Câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 cánh diều Ôn tập Bài 7: Thơ (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 7: Thơ (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 7 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 7

THƠ

Câu 1: Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả Hoàng Trung Thông.

Trả lời:

Hoàng Trung Thông (1925-1993)

- Quê quán: Nghệ An

- Là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ cách mạng Việt Nam.

- Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lí tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ.

- Tác phẩm chính: Một số tập thơ như Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, … và một số tiểu luận phê bình: Chặng đường mới của văn học chúng ta, Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống, Những người thân những người bạn, …

Câu 2: Em hãy tóm tắt tác phẩm Những cánh buồm bằng đoạn văn ngắn

Trả lời:

Sau trận mưa đêm rả rích, ánh mặt trời rực rỡ trên biển xanh trong vắt, cát vàng mịn hơn, có hai cha con dắt tay nhau đi dạo dưới ánh mai hồng. Bóng hai người trải dài trên cát. Người cha cao, gầy, bóng dài lênh khênh. Bóng cậu con trai tròn trịa, chắc nịch. Cậu bé hỏi cha sao phía xa chỉ thấy nước, thấy trời, không thấy nhà, thấy cây, thấy người ở? Người cha trả lời cứ theo cánh buồm đi xa mãi sẽ thấy cây cối, nhà cửa, nhưng nơi đó cha cũng chưa hề đến. Cậu bé xin cha mượn cho mình cánh buồm trắng để đến được nơi xa đó. Câu hỏi ngây thơ của người con chứa đựng khao khát được đi khắp đó đây, khám phá những điều chưa biết về biển và cuộc sống, ước mơ của con gợi cho người cha nhớ đến chính mình với ước mơ và khát vọng đi xa, tìm hiểu cuộc sống ngày còn thơ ấu.

Câu 3: Tìm biện pháp nghệ thuật trong câu sau  “Ánh mặt trời rực rỡ, ánh mai hồng, ánh nắng chảy đầy vai”

Trả lời:

 Nghệ thuật: ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: ánh nắng chảy đầy vai.

→ Hình ảnh ánh mặt trời rực rỡ lan tỏa khắp không gian, chảy trên cả vai của hai cha con.

Câu 4: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong câu sau: Hai cha con bước đi, Cha dắt con đi, Cha lại dắt con đi.

Trả lời:

 Điệp ngữ và tăng tiến "Cha dắt con đi" - "Cha lại dắt con đi"

→ Từ hình ảnh song hành, đến cuối cùng lại thể hiện sự dìu dắt của người cha, thể hiện tình cha con khăng khít.

Câu 5: Phân tích lần xuất hiện đầu của cánh buồm

Trả lời:

- Lần xuất hiện đầu: trong lời nói của cha.

"Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây có cửa có nhà.

Vẫn là đất nước của ta,

Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến."

+ Đích của cánh buồm: nơi xa, vẫn là đất nước ta.

→ Vừa thân thuộc (vì vẫn là nước ta) vừa xa lạ (nơi xa).

+ Mong muốn được khám phá của người cha: Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến.

→ Sự tiếc nuối xa xăm.

Câu 6: Nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mây và sóng

Trả lời:

  “Mây và sóng” được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ “Si-su” (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập “Trăng non” xuất bản năm 1915

Câu 7: Tìm chi tiết về lời mời gọi của mây và sóng

Trả lời:

- Lời mời gọi của mây và sóng:

   + Những người trên mây: “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”

   + Những người trên sóng: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao?”

⇒ Thế giới mà mây và sóng vẽ ra là thế giới diệu kì, bí ẩn, hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ

Câu 8: Hình ảnh “mây” và “sóng”được gợi cho điều gì?

Trả lời:

“Mây” và “sóng” là biểu tượng cho thế giới thần tiên kì ảo mà em bé tưởng tượng ra, nhưng “mây” và “sóng” cũng là những thú vui, những cám dỗ trong cuộc sống thường ngày mà con người rất dễ bị thu hút

Câu 9: Ban đầu, em bé phản ứng thế nào trước lời mời gọi.

Trả lời:

- Ban đầu: Em bé bị hấp dẫn bởi những lời mời, bằng chứng là em bé hỏi lại:

   + Với mây: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

   + Với sóng: “Nhưng làm thế nào mình ra đó được?”

⇒ Phản ứng ban đầu của em bé là có thể hiểu được vì những lời mời ấy vô cùng thú vị, dễ hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ con

Câu 10: Em bé cảm nhận thế nào về trò chơi của em bé và mẹ

Trả lời:

- Đối với em bé: đó là trò chơi thú vị hơn, hay hơn vì những trò chơi ấy bắt nguồn từ tình yêu thương mẹ

⇒ Hình ảnh thiên nhiên “mây”, “sóng” ở đây tượng trưng cho con thích vui chơi, hình ảnh “trăng”, “ bến bờ kì lạ” tượng trưng cho sự dịu dàng dàng và tấm lòng bao la, tình yêu thương con không bờ bến ⇒ Lòng yêu thương mẹ bộc lộ rõ nét hơn nữa

Câu 11: Triết lý rút ra từ bài thơ Mây và sóng là gì?

Trả lời:

- Con người không tránh khỏi những sự thu hút, cám dỗ từ đời sống, nếu như không có điểm tựa vững chắc, con người rất dễ vướng vào những cám dỗ đó. Tình mẫu tử chính là một điểm tựa vững chắc trong đời người

- Hạnh phúc, đó không phải là những thứ quá xa vời, cũng không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc luôn nằm ngay gần chúng ta, trong những điều giản dị hàng ngày, do chính chúng ta tạo ra

Câu 12: Khái niệm ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Cho ví dụ minh họa.

Trả lời:

- Ngữ cảnh là yếu tố giúp cho câu nói trở nên cụ thể, khiến người nghe, người đọc có thể dễ dàng xác định được nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp.

- Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).

+ Đối với người nói (viết): ngữ cảnh là cơ sở của việc dùng từ, đặt câu, kết hợp từ ngữ.

+ Đối với người nghe (đọc): ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của lời nói.

Câu 13: Ngữ cảnh có vai trò như thế nào?

Trả lời:

+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe xác định cụ thể của các từ đa nghĩa hoặc từ đồng âm.

+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe xác định nghĩa hàm ẩn của những từ ngữ được sử dụng trong các biện pháp tu từ.

+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe hiểu được hàm ý mà người nói thể hiện qua việc lựa chọn, sử dụng các từ xưng hô.

Câu 14: Biện pháp tu từ là gì?

Trả lời:

Biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu, văn bản) trong một ngữ cảnh nhất định nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt, đồng thời góp phần gây ấn tượng với người đối diện, người đọc về nội dung mình muốn truyền đạt.

Câu 15: Từ giọt trong đoạn thơ sau có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho là giọt sương, người cho là giọt mưa xuân và có người cho là “giọt âm thanh” tiếng chim. Theo em, trong ngữ cảnh này, có thể chọn cách hiểu nào? Vì sao?

Ơi, con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Trả lời:

– Theo định nghĩa trong từ điển, nghĩa của từ giọt trong giọt mưa, giọt nước, giọt sương là chỉ lượng rất nhỏ chất lỏng, có dạng hạt. Trong trường hợp này dựa trên ngữ cảnh (giọt long lanh) có thể hiểu là giọt âm thanh – tiếng chim hót. Nhưng chỉ có từ long lanh – chỉ tính chất sáng, đẹp của giọt mà không có từ chỉ sự vật cụ thể như mưa, sương, nước hay tiếng chim nên có thể gợi liên tưởng đến giọt mùa xuân – sức sống của mùa xuân đang dâng tràn, dào dạt

Câu 16: Đọc đoạn thơ sau:

Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát

   Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo

(Anh Ngọc, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi)

  1. Xác định nghĩa của từ "ca hát" trong đoạn thơ trên.

  2. Dựa vào đâu em xác định được nghĩa ấy của từ?

Trả lời:

  1. Từ “ca hát” (xuất hiện sau cụm từ “trái tim mình”) trong đoạn thơ được dùng để chỉ trạng thái tinh thần vui sướng.

  2. Căn cứ để xác định được nghĩa của từ “ca hát” là ngữ cảnh xung quanh, đặc biệt là từ “trái tim” đi cùng với động từ “ca hát”.

Câu 17: Em hãy giới thiệu vài nét về Nguyễn Khoa Điềm

Trả lời:

- Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế;

- Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

- Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người, và tình thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước... giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, mang màu sắc chính luận.

- Tác phẩm chính : Đất ngoại ô (thơ, 1973); Cửa thép (ký, 1972); Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974); Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986); Thơ Nguyễn Khoa Điềm (thơ, 1990);

Câu 18: Hai đoạn thơ trong bài thơ Mẹ và quả đều có sự xuất hiện của hình ảnh sóng đôi. Đó là những hình ảnh nào? Chúng có tác dụng gì?

Trả lời:

Hai đoạn thơ đều có sự xuất hiện của hình ảnh sóng đôi: hình ảnh miếng cau khô và hình ảnh những quả bí và bầu.

Đoạn 1: Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ qua hình ảnh cau để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất. Hình ảnh người mẹ tuổi già sức khỏe được ví hình ảnh cây cau tràn đầy sức sống cho thấy sự vất vả, hi sinh suốt một đời người không thể đối kháng được với thời gian, sinh lão bệnh tử.

Đoạn 2: Nghệ thuật tương phản: "lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên" đối nghịch với "còn những bí và bầu thì lớn xuống". Những người con dưới bàn tay chăm sóc của người mẹ thì dần lớn lên và trưởng thành, cùng với đó là những quả bầu bí nhờ mẹ chăm sóc mà cũng lớn dần trĩu nặng xuống.

Câu 19: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ qua hai đoạn thơ trong bài thơ Mẹ và quả

Trả lời:

Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai là một trong số những bài thơ hay viết về mẹ. Trong bài thơ, tác giả đã chọn hình ảnh cây cau, trái cau xuất hiện song hành cùng mẹ. Đây là một phát hiện khá tinh tế, nhiều biểu cảm. Cây cau muôn đời thẳng, lưng mẹ mỗi ngày còng; lá cau mãi vẫn xanh, tóc mẹ gần với đất; trái câu xưa bổ bốn, nay bổ tám ngại to. Duy nhất một c nét tương đồng giữa mẹ và cau thì gợi lên bao xót xa: Cau khô – khô như mẹ. Vậy là thời gian đã lấy đi tuổi xanh, rút cạn sức lực của mẹ, khiến con đau lòng mà tự vấn trời xanh. Nhưng câu hỏi đâu có lời hồi đáp… Sinh, lão. bệnh, tử là quy luật muôn đời của loài người. Như vậy, bài thơ Mẹ là lời của người con, bộc lộ cảm xúc xót xa thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi, tuổi cao sức yếu, không còn khỏe mạnh minh mẫn như ngày xưa.

Câu 20: Viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của em về đoạn thơ sau:

"Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi."

Trả lời:

Ở hai câu thơ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống", tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập, tương phản. Câu thơ vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Cả con và bầu, bí đều lớn lên từ đôi bàn tay cần mẫn và tình yêu thương của mẹ. Người con muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc dành cho mẹ, người đã vì con mà vất vả, nhọc nhằn. Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình "hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi". Tác giả lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi" để chỉ người mẹ đã già yếu, đến cái tuổi "gần đất xa trời". Hai dòng thơ cuối: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh" đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình lo rằng mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp khôn lớn, trưởng thành. Để thể hiện một cách sâu sắc nội dung, tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nói giảm nói tránh và hình ảnh gần gũi, giản dị. Qua tác phẩm, em càng thêm trân trọng những phút giây được ở bên mẹ của mình.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay