Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 13: Việt Nam và biển Đông

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 13: Việt Nam và biển Đông, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 11 Cánh diều.

BÀI 13: VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG

 (23 câu)

1. NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Biển của Việt Nam gồm những bộ phận nào? Em hãy nêu khái niệm ngắn gọn về các bộ phận đó?

Trả lời:

Vùng biển của Việt Nam gồm các bộ phận:

* Nội thủy: là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

* Lãnh hải: là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển.

* Vùng tiếp giáp lãnh hải: là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

* Vùng đặc quyền kinh tế: là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

* Thềm lục địa: là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Câu 2: Nêu tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam về phát triển các ngành kinh tế.

Trả lời:

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam về phát triển các ngành kinh tế:

- Vị trí địa lí và tài nguyên của Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đa dạng với các ngành mũi nhọn.

- Trữ lượng cá ở vùng biển Việt Nam có khả năng khai thác hằng năm đạt khoảng 2,3 triệu tấn. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu.

- Vùng ven biển Việt Nam còn có tiểm năng to lớn về quặng sa khoáng sản, trong đó, cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

- Đường bờ biển dài có nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một “điểm du lịch hấp dẫn”.

- Biển Đông là “cửa ngõ” để Việt Nam giao lưu kinh tế và hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hàng hoá xuất - nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

Câu 3: Trình bày khái quát quá trình xác lập chủ quyền và quản lí liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong lịch sử.

Trả lời:

Khái quát quá trình xác lập chủ quyền và quản lí liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong lịch sử:

- Trước năm 1884

+ Nhiều tập bản đồ của các triều đại quân chủ Việt Nam như Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và của người phương Tây như Bộ Át lát thế giới (1827) đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổViệt Nam.

+ Một số công trình sử học và địa lí của Việt Nam cũng ghi chép tường tận về cương vực lãnh thổ và những hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của các chính quyền chúa Nguyễn, vua Lê - chúa Trịnh, triều Tây Sơn và triều Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa như: Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục.

+ Hoạt động xác lập chủ quyền, quản lí liên tục mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được khẳng định thông qua việc thành lập và hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX.

+ Dưới thời vua Gia Long, triều đình đã tiến hành các hoạt động khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa một cách quy củ như tổ chức đội thuỷ quân chuyên trách thực thi chủ quyền ở đây. Đến thời vua Minh Mạng, việc cử thuỷ quân ra quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã trở thành lệ đều đặn hằng năm.

+ Việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính lúc bây giờ cũng được thực hiện.

- Từ năm 1884 đến năm 1975:

+ Cuối thế kỉ XIX, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam, quản lí, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng thông lệ pháp lí quốc tế.

+ Từ những năm 30 của thế kỉ XX, người Pháp đã tiến hành xây dựng cột mốc chủ quyền, đèn biển, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện và thực hiện nhiều khảo sát khoa học,...

+ Tháng 9 - 1951, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tiếp tục được tuyên bố tại Hội nghị Hoà bình Xan Phran-xi-xcô. Từ năm 1954 đến năm 1975, hai quần đảo được đặt dưới sự quản lí hành chính của chính quyền Sài Gòn.

+ Từ ngày 13 đến ngày 28 - 4 - 1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo và triển khai lực lượng thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

- Từ sau năm 1975 đến nay: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lí và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Câu 4: Trình bày những nét chính về cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Biển Đông.

Trả lời:

Những nét chính về cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Biển Đông:

- Từ sau năm 1975 đến nay:

+ Từ tháng 3 - 1988 đến nay: nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đấu tranh ngoại giao và pháp lí để khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và môi trường hoà bình, hợp tác trên Biển Đông.

+ Tháng 3- 1988: chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hi sinh anh dũng khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại các đảo trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

- Từ năm 1884 đến năm 1954:

+ Năm 1946: chính quyền thực dân Pháp cho hải quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa và yêu cầu quân đội Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo đã chiếm đóng trái phép.

+ Năm 1939: chính quyền thực dân Pháp gửi công hàm phản đối việc Nhật Bản kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

- Trước năm 1884:

+ Dưới triều Nguyễn, các đội thuỷ quân chuyên trách công việc bảo vệ, thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được tổ chức.

+ Từ thời chúa Nguyễn, Vương triều Tây Sơn, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải có nhiệm vụ giữ gìn vùng biển tại quần đảo Hoàng Sa.

Câu 5: Hãy trình bày chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trả lời:

Chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông:

- Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp toàn điện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ quyền, chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

- Đối với các tranh chấp chủ quyền, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình với tỉnh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

- Để tăng cường tiểm lực quốc gia phục vụ hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với tắng cường quốc phòng, an ninh trên biển và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Câu 6: Trình bày tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng, an ninh.

Trả lời:

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng, an ninh:

Biển Đông là tuyến phòng thủ phía đông của đất nước. Hệ thống các đảo, quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông hợp thành tuyến phòng thủ bảo vệ vùng trời, vùng biển và đất liền.

Câu 7: Trình bày ngắn gọn tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam.

Trả lời:

* Về quốc phòng, an ninh

- Có đường bờ biển dài, hệ thống nhiều quần đảo lớn nhỏ tạo thành hệ thống đảo để bảo vệ vùng biển, vùng trời, đất liền.

- Hệ thống các quần đảo và đảo trên Biển Đông còn là cửa ngõ, tuyế phòng thủ bảo vệ đất liền từ xa.

- Giữ vai trò bảo vệ an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

- Là tuyến đường biển giúp Việt Nam có cơ hội giao lưu với các quốc gia trên thế giới, tiếp cận với các nền văn hóa mới.

* Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

- Là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, tài nguyên phong phú, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

- Thuận lợi cho việc phát triển ngành giao thông vận tải, xây dựng các công trình giúp Việt Nam thuận lợi phát triển thương mại hàng hải.

- Vùng biển với nhiều nguồn tài nguyên như dầu khí, quặng sa khoáng là tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

- Biển Đông còn là vùng biển có trữ lượng đa dạng sinh học với nhiều loài sinh vật biển đem lại giá trị kinh tế và nghiên cứu.

- Cảnh quan ở Biển Đông rất đa dạng nên thuận tiện cho ngành du lịch phát triển. 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Giải thích vì sao Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Trả lời:

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình vì Việt Nam tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của mình trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Câu 2: Những chủ trương nào được Việt Nam áp dụng để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trả lời:

* Văn bản pháp luật

- Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế (năm 1977).

- Tuyên bố xác đinh đường cơ sở gồm 10 đoạn nối 11 điểm (1982).

- Ban hành các luật khẳng định chủ quyền của hai quần đảo: Luật biên giới quốc gia; Luật biển Việt Nam; Luật cảnh sát biển Việt Nam; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến hết 2030, tầm nhìn đến 2045.

* Tham gia công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc

- Là văn kiện pháp lí đa phương đồ sộ, quy định về quyền của các quốc gia ven biển trên 5 vùng biển: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa.

* Ban hành luật biển Việt Nam năm 2012

- Là văn bản quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo của Việt Nam theo đúng như quy ước của Liên hợp quốc về Luật biển.

* Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên ở  Biển Đông

- Nhằm tạo ra môi trường hòa bình đối với các quốc gia trên khu vực Biển Đông.

- Tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình.

Câu 3: Hãy nêu tên các chủ trương mà Nhà nước Việt Nam dùng để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trả lời:

Các chủ trương đc Nhà nước ta sử dụng để giải quyết các tranh chấp trên biển:

  • Ban hành các văn bản khẳng định chủ quyền.
  • Thông qua Luật biển Việt Nam năm 2012.
  • Tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
  • Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông.

3. VẬN DỤNG (6 câu)

Câu 1: Những hình ảnh dưới đây gợi cho em suy nghĩ gì về một số giải pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

  

Trả lời:

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vấn đề cần quan tâm hiện nay là tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh.

- Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.

- xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt.

- Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

- Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Câu 2: Liên hệ với địa phương em hoặc địa phương mà em biết, chỉ ra một số vai trò của biển đối với phát triển kinh tế.

Trả lời:

Một số vai trò của biển đối với phát triển kinh tế:

-  Thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí, triến vọng khai thác nguồn khoáng sản này là rất lớn. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khấu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hóa dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực

- Biển Việt Nam còn có nhiều mỏ sa khoáng và cát thủy tinh có trữ lượng khai thác công nghiệp và làm vật liệu xây dựng... Tiềm năng về khí - điện - đạm và năng lượng biển cũng rất lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng...

- Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch.

Câu 3: Kể tên những văn bản pháp lí về chủ quyền biển của Việt Nam.

Trả lời:

Một số văn bản pháp lí về chủ quyền biển của Việt Nam:

- Luật Biên giới quốc gia khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (năm 2003).

- Luật Biển Việt Nam (2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013).

- Luật Cảnh sát biển Việt Nam (năm 2018).

- Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Câu 4: Nêu một số ví dụ thực tiễn về thực hiện chủ trương của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà em biết.

Trả lời:

Một số ví dụ thực tiễn về thực hiện chủ trương của Viêt Nam khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông:

- Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở).

- Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc” ký ngày 10/11/2011.

- Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ước Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

- Tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Việt Nam đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng và thành viên Hội đồng của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương.

- Tham gia xây dựng nhiều cơ chế và văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh hàng hải (INMARSAT), Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS), tham gia Công ước Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các công ước khác của IMO như Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 (MARPOL 73/78), Công ước về Tìm kiếm cứu nạn 1979 (SAR 79), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 (SOLAS 74), Công ước quốc tế về ngăn ngừa hành vi bất hợp pháp đe dọa an toàn hàng hải 1988 (SUA 88) và một số văn kiện pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) như Hiệp định về biện pháp của quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU.

Câu 5: Là một học sinh, em cần làm gì để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

Trả lời:

Một số việc học sinh có thể làm để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc:

- Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.

- Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam.

- Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

Câu 6: Em hãy cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực gì trong việc giải quyết các tranh chấp về biển?

Trả lời:

Với chủ trương nhất quán giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp

hoà bình, Việt Nam đã có nhiều nö lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng. Việt Nam đã chủ động cùng các quốc gia có liên quan đàm phán, phân định các vùng biển chồng lấn theo quy định của Công ước, góp phần tạo môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển, như kí thoả thuận hợp tác cùng phát triển dầu khí với Ma-lai-xi-a (1992), phân định biển với Thái Lan (1997), phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000), phân định thểm lục địa với In-đô-nê-xi-a (2003).

 

4. VẬN DỤNG CAO (7 câu)

Câu 1: Hãy chứng minh rằng “Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập, quản lí liên tục và thực thi bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

Trả lời:

“Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập, quản lí liên tục và thực thi bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

- Nhiều tập bản đồ của các triều đại quân chủ Việt Nam như Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và của người phương Tây như Bộ Át lát thế giới (1827) đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổViệt Nam.

- Một số công trình sử học và địa lí của Việt Nam cũng ghi chép tường tận về cương vực lãnh thổ và những hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của các chính quyền chúa Nguyễn, vua Lê - chúa Trịnh, triều Tây Sơn và triều Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa như: Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục.

à Hoạt động xác lập chủ quyền, quản lí liên tục mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được khẳng định thông qua việc thành lập và hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX.

Câu 2: Trình bày một vài hiểu biết của em về Vịnh Cam Ranh.

Trả lời:

Một số thông tin về Vịnh Cam Ranh:

Vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) được coi là một trong những cảng nước sâu tốt nhất châu Á. Vị trí và địa hình của vịnh rất thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở phòng vệ chiến lược quan trọng.

Ngày 8 tháng 3 năm 2016, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức lễ khai trương cảng quốc tế Cam Ranh, một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam tiếp nhận được tàu sân bay tải trọng 110.000 DWT, tàu khách có dung tích 100.000 GRT và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước. Có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.

Câu 3: Giới thiệu về Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn. Theo em, việc duy trì tổ chức Lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn ngày nay có ý nghĩa gì?

Trả lời:

- Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn là một lễ hội độc đáo với truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về.

- Theo các lão ngư Lý Sơn, tương truyền, ngày xưa trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại thô sơ và luôn phải đối mặt với hiểm nguy trên biển, mỗi người lính trong đội thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây, 7 thẻ tre ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển, hy vọng may mắn trôi về bản quán.

- Từ thực tiễn “một đi không trở lại” của nhiều lớp người đi trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - khao lề thế lính Hoàng Sa. Cứ hàng năm, vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, các họ tộc ở Lý Sơn có người đi lính Hoàng Sa làm lễ khao lề thế lính. Khao lề là lệ khao định kỳ hàng năm, thế lính mang đậm yếu tố tâm linh là cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.

- Việc duy trì tổ chức Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn ngày nay không những thể hiện sự tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.

Câu 4: Viết một đoạn văn (khoảng 250 – 300 chữ) về hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.

Trả lời:

HS viết đoạn văn dựa trên các gợi ý dưới đây:

- Tầm quan trọng của biển đảo đối với Việt Nam.

- Hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay:

+ Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.

+ Xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt.

+ Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

+ Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng.

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Câu 5: Em hãy nêu suy nghĩ về ý  nghĩa của việc ra đời Luật Biển ở Việt Nam.

Trả lời:

- Luật Biển Việt Nam được xây đựng bắt đầu từ năm 1998. Ngày 21 - 6 - 2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua tuột Biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 - 1 - 2013.

- Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Ban hành Luật Biển Việt Nam là hoạt động lập pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lí của Việt Nam về biển, đảo; lần đầu tiên Việt Nam có văn bản luật quy định đấy đủ chế độ pháp lí của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS; tạo cơ sở pháp lí quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lí, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình.

Câu 6: Trình bày một vài hiểu của em về Đại Nam nhất thống toàn đồ.

Trả lời:

Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ Việt Nam dưới thời Nguyễn, được vẽ vào khoảng năm 1838, ghi rõ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng lấy bản đồ này làm căn cứ lịch sử và pháp lý chứng minh cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Câu 7: Trình bày một số hiểu biết của em về huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Trả lời:

Huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng) là một quần đảo với hơn 300 đảo lớn nhỏ, có vị trí địa lí thuận lợi trong giao lưu kinh tế với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và có tiềm năng du lịch phong phú. Đây là địa bàn trọng điểm được thành phố Hải Phòng đấu tư xây dựng và phát triển du lịch bền vững để trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế.

=> Giáo án Lịch sử 11 cánh diều Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay