Nội dung chính Địa lí 9 kết nối Bài 12: Vùng Đồng bằng sông Hồng
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 12: Vùng Đồng bằng sông Hồng sách Lịch sử và Địa lí 9 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án địa lí 9 kết nối tri thức
BÀI 12: VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. – Vùng Đồng bằng sông Hồng giáp với Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và nước láng giềng Trung Quốc; phía đông có vùng biển rộng thuộc vịnh Bắc Bộ với nhiều đảo.
- Vùng Đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ; có hệ thống giao thông kết nối với các vùng trong nước và thế giới thuận lợi.
2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
* Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
- Địa hình và đất: phần lớn địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, thích hợp trồng cây lương thực (nhất là cây lúa), cây thực phẩm và cây ăn quả. Khu vực đồi núi có đất feralit thích hợp cho phát triển rừng, cây công nghiệp, cây dược liệu. Ven biển có đất mặn, đất phèn; một số nơi có đất xám trên phù sa cổ, có thể khai thác cho sản xuất nông nghiệp.
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 23°C, lượng mưa từ 1500 - 2000 mm/năm, có một mùa đông lạnh. Thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển quanh năm, tạo điều kiện xen canh, tăng vụ, thế mạnh trồng cây ưa lạnh.
- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình; nhiều hồ, vùng trũng, thuận lợi sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nguồn nước khoáng ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình có thể khai thác cho công nghiệp sản xuất đồ uống và phát triển du lịch.
- Sinh vật: tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng. Rừng ở khu vực đồi núi, ven biển, trên một số đảo. Các vườn quốc gia như Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Thủy, Bái Tử Long, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Châu thổ sông Hồng với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Ở các hệ thống sông và vùng biển có nhiều loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao.
*Vấn đề phát triển kinh tế biển
– Đồng bằng sông Hồng có bờ biển dài, với nhiều vũng vịnh nên thuận lợi để xây dựng cảng biển, phát triển giao thông vận tải biển.
- Đồng bằng sông Hồng có nhiều đảo, bãi biển, trên một số đảo và ven biển có vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển nên thuận lợi để phát triển du lịch.
- Đồng bằng sông Hồng có vùng biển rộng, các bãi cá bãi tôm, là điều kiện để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
- Ven biển Đồng bằng sông Hồng có một số khoáng sản như khí tự nhiên, cát thủy tinh, ti-tan, thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai khoáng.
– Ven biển Đồng bằng sông Hồng đã hình thành một số khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng),...
- Một số mặt trái do phát triển kinh tế biển: ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên,...
- Vấn đề cần chú trọng khi phát triển kinh tế biển (phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển).
3. Dân cư, xã hội
* Đặc điểm dân cư:
+ Đồng bằng sông Hồng có quy mô dân số lớn và tiếp tục gia tăng, do tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên còn cao và thu hút người nhập cư.
+ Cơ cấu dân số vàng. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.
+ Phân bố dân cư: có mật độ dân số đông nhất cả nước.
+ Thành phần dân tộc: có nhiều dân tộc chung sống: Kinh, Dao, Tày, Mường,...
- Ảnh hưởng của dân cư đến phát triển kinh tế – xã hội:
+ Dân số đông tạo nên thị trường tiêu thụ lớn, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
+ Dân số đông cũng gây sức ép tới chỗ ở, giáo dục, y tế, môi trường.
*Về đặc điểm nguồn lao động:
+ Số lượng: Đồng bằng sông Hồng có nguồn lao động dồi dào.
+ Chất lượng: có trình độ cao nhất cả nước.
+ Phân bố: lực lượng lao động tập trung ngày càng nhiều ở khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; Hà Nội và Hải Phòng tập trung nhiều lao động có trình độ cao.
- Ảnh hưởng của nguồn lao động đến sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng:
+ Nguồn lao động dồi dào và có trình độ cao là cơ sở thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế.
+ Lao động tập trung đông ở các thành phố cũng gây khó khăn cho vấn đề giải quyết việc làm.
* Đô thị hóa:
– Lịch sử hình thành và phát triển đô thị: Đô thị ở vùng Đồng bằng sông Hồng hình thành rất sớm, tuy nhiên phát triển chậm.
– Tính chất đô thị hoá: từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước (năm 1986), quá trình đô thị hoá gắn liền với công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
– Thực trạng đô thị hoá:
+ Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ngày càng tăng; mạng lưới đô thị dày đặc, quy mô đô thị mở rộng.
+ Xu hướng hình thành các đô thị hiện đại, thông minh, xanh, vệ tinh, vùng đô thị,... phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng.
– Tác động của đô thị hoá:
+ Góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực,...
+ Đô thị hoá tự phát gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông....
4. Vị thế của Thủ đô Hà Nội
- Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế,...
- Quy mô kinh tế của Hà Nội lớn (chiếm khoảng 41% GRDP toàn vùng Đồng bằng sông Hồng và khoảng 13% GDP cả nước – năm 2021).
– Hà Nội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có trị giá xuất khẩu đứng hàng đầu cả nước.
- Ảnh hưởng của Hà Nội tới các vùng khác và cả nước.
– Mục tiêu phấn đấu Hà Nội sẽ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
5. Sự phát triển và phân bố kinh tế
a. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
* Trồng trọt: Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất cây lương thực lớn thứ hai cả nước. + Lúa là cây lương thực chủ yếu.
+ Năng suất lúa đứng đầu cả nước nhưng, diện tích và sản lượng có xu hướng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa,...
+ Lúa được trồng nhiều ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương...
- Đồng bằng sông Hồng có thế mạnh trồng cây thực phẩm, nhất là cây vụ đông.
- Cây ăn quả có xu hướng mở rộng về diện tích. Một số nơi trồng cây ăn quả tập trung với quy mô lớn, có chỉ dẫn địa lí như vải thiều Hải Dương, nhãn Hưng Yên,...
* Chăn nuôi:
- Chăn nuôi được chú trọng phát triển, phương thức chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn ngày càng phổ biến.
- Lợn và gia cầm là những vật nuôi quan trọng, được nuôi nhiều ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định,...
* Thủy sản:
– Hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của vùng được đẩy mạnh.
– Sản lượng thuỷ sản tăng liên tục.
– Những địa phương ven biển như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.
* Lâm nghiệp:
– Diện tích rừng và sản lượng gỗ khai thác còn ít.
- Quảng Ninh là tỉnh có diện tích và sản lượng gỗ khai thác lớn nhất vùng.
– Rừng được chú trọng bảo vệ.
– Ngành lâm nghiệp ngày càng mang lại giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường đối với vùng Đồng bằng sông Hồng.
b. Công nghiệp
– Công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng hình thành sớm nhất cả nước và phát triển mạnh trong thời kì đất nước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. - Cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng với nhiều ngành khác nhau và phát triển nhanh như: sản xuất ô tô, dệt và sản xuất trang phục, sản xuất điện, điện tử, máy vi tính,...
– Các trung tâm công nghiệp lớn của vùng là Hà Nội, Hải Phòng.
- Sự phát triển công nghiệp làm cho kinh tế phát triển nhưng cũng dẫn đến nguy cơ suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
– Công nghiệp của vùng đang phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh,...
c. Dịch vụ
* Thương mại:
– Hoạt động nội thương:
+ Phát triển khắp các địa phương, hàng hoá đa dạng, hình thức mua bán phong phú, hiện đại.
+ Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh, chiếm tỉ trọng cao so với cả nước.
+ Hà Nội là trung tâm thương mại lớn nhất của vùng.
– Hoạt động ngoại thương:
+ Tỉ trọng trị giá xuất khẩu của vùng chiếm khoảng 35% cả nước (năm 2021).
+ Các địa phương có trị giá xuất khẩu hàng đầu trong vùng là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương.
+ Cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là những nơi diễn ra hoạt động xuất, nhập khẩu chủ yếu của cả vùng.
* Giao thông vận tải:
– Giao thông vận tải ngày càng hiện đại, với nhiều loại hình khác nhau (đường bộ cao tốc, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển) giúp kết nối các địa phương trong vùng và cả nước cũng như quốc tế được thuận tiện.
– Hà Nội, Hải Phòng là hai đầu mối giao thông vận tải quan trọng nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.
* Du lịch:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng có tài nguyên du lịch phong phú với nhiều điểm
du lịch hấp dẫn (Hạ Long, Cát Bà, Tràng An,...).
– Du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
=> Giáo án Địa lí 9 kết nối bài 12: Vùng Đồng bằng sông Hồng