Câu hỏi tự luận Tiếng Việt 4 cánh diều Bài 8 Luyện từ và câu 2: Luyện tập về câu chủ đề của đoạn văn
Bộ câu hỏi tự luận Tiếng Việt 4 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 8 Luyện từ và câu 2: Luyện tập về câu chủ đề của đoạn văn. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Tiếng Việt 4 cánh diều.
Xem: => Giáo án tiếng việt 4 cánh diều
CHỦ ĐỀ: CỘNG ĐỒNG
BÀI 8: NGƯỜI TA LÀ HOA ĐẤT
LUYỆN TỪ VÀ CÂU: LUYỆN TẬP VỀ CÂU CHỦ ĐỀ CỦA ĐOẠN VĂN
I. THÔNG HIỂU
Câu 1: Câu chủ đề có vai trò gì trong đoạn văn?
Trả lời:
Câu chủ đề là ý chính, là câu mang ý chung, ý khái quát của toàn đoạn văn.
Câu 2: Vị trí thông thường của câu chủ đề trong đoạn văn?
Trả lời:
Ví trị thông thường của câu chủ đề trong đoạn văn: ở đầu hoặc cuối đoạn văn.
II. THÔNG HIỂU
Câu 1: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau:
Bài ca có thể là lời của cô gái. Nhân buổi sáng đi thăm đồng, lòng phơi phới ngắm nhìn cảnh đồng quê tràn đầy sức sống, cô thấy chính cô cũng tươi trẻ, tràn đầy sức sống như những “chẽn lúa đòng đòng”, “phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai” kia. Phải chăng, đó là một lời tự khen thầm kín và hồn nhiên? (Bùi Mạnh Nhị, Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng...
Trả lời:
Câu chủ đề trong đoạn văn: Bài ca có thể là lời của cô gái.
Câu 2: Tìm câu chủ đề của đoạn văn sau?
Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên. Trên một diện tích hẹp mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu phượng múa. Đảo có chỗ sừng sững chạy dài như bức tường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Tùy theo sự phân bố của đảo, mặt vịnh Hạ Long lúc toả mênh mông, lúc thu hẹp lại thành ao, thành vũng, lúc bị kẹp giữa hai triền đảo như một dòng suối, lúc uốn quanh chân đảo như dải lụa xanh.
Trả lời:
Câu chủ đề của đoạn văn: Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên.
Câu 3: Nội dung của đoạn văn sau là gì?
Mùa xuân bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba. Thời tiết rất ấm áp. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng qua kẽ lá non làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân có bao nhiêu là hoa đẹp, nào hoa huệ, hoa hồng, nào hoa đào, hoa mai,… Mùa xuân cũng có rất nhiều loại quả. Thích nhất là vào ngày Tết em được ông bà, bố mẹ lì xì và cho đi chơi, chúc tết mọi nhà. Em rất thích mùa xuân.
Trả lời:
Nội dung của đoạn văn là: Miêu tả mùa xuân.
Câu 4: Câu chủ đề của đoạn văn sau có thể là gì?
Bồ cát xây tổ trên cây sung cao chót vót. Tổ bồ cát xây ở đầu cành, trông trống trải. Chim ổ dộc xây tổ trên cành vông, tổ như treo lơ lửng trên cành. Đôi chim cu chọn chỗ xây tổ trên cây thị - nơi có nhiều mầm non vừa nhú. Lúc đầu quanh tổ trông trống trải, nhưng đến khi ấp trứng, những mầm non đã bật dậy tốt tươi, che chung quanh kín đáo.
Trả lời:
Câu chủ đề của đoạn văn có thể là: Mùa xuân đến, chim bắt đầu xây tổ.
Câu 5: Xác định câu chủ đề của đoạn văn sau?
Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khỏe mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nôi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.
Trả lời:
Câu chủ đề của đoạn văn là: Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng.
III. VẬN DỤNG
Câu 1: Vị tri của câu chủ đề phụ thuộc vào yếu tố nào?
Trả lời:
Vị trí của câu chủ đề phụ thuộc vào hình thức trình bày của đoạn văn.
Câu 2: Tìm câu mở đoạn của đoạn văn sau:
“Chiếc ví” là câu chuyện mà em rất thích, vì nội dung thú vị và có ý nghĩa sâu sắc. Câu chuyện kể về một cậu bé nghèo đã trả lại chiếc ví nhặt được của nhà từ thiện và chỉ xin ông một đô la. Lúc đầu nhà từ thiện ngạc nhiên, sau đó rất xúc động. Hoá ra cậu bé không có cả một đô la để gọi điện thoại báo cho ông đến nhận ví mà phải vay tiền người khác. Cậu bé xin một đô la, vừa bằng đúng số tiền cậu đã vay và cần phải trả. Mặc dù nghèo khó, cậu bé không tham lam. Cậu rất trung thực và biết giữ lời hứa. Một điều thú vị nữa là sự thay đổi của người trợ lí trong chuyện. Lúc đầu, anh ta có những ý nghĩ xấu về cậu bé nghẻo. Nhưng khi chứng kiến hành động của cậu bé, anh cảm thấy xấu hổ vì đã có những ý nghĩ sai. Qua câu chuyện, em hiểu rằng trung thực là phẩm chất rất đáng quý và không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài của họ.
Trả lời:
Câu mở đoạn của đoạn văn: “Chiếc ví” là câu chuyện mà em rất thích, vì nội dung thú vị và có ý nghĩa sâu sắc.
Câu 3: Tìm câu chủ đề của đoạn văn trên?
Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa.
Trả lời:
Câu chủ đề: Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm.
IV. VẬN DỤNG CAO
Câu 1: Viết câu chủ đề cho đoạn văn sau:
Nghe tin quân Nguyên hung hãn xâm lược đất Việt, ông xin nhà vua cho ra trận chỉ với vũ khí là búa và dùi sắt để giết giặc. Một lần, khi đục thuyền giặc, ông bị chúng bắt. Ông nhanh trí vờ dẫn địch đi bắt người đục thuyền, rồi nhân lúc chúng sơ ý, ông nhảy xuống biển sâu trốn thoát.
Trả lời:
Viết câu chủ đề cho đoạn văn: Yết Kiêu là người có tài bơi lặn và có trí thông minh cao.
Câu 2: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn:
“Thánh Gióng” là một truyện dân gian nổi tiếng, kể về một cậu bé lên ba, không biết nói, biết cười bỗng lớn vụt lên khi nước nhỏ có giặc ngoại xâm. Cậu bé trở thành chàng dũng sĩ, đầu đội nón sốt, mình mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, vung cây roi sắt, xông ra trận, làm giặc khiếp vía kinh hồn. Lúc roi sắt gãy, chàng liền nhổ những bụi tre ven đường làm vũ khí đánh giặc. Giặc tan, chàng cởi giáp sắt, nón sắt, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Em rất thích câu chuyện này vì hình ảnh Thánh Gióng nói lên sức mạnh kì diệu của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trả lời:
Câu chủ đề: “Thánh Gióng” là một truyện dân gian nổi tiếng, kể về một cậu bé lên ba, không biết nói, biết cười bỗng lớn vụt lên khi nước nhỏ có giặc ngoại xâm.
=> Giáo án Tiếng Việt 4 cánh diều Bài 8 Luyện từ và câu 2: Luyện tập về câu chủ đề của đoạn văn