Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 6: Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 6: Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 cánh diều.

Xem: => Giáo án lịch sử 10 cánh diều (bản word)

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 6. MỘT SỐ NỀN VĂN MINH TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858) (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy nêu thành tựu tiêu biểu về đời sống vật chất của cư dân nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

* Thành tựu về đời sống vật chất của cư dân nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

- Lương thực, thực phẩm chủ yếu là: gạo nếp, gạo tẻ, rau củ, gia súc, gia cầm, các loại thủy sản,…

- Trang phục:

+ Ngày thường: nam đóng khố, nữ mặc áo váy, đi chân đất.

+ Lễ hội có thêm các đồ trang sức như vòng, nhẫn, khuyên tai, mũ gắn lông vũ,…

- Nhà ở phổ biến là kiểu nhà sàn (làm bằng tre, nứa, lá, gỗ,…)

- Phương tiện di chuyển trên sông: thuyền,bè.

Câu 2: Hãy kể tên một số di chỉ, hiện vật khảo cổ tiêu biểu minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Một số di chỉ minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Di chỉ khảo cổ Văn hóa Đông Sơn.

+ Khu di tích Cổ Loa.

- Một số hiện vật minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam); Trống đồng Hoàng Hạ (Hà Nội);..

+ Những công cụ sản xuất - vũ khí: lưỡi cày đồng Đông Sơn; rìu gót vuông Đông Sơn; Mũi tên đồng Cổ Loa; dao găm…

+ Đồ dùng sinh hoạt: Muôi đồng Việt Khê (Hải Phòng); Muôi đồng làng Vạc (Nghệ An); âu đồng Trung Màu (Hà Nội); Thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái);…

Câu 3: Hãy nêu những biểu hiện về sự kế thừa và phát triển của nước Âu Lạc so với nước Văn Lang.

Trả lời:

- Biểu hiện về sự kế thừa nhà nước Văn Lang: kế thừa về tổ chức bộ máy nhà nước.

+ Tổ chức nhà nước Âu Lạc cơ bản giống với nhà nước Văn Lang

+ Cụ thể: đứng đầu vẫn là An Dương Vương, giúp việc vẫn là các lạc hầu. Còn các đơn vị hành chính địa phương ko có thay đổi nhiều so với nhà nước Văn Lang.

- Về sự phát triển:

+ Lãnh thổ mở rộng hơn so với thời kì Văn Lang

+ Cư dân Âu Lạc biết chế tạo ra nỏ, xây dựng thành Cổ Loa.

Câu 4: Các nền văn minh tiền Đông Sơn đã đóng góp như thế nào cho sự ra đời của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc?

Trả lời:

- Cách ngày nay khoảng 2800 năm, trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cư dân Việt cổ đã bước vào thời kì phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn.

- Nền văn hóa Đông Sơn có vị trí rất quan trọng, là nền tảng vật chất đối với sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cùng như văn minh Đại Việt sau này.

- Nền văn hóa Đông Sơn cùng với các văn hóa đồng đại khu vực lân cận tồn tại trong mối quan hệ thống nhất trong sự đa dạng.

- Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc nằm trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã phát triển trong thời đại kim khí được hình thành trên cơ sở tiếp nối các nền văn hóa tiền Đông Sơn.

 

Câu 5: Tục thờ cúng Hùng Vương thể hiện tín ngưỡng gì của cư dân văn minh Văn Lang – Âu Lạc?

Trả lời:

- Tục thờ cúng Hùng Vương là một trong những truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

- Thực chất nó là tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người có công dựng nước và giữ nước. Thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của cư dân người Việt.

Câu 6: Điều kiện dân cư và xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành văn minh Chăm-pa?

Trả lời:

- Điều kiện dân cư: gồm hai bộ tộc chính: bộ tộc Dừa (Na-ri-kê-la-vam-sa) và bộ tộc Cau (Kra-mu-ka-vam-sa) được gọi chung là người Chăm, thuộc ngữ hệ Nam Đảo

- Điều kiện xã hội

+ Cộng đồng người Chăm bảo lưu chế độ mẫu hệ

+ Tổ chức xã hội của người Chăm phân chia theo địa hình và địa bàn cư trú với mô hình ba trục: cảng (phía đông) – thành (trung tâm) – trung tâm tôn giáo (phía tây).

Câu 7: Nêu mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước Phù Nam.

Trả lời:

- Vương quốc Phù Nam ra đời vào khoảng đầu thế kỉ I

- Nhà nước Phù Nam tồn tại trong khoảng 7 thế kỷ, mang tính chất của nhà nước chuyên chế phương Đông cổ đại.

- Đứng đầu là vua nắm cả vương quyền và thần quyền, giúp việc cho vua là các quan lại trong hệ thống chính quyền.

Câu 8:  Nêu những thành tựu cơ bản về đời sống vật chất của cư dân Phù Nam.

Trả lời:

- Người Phù Nam xúc tiến mạnh mẽ hoạt động trao đổi, buôn bán với bên ngoài nhờ lợi thế đường biển với nhiều hải cảng.

- Thương cảng Óc Eo trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất bấy giờ.

- Cư dân Phù Nam sống trong những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, lợp lá. Phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền, phù hợp với môi trường sông, rạch và ven biển.

- Trang phục của người Phù Nam khá đơn giản, đàn ông mặc khố dài tới gối, ở trần; phụ nữ dùng một tấm vải quấn lại thành váy và đeo trang sức.

Câu 9 : Cho biết văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển của văn hóa Phù Nam?

Trả lời:

- Phù Nam đã tiếp nhận nhiều giá trị văn minh Ấn Độ như chữ viết, tư tưởng, tôn giáo, tổ chức nhà nước và chế độ đẳng cấp.

- Xã hội Phù Nam có sự phân hóa dưới ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.

- Tổ chức bộ máy nhà nước Phù Nam mang tính chất của nhà nước chuyên chế phương Đông cổ đại.

- Từ cuối thế kỉ II đến đầu thế kỉ III, trên cơ sở chữ Phạn của người Ấn, người Phù Nam đã xây dựng hệ thống chữ viết riêng của mình.

- Trong thư tịch cổ Trung Quốc cũng cho biết người Phù Nam có nhiều sách vở, thư viện.

 

Câu 10: Một trong những nét đặc sắc của người Chăm đó là chữ viết, vậy nó được bắt nguồn từ đâu và có được lưu giữ đến bây giờ không ?

Trả lời:

Chữ Chăm là một trong những hệ thống chữ viết đầu tiên bắt nguồn từ chữ Brahmi ở Nam Ấn Độ khoảng năm 200. Giống như tất cả các chữ viết thuộc nhóm ngôn ngữ Brahmi, chữ Chăm ghi lại âm tiết (có chữ cái chỉ nguyên âm, nhưng các chữ cái ghi lại phụ âm có nguyên âm đi kèm luôn trong đó). Chữ này viết hàng ngang, từ trái sang phải như chữ Latinh.

* Không, Cộng đồng người Chăm ngày nay có hai nhóm cách biệt nhau, người Tây

Chăm ở Campuchia và người Đông Chăm ở Việt Nam. Chữ viết Chăm ở hai nơi khác biệt nhau khá xa. Người Tây Chăm phần lớn theo đạo Hồi và ngày nay ưu chuộng dùng chữ Ả Rập. Người Đông Chăm ở Việt Nam chủ yếu theo đạo Hindu và vẫn sử dụng chữ viết riêng của họ. Trong thời gian Đông Dương là thuộc địa của Pháp, cả hai nhóm người Chăm đều bị buộc phải chuyển sang dùng ký tự Latin.

Câu 11: Em hãy nêu ý nghĩa của lễ Tịch điền.

Trả lời:

- Lễ Tịch điền là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc:

+ Thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp

+ Tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Câu 12: Nêu tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ

Trả lời:

Bộ máy ở địa phương thời Lê Sơ

+ Thời vua Lê Thái Tổ và vua Lê Nhân Tông, cả nước chia làm 5 đạo. Dưới đạo là phủ, huyện (châu), xã.

+ Thời vua Lê Thánh Tông, đổi chia 5 đạo thành 13 đạo thừa tuyên, đứng đầu mỗi đạo là 3 ti phụ trách 3 mặt khác nhau (đô ti, thừa ti và hiến ti). Dưới đạo thừa tuyên là phủ, châu, huyện, xã.

 

Câu 13: Văn minh Đại Việt tồn tại và phát triển trong thời gian nào?

Trả lời:

- Văn minh Đại Việt tồn tại và phát triển trong thời gian từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX. Văn minh Đại Việt tồn tại và phát triển gắn liền với chính quyền họ Khúc, Dương và các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn.

Câu 14: Dựa vào những hiểu biết của em, em hãy giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long.

Trả lời:

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như: Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.

Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Những giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật hiện hữu được phát lộ mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bao gồm hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam.

Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó năm 2010, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long càng khẳng định là niềm tự nào của nhân dân Thủ đô và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị cho di sản.

Hiện nay, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ tham quan nổi tiếng của Hà Nội. Từ cổng 19C Hoàng Diệu, du khách tham quan đi qua sân Quảng trường Đoan Môn, đến thăm lầu Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, di tích Cách mạng D67, lầu Hậu Lâu, tiếp đó đi qua đoạn đường được lắp đặt hệ thống đèn đặc biệt để tham quan khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu tại hai khu vực A và B với nhiều phế tích kiến trúc như: Dấu vết nền cung điện, các đoạn thành, giếng cổ…

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài hơn 1000 năm, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả người dân Việt Nam.

Câu 15: Em có nhận xét gì về sự phát triển thương nghiệp Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.

Trả lời:

- Nhận xét sự phát triển của thương nghiệp:

+ Sự phát triển của thương nghiệp đã trực tiếp góp phần tạo nên sự phồn thịnh của quốc gia Đại Việt

+ Thương nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX phát triển do hệ thống tiền tệ, đo lường được thống nhất; chính sách mở cửa của chính quyền phong kiến; những cuộc phát kiến địa lí đã tạo nên sự giao lưu văn hóa Đông - Tây thuận lợi.

+ Giữa thế kỉ XVIII, ngoại thương suy yếu dần do chế độ thuế khóa của nhà nước ngày càng phức tạp, các đô thị dần lụi tàn.

 

Câu 16: Nêu vai trò của pháp luật của văn minh Đại Việt.

Trả lời:

+ Luật pháp trở thành hệ thống chuẩn mực nhằm duy trì và bảo vệ quyền lợi của tầng lớp thống trị cũng như trật tự xã hội.

+ Bên cạnh các điều luật bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, các bộ luật còn còn đề cao tính dân tộc, chủ quyền quốc gia; bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phụ nữ…

Câu 17: Nêu những thành tựu về kinh tế của văn minh Đại Việt.

Trả lời:

- Nhà nước thực hiện nhiều chính sách quan tâm, chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp, như: miễn giảm thuế; xây dựng các công trình thủy lợi; khuyến khích khai hoang; thực hiện phép “quân điền”; cấm giết, mổ trâu, bò…

- Đa dạng các loại cây trồng: lúa nước, ngô, khoai, sắn,...

- Phương thức và kĩ thuật canh tác có những bước tiến mới.

- Diện tích canh tác tăng, góp phần mở rộng lãnh thổ.

Câu 18: Phân tích tác động của những thành tựu của thủ công nghiệp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

- Tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị về kinh tế, vừa có giá trị về văn hóa mang tính tư duy thẩm mĩ và kĩ thuật ngày càng cao của người Việt.

- Sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước và cung cấp hàng hóa để trao đổi, buôn bán với nước ngoài.

 

Câu 19: Đô thị có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt ?

Trả lời:

- Thúc đẩy buôn bán và trao đổi hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế Đại Việt.

- Các đô thị thường là những trung tâm hành chính, quân sự, đầu mối kinh tế và giao thông của Đại Việt.

+ Một bộ phận dân cư tại đô thị đã tách khỏi hoạt động sản xuất, có điều kiện tham gia vào các hoạt động văn chương và nghệ thuật, góp phần thay đổi đời sống văn hóa; lưu giữ và truyền bá các thành tựu văn minh Đại Việt.

Câu 20: Vị trí của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với sự phát triển của văn minh Đại Việt

Trả lời:

- Văn Miếu - thờ Khổng Tử; Quốc Tử Giám được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam nơi đây đã đạo tạo nên nhiều nhân tài cho quốc gia Đại Việt.

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn với nền giáo dục Nho học đã trở thành biểu tượng của nền giáo dục này ở Việt Nam.

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng lưu giữ những dấu ấn về kiến trúc - điêu khắc của cư dân Đại Việt.

- Các văn bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa có giá trị về điêu khắc, thư pháp vừa cung cấp những tư liệu quý giá về:

+ Những danh nhân văn hóa tiêu biểu của Đại Việt;

+ Quan điểm phát triển giáo dục - văn hóa của các triều đại quân chủ ở Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay