Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều Bài 6: Một số nền văn minh phương Đông

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6. Một số nền văn minh phương Đông. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 cánh diều.

BÀI 6: Một số nền văn minh phương đông (18 CÂU)

1. NHẬN BIẾT ( 8 CÂU)

Câu 1/Bài 6: Hãy nêu cơ sở hình thành nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Trả lời:

* Cơ sở về điều kiện tự nhiên

- Ai Cập cổ đại nằm ở đông bắc châu Phi.

- Địa hình:

+ Chia làm hai khu vực: cao nguyên Thượng Ai Cập ở phía nam và đồng bằng Hạ Ai Cập ở phía bắc.

+ 90% diện tích là sa mạc.

- Có nhiều khoáng sản như đá quý, vàng, đồng,…

- Sông Nin có phần chảy qua lãnh thổ Ai Cập cổ đại, nước dâng lên đem theo lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng dọc hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.

* Cơ sở về dân cư

- Dân cư chủ yếu của Ai Cập là các bộ lạc Li-bi.

- Các bộ tộc Ha-mít từ Tây Á tràn vào chiếm lĩnh vùng thung lũng sông Nin, tạo nên sự hỗn hợp chủng tộc

* Điều kiện kinh tế

- Nông nghiệp:

+ Biết trồng trọt theo mùa vụ với các loại cây như lúa mì, lúa mạch, nho, lanh,..

+ Chăn nuôi gia súc như cừu, bò, dê,…

- Thủ công nghiệp: phát triển các nghề làm bánh mì, làm bia, nấu rượu, dệt vải, làm gốm, thuộc da, nấu thuỷ tinh, khai khoáng, chế tác đá, đúc đồng,...

- Thương nghiệp:

+ Buôn bán với các nước láng giềng, trao đổi sản phẩm nông nghiệp và đồ thủ công.

+ Tiền tệ xuất hiện dưới dạng những mảnh kim loại.

* Tình hình chính trị - xã hội

- Chính trị:

+ Thiên niên kỉ IV TCN, do nhu cầu trị thuỷ, làm thuỷ lợi, nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời để tổ chức sản xuất và quản lí xã hội.

+ Ban đầu, Ai Cập gồm hai vương quốc cổ là Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập, sau đó được thống nhất.

+ Nhà nước Ai Cập cổ đại mang tính chất chuyên chế, đứng đầu là pha-ra-ông (vua) có quyền lực tối cao về chính trị, quân sự, tôn giáo, là đại diện của thần thánh. Giúp việc cho pha-ra-ông là các quý tộc và tăng lữ (thu chi thuế, xây dựng đền tháp, chỉ huy quân đội,..).

- Xã hội: Ai Cập cổ đại gồm nhiều tầng lớp, có sự phân hoá địa vị, giàu nghèo rõ nét.

Câu 2 /Bài 6: Em hãy xác định thành phần, vị trí các tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ đại.

Trả lời:

- Pha-ra-ông (Vua): đứng đầu đất nước, có quyền lực tối cao về chính trị, quân sự, tôn giáo, là đại diện của thần thánh.

- Tầng lớp quan lại, quý tộc: Giúp việc cho Pha-ra-ông (thu thuế, xây dựng đền tháp, chỉ huy quân đội,…).

- Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, nông dân công xã: chiếm số lượng đông đảo trong xã hội; trong đó, nông dân là lực lượng sản xuất chính.

- Tầng lớp nô lệ: Chiếm số ít trong xã hội, chủ yếu làm việc trong các gia đình quan lại, quý tộc hoặc phục vụ trong cung điện.

Câu 3/Bài 6: Hãy trình bày những thành tựu cơ bản của văn minh Ai Cập.

Trả lời:

 Một số thành tựu cơ bản của văn minh Ai Cập cổ đại:

Lĩnh vựcThành tựu
Tín ngưỡng, tôn giáoAi Cập sùng bái đa thần. Thờ thần tự nhiên, thần động vật, linh hồn người chết.
Chữ viết

- 3000 năm TCN sáng tạo ra chữ tượng hình

- Ghi chép lại nhiều tư liệu quý giá thuộc về lĩnh vực: Lịch sử, Văn học, Thiên văn học, Toán học…

Kiến trúc và điêu khắcCung điện, đền thờ, kim tự tháp, …
Khoa học, kĩ thuật

- Sáng tạo ra số thập phân, phép tính cộng trừ, biết tính diện tích tam giác, sử dụng số pi…

- Họ biết làm lịch dựa trên chu kì vận động của Mặt Trời đầu tiên trên thế giới.

- Y học: có hiểu biết về cơ quan trong cơ thể con người.

Câu 4 /Bài 6: Điều kiện chính trị - xã hội ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành nền văn minh Trung Hoa cổ - trung đại?

Trả lời:

- Điều kiện chính trị:

+ Khoảng thế kỉ XXI TCN, cư dân ở lưu vực Hoàng Hà bước vào thời kì tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, hình thành xã hội có phân hoá giai cấp và nhà nước.

+ Triều Hạ, Thương, Chu: tổ chức bộ máy nhà nước từng bước được xây dựng và phát triển theo mô hình quân chủ chuyên chế.

+ Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc. Thiết chế nhà nước quân chủ chuyên chế tiếp tục được xây dựng và củng cố qua các triều đại từ Tần cho đến Minh, Thanh.

- Điều kiện xã hội:

+ Thời Hạ, Thương và Chu, cơ cấu xã hội Trung Quốc bao gồm: vua, quý tộc, nông dân, thợ thủ công, thương nhân và nô lệ.

+ Từ thời Tần trở đi, xã hội Trung Quốc chủ yếu bao gồm: vua quan, địa chủ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Trong đó, nông dân là giai cấp đông đảo nhất, giữ vai trò quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Câu 5 /Bài 6: Trình bày những thành tựu cơ bản của văn minh Trung Hoa cổ - trung đại và nêu ý nghĩa của những thành tựu đó.

Trả lời:

STTLĩnh vựcTên thành tựuÝ nghĩa
1Chữ viết

- Chữ tượng hình

- Chữ Kim văn

- Chữ Tiểu triện.

- …

- Thể hiện trình độ tư duy của cư dân Trung Quốc

- Đặt nền tảng cho sự phát triển chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn học - nghệ thuật của văn minh Trung Hoa.

2Văn học- Phong phú, đa dạng về thể loại. như: Kinh Thi; Sở Từ; phú và nhạc phủ thời Hán; thơ Đường luật; kinh kịch; tiểu thuyết chương hồi…

- Thể hiện trình độ phát triển về tư duy, sáng tạo của cư dân

- Có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh mọi mặt của xã hội của Trung Quốc thời bấy giờ.

- Có ảnh hưởng tới khu vực châu Á.

3Sử học

- Thành lập cơ quan biên soạn lịch của Nhà nước

- Có nhiều bộ sử lớn.

- Giúp thế hệ sau hiểu về các giai đoạn lịch sử của Trung Quốc.
4Khoa học, kĩ thuật

- Đạt được nhiều thành tựu về:

+ Toán học

+ Thiên văn học và lịch pháp học

+ Y học

+ Kĩ thuật

- Phục vụ sản xuất và đời sống.

- Là cơ sở cho các ngành khoa học, kĩ thuật sau này.

- Được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới và được cải tiến, ứng dụng rộng rãi.

5Nghệ thuật

- Đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực:

+ Kiến trúc

+ Điêu khắc

+ Hội họa

+ Âm nhạc.

- Thể hiện kì tích về sức lao đông và tài năng sáng tạo của con người.

- Thể hiện uy quyền của giai cấp thống trị.

Câu 6 /Bài 6: Nêu những thành tựu cơ bản về tư tưởng và tôn giáo của văn minh Trung Hoa.

Trả lời:

- Các thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành:

+ Người Trung Quốc cổ đại đã tìm cách giải thích nguồn gốc của thế giới, đúc kết thành các thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành.

+ Các thuyết này thể hiện yếu tố duy vật biện chứng thô sơ, có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng triết học ở Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Hán.

- Nho gia:

+ Người sáng lập: Khổng Tử (551 - 479 TCN). Tư tưởng của ông bao hàm các nội dung về triết học, đạo đức, đường lối trị nước và giáo dục.

+ Các nhà tư tưởng xuất sắc thời Chiến quốc (Mạnh Tử, Tuân Tử) đã bổ sung và phát triển học thuyết này.

+ Từ thời Hán Vũ Đế, học thuyết Nho gia trở thành tư tưởng chính thống của chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, kéo dài hơn 2 000 năm.

- Pháp gia:

+ Người khởi xướng: Quản Trọng - tướng quốc nước Tề.

+ Thời Xuân thu - Chiến quốc: nhiều người tham gia phát triển học thuyết này, nổi bật nhất là Thương Ưởng và Hàn Phi.

+ Chủ trương của Pháp gia là dùng pháp luật để quản lí đất nước, chú trọng đến các biện pháp làm cho nước giàu, binh mạnh.

- Mặc gia:

+ Người sáng lập: Mặc Tử, sống vào thời Chiến quốc.

+ Đề xướng thuyết Kiêm ái (thương yêu tất cả mọi người), phản đối chiến tranh xâm lược. Mặc Tử chủ trương người làm quan phải là người có tài đức, không kể dòng dõi và nguồn gốc xuất thân.

+ Tác phẩm tiêu biểu của phái Mặc gia là sách Mặc Tử.

- Đạo gia và Đạo giáo:

+ Người khởi xướng tư tưởng Đạo gia là Lão Tử. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Đạo đức kinh.

+ Thời Chiến quốc, Trang Tử kế thừa và phát triển thêm các yếu tố duy vật và biện chứng trong tư tưởng triết t và hiện chứng học của Đạo gia.

+ Thời Đông Hán, trên cơ sở các hình thức tín ngưỡng dân gian kết hợp với học thuyết của Đạo gia, Đạo giáo hình thành.

+ Thời Nam - Bắc triều, Đường và Tống, Đạo giáo phát triển, thờ cúng Lão Tử và các  vị thần tiên khác với mục đích tu luyện để trở nên trường sinh bất tử.

Câu 7 /Bài 6: Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng gì đến sự ra đời của nền văn minh Ấn Độ cổ đại?

Trả lời:

- Nét chính về điều kiện tự nhiên của Ấn Độ:

+ Ấn Độ là bán đảo lớn nằm ở Nam Á, ba mặt giáp biển

+ Phía bắc là khu cực đồi núi; đồng bằng hạ lưu có thung lũng sông Ấn và lưu vực sông Hằng; khu vực phía Nam có cao nguyên Đê-can

+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều vùng khô nóng nhưng cũng có vùng ẩm mát.

- Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc quần tụ dân cư; sự phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa; đồng thời, điều kiện tự nhiên cũng một cơ sở quan trọng đối với sự ra đời của văn minh Ấn Độ cổ đại.

Câu 8 /Bài 6: Nền văn minh Ấn Độ có những thành tựu nào nổi bật? 

Trả lời:

Những thành tựu nổi bật của văn minh Ấn Độ

* Chữ viết và văn học

- Chữ viết:

+ Chữ viết đầu tiên của Ấn Độ là loại kí tự cổ, khắc trên hơn 3.000 con dấu được tìm thấy ở di chỉ văn minh sông Ấn.

+ Tiếp theo là chữ cổ Bra-mi, cơ sở để xây dựng chữ Phạn, còn gọi là chữ Xan-xcrit, chữ viết chính thức của Ấn Độ từ thế kỉ V TCN đến thế kỉ X.

+ Về sau, chữ Hin-đi được sáng tạo và trở thành chữ viết chính thức hiện nay của Ấn Độ.

- Văn học:

+ Phản ánh đời sống tinh thần phong phú.

+ Tác phẩm tiêu biểu: kinh Vê-đa; sử thi Ma-ha-bha-ra-ta; sử thi Ra-ma-ya-na; vở kịch Ka-li-đa-sa.

* Tôn giáo và triết học

- Tôn giáo:

+ Ấn độ là quê hương của nhiều tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Hin-đu giao…

+ Ngoài ra, ở Ấn Độ còn có sự tồn tại của nhiều tôn giáo khác, như: đạo Giai-nơ, đạo Sích, Hồi giáo, Kito giáo, Do Thái giáo,... và nhiều tín ngưỡng thờ thần.

- Triết học: đề cập đến nhiều vấn đề: các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, tư duy, tình cảm, tư tưởng giải thoát…

* Nghệ thuật

- Kiến trúc:

+ Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo.

+ Các công trình tiêu biểu là: chùa hang A-gian-ta; trụ đá thời A-sô-ca; cụm Thánh tích Ma-ha-ba-li-pu-ram, cụm đền tháp Kha-giu-ra-hô; tháp Cu-túp Mi-na, lăng mộ của hoàng đế Hu-ma-y-un, lăng Ta-giơ Ma-han,…

- Nghệ thuật điêu khắc thể hiện trên các pho tượng; các bức phù điều…

* Khoa học - kĩ thuật

- Thiên văn học:

+ Tạo ra lịch.

+ Nhận thức được Trái Đất và Mặt Trăng có hình cầu;

+ Phân biệt được năm hành tinh là Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ.

- Toán:

+ Sáng tạo ra hệ số 10 chữ số

+ Tính được căn bậc 2 và căn bậc 3.   

+ Tính được diện tích các hình tiêu biểu và tính được chính xác số Pi = 3,1416,...

- Vật lí: nêu ra thuyết Nguyên tử, biết được sức hút của Trái Đất.

- Hoá học ra đời sớm và phát triển ở Ấn Độ do như cầu của các nghề thủ công như nhuộm, thuộc da, chế tạo xà phòng, thuỷ tinh,..

- Y học: biết sử dụng thuốc tê, thuốc mê, biết phẫu thuật, sử dụng thảo mộc trong chữa bệnh,…

2. THÔNG HIỂU ( 5 CÂU)

Câu 9/Bài 6: Em hiểu như thế nào về nhận định của sử gia Hy Lạp cổ đại Hê-rô-đốt: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”?

Trả lời:

- Sông Nin dài khoảng 6650 km, chảy từ Trung Phi đến Bắc Phi, trong đó có phần chảy qua lãnh thổ Ai Cập cổ đại.

Hằng năm, nước dâng lên đem theo lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng dọc hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp. Mặt khác, sông Nin cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa các vùng ở Ai Cập. Vì vậy, nhà sử học Hê-rô-đốt nhận định: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”.

Câu 10 /Bài 6: Vì sao người Trung Quốc sớm có những hiểu biết quan trọng về Thiên văn học và Lịch pháp?

Trả lời:

- Người Trung Quốc sớm có những hiểu biết quan trọng về Thiên văn học và Lịch pháp vì: Do nhu cầu sản xuất nông nghiệp, để cày cấy đúng thời vụ, người nông dân phải “trông trời, trông đất”, dần dần họ biết được sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng. Đó là những tri thức đầu tiên về thiên văn. Từ tri thức đó, người Trung Quốc sáng tạo ra lịch.

Câu 11 /Bài 6: Tại sao nghệ thuật Ấn Độ lại chịu ảnh hưởng của tinh thần tôn giáo?

Trả lời:

- Nghệ thuật Ấn Độ chịu ảnh hưởng của tinh thần tôn giáo bởi vì:

+ Ấn Độ là quê hương của nhiều tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Hin-đu giáo…

+ Các tôn giáo ảnh hưởng hởn lớn đến nhận thức và đời sống của cư dân.

Câu 12 /Bài 6: Theo em, vì sao Phật giáo được truyền bá sang nhiều nước châu Á?

Trả lời:

- Phật giáo được truyền bá sang châu Á thông qua quá trình giao lưu thương mại giữa thương nhân Ấn Độ với các quốc gia.

- Phật giáo du nhập vào và được đông đảo cư dân châu Á sùng mộ, vì:

+ Đạo Phật chủ trương bình đẳng giữa mọi chúng sinh; tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện.

+ Đạo phật chỉ ra nguyên nhân của nỗi khổ, cách thức giải thoát với “Tứ diệu đế”, “bát chính đạo” và luật nhân - quả.

+ Phật giáo không cần nghi thức cúng bái phức tạp.

Câu 13 /Bài 6: Thế giới đã kế thừa những phát minh kĩ thuật nào cũng người Trung Quốc thời cổ - trung đại?

Trả lời:

- Thế giới đã kế thừa bốn phát minh kĩ thuật của Trung Quốc thời cổ - trung đại:

+ Kĩ thuật làm giấy.

+ Kĩ thuật in.

+ Thuốc súng.

+ La bàn.

3. VẬN DỤNG ( 3 CÂU)

Câu 14/Bài 6: Người A-rập có câu nói: “Con người phải sợ thời gian nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp”. Em có nhận xét gì về câu nói trên?

Trả lời:

- Nhân dân Ai Cập cổ đại, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã để lại cho nền văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá.

- Trải qua gần 5000 năm, các kim tự tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững ở vùng sa mạc Ai Cập, bất chấp thời gian và mưa nắng.

- Cho đến nay, trong bảy kì quan của thế giới cổ đại, chỉ còn mỗi kim tự tháp Kê-ốp còn tồn tại. Vì vậy, người A-rập có câu: Con người phải sợ thời gian nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp”.

Câu 15/Bài 6: Theo em, tại sao người Ai Cập lại rất giỏi về khoa học tự nhiên và kĩ thuật?

Trả lời:

- Hằng năm, nước sông Nin dâng cao khiến ranh giới giữa các thửa ruộng bị xoá nhoà, nên mỗi khi nước rút, người Ai Cập cổ đại phải tiến hành đo đạc lại diện tích, do đó người Ai Cập rất giỏi về toán học.

- Với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn, cư dân Ai Cập cổ đại có tục ướp xác. Chính do tục ướp xác, người Ai Cập đã sớm có những hiểu biết về cấu tạo cơ thể người; đồng thời hiểu được nguyên nhân của bệnh tật, mối quan hệ giữa tim và mạch máu…

- Do hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên, thời tiết và mùa vụ nên cư dân Ai Cập cổ đại sớm có những hiểu biết về Thiên văn và lịch pháp học.

- Cũng để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất, người Ai Cập cổ đại đã sớm chế tạo ra: con lăn, cần trục, máy bơm nước, đóng thuyền lớn để đi biển…

Câu 16/Bài 6: Thơ Đường ảnh hưởng đến thơ ca Việt Nam thời kì trung đại như thế nào? Em hãy cho ví dụ cụ thể.

Trả lời:

- Thơ Đường ảnh hưởng đến thơ ca Việt Nam thời trung đại:

+ Người Việt tiếp thu thể loại thơ Đường luật của Trung Quốc để sáng tạo ra những tác phẩm văn chương của mình.

+ Thơ Đường luật được đưa vào hệ thống thi cử của Việt Nam từ khoa thi Giáp Thìn (1340) đời vua Trần Anh Tông.

- Ví dụ:

+ Bài thơ: Qua đèo Ngang (của Bà Huyện Thanh Quan)

+ Bài thơ: Bạn đến chơi nhà (của Nguyễn Khuyến)…

4. VẬN DỤNG ( 2 CÂU)

Câu 17/Bài 6: Những thành tựu nào về khoa học, kĩ thuật của người Ấn Độ đánh dấu sự phát triển nền khoa học của nhân loại?

Trả lời:

Các thành tựu về: thiên văn học; toán học; vật lí; hóa học và y học của Ấn Độ đã đánh dấu sự phát triển nền khoa học của nhân loại. Cụ thể là:

- Về Thiên văn học:

+ Người Ấn Độ đã tạo ra lịch, một năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, sau 5 năm thêm một tháng nhuận.

+ Người Ấn Độ đã nhận thức được Trái Đất và Mặt Trăng có hình cầu; phân biệt được năm hành tinh là Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ.

- Về toán học:

+ Sáng tạo ra hệ số 10 chữ số (về sau được người A-rập tiếp thu và truyền vào châu Âu), đặc biệt là phát minh ra số 0.

+ Tính được căn bậc 2 và căn bậc 3.

+ Tính được diện tích các hình tiêu biểu và tính được chính xác số Pi = 3,1416,...

- Về Vật lí: người Ấn Độ nêu ra thuyết Nguyên tử, biết được sức hút của Trái Đất.

- Về Hóa học: Hoá học ra đời sớm và phát triển ở Ấn Độ do như cầu của các nghề thủ công như nhuộm, thuộc da, chế tạo xà phòng, thuỷ tinh,..

- Về Y học: các thầy thuốc Ấn Độ đã biết sử dụng thuốc tê, thuốc mê, biết phẫu thuật, sử dụng thảo mộc trong chữa bệnh,…

Câu 18/Bài 6: Em hãy kể tên những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại vẫn còn giá trị sử dụng trong thực tiễn ngày nay. Phân tích ý nghĩa và giá trị của những thành tựu này.

Trả lời:

- Những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại vẫn còn giá trị sử dụng trong thực tiễn ngày nay:

+ Chữ viết.

+ Cách tính diện tích các hình.

+ Một số công trình kiến trúc và điêu khắc nổi bật: Kim tự tháp Kê-ốp, tượng bán thân nữ hoàng Nê-phéc-ti-ti,…

- Phân tích ý nghĩa và giá trị của những thành tựu này:

+ Chữ viết: Chữ viết phản ánh trình độ tư duy  của cư dân Ai Cập, là phương tiện chủ yếu lưu giữ thông tin từ đời này qua đời khác, là cơ sở để người đời sau nghiên cứu về văn hóa thời cổ đại.

+ Cách tính diện tích các hình như hình tam giác, hình chữ nhật. Sự hiểu biết toán học này là biểu hiện cao của tư duy đã được sử dụng trong cuộc sống như xây dựng, đo ruộng đất, lập bản đồ,… đồng thời là cơ sở cho nền toán học sau này.

+ Một số công trình kiến trúc và điêu khắc nổi bật: Kim tự tháp Kê-ốp, tượng bán thân nữ hoàng Nê-phéc-ti-ti,… đã phản ánh trình độ tư duy, khả năng sáng tạo của con người, mang tính thẩm mĩ cao, đồng thời là biểu hiện đỉnh cao của tính chuyên chế, quan niệm tôn giáo; hiện nay Kim tự tháp là một trong những địa điểm hấp dẫn khác du lịch, đem lại nguồn lợi kinh tế cho Ai Cập.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay