Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 11 Cánh diều.

BÀI 5: QUÁ TRÌNH XÂM LƯỢC VÀ CAI TRỊ

CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN Ở ĐÔNG NAM Á

 (22 câu)

1. NHẬN BIẾT (11 câu)

Câu 1: Em hãy cho biết quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh nào?

Trả lời:

Bối cảnh diễn ra quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á:

- Từ đầu thế kỉ XVI, các nước phương Tây bắt đầu mở rộng quá trình xâm nhập vào các nước Đông Nam Á. Trong thời gian đầu, quá trình này được tiến hành thông qua các hoạt động buôn bán và truyền giáo. Thông qua các thương điếm, các nước châu Âu mở rộng giao thương và từng bước chuẩn bị cho quá trình xâm lược.

- Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây diễn ra trong bối cảnh phần lớn các nước Đông Nam Á bước vào thời kì suy thoái, khủng hoảng của chế độ phong kiến về chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều cuộc nổi dậy chống lại chế độ phong kiến.

Câu 2: Trình bày quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.

Trả lời:

Quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo:

- Phi-lip-pin: giữa thế kỉ XVI, Phi-lip-pin bị thực dân Tây Ban Nha xâm lược và thống trị. Sau cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha(1898), Phi-lip-pin trở thành thuộc địa của Mỹ.

- In-đô-nê-xi-a: cuối thế kỉ XVI, thực dân Hà Lan bắt đầu quá trình xâm nhập In-đô-nê-xi-a. Đến giữa thế kỉ XIX, trải qua các cuộc cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha, Hà Lan hoàn thành việc kiểm soát nước này.

- Ma-lai-xi-a, Xing-ga-po, Bru-ney: đầu thế kỉ XX, toàn bộ lãnh thổ của Ma-lai-xi-a, Xing-ga-po, Bru-ney rơi vào tay người Anh với nhiều hình thức cai trị khác nhau.

à Trải qua gần 4 thế kỉ (từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX), bằng những thủ đoạn khác nhau, từ buôn bán, xâm nhập thị trường, đến tiến hành chiến tranh xâm lược và cạnh tranh quyết liệt với nhau, thực đân phương Tây đã hoàn thành quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.

Câu 3: Trình bày quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á lục địa.

Trả lời:

Quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á lục địa:

- Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á lục địa bắt đầu vào thế kỉ XIX, muộn hơn so với các nước Đông Nam Á hải đảo.

- Thực dân Anh sau hơn 60 năm (1824 - 1885), tiến hành 3 cuộc chiến tranh mới chiếm được Miến Điện (Mi-an-ma). Thực dân Pháp phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần nửa thế kỉ (1858 - 1893) mới hoàn thành việc xâm chiếm 3 nước Đông Dương.

Câu 4: Nêu kết quả quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á.

Trả lời:

Kết quả quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á: Đến đầu thế kỉ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình thôn tính Đông Nam Á. Hầu hết các nước trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây. Vương quốc Xiêm (Thái Lan) tuy giữ được nền độc lập nhưng bị lệ thuộc vào nước ngoài về nhiều mặt và trở thành “vùng đệm” giữa khu vực thuộc địa của thực dân Anh và thực dân Pháp.

Câu 5: Trình bày chính sách cai trị của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á.

Trả lời:

Chính sách cai trị của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á:

- Về chính trị: thực dân phương Tây tiến hành thiết lập nền thống trị ở Đông Nam Á

dưới các hình thức khác nhau, điểm chung là bên cạnh sự cai trị của chính quyền thực dân thì các thế lực phong kiến địa phương vẫn được duy trì.

+ Về hình thức cai trị: các nước thực dân áp đặt hình thức cai trị trực tiếp hay gián tiếp. Quyền hành chính, lập pháp, tư pháp, ngoại giao, quân sự.... của các thuộc địa vẫn tập trung trong tay đại diện của chính quyền thực dân.

+ Chính sách “chia để trị” được thực dân phương Tây sử dụng nhằm chia rẽ, làm suy yếu sức mạnh dân tộc của các nước Đông Nam Á.

+ Chú trọng việc xây dựng và sử dụng lực lượng quân đội người bản địa để bảo vệ bộ máy cai trị và đàn áp sự phản kháng của người dân thuộc địa.

- Về kinh tế:

+ Thực hiện chính sách bóc lột, khai thác các thuộc địa,

+ Biến các nước trong khu vực thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa, phục vụ lợi ích cho chính quốc.

- Về văn hóa, xã hội:

+ Tìm mọi cách kìm hãm người dân ở các nước thuộc địa trong tình trạng lạc hậu, nghèo đói.

+ Làm xói mòn giá trị truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á.

Câu 6: Nêu bối cảnh Vương quốc Xiêm tiến hành công cuộc cải cách.

Trả lời:

Bối cảnh Vương quốc Xiêm tiến hành công cuộc cải cách: Vào giữa thế kỉ XIX, Vương quốc Xiêm đứng trước sự đe doạ xâm lược của thực dân phương Tây. Từ năm 1851, vua Ra-ma IV đã tiến hành cải cách, chủ trương mở cửa buôn bán với nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 1868, dưới thời vua Ra-ma V, Xiêm đã tiến hành hàng loạt cải cách quan trọng về kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,...

Câu 7: Trình bày những nét chính về công cuộc cải cách ở Xiêm.

Trả lời:

Những nét chính về công cuộc cải cách ở Xiêm:

- Về kinh tế:

+ Công nghiệp: Chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, đường sắt,... Với việc mở cửa nền kinh tế từ nửa sau thế kỉ XIX, Băng Cốc đã trở thành trung tâm buôn bán của khu vực.

+ Nông nghiệp: năm 1874, Chính phủ Xiêm đã áp dụng biện pháp miễn trừ và giảm thuế nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và khai khẩn đất hoang. Đầu thế kỉ XX, Chính phủ ban hành những quy định quản lí ruộng đất hiện đại.

- Về hành chính: từ năm 1892, Ra-ma V tiến hành cải cách hành chính theo mô hình phương Tây.

- Về giáo dục: công tác giáo dục được nhà vua chú trọng. Năm 1898, nhà vua cho công bố Chương trình giáo dục đầu tiên ở Xiêm.

- Về ngoại giao:

+ Năm 1897, Ra-ma V tiến hành chuyến công du sang các nước châu Âu, gặp gỡ đại điện các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga... nhằm mục tiêu xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã kí trước đó.

+ Chính phủ Xiêm kí các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Cam-pu-chia cho Pháp (1907) và ở Mã Lai cho Anh (1909) để bảo vệ nền độc lập của nước mình.

Câu 8: Trình bày kết quả, ý nghĩa của công cuộc cải cách ở Xiêm.

Trả lời:

Kết quả, ý nghĩa của công cuộc cải cách ở Xiêm:

- Thúc đẩy sản xuất phát triển, mở cửa cho hàng hoá xuất khẩu,... đưa Vương quốc Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước hội nhập với thế giới trong những thập niên tiếp theo.

- Chính phủ Xiêm có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững nền độc lập và chủ quyền đất nước, không bị rơi vào tình trạng thuộc địa.

- Công cuộc cải cách của Xiêm là một trong những con đường ứng phó hiệu quả với làn sóng xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á.

Câu 9: Em hãy nêu nguyên nhân chủ nghĩa thực dân xâm lược Đông Nam Á?

Trả lời:

Nguyên nhân chủ nghĩa thực dân xâm lược đông nam á:

- Đông Nam Á có vị trí chiến lược quan trọng.

- Giàu tài nguyên thiên nhiên, có nền văn hóa lâu đời.

- Các nước Đông Nam Á đang bị khủng hoảng triền miên về chính trị, kinh tế, xã hội.

Câu 10: Nhận xét đặc điểm quá trình xâm lược của các nước đế quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Trả lời:

- Quá trình xâm lược của các nước đế quốc ở khu vực Đông Nam Á diễn ra liên tục, kéo dài từ thế kỉ XVI đến hết thế kỉ XIX.

- Không có sự tranh chấp giữa các nước tư bản chủ nghĩa. Trừ Xiêm giữa thực dân Pháp và thực dân Anh.

- Sự phân chia thuộc địa giữa các nước đế quốc tại khu vực Đông Nam Á đồng đều. Khi mỗi nước đế quốc thực dân đều sở hữu cho mình ít nhất một quốc gia thuộc địa.

Câu 11: Nêu nguyên nhân thực dân Pháp và Tây Ban Nha tiến công vào xâm lược Việt Nam.

Trả lời:

Để lấy cớ tiến vào Việt Nam xâm lược, liên quân Pháp – Tây ban Nha lấy lí do bảo vệ người công giáo, giáo dân ở Việt Nam và nổ súng tiến vào xâm lược Đà Nẵng.

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Theo em, cách thức tiến hành xâm lược của thực dân phương Tây có điểm gì chung?

Trả lời:

Điểm chung trong cách thức tiến hành xâm lược của thực dân phương Tây: tiến hành bằng những thủ đoạn khác nhau (buôn bán, xâm nhập thị trường, chiến tranh xâm lược) và cạnh tranh quyết liệt.

Câu 2: Theo em, điểm chung của chính sách thống trị thực dân ở Đông Nam Á là gì?

Trả lời:

Điểm chung của chính sách thống trị thực dân ở Đông Nam Á:

- Khai thác, vơ vét và bòn rút các quốc gia trong khu vực bằng chính sách thuế khoá đánh vào các tầng lớp nhân dân bản địa.

- Cướp ruộng đất lập đồn điển, bóc lột sức người, khai thác tài nguyên.

- Thông qua khai thác triệt để sản phẩm nông nghiệp, tiếp tục đầu tư để bóc lột lâu dài trong công nghiệp...

à Cao su, cà phê, chè, lúa gạo là những sản vật đặc trưng của Đông Nam Á được thực dân phương Tây chú ý khai thác từ sớm.

Câu 3: Tại sao các nước Đông Nam Á hải đảo là đối tượng thu hút sự chú ý của thực dân phương Tây?

Trả lời:

Các nước Đông Nam Á hải đảo là đối tượng thu hút sự chú ý của thực dân phương Tây vì:

- Là khu vực giàu tài nguyên, có nguồn hương liệu và hàng hóa phong phú.

- Nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền phương Đông và phương Tây với nhiều thương cảng sầm uất.

Câu 4: Vì sao Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây?

Trả lời:

Xiêm là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây, vì:

- Những chính sách cải cách của Ra-ma V:

+ Cải cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, giáo dục,…

+ Các chính sách cải cách của Xiêm đi theo hướng "mở cửa". Chính cuộc cải cách này đã giúp Xiêm hòa nhập vào sự phát triển chung của chủ nghĩa tư bản thế giới.

- Chính sách đối ngoại "mềm dẻo":

+ Chủ động "mở cửa", quan hệ với tất cả các nước.

+ Lợi dụng vị trí “nước đệm” giữa hai nước Anh - Pháp.

+ Cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền của đất nước.

Câu 5: Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc thực dân Pháp áp dụng hình thức “chia để trị” trên các nước thuộc địa. 

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến việc thực dân Pháp áp dụng hình thức “chia để trị” trên các nước thuộc địa:

  • Vơ vét bóc lột người dân thuộc địa để bù đắp cho các tổn thất do các cuộc chiến trước đó để lại.
  • Phân tán lực lượng, làm suy yếu đi các biện pháp đáp trả của nhân dân.
  • Khai thác được triệt để các nguồn tài nguyên và thế mạnh của người lao động dồi dào của các nước thuộc địa.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Theo em, vì sao từ thế kỉ XIX, tốc độ thực dân hóa được đẩy cao ra toàn Đông Nam Á?

Trả lời:

Từ thế kỉ XIX, tốc độ thực dân hóa được đẩy cao ra toàn Đông Nam Á vì:

- Từ thời cổ đại, Đông Nam Á đã là một phần quan trọng của hệ thống thương mại thế giới.

- Thế kỉ XVI, các mặt hàng hương liệu như tiêu, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu, trầm hương,... của Đông Nam Á có sức hút mạnh mẽ đối với châu Âu.

- Bồ Đào Nha là cường quốc đầu tiên chinh phục quốc gia Hồi giáo Ma-lắc-ca (năm 1511). Nhanh chóng, người Hà Lan chiếm Ma-lắc-ca từ tay người Bồ Đào Nha (năm 1641), thiết lập thành phố Ba-ta-vi-a thông qua công ty Đông Ấn; Tây Ban Nha bắt đầu thực dân hoá Phi-lip-pin từ năm 1542; công ty Đông Ấn Anh chiếm Xin-ga-po, làm cơ sở thương mại chính của người Anh để cạnh tranh với người Hà Lan.

- Từ thế kỉ XIX, tốc độ thực dân hoá được đẩy cao ra toàn Đông Nam Á.

Câu 2: Viết một đoạn văn ngắn (3 – 5 câu) nêu suy nghĩ của em về quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á.

Trả lời:

Thế kỉ XIX, các nước thực dân phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa ở khu vực Đông Nam Á. Quá trình xâm lược và chinh phục của thực dân phương Tây trải qua thời gian khá dài và phức tạp. Cuối cùng, thực dân phương Tây đã đưa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á vào cơn lốc kinh tế tư bản chủ nghĩa, hình thành hệ thống thuộc địa và làm biến dạng cấu trúc xã hội truyền thống trong khu vực. Đông Nam Á trở thành nơi bị các nước thực dân phương Tây xâu xé, bởi đây là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lí thuận lợi, dân số đông.

Câu 3: Kể tên một số di tích lịch sử, địa danh,… liên quan đến quá trình xâm lược Đông Nam Á của thực dân phương Tây còn tồn tại đến ngày nay.

Trả lời:

Một số di tích lịch sử, địa danh liên quan đến quá trình xâm lược Đông Nam Á của thực dân phương Tây còn tồn tại đến ngày nay:

- Tượng đài La-pu-la-pu ở đảo Mác-tan (Phi-lip-pin).

- Trường Đại học Chu-la-long-kon (Thái Lan).

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Trình bày một số hiểu biết của em về tình cảnh người dân thuộc địa dưới ách cai trị của thực dân qua tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Nguyễn Ái Quốc).

Trả lời:

Tình cảnh người dân thuộc địa dưới ách cai trị của thực dân qua tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Nguyễn Ái Quốc):

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo chính sách thống trị của thực dân Pháp: “Một bên là những người bản xứ.,... họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong những lao tác nặng nhọc nhất và bạc bẽo nhất để kiếm sống một cách chật vật, và hầu như chỉ bằng sức của họ thôi, để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền. Một bên là những người Pháp và người nước ngoài, họ đều đi lại tự do, tự dành cho mình tất cả các tài nguyên của đất nước, chiếm đoạt toàn bộ xuất nhập khẩu và tất cả các ngành nghề béo bở nhất, bóc lột trâng tráo trong cảnh đốt nát và nghèo khốn của nhân dân”.

Câu 2: Vì sao cuộc cải cách của vua Rama V được coi là một cuộc cách mạng tư sản không triệt để?

Trả lời:

- Năm 1861, Ra ma V đã tiến hành cải cách toàn diện đất nước mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản không triệt để và trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á không bị mất độc lập.          

- Là cuộc cách mạng tư sản dưới hình thức cải cách do giai cấp phong kiên tiến hành đã xóa bỏ những cản trở của phong kiến mở đường cho kinh tế TBCN phát triển đưa nước Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.

- Nhưng là cuộc cách mạng tư sản không triệt để vì không xóa bỏ phong kiến, không giải quyết ruộng đất và dân chủ cho nông dân.

Câu 3: Có ý kiến cho rằng “Ngoại giao Thái Lan là ngoại giao thực dụng và mềm dẻo”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?

Trả lời:

- Đồng ý với ý kiến.

- Giải thích:

+ Khi quan hệ quốc tế căng thằng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và đồng thời tồn tại nhiều lực lượng thù địch với nước này. Trong trường hợp đó, Thái Lan thường bắt tay với cả hai phía đối địch, rồi xem xét tương quan lực lượng của hai bên, chọn phía có lợi cho nước mình để hợp tác.

+ Tuy nhiên, Thái Lan cũng bắt tay với một phía trong các bên thù địch nhau để kiếm lợi cho nước mình. Mục đích của sự lựa chọn này là kiếm lợi lớn nhất với sự hi sinh nhỏ nhất.

à Vì vậy, ngoại giao Thái Lan là ngoại giao thực dụng và mềm dẻo.

Câu 4: Hãy lí giải vì sao trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công.

Trả lời:

Trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công, vì:

- Thứ nhất, khác biệt về vị thế, tiềm lực của vương triều Chakri (ở Xiêm) và triều Nguyễn (ở Việt Nam)

+ Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Xiêm đã được xây dựng và củng cố từ giữa thế kỷ XVIII. Nhìn chung, trong thời gian trị vì của vua Rama I đến Rama V, tình hình chính trị - xã hội ở Xiêm tương đối ổn định.

 

+ Ở Việt Nam, nhà Nguyễn ra đời vào đầu thế kỉ XIX; tình hình chính trị - xã hội của đất nước không ổn định do triều Nguyễn thường xuyên phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Tính chung từ đầu thời Gia Long (năm 1802), đến thời Tự Đức (1862), ở Việt Nam đã diễn ra khoảng 405 cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại triều đình.

- Thứ hai, khác biệt về tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội+ Những cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục của vương quốc Xiêm so với Việt Nam vào thế kỷ XIX có nhiều thuận lợi hơn cho việc hình thành, phát triển và thực hiện các chủ trương cải cách.

+ Mặc dù cả Xiêm và Việt Nam đều là chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nhưng so với Việt Nam, xã hội Xiêm là một xã hội thống nhất, cởi mở hơn. Tuy nền kinh tế của cả hai nước đều lấy canh tác nông nghiệp làm cơ sở phát triển, nhưng yếu tố hàng hoá, thị trường ở Xiêm phát triển mạnh hơn nhiều so với Việt Nam.

à Ở Xiêm có những tiền đề cho xu hướng cải cách được định hình và phát triển đầy đủ hơn.

- Thứ ba, khác biệt về lực lượng tiến hành cải cách

+ Ở Xiêm: các nhà vua Thái Lan và các quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính, vừa là những người chủ xướng đưa ra ý tưởng cải cách, canh tân đất nước, vừa là những người có quyền lực để thực thi những chủ trương đó.

+ Ở Việt Nam: lực lượng đề xướng cho trào lưu cải cách, canh tân đất nước là một số ít quan lại, nho sĩ tiến bộ, thức thời. Những nhà cải cách ở Việt Nam không phải là người nắm giữ quyền lực tối cao của đất nước. Bên cạnh đó, trào lưu cải cách ở Việt Nam cũng không nhận được sự ủng hộ của triều Nguyễn (đứng đầu là vua Tự Đức).

- Thứ tư, sự khác biệt trong thái độ ứng phó với thực dân phương Tây

+ Ở Xiêm: triều đình Xiêm đã có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực và quốc tế, biết tận dụng một cách triệt để thời cơ, biết khai thác mâu thuẫn giữa các đối thủ, biết hy sinh những lợi ích trước mắt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài. Trên cơ sở đó, họ đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp, cởi mở, thực dụng (Xiêm nhận thức được vị trí “vùng đệm” của mình và những mâu thuẫn, sự kình địch giữa thực dân Anh và Pháp, trên cơ sở đó, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình).

+ Ở Việt Nam: trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã thiếu quyết tâm kháng chiến; phạm nhiều sai lầm trong đường lối chỉ đạo chiến đấu và đường lối ngoại giao. Mặt khác, trước sức mạnh quân sự vượt trội của Pháp, nội bộ triều Nguyễn đã có sự phân hóa thành hai phái: chủ hòa và chủ chiến (phái chủ hòa lại chiếm ưu thế trong triều đình).

 

=> Giáo án Lịch sử 11 cánh diều Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay