Câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 3: Chăn nuôi (P3)
Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 3: Chăn nuôi. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án công nghệ 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 3: CHĂN NUÔI
(PHẦN 3 – 20 CÂU)
Câu 1: Phòng bệnh là gì? Nêu vai trò phòng, trị bệnh cho vật nuôi? Nêu một số biện pháp trị bệnh cho vật nuôi?
Trả lời:
- Phòng bệnh là thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ cơ thể vật nuôi khỏi các tác nhân gây bệnh. Trong thực tiễn chăn nuôi, luôn phải thực hiện phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh".
- Phòng, trị bệnh cho vật nuôi là một trong những hoạt động quan trọng trong chăn nuôi. Phòng, trị bệnh hiệu quả sẽ đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững; cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Một số biện pháp trị bệnh:
+ Trị bệnh (chữa bệnh) là các biện pháp giúp cho cơ thể vật nuôi khỏi bệnh như dùng thuốc, phẫu thuật,.....
+ Khi vật nuôi có các biểu hiện của bệnh thì phải liên hệ ngay với cán bộ thú y gần nhất để điều trị kịp thời.
+ Định kỳ tẩy giun, sán và ký sinh trùng ngoài da cho vật nuôi.
Câu 2: Chuồng phải được xây dựng như thế nào để đảm bảo độ thông thoáng?
Trả lời:
Để đảm bảo độ thông thoáng, chuồng cần phải làm cao; tường gạch xây cao từ 50 cm đến 60 cm, phía trên làm bằng lưới mắt cáo, bên ngoài lưới mắt cáo có bạt che chắn có thể kéo lên, hạ xuống dễ dàng để che mưa, gió khi cần thiết.
Câu 3: Trình bày một số ngành nghề trong chăn nuôi?
Trả lời:
- Bác sĩ thú y
Bác sĩ thú y là những người làm nhiệm vụ phòng bệnh, khám và chữa bệnh cho vật nuôi (Hình 9.5), góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm các loại thuốc, vaccine cho vật nuôi. Phẩm chất cần có của bác sĩ thú y là yêu động vật, cần thận, tỉ mỉ, khéo tay.
- Kỹ sư chăn nuôi
Kỹ sư chăn nuôi là những người làm nhiệm vụ chọn và nhân giống vật nuôi; sản xuất thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Phẩm chất cần có của kỹ sư chăn nuôi là yêu động vật, thích nghiên cứu khoa học, thích chăm sóc vật nuôi.
Câu 4: Nêu những biện pháp cần chú ý trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi con?
Trả lời:
Quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi non cần chú ý những biện pháp sau:
- Giữ ấm cho vật nuôi, chăm sóc chu đáo.
- Chuồng nuôi phải luôn được làm vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng, yên tĩnh.
- Cho con non bú sữa đầu của mẹ càng sớm càng tốt.
- Tập cho vật nuôi non ăn sớm để bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt trong sữa mẹ.
- Cho vật nuôi non vận động và tiếp xúc với ánh nắng vào buổi sáng sớm.
Câu 5: Quan sát hoạt động chăn nuôi ở gia đình và địa phương em, tìm ra những hoạt động chưa hợp lí và đề xuất các biện pháp khắc phục để bảo vệ môi trường.
Trả lời:
- Những hoạt động chưa hợp lí trong chăn nuôi ở địa phương em:
+ Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ trọng cao nên khó kiểm soát về dịch bệnh và môi trường.
+ Kiểm soát xử lý môi trường chưa thường xuyên nên ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng.
+ Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của vật nuôi luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn,... gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi cũng như ngân sách nhà nước.
+ Năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu liên kết, chưa tạo dựng được thương hiệu, đầu ra không ổn định, chủ yếu bán sản phẩm thô cho thương lái, giá thành sản xuất khá cao, sức cạnh tranh kém.
- Đề xuất các biện pháp khắc phục để bảo vệ môi trường:
+ Sử dụng máy móc, thiết bị và các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập từ sản phẩm phụ của chăn nuôi (máy tách, ép phân, bể bioga, đệm lót sinh học, nuôi giun,...).
+ Áp dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn chăn nuôi để tăng tỷ lệ tiêu hóa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y về chuồng trại, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát và không bị lây lan dịch bệnh ở vật nuôi.
+ Khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.
Câu 6: Nêu hiểu biết của em về tác dụng của một số loại vaccine trong phòng bệnh cho vật nuôi?
Trả lời:
Tác dụng của một số loại vaccine trong phòng bệnh cho vật nuôi:
- Vacxin H5N1 phòng chống cúm gia cầm .
- Vaccine LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc.
- Vacxin Verorab phòng bệnh dại cho động vật.
Câu 7: Khi xây dựng chuồng nuôi gà cần đáp ứng những yêu cầu nào?
Trả lời:
- Chuồng nuôi gà nên làm ở nơi cao ráo để tránh ngập nước vào mùa mưa, chọn hướng thích hợp để tránh được gió lùa và ánh nắng trực tiếp.
- Chuồng cần đảm bảo thông thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng nên lát gạch hoặc láng xi măng, trên nền cần lót thêm một lớp độn chuồng (trấu, dăm bào, mùn cưa,...) dày từ 10cm đến 15cm hoặc làm sàn thoáng cách nền khoảng 50cm cho gà đậu.
Câu 8: Trình bày những hiểu biết của em về chăn nuôi thông minh?
Trả lời:
Chăn nuôi thông minh là việc ứng dụng một cách thích hợp các công nghệ thông minh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và tính bền vững trong chăn nuôi. Ví dụ điển hình của mô hình chăn nuôi này là sử dụng các thiết bị thông minh tự động để theo dõi sức khoẻ vật nuôi và môi trường chăn nuôi kể cả thức ăn, nước uống, từ đó sẽ tự động đưa ra giải pháp tốt nhất. Đây là xu thế chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Câu 9: Phân biệt các biện pháp nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi non, vật nuôi đực giống và vật nuôi cái sinh sản?
Trả lời:
Vật nuôi non |
Vật nuôi đực giống |
Vật nuôi cái sinh sản |
- Giữ ấm cho vật nuôi, chăm sóc chu đáo. - Chuồng nuôi phải luôn được làm vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng, yên tĩnh. - Cho con non bú sữa đầu của mẹ càng sớm càng tốt. - Tập cho vật nuôi non ăn sớm thức ăn đủ dinh dưỡng để bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt trong sữa mẹ. - Cho vật nuôi vận động và tiếp xúc với ánh nắng vào buổi sáng sớm. |
- Cho ăn thức ăn chất lượng cao, giàu chất đạm. Cho ăn vừa đủ để chúng không quá béo, quá gầy - Chuồng nuôi rộng rãi, phù hợp, vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. - Tắm chải và vận động thường xuyên. - Khai thác tinh hay cho giao phối khoa học. |
Chia thành 3 giai đoạn: - Giai đoạn hậu bị: + Cho ăn vừa đủ về số lượng và chất lượng. + Cho vật nuôi vận động thường xuyên - Giai đoạn mang thai: + Cho ăn đủ lượng thức ăn và đủ chất dinh dưỡng (đặc biệt là protein và khoáng chất); + Thường xuyên tắm chải; + Cho vật nuôi vận động nhẹ nhàng. - Giai đoạn đẻ và nuôi con: + Cho ăn thức ăn có mức năng lượng và protein cao, đầy đủ chất khoáng và vitamin. |
Câu 10: Đề xuất những biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi ở gia đình hoặc địa phương em. Nêu mục đích của từng biện pháp.
Trả lời:
- Nuôi dưỡng tốt:
+ Thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, không sử dụng thức ăn bị hư hỏng, ôi, mốc.
+ Không dùng nước ao hồ, sông ngòi hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho vật nuôi uống.
- Chăm sóc chu đáo:
+ Thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe vật nuôi.
+ Luôn vật nuôi nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì vật nuôi trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh.
- Cách li tốt:
+ Cách li vật nuôi có biểu hiện bất thường để theo dõi và báo cáo người phụ trách (nếu có). Nếu vật nuôi chết, đưa ngay xác vật nuôi ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý tuỳ từng loại bệnh.
+ Báo cán bộ thú y đến kiểm tra hoặc gửi mẫu vật nuôi ốm, chết đi kiểm tra.
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ:
+ Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, đảm bảo cách ly với môi trường xung quanh.
+ Tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi.
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo quy định:
+ Phòng bệnh bằng vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả nhất. Khi đưa vắc xin vào cơ thể vật nuôi, chưa có kháng thể chống bệnh ngay mà phải sau 7 - 21 ngày (tùy theo từng loại vaccine) mới có miễn dịch.
+ Sử dụng vaccine phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất và theo dịch tễ từng vùng để hiệu quả phòng bệnh cao.
Câu 11: Trình bày cách chăm sóc gà từ giai đoạn giai đoạn trên một tháng tuổi?
Trả lời:
Giai đoạn này cần bỏ quây đề gà đi lại tự do. Sau hai tháng tuổi, nếu có điều kiện nên thả gà ra vườn hoặc đồi đề gà vận động, ăn khoẻ, nhanh lớn, thịt chắc và ngon hơn (Hình 12.7). Hằng ngày, cần rửa sạch máng ăn và máng uống để phòng bệnh cho gà. Sau mỗi lứa gà, cần thay lớp độn chuồng và làm vệ sinh nền chuồng sạch sẽ.
Câu 12: Em sẽ làm gì để góp phần giảm thiểu thiên tai?
Trả lời:
Những việc cần làm của bản thân em góp phần giảm thiểu thiên tai:
+ Tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng cho những người trong gia đình và người dân khu vực.
+ Đề cao vai trò của người dân bản địa.
+ Tuân thủ quy định về bảo vệ rừng khi tham quan.
+ Không sử dụng sản phẩm từ động vật rừng quý hiếm.
+ Sử dụng các sản phẩm từ nguồn năng lượng tái tạo.
Câu 13: Vật nuôi sẽ xảy ra hiện tượng gì nếu cho ăn thừa hoặc thiếu chất?
Trả lời:
Nếu cho vật nuôi ăn thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng thì sẽ xảy ra hiện tượng vật nuôi bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sức đề kháng bệnh năng suất và chất lượng thịt của vật nuôi
- Thừa dinh dưỡng sẽ gây tình trạng ngộ độc như loạn dưỡng cơ, mề bị bào mòn, tích nước trong mô, chất chứa manh tràng đen.
- Thiếu dinh dưỡng thì tùy theo từng loại chất khoáng mà vật nuôi có những biểu hiện khác nhau như:
+ Thiếu hụt hoặc mất cân đối Ca, P ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bộ xương;
+ Thiếu Mn (mangan) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển khớp xương, súc vật yếu chân, đi lại khó khăn;
+ Thiếu Zn (kẽm) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lớp tế bào niêm mạc da, gây bệnh sừng hóa trên da (parakeratosis), giảm hoạt lực tinh trùng, giảm sức đề kháng bệnh;
+ Thiếu Fe (sắt), Cu (đồng) và Co (cobalt) ảnh hưởng xấu đến sự tạo máu, sự tổng hợp hemoglobin, làm cho vật nuôi thiếu máu; thiếu myoglobin, thịt nạc thiếu sắc tố đỏ, bạc màu, chất lượng kém
+ Thiếu I (iod) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tuyến giáp và sựtổng hợp kích tố thyroxin. Nếu thiếu iot lâu ngày sẽ đưa đến sinh trưởng chậm, vật nuôi bị trụi lông, bướu cổ, sức đề kháng bệnh giảm sút, năng suất sinh trưởng, đẻ trứng cũng như tiết sữa giảm sút.
Câu 14: Nêu các yêu cầu khi cho gà ăn?
Trả lời:
Cần cho gà ăn thức ăn phù hợp với tuổi của gà, nên sử dụng máng phù hợp để cho gà ăn nhằm đảm bảo vệ sinh và giúp tiết kiệm thức ăn. Cho gà uống nước đầy đủ.
Câu 15: Kể tên các phương thức chăn nuôi phổ biến ở nước ta?
Trả lời:
Hiện nay, ở nước ta có hai phương thức chăn nuôi phổ biến: chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại
Câu 16: Nên và không nên làm gì khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh?
Trả lời:
- Việc nên làm khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh:
+ Nhốt cách ly vật nuôi ốm để theo dõi.
+ Báo cáo cán bộ thú y đến kiểm tra.
+ Vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại.
- Việc không nên làm khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh:
+ Bán nhanh những con khỏe, mổ thịt những con ốm.
+ Vứt xác vật nuôi xuống ao, mương hay chỗ vắng người.
+ Mang vật nuôi sang nơi khác để tránh dịch.
Câu 17: Thức ăn cho gà được chia thành mấy loại và có mấy nhóm dinh dưỡng?
Trả lời:
Thức ăn cho gà được chia thành hai loại cơ bản là thức ăn tự nhiên và thức ăn công nghiệp. Dù là loại thức ăn nào thì cũng cần có đủ bốn nhóm dinh dưỡng là nhóm chất đạm, nhóm tinh bột, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng.
Câu 18: Nêu những tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi nước ta?
Trả lời:
Ngành chăn nuôi nước ta có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai như: nhu cầu trong nước và thế giới về sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng; liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng mở rộng; công nghệ cao trong chăn nuôi được đầu tư và áp dụng ngày càng nhiều; người dân cần cù, ham học hỏi và thường xuyên cập nhật kiến thức mới về chăn nuôi.
Câu 19: Liệt kê Một số chủng cúm gia cầm đã xuất hiện ở Việt Nam mà em biết?
Trả lời:
Một số chủng cúm gia cầm đã xuất hiện ở Việt Nam:
- Cúm A H5N1
- Cúm A H5N8
- Cúm A H7N9
- Cúm A H5N6
Câu 20: Đề xuất bốn loại nguyên liệu (thuộc bốn nhóm dinh dưỡng) có sẵn trong gia đình, địa phương em phù hợp để làm thức ăn cho gà.
Trả lời:
Nhóm dinh dưỡng |
Tên thức ăn |
Chất đạm |
Giun đất |
Tinh bột |
Ngô |
Chất béo |
Khô lạc |
Vitamin và chất khoáng |
Rau muống |
=> Bài giảng điện tử công nghệ 7 kết nối tri thức bài: Ôn tập chương III