Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Lịch sử 11 Cánh diều bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX) , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 11 Cánh diều.

BÀI 11: CUỘC CẢI CÁCH CỦA MINH MẠNG

(NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX)

 (17 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày bối cảnh lịch sử dẫn đến cuộc cải cách của vua Minh Mạng.

Trả lời:

Bối cảnh lịch sử của cuộc cải cách Minh Mạng:

- Năm 1802, triều Nguyễn được thành lập. Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thời gian chiến tranh và bị chia cắt lâu dài, đặt ra rất nhiều khó khăn. Dưới thời vua Gia Long, nhà Nguyễn tập trung chủ yếu vào công cuộc ổn định tình hình đất nước và ưu tiên cho sự nghiệp thống nhất về mặt lãnh thổ.

- Bộ máy hành chính nhà nước thời kì này chưa hoàn chỉnh:

+ Ở trung ương, nhiều cơ quan chưa được hoàn thiện.

+ Ở địa phương, tính phân quyền còn đậm nét với sự tồn tại của Bắc Thành và Gia Định Thành.

+ Tổ chức hành chính giữa các khu vực thiếu thống nhất. Quan lại trong bộ máy nhà nước chủ yếu do các võ quan nắm giữ.

=> Để khắc phục tình trạng phân quyền, thiếu thống nhất, vua Minh Mạng đã tiến hành các biện pháp để tập trung quyền lực và hoàn thiện bộ máy Nhà nước.

Câu 2: Trình bày một số cải cách của vua Minh Mạng.

Trả lời:

Một số cải cách của vua Minh Mạng:

Trọng tâm cuộc cải cách của vua Minh Mạng là hành chính.

- Ở trung ương:

+ Tiến hành cải tổ hệ thống Văn thư phòng và thành lập Cơ mật viện.

+ Hoàn thiện cơ cấu, chức năng của lục Bộ và cải tổ các cơ chuyên môn.

+ Thực hiện chế độ giám sát, thanh tra chéo giữa các cơ quan trung ương.

- Ở địa phương:

+ Chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, Tuần phủ.

+ Đối với vùng dân tộc thiểu số, vua Minh Mạng cho đổi các động, sách thành xã như vùng đồng bằng, đồng thời bãi bỏ chế độ cai trị của các tù trưởng địa phương, bổ dụng quan lại của triều đình đến cai trị trực tiếp.

+ Cải tổ chế độ hồi ty bằng việc mở rộng phạm vị, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới nghiêm ngặt.

Câu 3: Trình bày kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Mạng.

Trả lời:

Kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Mạng:

- Xây dựng được chế độ quân chủ trung ương tập quyền cao độ (vua nắm trong tay quyển lập pháp, hành pháp, tư pháp và thống lĩnh quân đội); thống nhất đơn vị hành chính địa phương trong cả nước; tổ chức cơ cấu bộ máy nhà nước gọn nhẹ, chặt chẽ; phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

- Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt hành chính, làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước có hiệu quả hơn trước.

- Để lại bài học kinh nghiệm đối với tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, cách thức phân chia đơn vị hành chính cấp tỉnh thời Minh Mạng là một trong những di sản lớn nhất của cuộc cải cách, còn có giá trị đến ngày nay.

Câu 4: Em hãy nêu nội dung cuộc cải cách của vua Minh Mạng.

Trả lời:

Nội dung cuộc cải cách của vua Minh Mạng:

* Về chính trị và hành chính:

- Đổi tên nước Việt Nam thành Đại nam, củng cố địa vị của Nho giáo.

- Kiện toàn các cơ quan văn phòng trực tiếp giúp việc cho nhà vua.

- Lập thêm một số các cơ quan phụ trách các công việc chuyên môn.

- Cải cách hành chính địa phương theo quy mô lớn trên phạm vi cả nước.

- Quy định về chế độ hồi ti để ngăn chặn tình trạng quan lại cấu kết, bè phái ở địa phương.

* Về kinh tế:

- Triển khai đo đạc lại ruộng đất, lập sổ địa bạ để quản lí.

- Quy định lại chính sách thuế cho thuyền buôn nước ngoài để kiểm soát hoạt động thương mại và an ninh.

* Về quốc phòng, an ninh:

- Bộ máy quân đội được tổ chức theo phương châm “tinh nhuệ”học hỏi mô hình của phương Tây.

- Đặc biệt coi trọng và phát triển lực lượng thủy quân.

* Về văn hóa – giáo dục:

- Hạn chế Phật giáo và cấm đoán Thiên chúa giáo.

- Lập Quốc sử quán để thu thập và biên soạn sách sử.

- Mở lại các kì thi, khuyến khích các hoạt động giáo dục Nho nhằm tạo ra được đội ngũ trí thức giúp việc cho triều đình.

Câu 5: Nêu khái quát về bộ máy chính quyền địa phương thời Minh Mạng.

Trả lời:

Bộ máy chính quyền địa phương ở thời Minh Mạng:

- Từ năm 1831 – 1832 vua Minh Mạng lần lượt xóa bỏ Bắc Thành và Gia Định Thành cùng chức Tổng trấn, đổi tên các dinh – trấn trên cả nước thành 30 tỉnh.

- Sự ra đời của các đơn vị hành chính cấp tỉnh gắn liền với hệ thống các cơ quan, chức quan phụ trách cùng cơ chế làm việc mới.

- Dưới cấp tỉnh, hệ thống hành chính cấp phủ, huyện/ châu, tổng, xã và các cơ quan, chức quan phụ trác cùng cơ chế làm việc được hoàn thiện.

- Thiết lập hệ thống cấp tổng đối với vùng dân tộc phía Bắc.

 

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Nêu nhận xét của em về đơn vị hành chính Việt Nam sau cải cách của vua Minh Mạng.

Trả lời:

Cải cách hành chính là trọng tâm trong công cuộc cải cách của vua Minh Mạng. Ông chia cả nước làm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Mỗi tỉnh đều có Tổng đốc, Tuần phủ cai quản cùng hai ti, hoạt động theo sự điều hành của triều đình. Các phủ, huyện, châu, tổng, xã vẫn giữ như cũ. Việc cải cách như vậy giúp cho hệ thống cơ quan trở nên chặt chẽ, gọn nhẹ hơn. Hệ thống đơ vị hành chính trong cả nước cũng áp dụng đến nay. Nhìn chung, các chính cải cách hình chính giúp vua thuận lợi trong việc quản lí đất nước.

Câu 2: Nêu nhận xét của em về cuộc cải cách Minh Mạng.

Trả lời:

Nhận xét của em về cuộc cải cách Minh Mạng:

Cuộc cải cách của vua Minh Mạng là một cuộc cải cách khá toàn diện trên các lĩnh vực hành chính, kinh tế, văn hoá, giáo dục. Kết quả của cuộc cải cách đã tăng cường tính thống nhất của quốc gia. Chế độ trung ương tập quyền chuyên chế và quyền lực của hoàng đế được củng cố, thúc đẩy bộ máy chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả.

Câu 3: Em hiểu như thế nào về các cơ quan chuyên môn tiêu biểu dưới thời vua Minh Mạng: Hàn lâm viện, Quốc Tử Giám, Thái y viện, Khâm thiên giám).

Trả lời:

Dưới thời Minh Mạng, các cơ quan chuyên môn quan trọng trong triều đình tiếp tục được kiện toàn hoàn chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức.

- Hàn lâm viện: soạn thảo văn bản.

- Quốc Tử Giám: giảng dạy kinh sách, đào tạo nhân tài.

- Thái y viện: chăm sóc sức khoẻ, quản lí hoạt động y tế.

- Khâm thiên giám: làm lịch, xem ngày giờ, báo giờ, quan sát và dự đoán các hiện tượng thiên văn, thời tiết.

Câu 4: Em hiểu như thế nào về chế độ Hồi tỵ dưới thời vua Minh Mạng.

Trả lời:

Hồi tỵ có nghĩa là tránh đi. Chế độ hồi tỵ quy định:

 - Những người thân như anh, em, cha, con, thầy, trò,…không được làm quan cùng một chỗ.

- Những người làm quan không được nhậm chức ở quê quán, trù quán.

- Đối với nhân viên hành chính, ai ở quê, phủ, huyện nào cũng không được làm việc tại cơ quan công quyền của phủ, huyện đó.

Câu 5: Theo em, vì sao dưới Triều vua Minh Mạng lại không truy phong Hoàng hậu?

Trả lời:

Dưới triều vua Minh Mạng, nhà vua không truy phong Hoàng hậu là vì không muốn chia sẻ quyền lực cho ai, hoặc lo sợ người ngoài lấn át quyền lực nên đã đặt ra lệ “Tứ bất” là không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không phong Tể tướng, không lấy Trạng nguyên.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Những bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng vào việc xây dựng nền hành chính Việt Nam hiện đại?

Trả lời:

Cải cách bộ máy nhà nước của vua Minh Mạng để lại những bài học kinh nghiệm bổ ích về các nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước, những giá trị cần lựa chọn trong chính sách quản lý, những bài học về cải cách quan chế…

- Bộ máy nhà nước nên thực hiện theo nguyên tắc “Trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau” trong hoạt động của bộ máy nhà nước để đạt hiệu quả cao. Việc áp dụng nguyên tắc này trong hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần tích cực chống quan liêu, phòng và chống tham nhũng lãng phí.

- Bộ máy nhà nước nên thực hiện nguyên tắc “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh,  quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng” nhằm khuyến khích, động viên quan lại, quan lại nào làm tốt sẽ được nhà vua ban thưởng, làm không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

- Đề cao giá trị của pháp luật và tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.

Câu 2: Vẽ sơ đồ bộ máy chính quyền địa phương thời Nguyễn từ sau cải cách Minh Mạng.

Trả lời:

Câu 3: Nêu một số nội dung cải cách của vua Minh Mạng có thể kế thừa trong đời sống xã hội hiện nay.

Trả lời:

Một số nội dung cải cách của vua Minh Mạng có thể kế thừa trong đời sống xã hội hiện nay:

- Thực hiện nguyên tắc “trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau” trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

- Thực hiện nguyên tắc “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng”.

- Kết hợp “đức trị” và “pháp trị” trong quản lý nhà nước.

- Quản lý nhà nước bằng pháp luật, đề cao pháp luật.

- Tuyển chọn quan lại công khai, minh bạch.

- Kiểm tra, giám sát quan lại

- Mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ “hồi tỵ”.

- Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Trình bày một vài hiểu biết của em về vua Minh Mạng.

Trả lời:

Một số thông tin về vua Minh Mạng:

- Minh Mạng (1791 - 1841) tên huý là Nguyễn Phúc Đảm, là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long, trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời (năm 1841).

- Minh Mạng được xem là vị vua  năng động, quyết đoán của triều Nguyễn. Trong thời gian trị vì, ông tiến hành nhiều chính sách cải cách quan trọng về mặt hành chính, đưa đến những thay đổi lớn đối với hệ thống chính quyền các cấp.

Câu 2: Sưu tầm thông tin, tư liệu và trình bày về Văn thư phòng, Hàn lâm viện, Cơ mật viện dưới thời vua Minh Mạng.

Trả lời:

- Văn thư phòng là nơi “khu mật của nhà nước, không phải người dự việc cấm không được vào. Đến năm 1829, lập Nội các nhằm đáp ứng chức năng ngày càng cao của văn phòng trung ương đối với nền hành chính cả nước.

- Hàn lâm viện có nhiệm vụ khởi thảo chiếu, sách, chế, cáo của nhà vua và thư từ ngoại giao.

- Cơ mật viện được lập vào năm 1834, có nhiệm vụ “dự bàn những việc cơ mưu trọng yếu, giúp đối việc quân sự”.

Câu 3: Viết đoạn văn (5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về một trong những cải cách của vua Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX).

Trả lời:

Cuộc cải cách của vua Minh Mạng diễn ra trên nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn tích cực và bài học lịch sử cho hậu thế. Một trong những dấu ấn cải cách trên lĩnh vực văn hoá của vua Minh Mạng là việc thành lập Quốc sử quán vào tháng 7 1820. Quốc sử quán vừa là một nội dung trong cải cách của Minh Mạng, vừa là cơ quan ghi lại rõ nhất những nội dung của cuộc cải cách dưới thời Minh Mạng và hoạt động của triêu Nguyễn. Trong 125 năm tồn tại, Quốc sử quán đã để lại rất nhiều công trình đồsộ về lịch sử, địa lí, văn hoá và con người Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu hiện nay trong việc nghiên cứu về Việt Nam thời Nguyễn.

Câu 4: Khi tình trạng chính trị xuất hiện một số bất ổn không đáng có như hiện nay, theo em chúng ta có thể áp dụng được bài học nào từ việc cải cách của vua Minh Mạng?

Trả lời:

Bài học chúng ta có thể áp dụng:

Mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ “hồi tỵ”

- Chế độ “hồi tỵ” được vua Minh Mệnh ban hành và thực hiện nghiêm túc đã mang lại những kết quả nhất định. Ông thực hiện chế độ này với mục đích đề phòng quan lại gây bè, kéo cánh, đem tình cảm riêng câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật.

- Chúng ta đã thấy những quy định về chế độ “hồi tỵ” trong các văn bản luật và các chiếu chỉ dưới triều vua Minh Mệnh. Ông đề ra những quy định “hồi tỵ”: bố con, anh em ruột, chú bác, cô dì, những người có quan hệ thông gia, thầy trò thì không được làm quan cùng một chỗ; ai quê ở phủ, huyện nào thì phải đổi đi phủ, huyện khác; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

- Để chế độ “hồi tỵ” được thực hiện nghiêm chỉnh, ông đặt ra nhiều quy định cụ thể để răn đe, xử phạt những quan lại vi phạm các quy định về chế độ “hồi tỵ” mà ông đã đặt ra.

- Những quy định trong chế độ “hồi tỵ” được áp dụng dưới triều vua Minh Mệnh là rất cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng rộng, chế tài áp dụng nghiêm khắc đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, quan lại câu kết với nhau trong những vấn đề nhạy cảm của nền hành chính, như: tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, câu kết tham nhũng,…

=> Giáo án Lịch sử 11 cánh diều Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay