Câu hỏi tự luận tiếng việt 4 cánh diều bài 3: Luyện tập về nhân hóa
Bộ câu hỏi tự luận tiếng việt 4 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 3: Luyện tập về nhân hóa . Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học tiếng việt 4 cánh diều
Xem: => Giáo án tiếng việt 4 cánh diều
CHỦ ĐỀ: MĂNG NONBÀI 3: NHƯ MĂNG MỌC THẲNGLUYỆN TỪ VÀ CÂU: LUYỆN TẬP VỀ NHÂN HÓA
LUYỆN TỪ VÀ CÂU: LUYỆN TẬP VỀ NHÂN HÓA
(12 câu)
I. NHẬN BIẾT (02 CÂU)
Câu 1: Nhân hóa là gì?
Trả lời:
Nhân hóa là dùng từ ngữ chỉ người hoặc chỉ đặc điểm, hoạt động của người để gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật một cách sinh động, gần gũi.
Câu 2: Có mấy kiểu nhân hóa? Kể tên?
Trả lời:
Có 3 kiểu nhân hóa. Đó là:
- Gọi sự vật bằng từ ngữ dùng để gọi người.
- Tả sự vật bằng từ ngữ dùng để tả người.
- Nói với sự vật như nói với người.
II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)
Câu 1: Sự vật nào được nhân hóa trong câu sau?
Ông mặt trời vươn mình qua đám mây đen.
Trả lời:
Sự vật được nhân hóa trong câu là: mặt trời.
Câu 2: Sự vật nào được nhân hóa trong câu sau?
Đỗ quyên đã gọi hè tới rồi.
Trả lời:
Sự vật được nhân hóa trong câu là: đỗ quyên.
Câu 3: Biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu sau là gì?
Chú chim sâu đang tìm thức ăn trên cây.
Trả lời:
Biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu là: gọi sự vật bằng từ ngữ dùng để gọi người.
Câu 4: Từ nào trong câu dưới đây vốn là những từ được dùng để chỉ hoạt động, tính chất của con người nhưng được sử dụng cho sự vật?
Các chú bọ ngựa vung gươm tập múa võ trên những chiếc lá to.
Trả lời:
Các từ vốn là những từ được dùng để chỉ hoạt động, tính chất của con người nhưng được sử dụng cho sự vật là: vung gươm, tập múa võ.
Câu 5: Biện pháp nhân hóa nào được sử dụng trong câu dưới đây?
Gà ơi! Đừng gáy nữa!
Trả lời:
Biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu là: nói với sự vật như nói với người.
III. VẬN DỤNG (03 CÂU)
Câu 1: Tìm các vật, hiện tượng tự nhiên được nhân hóa trong những đoạn thơ sau và cho biết chúng được nhân hóa bằng cách nào?
Chim mừng, ríu cánh vỗ
Rủ nhau về càng đông
Cào cào áo xanh, đỏ
Giã gạo ngay ngoài đồng.
Hạt níu hạt trĩu bông
Đung đưa nhờ chị gió
Mách tin mùa chín rộ
Đến từng ngõ, từng nhà.
(Quang Khải)
Trả lời:
- Các vật, hiện tượng tự nhiên được nhân hóa trong đoạn thơ: chim, cào cào, gió, hạt lúa.
- Chúng được nhân hóa bằng cách:
+ Gọi vật, hiện tượng tự nhiên bằng những từ ngữ chỉ người.
+ Dùng từ ngữ chỉ hoạt động, đặc điểm của người để kể, tả về vật, hiện tượng tự nhiên.
Câu 2: Tìm vật được nhân hóa trong những đoạn văn sau và cho biết chúng được nhân hóa bằng cách nào?
Khi cô sách giáo khoa nói đến những cuốn sách như thế, cả hộp chữ chúng tôi xôn xao hẳn lên, tất cả reo nhảy mừng rỡ. Chúng nó tranh nhau hỏi hết câu này đến câu khác làm cho cô không còn biết trả lời thế nào.
(Theo Trần Hoài Dương)
Trả lời:
- Vật được nhân hóa trong đoạn văn: sách giáo khoa, hộp chữ.
- Chúng được nhân hóa bằng cách:
+ Dùng từ ngữ chỉ hoạt động, đặc điểm của người để kể, tả về vật.
+ Gọi sự vật bàng từ ngữ dùng để gọi người.
Câu 3: Kiểu nhân hóa nào được sử dụng trong câu văn sau?
Buổi sớm, khi cậu gà ri te tái chạy ở trong chuồng ra, dẫn đầu ba chị gà, một bác ngan với một lũ con líp nhíp và mấy thím vịt thì ở nóc chuồng, chọi ta cũng nhảy xuống, hai cái chân gieo bịch trên nền đất.
(Theo Tô Hoài)
Trả lời:
Kiểu nhân hóa được sử dụng trong câu văn là:
- Gọi sự vật bằng từ ngữ dùng để gọi người.
- Tả sự vật bằng từ ngữ dùng để tả người.
IV. VẬN DỤNG CAO (02 CÂU)
Câu 1: Vật nào được nhân hóa trong đoạn văn dưới đây? Chúng được nhân hoá bằng cách nào? Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng.
Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre anh hùng lao động! Tre anh hùng chiến đấu!
Trả lời:
- Vật được nhân hóa trong đoạn văn là: tre.
- Chúng được nhân hóa bằng cách gán những hoạt động của con người với sự vật, làm cho chúng được hình dung có những hoạt động tương tự với con người.
- Tác dụng của biện pháp nhân hóa: làm cho hình ảnh cây tre trở nên gần gũi và thân thuộc hơn.
Câu 2: Cho biết tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ sau?
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện chăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ
Trả lời:
Việc sử dụng biện pháp nhân hóa trong đoạn thơ giúp cho việc khắc họa nỗi buồn, sự trông đợi thiết tha mang đến một cái buồn man mác mà gần gũi, giúp tác giả diễn tả trọn vẹn cảm xúc trong tác phẩm.
=> Giáo án Tiếng Việt 4 cánh diều Bài 3 Luyện từ và câu 2: Luyện tập về nhân hoá