với ông chủ quán hình như không có tuổi. Trà được pha trong một cái ấm sành màu đen mun bé bằng nắm tay, chén uống cùng màu và bé như cái hột mít. Chẳng biết ông pha thứ trà gì mà khi tôi nhắp chén nước, cái vị đắng tê lưỡi làm tôi muốn dội ngược, song kỳ lạ thay, chỉ thoáng một phút bỡ ngỡ, tôi cảm nhận vị ngọt ấm lan tỏa ngấm dần vào lưỡi, vào cổ, và khắp cả người tôi như được vị trà kia sưởi ấm, cái ấm nhẹ nhàng thanh thoát... Ông chủ phác một nụ cười hiền hòa khi quan sát tôi uống chén trà... và tôi được ông kể cho nghe các loại danh trà, các kiểu trà đạo của người Hà Nội xưa và bây giờ...
Khi rời quán (chè chén) của ông, trong tôi cứ ẩn chứa câu hỏi, sao ông lại cho tôi thưởng thức hương vị đặc biệt một loại trà Tuyết danh bất hư truyền, chỉ mọc ở trên các đỉnh núi đá tai mèo vùng Tây Bắc... Lại kể cho tôi nghe một thú chơi thanh tao quý phái đậm chất nhân sinh Đông phương - nghệ thuật uống trà đạo người Hà Nội... Có lẽ ông và tôi có một mối giao cảm đặc biệt, vì tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu sâu lắng, tình yêu tâm linh.
Hà Nội vào đông... nỗi nhớ theo tôi về phương Nam.
(Trích Hà Nội man mác đông về, Hoài Hương, https://vov.vn/blog/ha-noi-man-mac-dong-ve-446199.vov)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu nhận biết ngôi kể trong đoạn trích.
Câu 2. Xác định nội dung của đoạn trích.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của việc sử dụng biện pháp nhân hóa trong câu sau: Mùa đông ngập ngừng với mấy cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, lẫn vào từng cơn mưa, mưa lá bay đầy trời, kéo theo cái lành lạnh dịu dàng của khoảnh khắc giao mùa, vừa đủ cho những đôi tình nhân tìm hơi ấm tay trong tay bên nhau.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho Hà Nội qua đoạn trích.
Câu 5. Từ những cảm xúc của tác giả trong đoạn trích, anh/ chị hãy nêu suy nghĩ về ý nghĩa quê hương trong cuộc sống mỗi người. (Viết khoảng từ 5 đến 7 dòng).
II. Phần Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật “tôi” trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu
Câu 2: (4,0 điểm)
Đam mê có khả năng tái tạo lại thế giới cho người trẻ tuổi. Nó khiến mọi thứ sống động và trở nên có ý nghĩa. (Ralph Waldo Emerson)
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (600 chữ) về ý về vấn đề đặt ra từ ý kiến trên.