Nội dung chính Ngữ văn 10 chân trời sáng tạo Bài 6: Chiếc lá đầu tiên
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 6: Chiếc lá đầu tiên sách ngữ văn 10 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo
Xem: => Giáo án ngữ văn 10 chân trời sáng tạo (bản word)
VĂN BẢN 1: CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊNI. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả
a. Cuộc đời – sự nghiệp
- Hoàng Nhuận Cầm sinh 1952 mất 2021 quê quán Hà Nội.
- Ông được mệnh danh là nhà thơ của học sinh, sinh viên bởi có nhiều tác phẩm viết về kỉ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi.
- Ngoài việc làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, tham gia đóng phim
b. Tác phẩm
- Hoàng Nhuận Cầm có 1 số tập thơ nổi tiếng như: Xúc xắc mùa thu ( 1992), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007).
- Trong đó, tác phẩm Chiếc lá đầu tiên được in trong tập Xúc xắc mùa thu NXB hội Nhà văn xuất bản năm 1992.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT VĂN BẢN
1. Thể thơ, bố cục và phương thức biểu đạt
- Thể thơ: tự do
- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
- Bố cục:
+ 2 khổ thơ đầu: nỗi nhớ về nhân vật em.
+ 4 khổ thơ tiếp theo: nỗi nhớ về ngôi trường cũ.
+ 2 khổ thơ còn lại: Cảm xúc của nhân vật trữ tình.
- Ý nghĩa nhan đề tác phẩm
“ Chiếc lá đầu tiên” là hình ảnh biểu tượng. Nó là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đầu tiên mới chớm nở, cho cuộc hẹn hò đầu tiên, cho kỉ niệm đầu tiên,...cho những bâng khuâng lạ lẫm đầu tiên của tuổi học trò. Những gì mang tính chất “đầu tiên” thường ban sơ, trong trẻo, vì thế nó sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong kí ức con người.
Nhìn chung hình ảnh đầu tiên sẽ gợi cho người đọc những sự trong sáng, ngây thơ cũng những xúc cảm khó quên.
2. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ
Cảm xúc mãnh liệt, xuyên suốt bài thơ là niềm tha thiết nhớ trường lớp, nhớ thầy cô, là tình yêu tuổi học trò trong sáng.
3. Tình cảm nhân vật trữ tình dành cho nhân vật “em”
- Hai câu thơ đầu là dòng hồi ức của tác giả về khoảng thời gian tươi đẹp với nhân vật em.
- Tác giả dùng câu hỏi nhưng không cần sự hồi đáp như một sự nuối tiếc khe khẽ. “Em thấy không, tất cả đã xa rồi”
=> Câu thơ thể hiện sự tiếc nuối, nỗi nhớ của tác giả về quá khứ tươi đẹp ngày ấy.
“Tiếng thở của thời gian” là một phép ẩn dụ nhẹ nhàng không cần số đếm chẳng cần cụ thể bao lâu song nó cũng khiến cho người đọc cảm nhận được sự xa xôi, hoài niệm. Thời gian cũng trở nên lắng đọng cảm xúc tình cảm của con người.
- Hình ảnh “hoa súng tím”, “cành phượng hồng” và “tiếng ve”…những hình ảnh quen thuộc gắn liền với tuổi học trò được tác giả lồng ghép thật khéo để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Hình ảnh hoa súng tím như là sự đọng lại, sự dồn tự để cháy lên một lần cuối của con đường học trò sắp kết thúc. “Chùm phượng hồng” gợi cảm giác bồi hồi, nuối tiếc làm ai đã đánh rơi những phút ban đầu. “Tiếng ve” là âm thanh đặc trưng của mùa hạ, cũng là mùa chia tay của lứa tuổi học trò hồn nhiên
=>Tất cả các hình ảnh như “phượng hồng” , “tiếng ve”, “hoa súng tím” được tác giả nhân hóa nhằm thể hiện nỗi nhớ buồn thương da diết, và sự bâng khuâng của chủ thể về một miền kí ức học trò xa xôi.
-Đại từ nhân xưng “ta”, “tôi” hay “anh” thực chất cũng chính là một mà thôi. Đó là chủ thể trữ tình song nó được đặt tương quan ở nhiều mối quan hệ khác nhau: anh là tương quan với em, tôi tương quan với bạn, ta….Sự thay đổi tinh tế trong việc sử dụng các đại từ nhân xưng đã giúp tác giả bộc lộ cảm xúc của chính mình và nói thay tâm trạng của người khác.
-Từ người trong câu thơ “Có lẽ một người đã bắt đầu yêu” có thể hiểu là chỉ chung cho tất cả ai đang có những rung động đầu đời, nhưng cũng có thể hiểu chính là anh, tôi, ta hay nói cách khác là chủ thể trữ tình. “Người” ấy đang khám phá, dự đoán cảm xúc tình yêu mới chớm nở của chính mình, của người khác được thể hiện qua cụm từ “có lẽ”.
4. Tình cảm của chủ thể trữ tình dành cho thầy cô, bạn bè
- Nỗi nhớ của chủ thể trữ tình dành cho trường, lớp cho thầy cô gắn liền với hình ảnh “lớp học” bâng khuâng, “sân trường”, nỗi nhớ ấy khắc khoải da diết, bồn chồn… Mà tác giả đã so sánh như “nhớ về với mẹ”….Nó luôn thường trực và nung nấu trong lòng chủ thể trữ tình.
- Biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc: nhớ; nỗi nhớ; cứ; muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu; những chuyện năm nao, những chuyện năm nào,... sử dụng từ láy “bâng khuâng”, “xôn xao”, “lao xao”….
=>Diễn tả ấn tượng sâu đậm về những kỉ niệm tuổi học trò, sự tuôn trào của cảm xúc lúc lắng đọng, lúc chơi vơi, đồng thời tạo nhạc điệu da diết, xao xuyến cho bài thơ.
-Việc sử dụng đối thoại ở khổ thơ thứ 5:
“- Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
“- Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy”
- Trích dẫn trực tiếp lời đùa cợt tinh nghịch của bạn học nhằm làm sống động không khí tươi vui của tuổi học trò qua cái nhìn của chủ thể trữ tình
- Giúp người đọc hình dung ra một khung cảnh lớp học vui nhộn, hồn nhiên. Nơi ấy có “nàng Bạch Tuyết” – chính là cô giáo và “những chú lùn rất quấy” là những cậu học sinh tinh nghịch, nhí nhảnh.
=>Đan xen các mẩu đối thoại mang yếu tố tự sự vào mạch trữ tình, kết hợp biểu cảm gián tiếp với cảm xúc trực tiếp khiến cho lời thơ trở nên đa dạng, linh hoạt, âm vang nhiều giọng nói, kỉ niệm càng được khơi sâu, tươi tắn và đáng nhớ hơn.
5. Cảm xúc của chủ thể trữ tình
- Hình ảnh mái tóc xuất hiện 2 lần trong bài. Lần đầu trong câu thơ “Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm” và lần thứ 2 “Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên”. Một mái đầu bạc màu thời gian và một mái đầu biểu trưng cho sự kế tiếp.
- Cảm xúc chủ đạo chủ thể trữ tình thể hiện ở 2 khổ thơ cuối đó là sự ngậm ngùi, nuối tiếc về một thời đã qua. Hình ảnh “bím tóc ngủ quên”, “quả ngọt”, “hoa mướp”, “cây bàng hẹn hò”… chứa đựng cả một miền kí ức gắn với tuổi học trò của chủ thể trữ tình.
- Chiếc lá đầu tiên là hình ảnh có tính biểu tượng. Đó có thể là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đầu tiên mới chớm nở, cho cuộc hẹn hò đầu tiên, cho kỉ niệm đầu tiên, buổi học, năm học đầu tiên, cho những xao xuyến, bâng khuâng lạ lẫm đầu tiên của tuổi học trò.
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung
- Bài thơ là kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò với hình ảnh trường cũ, lớp học, bạn bè, thầy cô và cả tình yêu đầu đời trong sáng ngây ngô của mình.
- Bài thơ thể hiện tình cảm trong sáng, là nỗi bâng khuâng, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên.
2. Nghệ thuật
- Sử dụng các biện pháp tu từ điệp ngữ, nhân hóa, từ láy... làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho bài thơ.
- Từ ngữ giàu cảm xúc.
- Hình ảnh chân thật, giản dị gần gũi.
=> Giáo án ngữ văn 10 chân trời Văn bản 1 - Chiếc lá đầu tiên