Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 5: Châu Á từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Châu Á từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHƯƠNG 5

CHÂU Á TỪ NỬA SAU THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Em hãy nhận xét về tinh thần đấu tranh với giặc ngoại xâm của người dân Đông Nam Á.

Trả lời:

- Khi thực dân phương Tây tiến vào xâm lược, các quốc gia Đông Nam Á với truyền thống yêu nước đã tiến hành rất nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh chống lại ách thống trị của chế độ thực dân.

- Với lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân, tuy điều kiện chiến đấu còn nhiều khó khăn và sự đàn áp mạnh mẽ từ phía thực dân nhưng không làm vơi được ý chí quyết thắng với quân thù, giữ được nền độc lập thống nhất của nước nhà.

- Cuộc đấu tranh giữ đất, giữ làng diễn ra bền bỉ, liên tục, kiên cường, lớp trước ngã xuống, lớp sau nối tiếp tiến lên, kiên quyết đánh giặc cho dù phải hy sinh cả tính mạng; tất cả vì một mục tiêu chiến đấu cho dân tộc sinh tồn. Tạo được bước đệm cho các cuộc chống lại chủ nghĩa thực dân ở các giai đoạn sau, làm chậm được bước tiến của thực dân phương Tây.

Câu 2: Em có nhận xét gì về hình thức đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Đông Nam Á giai đoạn cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nhận xét về hình thức đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:

- Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX diễn ra liên tục, sôi nổi với nhiều hình thức như: Khởi nghĩa vũ trang, cải cách ôn hòa,… chủ yếu là đấu tranh vũ trang với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

- Phong trào đấu tranh vào giai đoạn sau có sự ra đời của các tổ chức chính trị. Thể hiện bước phát triển của phong trào.

- Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh đều thất bại vì còn mang tính tự phát, nổ ra lẻ tẻ chưa có sự đoàn kết giữa các dân tộc, song sẽ tạo điều kiện tiền đề cho những giai đoạn sau.

Câu 3: Em hãy trình bày khái quát về một số cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân xâm lược của nhân dân Đông Nam Á.

Trả lời:

* Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi-a:

- Chính sách thống trị của thực dân Hà Lan đã làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Từ năm 1825 – 1830, cuộc khởi nghĩa A-chê do hoàng tử Đi-pô-nê-gô-rô lãnh đạo được đông đảo nhân dân trên đảo Giava và các đảo khác đi theo, đây là cuộc nổi dậy lớn nhất của người In-đô-nê-xi-a hồi đầu thế kỉ XIX.

- Cuộc khởi nghĩa nông dân do Sa-min lãnh đạo năm 1890.

- Phong trào công nhân hình thành với sự ra đời của các tổ chức như: Hiệp hội công nhân đường sắt (1905), Hiệp hội công nhân xe lửa (1908).

- Tháng 12/1914, Liên minh xã hội dân chủ In-đô-nê-xi-a ra đời nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác trong công nhân, đặt cơ sở cho Đảng Cộng sản ra đời (5/1920). Giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp trí thức tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản châu  u đóng vai trò nhất định trong phong trào yêu nước ở In-đô-nê-xi-a đầu thế kỉ XX. Vì vậy, phong trào yêu nước mang màu sắc mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản với sự tham gia của công nhân và tư sản.

* Phong trào chống thực dân ở Phi-lip-pin:

- Thực dân Tây Ban Nha đặt ách thống trị trên 300 năm ở Phi-lip-pin, khai thác bóc lột triệt để tài nguyên và sức lao động khiến mâu thuẫn giữa nhân dân và thực dân ngày càng gay gắt dẫn đến phong trào đấu tranh bùng nổ.

- Năm 1872, có khởi nghĩa ở Ca-vi-tô, nghĩa quân làm chủ Ca-vi-tô được 3 ngày thì thất bại.

- Vào những năm 90 của thế kỉ XIX, ở Phi-lip-pin xuất hiện 2 xu hướng chính trong phong trào giải phóng dân tộc.

+ Xu hướng cải cách của Hô-xê Ri-dan. Năm 1892, Hô-xê Ri-dan thành lập “Liên minh Phi-lip-pin” bao gồm trí thức yêu nước, địa chủ, tư sản tiến bộ, một số hộ nghèo, hình thức đấu tranh ôn hòa.

+ Xu hướng bạo động của Bô-ni-pha-xi-ô. Do không tán thành cải cách ôn hòa, tháng 1/1892,  Bô-ni-pha-xi-ô thành lập “Liên hiệp những người con yêu quý của nhân dân” tập hợp nông dân, dân nghèo thành thị.

Ngày 28/8/1896, Bô-ni-pha-xi-ô phát lệnh khởi nghĩa với khẩu hiệu “Chiến thắng hay là chết!”.

Khởi nghĩa đã giải phóng nhiều vùng, thành lập được chính quyền nhân dân.

- Phong trào đấu tranh chống Mĩ

+ Năm 1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha hất cẳng Tây Ban Nha và chiếm Phi-lip-pin.

+ Nhân dân Phi-lip-pin anh dũng chống Mĩ, đến năm 1902 thất bại, Phi-lip-pin trở thành thuộc địa của Mĩ.

* Phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Cam-pu-chia:

- Năm 1863, Cam-pu-chia chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Năm 1884, Pháp gạt Xiêm, biến Cam-pu-chia thành thuộc địa của Pháp.

- Ách thống trị của Pháp làm cho nhân dân Cam-pu-chia bất bình vùng dậy đấu tranh.

- Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Cam-pu-chia:

+ Khởi nghĩa Si-vô-tha (từ 1861 – 1892), cuộc khởi nghĩa tấn công U-đong và Phnôm Pênh, mở rộng địa bàn nhưng sau đó bị thất bại.

+ Khởi nghĩa A-cha Xoa (từ 1863 – 1866) diễn ra ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, nhân dân Châu đốc (Hà Tiên) ủng hộ A-cha-xoa chống Pháp nhưng cuối cùng bị thất bại.

+ Khởi nghĩa Pu-côm-bô ( từ 1866 – 1867), khởi nghĩa lập căn cứ ở Tây Ninh (Việt Nam) sau đó tấn công về Cam-pu-chia kiểm soát Pa-man tấn công U-đong nhưng thất bại.

* Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỷ XX

- Giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến suy yếu, Lào phải thuần phục Thái Lan.

- Năm 1893, Lào bị thực dân Pháp xâm lược.

- Các cuộc khởi nghĩa:

+ Khởi nghĩa Pha-ca-đuốc (từ 1901 – 1903) đã giải phóng Xa-va-na-khet, đường 9, Biên giới Việt – Lào nhưng thất bại.

+ Khởi nghĩa Ong Kẹo và Com-ma-đam (từ 1901 – 1937) nổ ra ở cao nguyên Bô-lô-ven nhưng cũng bị thất bại.

- Phong trào đấu tranh của nhân dân Lào và Cam-pu-chia cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX diễn ra liên tục, sôi nổi nhưng còn mang tính tự phát. Hình thức đấu tranh chủ yếu là khởi nghĩa vũ trang. Lãnh đạo là các sĩ phu yêu nước và nông dân. Các cuộc đấu tranh đều thất bại do tự phát thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững vàng nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân 3 nước Đông Dương.

Câu 4: Lập bảng tóm tắt về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Ấn Độ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Lĩnh vực

Chính sách của thực dân Anh

Chính trị

Kinh tế

Xã hội

Trả lời:

Lĩnh vực

Chính sách của thực dân Anh

Chính trị

- Thi hành nhiều biện pháp để áp đặt và củng cố quyền cai trị trực tiếp ở Ấn Độ.

- Thực hiện chính sách nhượng bộ tầng lớp trên của phong kiến bản xứ, biến bộ phận này thành tay sai; tìm cách khơi sâu sự cách biệt về chủng tộc, tôn giáo,... ở Ấn Độ.

Kinh tế

- Thực dân Anh tiến hành cuộc khai thác Ấn Độ một cách quy mô, ra sức vơ vét nguồn nguyên liệu và bóc lột nhân công để thu lợi nhuận tối đa.

- Chính quyền thực dân tăng cường chiếm đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Người nông dân bị bần cùng và chết đói ngày càng nhiều.

- Công nghiệp có những chuyển biến nhất định như: đẩy mạnh khai thác hầm mò, phát triển công nghiệp chế biến, mở mang hệ thống đường giao thông, nhiều thành phố và hải cảng mới xuất hiện.

Xã hội

- Thực dân Anh thi hành chính sách “ngu dân”, khuyến khích những tập quán lạc hậu và phản động.

- Mâu thuẫn giữa nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh là mâu thuẫn cơ bản trong xã hội  Các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Xi-pay (1857 - 1859) và phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại trong những năm 1905 - 1908.

Câu 5: Trình bày diễn biến chính, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi.

Trả lời:

Diễn biến chính, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi:

- Diễn biến chính:

+ Ngày 10/10/1911: Với mục tiêu lật đổ chính quyền Mãn Thanh, cách mạng bùng nổ và giành thắng lợi ở Vũ Xương. Sau đó, lan rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Nam.

+ Cuối tháng 12/1911:

Trung Hoa dân quốc được thành lập.

Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng thống lâm thời.

+ Tháng 2/1912:

Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức.

Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Cách mạng chấm dứt.

- Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi:

+ Sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, đứng đầu là Tôn Trung Sơn với cương lĩnh “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, tiến tới một Trung Hoa dân chủ, phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản.

+ Nhận được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Câu 6: Nêu những nét chính về tình hình chính trị, xã hội ở Ấn Độ cuối thế kỉ XIX. 

Trả lời:

 Những nét chính về tình hình chính trị, xã hội ở Ấn Độ cuối thế kỉ XIX:

- Chính phủ Anh nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ với các chính sách hà khắc, khơi sâu mâu thuẫn chủng tộc, đẳng cấp

 Bùng lên làn sóng đấu tranh của nhân dân Ấn Độ dưới nhiều hình thức khác nhau.

+ 10/05/1857: khởi nghĩa Xi-pay bùng nổ và lan rộng khắp miền Bắc và miền Trung Ấn Độ.

+ 1875 - 1885: nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Ấn Độ liên tục diễn ra.

+ 1885: Giai cấp tư sản Ấn Độ thành lập Đảng Quốc dân Đại hội (Đảng Quốc đại)

- Đầu thế kỉ XX, các cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục diễn ra, điển hình là cuộc nổi dậy của công nhân Bom-bay năm 1908.

Câu 7: Vì sao nói Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản?

Trả lời:

Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản vì:

- Giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo.

- Lật đổ chế độ phong kiến tồn tại lâu đời và đã suy yếu ở Trung Quốc (cụ thể là nhà Mãn Thanh), mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

- Có ảnh hưởng đến phong trào đứng lên đấu tranh giành tự do của các nước châu Á (trong đó có Việt Nam)

Câu 8: Theo em, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh Trị là gì?

Trả lời:

Ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh trị là là đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, thoát khỏi nguy cơ bị biến thành thuộc địa, bảo toàn được nền độc lập dân tộc.

Câu 9: Em hãy nêu nguyên nhân dẫn đến cuộc Duy tân Minh Trị.

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến cuộc Duy tân Minh Trị:

- Những hiệp ước bất bình mà Mạc phủ kí kết với nước ngoài làm cho tầng lớp xã hội phản ứng mạnh mẽ.

- Phong trào đấu tranh chống Sô-gun nổ ra sôi nổi vào những năm 60 của thế kỉ XX đã làm sụp đổ chế độ Mạc phủ.

- Tháng 01/1868, Sô-gun bị lật đổ. Thiên hoàng Minh Trị trở lại nắm quyền và thực hiện một loạt cải cách.

Câu 10: Giả sử em đang tổ chức một buổi triển lãm tư liệu lịch sử về Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Em hãy đặt tên và viết chú thích cho bức tranh dưới đây để người xem có thể hiểu cụ thể hơn về lịch sử của Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Trả lời:

Đặt tên và viết chú thích cho bức tranh:

- Tên bức tranh: Đế quốc Anh, Đức, Nga, Pháp xâu xé “cái bánh ngọt” Trung Quốc.

- Chú thích: Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Trung Quốc là đất nước rộng lớn nhưng đã trở thành “Cái bánh ngọt”, bị phân chia thành nhiều miếng bởi các nước đế quốc.

Câu 11: Chính sách chủ yếu mà thực dân Anh áp dụng để cai trị Ấn Độ là gì?

Trả lời:

Chính sách chủ yếu mà thực dân Anh áp dụng để cai trị Ấn Độ là:

- Nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ.

- Thực hiện chính sách chia để trị.

- Mua chuộc các tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến bản xứ, tìm cách khơi sâu về sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội.

Câu 12: Em hãy nêu những nét chính về phong trào đấu tranh của nhân dân lao động Nhật Bản.

Trả lời:

- Nhân dân Nhật Bản bị bóc lột nặng nề. Công nhân phải làm việc từ 12 đến 14 giờ mộ ngày với mức lương thấp.

- Phong trào công nhân đã có những bước tiến mới: Các tổ chức công đoàn ra đời, Ca-tai-a-ma Xen truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin vào Nhật Bản và thành lập Đảng Xã hội dân chủ năm 1901.

- Từ năm 1906, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân khác cũng được đẩy mạnh.

Câu 13: Trình bày một vài hiểu biết của em về ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á.

Trả lời:

Ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á:

- Thắng lợi của cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 không chỉ kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hơn 2.000 năm tại Trung Quốc, giáng đòn nặng nề vào chủ nghĩa đế quốc, mà còn làm chấn động phương Đông, thức tỉnh châu Á. Cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Thái Lan và nhất là đối với Việt Nam.

- Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, khi các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng lại bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn, thì sự thành công của Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo như một làn gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước.

- Đồng thời, Cách mạng Tân Hợi cũng mở ra con đường mới cho phong trào cách mạng Việt Nam đó là con đường đi theo chủ nghĩa tư sản để giỏi phóng đất nước; cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp.

- Sự thành công của cách mạng Tân Hợi cũng thu hút nhiều thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc để học tập, hoạt động cách mạng, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh,…

Đặc biệt, những thành công và hạn chế của Cách mạng Tân Hợi là bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng trên thế giới, Việt Nam cũng học được nhiều bài học từ cuộc cách mạng này.

Câu 14: Sau khi tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, theo em, cần học hỏi điều gì để đất nước phát triển?

Trả lời:

Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ cuộc Duy tân Minh Trị:

- Muốn tồn tại và phát triển phải luôn có sự thay đổi để thích ứng với những chuyển biến mới của tình hình.

- Cải cách muốn thành công phải xây dựng được một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc.

- Tiến hành cải cách toàn diện trong đó chú trọng đến vấn đề: đầu tư phát triển giáo dục con người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

- Chú trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

- Tiếp thu có chọn lọc và cải biến những giá trị văn hóa, văn minh tiến bộ của thế giới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Câu 15: Hãy nêu đôi nét về nạn đói tại Ấn Độ ở cuối thế kỉ XIX. Điều này chứng tỏ tình hình kinh tế của Ấn Độ như thế nào?

Trả lời:

Nạn đói tại Ấn Độ ở cuối thế kỉ XIX:

Cuối thể kỉ XIX, hàng loạt vụ mất mùa nghiêm trọng xảy ra dẫn đến nạn đói và dịch bệnh liên tục xảy ra ở Ấn Độ.

+ 1860 – 1861: 2 triệu người dân Ấn chế vì đói.

+ 1876 – 1878: 4,3 triệu người chết, thêm 1,2 triệu người ở các tỉnh Tây Bắc và Kát-mi (Kashmir) trong năm 1877 – 1878.

+ 1896 – 1897: 5 triệu người chết.

+ 1899 – 1900: hơn một triệu người chết.

 Thực dân Anh tiến hành khai thác thuộc địa, biến Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp  nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tại Anh. Kinh tế của Ấn Độ giảm sút bần cùng, đời sống nhân dân cực khổ.

Câu 16: Em hãy nêu khái quát về sự ra đời của Đảng Quốc Đại, và phương thức hoạt động đấu tranh của Đảng này.

Trả lời:

- Từ giữa thế kỉ XIX, giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức Ấn Độ đã dần dần đóng vai trò quan trọng.

- Tư sản Ấn Đô muốn được tự do phát triển kinh tế và đòi hỏi được tham gia chính quyền, nhưng bị thực dân Anh kìm hãm.

- Cuối năm 1885, Đảng Quốc dân đại hội (Đảng Quốc đại) thành lập. Đó là chính Đảng đầu tiên của giai cấp tư sản Ấn Độ. Nó đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn giai cấp tư sản Ấn Độ bước lên đài chính trị.

- Trong 20 năm đầu (1885 – 1905), Đảng Quốc đại chủ trương đấu tranh ôn hòa để đòi hỏi chính phủ thực dân tiến hành cải cách và không tán thành phương pháp đấu tranh bằng vũ lực. Giai cấp tư sản yêu cầu thực dân Anh:

+ Nới rộng các điều kiện để học tham gia các hội đồng tự trị.

+ Giúp đỡ họ phát triển kĩ nghệ, thực hiện một số cải cách về mặt giáo dục, xã hội.

 Thực dân Anh vẫn tìm cách hạn chế hoạt động của Đảng Quốc đại.

- Do thái độ thỏa hiệp của những người cầm đầu và chính sách 2 mặt của chính quyền Anh, nội bộ Đảng Quốc đại bị phân hóa thành hai 2 phái: ôn hòa và phái cực đoan (kiên quyết chống Anh do Ti-lắc đứng đầu).

Câu 17: Nêu những hậu quả của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ.

Trả lời:

Những hậu quả của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ:

- Kinh tế giảm sút.

- Đời sống nhân dân bị bần cùng.

- Mâu thuẫn giữa nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh hết sức sâu sắc.

Câu 18: Trình bày một số hiểu biết của em về Đảng Quốc đại.

Trả lời:

Một số thông tin về Đảng Quốc đại:

- Năm 1885, Đảng Quốc dân Đại Hội gọi tắt là Đảng Quốc Đại (chính đảng của giai cấp tư sản dân tộc) được thành lập nhằm đấu tranh giành quyền tự chủ, phát triển kinh tế dân tộc.

-  Trong quá trình hoạt động, Đảng phân hóa thành 2 phái:

  +  Phái “ôn hòa”chủ trương thỏa hiệp, chỉ yêu cầu chính phủ thực dân cải cách.

  +  Phái “Cấp Tiến”do Ti-  lắc cầm đầu, có thái độ kiên quyết chống Anh.

Câu 19: Hãy nêu những nét chính trong phong trào giành độc lập của ba nước Đông Dương từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

Trả lời:

Những nét chính trong phong trào giành độc lập của ba nước Đông Dương từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX:

- Ở Việt Nam:

+ Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược nổ ra ngay từ giữa thế kỉ XIX, nổi bật là phong trào Cần vương (1885 - 1896), khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884 -

1913).

+ Sang đầu thế kỉ XX, phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản với hai xu hướng chính là bạo động và cải cách.

- Ở Cam-pu-chia:

+ Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã nổ ra, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do A-cha Xoa lãnh đạo (1864 - 1865), cuộc khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của nhà sư Pu-côm-bô (1866 - 1867),...

+ Cuộc khởi nghĩa do Hoàng thân Xi-vô-tha đứng đầu (1885 - 1895) đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại lớn.

- Ở Lào: nhân dân đã nổi dậy đấu tranh chống Pháp, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Xa-van-na-khét do Pha-ca-đuốc lãnh đạo (1901), cuộc khởi nghĩa ở cao nguyên Bô-lô-ven (1901 - 1907).

Câu 20: Đến cuối thế kỉ XIX, quốc gia nào ở Đông Nam Á vẫn giữ được độc lập tương đối. Vì sao lại có được kết quả đó.

Trả lời:

- Đến cuối thế kỉ XIX, tại Đông Nam Á chỉ có quốc gia Xiêm giữ được nền độc lập tương đối.

- Xiêm giữ được nền độc lập tương đối là do:

+ Những chính sách cải cách toàn diện trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, quân sự,…

+ Chính sách cải cách của Xiêm đi theo hướng “mở cửa”, những cuộc cải cách giúp cho Xiêm hòa nhập được với sự phát triển chung của thế giới.

+ Chính sách ngoại giao “mềm dẻo”: chủ động “mở cửa” với các nước trên thế giới, lợi dụng vị trí “nước đệm” giữa hai nước Anh-Pháp, cắt một số vùng đất phụ thuộc để giữ gìn chủ quyền của đất nước.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay