Nội dung chính Công nghệ 12 Lâm nghiệp Thuỷ sản Cánh diều Bài 19: Quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP

Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 19: Quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP sách Công nghệ 12 - Lâm nghiệp - Thuỷ sản cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.

BÀI 19: QUY TRÌNH NUÔI THỦY SẢN THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

1. VIETGAP trong nuôi trồng thủy sản

1.1 Khái niệm

- Quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP tuân theo các yêu cầu đối với thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt trong ao, có thể kiểm soát các yếu tố đầu vào từ khâu chuẩn bị ao, thả giống đến khâu thu hoạch để làm thực phẩm. Quy trình gồm 7 bước: 

Chuẩn bị cơ sở nuôi → Lựa chọn và thả giống → Quản lí và chăm sóc → Thu hoạch → Thu gom xử lí chất thải → Lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc → Kiểm tra nội bộ.

1.2 Lợi ích của nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap

- Đối với cơ sở nuôi: giảm chi phí sản xuất, sản phẩm có chất lượng ổn định, tạo dựng được mối quan hệ tốt với người lao động và cộng đồng xung quanh.

- Đối với người lao động: được làm việc trong môi trường an toàn đảm bảo vệ sinh, nâng cao kĩ năng lao động thông qua đào tạo về VietGAP.

- Đối với người tiêu dùng và xã hội: biết rõ được nguồn gốc thực phẩm, công bằng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn,...

- Đối với cơ sở chế biến thuỷ sản: có nguồn nguyên liệu đảm bảo, giảm chi phí ở các công đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm thuỷ sản, tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm,...

2. Quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap

2.1 Chuẩn bị sơ sở nuôi

Cơ sở hạ tầng của đơn vị nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn của VietGAP phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bờ ao được xây dựng bằng các vật liệu:

+ Không gây ô nhiễm môi trường

+ Không gây độc hại cho thuỷ sản nuôi

+ Không rò rỉ nước.

- Hệ thống nước cấp, nước thải riêng biệt.

- Có nơi chứa và xử lí nước thải, bùn thải từ ao nuôi.

- Có nơi chứa và xử lí nước thải, chất thải sinh hoạt nếu có người lao động ở tại cơ sở nuôi.

- Khu vực chứa rác thải nguy hại riêng biệt với nơi chứa, xử lí thuỷ sản chết; tách biệt với khu nuôi trồng và không làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Khu vực chứa vật tư đầu vào theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo không có sự xâm nhập của địch hại và tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

- Có sơ đồ chỉ dẫn khu nuôi thuỷ sản phù hợp với thực tế và có biển báo cho từng khu vực

- Có các biện pháp đảm bảo ngăn ngừa địch hại và các vật nuôi khác (chó, mèo, vịt, gà,...) xâm nhập vào cơ sở nuôi.

2.2 Lựa chọn thả giống

- Con giống phải nằm trong Danh mục các loài thuỷ sản được phép kinh doanh. Con giống phải đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch theo quy định, đồng thời không sử dụng con giống biến đổi gene và không sử dụng con giống khai thác từ bãi đẻ, khu vực di cư sinh sản.

- Quá trình vận chuyển con giống phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sức sống và chất lượng con giống. Khi thả giống lưu ý cân bằng giữa môi trường ao (bể) nuôi và môi trường nước vận chuyển, tránh gây sốc cho con giống. Mật độ và mùa vụ thả phải tuân theo quy trình nuôi.

2.3 Quản lí và chăm sóc

a. Sử dụng thức ăn: Phải sử dụng thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, độ tuổi của đối tượng nuôi. Thức ăn không chưa chất cấm theo quy định của pháp luật, không sử dụng hormone và chất kích thích sinh trưởng trong quá trình nuôi, không sử dụng sản phẩm hết hạn, không rõ nhãn, không đảm bảo chất lượng,…

b. Theo dõi môi trường

- Nước cấp vào ao nuôi phải được xử lí và kiểm soát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Chất lượng nước nuôi phải thích hợp với loài thuỷ sản và không là mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Cơ sở nuôi cần định kì kiểm tra chất lượng nước ao nuôi về một số chỉ tiêu lí – hoá phù hợp với loài thuỷ sản và hình thức nuôi trồng. Các chỉ tiêu môi trường theo dõi bao gồm: pH, hàm lượng oxygen hoà tan, lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng ammonia, hydro sulfide, độ mặn.

c. Quản lí dịch bệnh

- Cơ sở nuôi phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện dấu hiệu bị sốc, bị bệnh, nghi ngờ bị bệnh, các dấu hiệu bất thường khác trên thuỷ sản nuôi và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, phải thực hiện cách li, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh giữa các ao nuôi và từ ao nuôi ra bên ngoài. 

- Nếu thuỷ sản mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh thuỷ sản phải công bố dịch thì phải báo cáo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm nơi gần nhất.

- Cơ sở nuôi sử dụng thuốc thú y thuỷ sản nằm trong danh mục thuốc được lưu hành theo phác đồ của cán bộ chuyên môn, không sử dụng thuốc trong danh mục cấm và phải tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lí.

2.4 Thu hoạch

- Cơ sở nuôi cần có kế hoạch, biện pháp thu hoạch phù hợp với loài thuỷ sản và hình thức nuôi trồng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

2.5 Thu gom và xử lí rác thải

Theo quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP, chất thải được thu gom và xử lí như sau:

- Thu gom và xử lí đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường.

- Đối với chất thải rắn: thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

- Đối với chất thải nguy hại: phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lí theo quy định về quản lí chất thải nguy hại.

- Đối với thủy sản bị chết, bị nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh trong Danh mục bệnh thuỷ sản: công bố dịch phải được xử lí đúng cách tránh gây lây lan dịch bệnh.

- Cơ sở nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, phải thực hiện tẩy trùng, cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi trồng.

2.6 Lưu trữ hồ sơ và truy xuất nguồn gốc

Việc lưu trữ hồ sơ trong quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm mục đích:

- Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, đến quá trình nuôi trồng, thu hoạch và chế biến giúp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu và uy tín của sản phẩm.

- Để các cơ quan chức năng đánh giá và kiểm tra việc tuân thủ các quy định của VietGAP giúp đảm bảo sản phẩm thủy sản được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, an toàn cho người tiêu dùng.

- Để người nuôi thủy sản ghi chép, theo dõi và đánh giá quá trình sản xuất giúp họ xác định được những điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra các biện pháp cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Để cung cấp bằng chứng cho các tuyên bố về chất lượng sản phẩm.

- Giúp đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

2.7 Kiểm tra nội bộ

- Đối với cơ sở nuôi nhiều thành viên hoặc nhiều địa điểm nuôi phải tiến hành kiểm tra nội bộ. Cơ sở tổ chức kiểm tra định kì việc tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn không quá 1 năm một lần, phát hiện điểm không phù hợp, xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

=> Giáo án Công nghệ 12 Lâm nghiệp thủy sản cánh diều bài 19: Quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Kiến thức trọng tâm Công nghệ 12 Lâm nghiệp - Thuỷ sản Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay