Đáp án Lịch sử 10 kết nối Bài 2: Tri thức lịch sử và cuộc sống
File đáp án Lịch sử 10 kết nối tri thức (chương trình sửa đổi) Bài 2: Tri thức lịch sử và cuộc sống. Toàn bộ câu hỏi, bài tập ở trong bài học đều có đáp án. Tài liệu dạng file word, tải về dễ dàng. File đáp án này giúp kiểm tra nhanh kết quả.
Xem: => Giáo án lịch sử 10 kết nối tri thức mới nhất
CHỦ ĐỀ 1: LỊCH SỬ VÀ SỬ HỌC
BÀI 2: TRI THỨC LỊCH SỬ VÀ CUỘC SỐNG
Câu 1: Khai thác Tư liệu 1 và 2 (tr.12), em rút ra thông tin gì về sự cần thiết phải học tập và khám phá lịch sử?
Trả lời:
Từ Tư liệu 1 và 2, chúng ta có thể thấy rằng học lịch sử là rất quan trọng không chỉ để hiểu về quá khứ mà còn để rút ra bài học quý giá cho tương lai.
- Theo Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư, lịch sử là tấm gương phản chiếu những việc làm của người xưa, dù tốt hay xấu, để răn dạy đời sau. Những thành công và thất bại trong quá khứ chính là bài học để chúng ta không lặp lại sai lầm, đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp. Lịch sử là kho tàng trí thức mà chúng ta có thể học hỏi để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
- Ngoài ra, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng “Dân ta phải biết sử ta” để hiểu rõ về cội nguồn dân tộc. Khi biết rõ về lịch sử, chúng ta sẽ trân trọng những hy sinh và đóng góp của các thế hệ đi trước, từ đó học hỏi những tinh hoa văn hóa, truyền thống, và có trách nhiệm bảo vệ và phát triển đất nước. Lịch sử giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước và cổ vũ hành động vì sự phát triển của dân tộc.
Câu 2: Vì sao phải đặt ra vấn đề học tập, khám phá lịch sử suốt đời?
Trả lời:
- Việc học lịch sử không chỉ là việc học về quá khứ, mà còn giúp chúng ta hiểu các vấn đề hiện tại và có những quyết định đúng đắn cho tương lai. Những bài học từ quá khứ luôn có giá trị trong từng thời kỳ, không ngừng tác động đến cuộc sống của mỗi người.
- Quá trình lịch sử hiện nay vẫn còn tồn tại những khoảng trống, bí ẩn thôi thúc con người tham gia khám phá để hoàn chỉnh nhận thức chung, làm giàu tri thức lịch sử.
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc hiểu lịch sử và văn hóa các quốc gia khác giúp ta xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, tôn trọng sự khác biệt và phát huy được tinh thần hợp tác. Lịch sử giúp ta nhận thức rõ về quá trình phát triển của các nền văn minh, từ đó tạo ra sự thấu hiểu và giao lưu văn hóa hiệu quả hơn.
Câu 3: Em có thể tìm hiểu và học tập lịch sử qua các hình thức nào? Ở đâu?
Trả lời:
- Học qua sách vở: Đây là hình thức truyền thống và cơ bản nhất. Các cuốn sách lịch sử, như sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sách tiểu sử, hay sách văn học lịch sử (ví dụ như Hoàng Lê nhất thống chí) giúp ta hiểu về các sự kiện và nhân vật lịch sử.
- Học qua phim tài liệu và phim lịch sử: Có rất nhiều bộ phim tài liệu, phim lịch sử được sản xuất để tái hiện những sự kiện lịch sử quan trọng. Ví dụ như các bộ phim về kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ phong kiến Việt Nam, hay cuộc sống của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử (ví dụ như Mùi cỏ cháy, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…)
- Học qua các buổi tham quan bảo tàng và di tích lịch sử: Bảo tàng lịch sử, di tích lịch sử, và khu tưởng niệm là những nơi trực quan giúp ta trải nghiệm lịch sử một cách sống động. Khi đến các địa điểm này, em có thể tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, những hiện vật gắn liền với lịch sử đất nước.
- Học qua Internet: Các trang web, blog lịch sử, video YouTube (như các kênh lịch sử, phim tài liệu) hay các khóa học trực tuyến đều là nguồn tài liệu phong phú để em học hỏi và khám phá lịch sử.
Câu 4: Từ bài học lịch sử về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết,… hãy cho biết suy nghĩ của em về một vấn đề thời sự trong nước hoặc thế giới.
Trả lời:
- Vấn đề thời sự trong nước: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
+ Tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng khi nhiều người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
+ Đề cao trách nhiệm với cộng đồng khi mọi người chấp hành các quy định phòng chống dịch, từ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, đến việc tham gia tiêm vắc-xin.
+ Chính phủ và các cơ quan chức năng đã làm việc không mệt mỏi để đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn.
Câu 5: Hãy giải thích thế nào là sưu tầm, thu thập và xử lí thông tin sử liệu?
Trả lời:
- Sưu tầm, thu thập sử liệu: là quá trình lập danh mục sử liệu cần sưu tầm; tìm kiếm, thu thập thông tin liên quan đến đối tượng tìm hiểu. Các nguồn sử liệu sưu tầm càng đa dạng, đầy đủ thì càng tốt.
- Xử lí thông tin sử liệu: là quá trình phân loại, đánh giá, thẩm định, so sánh nguồn sử liệu đã thu thập được. Công đoạn này nhằm xác định tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của sử liệu cũng như thông tin mà sử liệu đó phản ánh đối với việc tìm hiểu, khám phá lịch sử.
Câu 6: Quan sát hình 6 – 8 và rút ra một số thông tin qua khai thác các sử liệu đó.
Trả lời:
- Hình 6 là lá để trang trí hình rồng gắn trên ngói úp nóc ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội):
+ Đây là di vật khảo cổ học, thuộc quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, một trung tâm chính trị quan trọng của Việt Nam suốt hàng ngàn năm.
+ Hình rồng là biểu tượng của vương quyền và sức mạnh, cho thấy ảnh hưởng của văn hóa cung đình và vai trò của vua chúa trong việc xây dựng quốc gia.
+ Việc trang trí rồng trên ngói nóc thể hiện sự tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc thời phong kiến, đồng thời phản ánh sự phát triển văn hóa – kỹ thuật của thời kỳ đó.
- Hình 7 là hình ảnh một tờ tiền của Việt Nam:
+ Tiền tệ là chứng cứ kinh tế – chính trị rõ nét, phản ánh chủ quyền quốc gia (tên nước, chữ viết, biểu tượng...).
+ Thiết kế tờ tiền thường mang hình ảnh nhân vật lịch sử, di tích, biểu tượng văn hóa, giúp ta hiểu thêm về các giá trị dân tộc được trân trọng.
+ Tờ tiền cũng phản ánh thời kỳ lịch sử cụ thể qua chất liệu, mệnh giá, chữ viết (ví dụ: thời bao cấp, đổi mới…).
- Hình 8 là một phần trang báo Nhân dân, số 5043, ra ngày 1-2-1968:
+ Là nguồn sử liệu báo chí, phản ánh tình hình chính trị – xã hội đương thời, cụ thể là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
+ Số báo ra đúng vào Tết Mậu Thân 1968, một thời điểm lịch sử quan trọng, khi quân dân miền Nam phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
+ Qua đó, có thể hiểu được tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước, và cách truyền thông của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
Câu 1: Hãy lập và hoàn thành bảng hệ thống về các bước của công tác chuẩn bị sử liệu (theo gợi ý dưới đây vào vở).
Nhiệm vụ | Các bước thực hiện |
Sưu tầm, thu thập sử liệu | ? |
Xử lí thông tin sử liệu | ? |
Trả lời:
Nhiệm vụ | Các bước thực hiện |
Sưu tầm, thu thập sử liệu | Bước 1: Lập dánh mục sử liệu cần sưu tầm. Bước 2: Tìm kiếm, thu thập thông tin liên quan đến đối tượng tìm hiểu. |
Xử lí thông tin sử liệu | Phân loại, đánh giá, thẩm định, so sánh nguồn sử liệu đã thu thập được. |
Câu 2: Có ý kiến cho rằng: Học tập lịch sử chỉ diễn ra ở nhà trường phổ thông. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
Trả lời:
- Em không đồng ý với ý kiến “Học tập lịch sử chỉ diễn ra ở nhà trường phổ thông”, vì:
+ Lịch sử là tri thức về quá khứ của nhân loại, của dân tộc – điều này cần được học suốt đời chứ không chỉ trong vài năm phổ thông. Sau khi rời trường học, mỗi người vẫn có thể và nên tiếp tục tìm hiểu lịch sử thông qua nhiều hình thức khác.
+ Nhiều sự kiện lịch sử vẫn ảnh hưởng đến xã hội hiện nay, ví dụ: chiến tranh, chủ quyền biển đảo, hội nhập quốc tế, dân tộc và văn hóa... Vì vậy, người dân cần hiểu lịch sử để ứng xử đúng đắn, có tinh thần yêu nước, đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng.
+ Có nhiều phát hiện mới, tài liệu mới được công bố, làm thay đổi hoặc bổ sung hiểu biết của ta về quá khứ. Nếu chỉ học ở phổ thông mà không tiếp tục tìm hiểu, con người sẽ có cái nhìn thiếu đầy đủ và đôi khi lạc hậu về lịch sử.
Câu 3: Sưu tầm một số tư liệu có liên quan đến quá khứ của gia đình/trường học/quê hương em và giới thiệu vắn tắt về các tư liệu đó. Thông qua các tư liệu sưu tầm được giúp em biết điều gì về gia đình/trường học/quê hương em trong quá khứ?
Trả lời:
Tư liệu sưu tầm về Đền Quán Thánh (Hà Nội) – Di tích lịch sử văn hóa:
- Giới thiệu vắn tắt tư liệu:
+ Vị trí: Đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
+ Thời gian xây dựng: Thế kỉ XI, dưới triều đại nhà Lý.
+ Đền Quán Thánh là một trong Tứ trấn Thăng Long, thờ Trấn Vũ – vị thần trấn giữ phía Bắc kinh thành. Đền được xây dựng với kiến trúc đặc trưng của thời Lý, mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng của người Việt, trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của mảnh đất Kinh Kỳ.
- Thông qua tư liệu trên, em rút ra được:
+ Quê hương em – Hà Nội – có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Việc xây dựng Đền Quán Thánh từ thế kỷ XI cho thấy sự phát triển của thủ đô từ thời kỳ phong kiến.
+ Người dân xưa rất coi trọng tín ngưỡng và bảo vệ đất nước. Việc thờ Trấn Vũ thể hiện ý thức bảo vệ kinh thành và quốc gia.
+ Kiến trúc của đền phản ánh trình độ nghệ thuật cao. Pho tượng Trấn Vũ trong đền được đúc bằng đồng đen, nặng gần 4 tấn, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
+ Em cảm thấy tự hào khi quê hương mình lưu giữ được nhiều di tích lịch sử – văn hóa quý giá, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng quá khứ.