Câu hỏi tự luận Kinh tế pháp luật 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 1: Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế
Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 1: Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Kinh tế pháp luật 10 cánh diều.
Xem: => Giáo án giáo dục kinh tế và pháp luật 10 cánh diều (bản word)
ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 1
NỀN KINH TẾ VÀ CÁC CHỦ THỂ CỦA NỀN KINH TẾ
Câu 1: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong nền kinh tế đang suy thoái nên phải thu hẹp sản xuất, kéo theo nhiều lao động mất việc làm. Doanh nghiệp H chọn giải pháp thương lượng với người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mỗi người chỉ đi làm bán thời gian và hưởng mức lương bán thời gian, sau khi sản xuất ổn định sẽ được hưởng đầy đủ mức lương.
Những lợi ích mà doanh nghiệp H mang lại cho doanh nghiệp và người lao động khi đưa ra giải pháp điều chỉnh hoạt động phân phối thu nhập là gì?
Trả lời:
Việc làm của doanh nghiệp H đã điều chỉnh hoạt động phân phối thu nhập của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, giữ chân được người lao động. Người lao động sẽ có việc làm ổn định, có thu nhập dù thấp nhưng vẫn đủ duy trì cuộc sống.
Câu 2: Bán hàng trực tuyến là gì?
Trả lời:
Bán hàng trực tuyến là một hình thức kinh doanh được nhiều bạn trẻ thử sức vì không tốn chi phí thuê mặt bằng, nguồn nhân lực, có thể cạnh tranh với các cửa hàng khác, mang lại nguồn thu nhập hằng tháng thông qua sử dụng các công cụ truyền thống để quảng cáo các sản phẩm của mình.
Câu 3: Nền kinh tế là gì?
Trả lời:
Nền kinh tế là khái niệm dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế của một quốc gia. Đó là một chỉnh thể thống nhất các hoạt động kinh tế cơ bản: sản xuất, phân phối – trao đổi, tiêu dùng. Mỗi hoạt động kinh tế có vai trò khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau, đảm bảo cho nền kinh tế không ngừng vận động và phát triển.
Câu 4: Phân phối – trao đổi có vai trò như thế nào?
Trả lời:
Phân phối – trao đổi đóng vai trò trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng. Phân phối thúc đẩy sản xuất phát triển nếu quan hệ phân phối phù hợp, đồng thời có thể kìm hãm sản xuất và tiêu dùng khi nó không phù hợp. Trao đổi giúp người sản xuất bán được hàng, duy trì và phát triển được hoạt động sản xuất và người tiêu dùng mua được thứ mình cần, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Câu 5: Sản xuất và tiêu dùng có mối quan hệ như thế nào?
Trả lời:
Trong đời sống xã hội, các hoạt động: sản xuất, phân phối – trao đổi, tiêu dùng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ đó, sản xuất là gốc, có vai trò quyết định; tiêu dùng là mục đích, là động lực của sản xuất, còn phân phối và trao đổi là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, có tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng.
Câu 6: Chủ thể của ngành kinh tế là gì?
Trả lời:
Chủ thể của nền kinh tế là những người tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế. Các chủ thể của nền kinh tế không chỉ thực hiện tốt vai trò trong lĩnh vực kinh tế mình tham gia mà còn đóng góp cho sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước.
Câu 7: Chủ thể sản xuất là gì?
Trả lời:
Chủ thể sản xuất là những người đầu tư vốn, sản xuất, cung cấp hàng hoá, dịch vụ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Chủ thể sản xuất gồm các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Câu 8: Nêu vai trò của chủ thể sản xuất?
Trả lời:
Chủ thể sản xuất có vai trò: sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận. Họ không chỉ thoả mãn nhu cầu hiện tại của xã hội mà còn tạo ra và phục vụ cho những nhu cầu trong tương lai với mục tiêu lợi nhuận tối đa trong điều kiện nguồn lực có hạn. Vì vậy, chủ thể sản xuất luôn phải quan tâm đến việc lựa chọn sản xuất hàng hoá nào, số lượng bao nhiêu, sản xuất bằng cách nào để đạt hiệu quả. Chủ thể sản xuất còn phải có trách nhiệm cung cấp những hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại tới sức khoẻ và lợi ích của con người trong xã hội.
Câu 9: Nêu vai trò của chủ thể tiêu dùng?
Trả lời:
Chủ thể tiêu dùng có vai trò định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.
Câu 10: Hoạt động sản xuất là gì?
Trả lời:
Hoạt động sản xuất là hoạt động con người sử dụng các yếu tố sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.
Câu 11: Chủ thể trung gian là gì?
Trả lời:
Chủ thể trung gian là các cá nhân, tổ chức đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa các chủ thể sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường (như: các thương nhân chuyên phân phối hàng hoá, nhà môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, giới thiệu việc làm,...). Họ có vai trò ngày càng quan trọng, là cầu nối, cung cấp thông tin trong các quan hệ mua – bán, sản xuất – tiêu dùng,... giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả hơn.
Câu 12: Nhà nước đã làm gì để tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế được tự chủ, tổ chức các hoạt động kinh tế thuận lợi?
Trả lời:
Nhà nước ban hành luật, tạo ra khung pháp lý để các chủ thể kinh tế tự do sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước thường xuyên tổ chức các hội nghị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp các chủ thể kinh tế phát triển thuận lợi.
Câu 13: Nhà nước đã làm gì trước những khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID - 19?
Trả lời:
Trước những khó khăn của nền kinh tế, Nhà nước đã nhanh chóng ban hành những cơ chế, chính sách như giãn nợ, miễn giảm thuế; giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Câu 14: Phân phối là gì?
Trả lời:
Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm (phân phối cho sản xuất) và phân chia kết quả sản xuất cho tiêu dùng (phân phối cho tiêu dùng).
Câu 15: Nhà nước đã làm gì để giải quyết vấn đề đói nghèo, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Trả lời:
Nhà nước đã triển khai các chương trình xoá đói giảm nghèo đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo chuyển biến tích cực về sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở những nơi khó khăn.
Câu 16: Người tiêu dùng, người sản xuất và chủ thể trung gian có vai trò như thế nào để thực hiện tiêu dùng an toàn?
Trả lời:
- Đối với người người tiêu dùng: lựa chọn tiêu dùng những hàng hóa thân thiện với môi trường, không sử dụng những sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã, sản phẩm của những doanh nghiệp gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, gây độc hại đến sức khỏe con người.
- Đối với người sản xuất: Quan tâm đến chất lượng, số lượng và cách thức sản xuất hàng hóa để đạt được hiệu quả tốt nhất cho chính bản thân, người tiêu dùng và toàn xã hội. Có trách nhiệm với sức khỏe của người tiêu dùng, sản xuất và cung cấp những hàng hóa, dịch vụ không làm tổn hại đến sức khỏe, an toàn, thuận lợi, với chất lượng cao và giá cả phù hợp.
- Đối với chủ thể trung gian: Cung cấp thông tin chính xác, bảo đảm thông tin xác thực về hàng hóa, dịch vụ cho bên mua và thị hiếu tiêu dùng cho bên bán để tạo nên một nền kinh tế linh hoạt và hiệu quả hơn, nơi mà hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả phù hợp được lưu hành trên thị trường.
Câu 17: Thế nào là sản xuất xanh?
Trả lời:
Sản xuất xanh là việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: sử dụng nguyên vật liệu, phương tiện tiêu thụ ít điện năng, sử dụng điện mặt trời, không gây ô nhiễm môi trường,..
Câu 18: Tiêu dùng là gì?
Trả lời:
Tiêu dùng là hoạt động con người sử dụng các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ để thoả mãn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Câu 19: Bán hàng trực tuyến có những tích cực và tiêu cực gì với xã hội?
Trả lời:
- Tích cực: Người tiêu dùng ngày càng thích sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến này vì có nhiều tiện lợi.
- Tiêu cực: Mất thời gian chờ đợi hàng hoá đến tay, sản phẩm nhận được nhiều khi không đúng với quảng cáo,...
Câu 20: Hoạt động kinh tế đã thay đổi như thế nào trong đại dịch COVID-19?
Trả lời:
Cuối năm 2019, dịch bệnh COVID – 19 bùng phát đã tác động nặng nề tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Các biện pháp giãn cách, phong toả mà chính quyền đã áp dụng làm hạn chế và thay đổi nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người dân.
Nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cá nhân, ăn uống, vui chơi tại nhà,... tăng cao, tạo cơ hội phát triển cho một số ngành sản xuất như: sản xuất khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy trợ thở, vắc xin phòng dịch, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh, vận chuyển giao nhận hàng hóa tại nhà,... nhưng cũng làm cho một số doanh nghiệp không bán được hàng, nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, các công ty du lịch phải tạm dừng hoạt động vì không có khách,...
=> Giáo án kinh tế và pháp luật 10 cánh diều bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế