Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 6: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 6: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHƯƠNG 6

VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XIX  ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Nêu những điểm mới trong xu hướng cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. 

Trả lời:

Những điểm mới của xu hướng cứu nước đầu thế kỉ XX.

- Mục đích: Đánh Pháp cứu nước, giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới theo thể chế cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến.

- Thành phần tham gia: nhà Nho yêu nước tiếp thu được nền học vấn mới của phương Tây, nhiều tầng lớp xã hội mới hình thành sau khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp.

Câu 2: Tại sao những trí thức Nho học tiến bộ lại hăng hái thực hiện cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng mới?

Trả lời:

Những trí thức Nho học tiến bộ lại hăng hái thực hiện cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng mới vì:

- Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh xã hội phân hóa sâu sắc, các tư tưởng dân chủ tư sản ở châu  u được truyền bá vào Việt Nam.

- Tác động trào lưu duy tân ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của các nhà yêu nước Việt Nam.

Câu 3: Em hiểu gì về tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh qua hai câu thơ sau:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Trả lời:

Tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh được thể hiện qua 2 câu thơ: giữa gông cùm, xiềng xích, khí phách và bản lĩnh anh hùng được tôi luyện thêm, tự khẳng định được mình.

Câu 4: Kể tên một số địa danh lịch sử được hình thành do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với xã hội Việt Nam.

Trả lời:

Một số địa danh lịch sử được hình thành do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với xã hội Việt Nam: Bến Nhà Rồng, Cầu Long Biên, Cảng Sài Gòn,….

Câu 5: Nguyên nhân nào dẫn đến việc các sĩ phu yêu nước lại đưa ra các đề nghị cải cách. 

Trả lời:

Nguyên nhân các sĩ phu yêu nước đưa ra các đề nghị cải cách:

- Tình trạng đất nước ngày một nguy khốn: kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng rối ren.

- Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, muốn cho đất nước giàu mạnh, có thể đương đầu với cuộc tấn công ngày càng dồn dập của kẻ thù.

- Các sĩ phu là những người thông thái, đi nhiều, biết nhiều, đã từng được chứng kiến những thành tựu của nền văn hoá phương Tây và nhận thấy canh tân đất nước là việc làm cấp bách lúc bấy giờ.

Câu 6: Trước những bản cải cách do các sĩ phu yêu nước dâng lên, vua Tự Đức đã có những hành động như thế nào, những hành động đó đã được làm một cách triệt để hay chưa?

Trả lời:

Trước những bản cải cách được sĩ phu yêu nước dâng lên triều đình mong để cải tiến đất nước, vua Tự Đức cũng đã triển khai cải cách một số lĩnh vực như khai mỏ, mua tàu máy hơi nước, cử người đi học ngoại ngữ, học nghề, chiêu mộ nhân tài biết kĩ nghệ, biết tiếng nước ngoài,… Tuy nhiên những việc làm của nhà vua lại chỉ mang tính nửa vời, chưa mang lại được các kết quả xác thực.

Câu 7: Em hãy cho biết trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc các cải cách không được thực hiện thành công.

Trả lời:

Nguyên nhân thất bại của các ý tưởng cải cách thời đó là kết quả của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên không thể không kể đến một phần trách nhiệm thuộc về triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ.

Hệ tư tưởng của nhà vua quá gần không thể nhìn xa được, do tư tưởng giai cấp bảo thủ chi phối, tư tưởng Nho Giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của những người lạc hậu hiện thời.

Để thực hiện được các cải cách đã được đưa ra điều thì nhà Nguyễn cần phải thay đổi cả hệ thống kiến trúc thượng tầng và hạ tầng cơ sở nên để làm việc gì mà gây ra các ảnh hưởng tới mình thì khó có thể thực hiện được.

 Triều đình nhà Nguyễn chính là đầu tàu nguyên nhân thất bại của các cải cách được đưa ra. Người cầm đầu không muốn thay đổi thì tất yếu các ý tưởng về sự thay đổi đưa ra khó lòng thực hiện được.

Câu 8: Trình bày một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

+ Địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa là vùng Bãi Sậy.

+ Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân xây dựng căn cứ, triệt để áp dụng chiến thuật du kích để đánh địch. Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, bị bao vây, cô lập.

+ Đến cuối năm 1892, khởi nghĩa thất bại.

- Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896): Địa bàn hoạt động của nghĩa quân gồm các huyện miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng, cùng các tướng lĩnh tài ba, tiêu biểu là Cao Thắng.

+ Từ năm 1885 đến năm 1888 (giai đoạn xây dựng lực lượng và căn cứ chiến đấu): nghĩa quân được tổ chức quy củ, chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp.

+ Từ năm 1888 đến năm 1896 (giai đoạn chiến đấu quyết liệt): với sự chỉ huy thống nhất và tương đối chặt chẽ, đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.

 Tuy thất bại nhưng đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương.

- Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887):

+ Căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa thuộc huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá).

+ Lãnh đạo chủ chốt là Phạm Bành và Đinh Công Tráng.

+ Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái tham gia.

+ Tháng 1 - 1887, Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ. Bị tổn thất nặng, nghĩa quân phải rút lên Mã Cao (miền Tây Thanh Hoá) chiến đấu thêm một thời gian nữa rồi tan rã.

Câu 9: Nêu nhận xét của em về phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nhận xét về phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX:

- Phong trào Cần vương là một trong những phong trào giải phóng dân tộc xuất hiện sớm trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Phong trào bắt đầu từ năm 1885 và kết thúc vào năm 1896.

- Dù thất bại nhưng phong trào đã gây cho Pháp tổn thất nặng nề, làm chậm bước tiến trong âm mưu bình định. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.

Câu 10: Trình bày một vài hiểu biết của em về Phan Đình Phùng.

Trả lời:

Một số thông tin về Phan Đình Phùng:

Phan Đình Phùng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống lại thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương. Trong thế kỷ XIX, ông là sĩ phu Nho giáo nổi bật nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Trong thế kỷ XX, sau khi đã qua đời, Phan Đình Phùng vẫn được những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc. Phan Đình Phùng nổi tiếng với những ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân – không chịu đầu hàng ngay cả khi quân Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết gia đình.

Câu 11: Kể tên một số địa danh, đường phố,… mang tên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà em biết.

Trả lời:

- Ở Việt Nam rất nhiều thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang,…. có đường phố mang tên Hoàng Hoa Thám.

- Tên đường phố Đề Thám cũng được đặt ở rất nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thái Bình, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Cà Mau và một số địa danh khác.

- Đặc biệt, trường THPT Hoàng Hoa Thám ở Đà Nẵng là trường có bề dày truyền thống trong việc đào tạo học sinh khá giỏi của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Câu 12: Trình bày nét chính về tình hình chính trị dưới thời Nguyễn?

Trả lời:

Những nét chính về tình hình chính trị dưới thời Nguyễn:

- Dưới thời vua Gia Long:

+ Nguyễn Ánh thâu tóm mọi quyền lực, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền, lãnh thổ đất nước được thống nhất.

+ Ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), bảo vệ quyền uy tuyệt đối của nhà vua, củng cố trật tự phong kiến, trấn áp mọi âm mưu chống lại chính quyền.

- Dưới thời vua Minh Mạng:

+ Bộ máy quản lí nhà nước từ Trung ương xuống địa phương càng được hoàn thiện.

+ Cả nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).

- Về đối ngoại:

+ Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Thanh,

+ Khước từ quan hệ và giao thương với các nước  u - Mỹ, kể cả Pháp.

+ Thi hành chính sách cấm đạo gay gắt (bắt đầu từ thời Minh Mạng), gây nhiều hệ luy về sau.

Câu 13: Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết gì về tình hình xã hội dưới thời Nguyễn:

“Tính chung từ đầu thời Gia Long (năm 1802) đến thời Tự Đức (1862) có khoảng 405 cuộc nổi dậy của nhân dân chống triều đình”.

(Theo Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập II, Sdd tr.754).

Trả lời:

Đoạn tư liệu cho biết về tình hình xã hội dưới thời Nguyễn: cuộc sống cơ cực của người dân và các mâu thuẫn xã hội khác đã làm bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn.

Câu 14: Em có suy nghĩ gì về quá trình thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời:

Nhà Nguyễn ý thức được sâu sắc vị trí đặc biệt quan trọng của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước nên từ rất sớm đã có chiến lược biển đảo và đề ra các chủ trương khai chiếm các quần đảo giữa Biển Đông. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã xác lập chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo Đại Nam nhất thống chí, trong thời Nguyễn đã có hàng chục tòa pháo đài, đồn bảo, cửa tấn được xây dựng kiên cố dọc theo vùng biển của đất nước bao gồm cả trên bờ và các đảo gần bờ từ Bắc chí Nam.

Câu 15: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nhã nhạc cung đình Huế.

Trả lời:

Nhã nhạc cung đình Việt Nam xuất hiện từ thời Lý - Trần, được bổ sung, phát triển dưới thời Nguyễn. Được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khắc) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003, Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2008).

Câu 16: Nêu khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874.

Trả lời:

Khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874:

- Triều đình Huế tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc Kì và Trung Kì, ngăn cản phong trào kháng chiến của nhân dân ở Nam Kì.

 Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ.

- Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân từ căn cứ Hòn Chông vượt biển tập kích đồn Kiên Giang.

- Trương Định lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ Gò Công, Tân Phước, anh dũng chiến đấu chống giặc.

- Một số nhà nho dùng văn thơ lên án tội ác của giặc, chế giễu bọn tay sai bán nước, ca ngợi gương chiến đấu hi sinh của nghĩa quân.

- Ở miền Đông, phong trào kháng chiến tiếp tục bùng nổ trở lại. Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, sau đó mới được thả về lại đứng lên chống Pháp.

Câu 17: Đoạn tư liệu dưới đây, em đánh giá thế nào về việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp?

“Với Hiệp ước Giáp Tuất, tuy phải trả lại Hà Nội nhưng Pháp đã đặt được cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự khắp các nơi quan trọng ở Bắc Kì. Hiệp ước năm 1874 báo trước thực dân Pháp nhất định quay trở lại chiếm hẳn Hà Nội khi có thời cơ tới”.

(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II, Sđd, tr. 44)

Trả lời:

Việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp cho thấy sự hoang mang và dao động vô căn cứ của triều đình, dẫn đến những việc làm ngu ngốc và tội lỗi với nhân dân ta. Với nội dung của hiệp ước này, triều đình Huế đã tiếp tục phản bội lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, đồng thời lại tạo đà cho quân Pháp có cơ hội lấn tới trên con đường xâm lược nước ta.

Câu 18: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Trường Tộ.

Trả lời:

Một số thông tin về Nguyễn Trường Tộ:

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức Công giáo yêu nước, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1860, khi có dịp qua Rô-ma và Pa-ri, ông chú ý khảo sát kinh tế và văn hoá phương Tây.

Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có tư tưởng canh tân đất nước tiêu biểu nhất Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Với lòng yêu nước và vốn hiểu biết sâu rộng. Ông đã đệ trình vua Tự Đức 14 bản điều trần, trong đó có Tế cấp bát điều (Tám điều cấp bách), nêu lên một hệ thống vấn đề kinh tế - xã hội. Một số đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đến nay vẫn còn giá trị.

Câu 19: Giới thiệu về một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884) theo các gợi ý sau:

- Đóng góp/vai trò của nhân vật trong cuộc kháng chiến.

- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật mà em biết.

- Bài học mà em học được từ nhân vật.

Trả lời:

Nhân vật lịch sử tiêu biểu: Trương Định.

- Đóng góp trong cuộc kháng chiến:

+ Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường.

+ Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Về sau, do có chỉ điểm và bị đánh úp, Trương Định đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết.

- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật: Tượng đài Trương Định ở trung tâm thị xã Gò Công.

- Bài học từ nhân vật: Lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm, thà chết chứ không chịu khuất phục quân địch.

Câu 20: Những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế có được thực hiện không? Ý nghĩa của việc làm đó là gì?

Trả lời:

- Những đề nghị cải cách vì nhiều lí do (thiếu cơ sở kinh tế, xã hội lại vấp phải tư tưởng bảo thủ của cả triều đình và nhân dân,...) nên đã không được thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một phần rất nhỏ.

- Tư tưởng cải cách nửa sau thế kỉ XIX đã phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức mới của người Việt Nam, góp phần chuẩn bị tiền đề về tư tưởng cho sự ra đời phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay