Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 kết nối tri thức Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7

VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Em hãy cho biết nguyên nhân nào khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874.

Trả lời:

Nguyên nhân khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874 là:

- Giữa thế kỉ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước phương Tây phát triển mạnh.

- Nhu cầu về thị trường, nguyên liệu và nhân lực khiến các nước này đẩy mạnh việc xâm chiếm các nước phương Đông.

- Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ trước, lấy cớ bảo vệ đạo Gia-tô (Công giáo), thực

dân Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam.

Câu 2: Nêu khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874.

Trả lời:

Khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874:

- Triều đình Huế tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc Kì và Trung Kì, ngăn cản phong trào kháng chiến của nhân dân ở Nam Kì.

 Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ.

- Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân từ căn cứ Hòn Chông vượt biển tập kích đồn Kiên Giang.

- Trương Định lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ Gò Công, Tân Phước, anh dũng chiến đấu chống giặc.

- Một số nhà nho dùng văn thơ lên án tội ác của giặc, chế giễu bọn tay sai bán nước, ca ngợi gương chiến đấu hi sinh của nghĩa quân.

- Ở miền Đông, phong trào kháng chiến tiếp tục bùng nổ trở lại. Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, sau đó mới được thả về lại đứng lên chống Pháp.

Câu 3: Hãy nêu những nét chính về tình hình kinh tế dưới thời Nguyễn?

Trả lời:

Những nét chính về tình hình kinh tế dưới thời Nguyễn:

- Về nông nghiệp:

+ Quan tâm đến việc tổ chức khai hoang, di dân lập ấp, lập đồn điền ở nhiều tỉnh phía bắc và phía nam,...

+ Nông dân vẫn không có ruộng để cày cấy, phải lưu vong. Ở các tỉnh phía bắc, lụt lội, hạn hán xảy ra thường xuyên.

- Về thủ công nghiệp, thương nghiệp:

+ Có điều kiện phát triển.

+ Thủ công nghiệp có những cải tiến nhất định về kĩ thuật. Nghề khai mỏ được đẩy mạnh.

+ Hoạt động buôn bán trong nước và với nước ngoài ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Nhà nước có những quy định ngặt nghèo (về thuế, mẫu mã,...) và thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, thợ giỏi bị bắt vào làm trong các quan xưởng nên một số ngành, nghề không phát triển được. Nhiều trung tâm, đô thị dần sa sút.

Câu 4: Hãy cho biết nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Với Hiệp ước Pa-tơ-nốt, thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược nước ta. Một bộ phận quan lại trong triều đình Huế, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và quan lại các tỉnh thành, vẫn nêu cao y chí chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc.

- Sau cuộc phản công quân Pháp ở kinh thành Huế của phái chủ chiến bất thành, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị).

 Lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Dụ Cần vương, kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước giúp vua cứu nước.

=> Phong trào Cần vương bùng nổ, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX.

Câu 5: Theo em, tại sao gọi là “phong trào Cần vương”? Nêu điểm chung của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương.

Trả lời:

- Gọi là “phong trào Cần vương” vì:

+ “Cần Vương” là giúp vua, mang nghĩa là phò vua giúp nước.

+ Phong trào Cần Vương thực chất là tập hợp hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang khắp cả nước từ năm 1885 đến năm 1896 với sự hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

- Đặc điểm chung của các phong trào Cần vương:

+ Phạm vi hoạt động: rộng lớn, diễn ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu là Trung, Bắc Kì, về sau chuyển về vùng trung du, miền núi.

+ Lãnh đạo: gồm các văn thân sĩ phu yêu nước.

+ Mục tiêu chung: đánh Pháp, giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước, lập lại chế độ phong kiến.

+ Lực lượng tham gia: các văn thân sĩ phu yêu nước và nông dân, đồng thời có các tộc người thiểu số.

+ Hình thức đấu tranh: khởi nghĩa vũ trang.

+  Kết quả: phong trào kéo dài hơn 10 năm, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng cuối cùng đã thất bại.

=> Đây là phong trào yêu nước trên lập trường phong kiến.

Câu 6: Trình bày một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

+ Địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa là vùng Bãi Sây.

+ Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân xây dựng căn cứ, triệt để áp dụng chiến thuật du kích để đánh địch. Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, bị bao vây, cô lập.

+ Đến cuối năm 1892, khởi nghĩa thất bại.

- Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896): Địa bàn hoạt động của nghĩa quân gồm các huyện miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng, cùng các tướng lĩnh tài ba, tiêu biểu là Cao Thắng.

+ Từ năm 1885 đến năm 1888 (giai đoạn xây dựng lực lượng và căn cứ chiến đấu): nghĩa quân được tổ chức quy củ, chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp.

+ Từ năm 1888 đến năm 1896 (giai đoạn chiến đấu quyết liệt): với sự chỉ huy thống nhất và tương đối chặt chẽ, đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.

 Tuy thất bại nhưng đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương.

- Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887):

+ Căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa thuộc huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá).

+ Lãnh đạo chủ chốt là Phạm Bành và Đinh Công Tráng.

+ Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái tham gia.

+ Tháng 1 - 1887, Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ. Bị tốn thất nặng, nghĩa quân phải rút lên Mã Cao (miền Tây Thanh Hoá) chiến đấu thêm một thời gian nữa rồi tan rã.

Câu 7: Hãy nêu nét nổi bật về tình hình xã hội thời Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX.

Trả lời:

Một số nét nổi bật về tình hình xã hội thời Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX:

- Cuộc sống cơ cực của người dân và các mâu thuẫn xã hội khác đã làm bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn.

- Lực lượng tham gia vào những cuộc đấu tranh gồm nông dân, thợ thuyền, binh lính, nhà nho, nhân dân các dân tộc thiểu số.

- Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu: Phan Bá Vành (1821 - 1827) ở Thái Bình, của Lê Duy Lương (1833) ở Ninh Bình, của Nông Văn Vân (1833 - 1835) ở Cao Bằng, của Cao Bá Quát (1854 - 1856) ở Hà Nội,...

Câu 8: Trình bày một vài hiểu biết của em về Tôn Thất Thuyết.

Trả lời:

Một số thông tin về Tôn Thất Thuyết:

Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội đồng Phụ chính. Ông ra sức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, khí giới, thẳng tay trừng trị những kẻ thân Pháp và đưa Ưng Lịch lên ngôi vua (vua Hàm Nghi).

Câu 9: Trình bày một số chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Trả lời:

Một số chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam:

- Chính trị:

+ Hoàn thiện bộ máy thống trị ở Liên bang Đông Dương, đứng đầu là viên toàn quyền người Pháp.

+ Việt Nam bị chia thành ba kì với ba chế độ cai trị khác nhau.

- Kinh tế:

+ Dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt ruộng đất, lập đồn điền trồng lúa và cây công nghiệp.

+ Tập trung khai thác mỏ; xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu của chính quyền thực dân như: xi măng, điện nước, xay xát gạo,...

+ Nắm giữ độc quyền thị trường Việt Nam, tăng cường bóc lột bằng các loại thuế, đặt nhiều thứ thuế mới.

+ Mở mang một số tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và cảng biển.

- Văn hóa, giáo dục:

+ Chú trọng truyền bá văn hóa phương Tây, tìm cách hạn chế ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

+ Đào tạo một lớp người thân Pháp làm chỗ dựa cho công cuộc thống trị và khai thác thuộc địa.

+ Mở trường học, cơ sở y tế, văn hóa.

Câu 10: Hãy nêu tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với tình hình Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Trả lời:

Tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với tình hình Việt Nam đầu thế kỉ XX:

- Chính trị:

+ Quyền lực nằm trong tay người Pháp.

+ Một bộ phận địa chủ phong kiến bị biến thành tay sai, công cụ thống trị và bóc lột của chính quyền thực dân.

- Kinh tế:

+ Việt Nam trở thành nơi khai thác tài nguyên thiên nhiên, cung cấp sức lao động rẻ mạt và là thị trường tiêu thụ hàng hoá của Pháp.

+ Kinh tế phát triển chậm chạp, què quặt, lạc hậu, ngày càng lệ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Pháp.

- Văn hóa, xã hội:

+ Văn hóa: văn hóa phương Tây du nhập ngày càng mạnh; đô thị phát triển ở cả ba miền.

+ Xã hội: cơ cấu xã hội thay đổi:

Nông dân chiếm đa số, cuộc sống nghèo khổ.

Xuất hiện tầng lớp mới: tiểu tư sản, học sinh, sinh viên.

Số lượng công nhân tăng nhanh.

 Việt Nam từ một nước phong kiến trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến với hai mẫu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

Câu 11: Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về hậu quả của Hiệp ước Nhâm Tuất đối với nền độc lập dân tộc?

“Hiệp ước Nhâm Tuất thừa nhận việc cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn; bồi thường cho Pháp 20 triệu phrăng (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc),... Pháp sẽ “trả lại” tỉnh Vĩnh Long khi nào triều đình buộc dân chúng ngừng chống Pháp”.

(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam,

Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 26)

Trả lời:

Hiệp nước Nhâm Tuất đe dọa nghiêm trọng nền độc lập dân tộc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Hiệp ước này cho thấy sự chính thức đầu hàng Pháp của triều đình Nguyễn, làm mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khiến nhân dân ta phải chịu nhiều thiệt thòi.

Câu 12: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nhã nhạc cung đình Huế.

Trả lời:

Nhã nhạc cung đình Việt Nam xuất hiện từ thời Lý - Trần, được bổ sung, phát triển dưới thời Nguyễn. Được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khắc) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003, Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2008).

Câu 13: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Tri Phương.

Trả lời:

Một số thông tin về Nguyễn Tri Phương:

Nguyễn Tri Phương quê ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), làm quan ở cả ba triểu vua Nguyễn. Ông được giao làm tổng chỉ huy lực lượng chống Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định, sau đó được cử làm Kinh lược sứ Bắc Kì, trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu ở cửa phía nam thành Hà Nội khi quân Pháp tấn công.

Câu 14: Em có nhận xét gì về đơn vị hành chính thời Nguyễn?

Trả lời:

Nhận xét về đơn vị hành chính thời Nguyễn: Dưới thời Nguyễn, cả nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ trực thuộc (Thừa Thiên). Đứng đầu mỗi tỉnh lớn là chức tổng đốc, còn các tỉnh nhỏ là chức tuần phủ.

=> Nhà Nguyễn vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế Trung ương tập quyền, tổ chức bộ máy nhà nước quy cũ và hoàn chỉnh. Đơn vị hành chính chặt chẽ hơn

Câu 15: Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về tình cảnh người lao động Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp?

“... là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch... hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và nhà thờ.”

(Nguyễn Ái Quốc, Tình cảnh người nông dân An Nam, trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 201 1, tr. 248 - 249)

Trả lời:

- Tình cảnh người lao động Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp:

+ Bị áp bức, bị cướp bóc, tước đoạt tài sản.

+ Làm công việc nặng nhọc, lao dịch.

+ Mất mùa, chết đói.

- Nhận xét:

+ Đời sống nhân dân khổ cực, kinh tế kiệt quệ.

+ Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

Câu 16: Em có suy nghĩ gì về quá trình thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời:

Nhà Nguyễn ý thức được sâu sắc vị trí đặc biệt quan trọng của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước nên từ rất sớm đã có chiến lược biển đảo và đề ra các chủ trương khai chiếm các quần đảo giữa Biển Đông. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã xác lập chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo Đại Nam nhất thống chí, trong thời Nguyễn đã có hàng chục tòa pháo đài, đồn bảo, cửa tấn được xây dựng kiên cố dọc theo vùng biển của đất nước bao gồm cả trên bờ và các đảo gần bờ từ Bắc chí Nam.

Câu 17: Từ phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế, em rút ra được bài học gì cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau đó, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

Bài học rút ra sau sự thất bại của phong trào Cần Vương:

- Cần hội tụ và tập hợp được nhân dân thành một khối thống nhất, có phương hướng hoạt động cũng như đường lối chiến lược rõ ràng, phù hợp.

- Lấy được sự tin tưởng từ nhân dân, lấy dân làm gốc.

- Tạo dựng được sự đoàn kết, chung sức của nhân dân, không phân biệt vùng miền, tôn giáo.

- Khơi dậy trong quần chúng ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.

Câu 18: Có ý kiến cho rằng “Triều đình nhà Nguyễn phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc mất nước”. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

- Đồng ý với ý kiến.

- Giải thích: Ngay từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam (1858), khả năng đánh bại Pháp dưới sự lãnh đạo của triều đình không phải là không có, mà do chính sách sai lầm của triều đình đã làm cho các khả năng đề kháng và chiến thắng của quân ta ngày càng hao mòn, khiến địch ngày càng lấn lướt, từng bước thôn tính nước ta. Đến khi thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp thì triều Nguyễn lại đổ lỗi cho khách quan và lấy việc ký hiệp ước làm lối thoát duy nhất. Trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc làm mất nước ta vào tay thực dân Pháp là điều không thể chối cãi được.

Câu 19: Phan Châu Trinh từng nói “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học”. Em hãy chứng minh câu này nói của Phan Châu Trinh qua các hoạt động yêu nước của ông.

Trả lời:

Các hoạt động yêu nước của Phan Châu Trinh được thể hiện qua câu nói:

- Năm 1906: Phan Châu Trinh cùng nhóm sĩ phu tiến bộ mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì với chủ trương dựa vào Pháp để cải cách nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh“. Cuộc vận động Duy tân diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Ông chủ trương tuyên truyền mở mang công thương nghiệp, phát triển sản xuất, mở trường học kiểu mới, tổ chức diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, đả phá hủ tục lạc hậu, hô hào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, chế giễu bọn quan tham,...

- Cuộc vận động Duy tân đã châm ngòi cho phong trào chống sưu thuế của nhân dân Trung Kì (1908).

Câu 20: Em có đồng ý với quan điểm “chi bằng học” như là con đường ưu tiên để giành độc lập tự do của dân tộc vào đầu thế kỉ XX không? Tại sao?

Trả lời:

- Đồng ý với quan điểm.

- Giải thích:

+ Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX: đất nước Việt Nam đã mất độc lập, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp - một kẻ thù văn minh hơn, hùng mạnh hơn (lúc này, Pháp đứng thứ 4 thế giới về sản xuất công nghiệp). Mặt khác, kinh tế Việt Nam còn non yếu, phát triển thiếu cân đối; trong xã hội đầy rẫy những hủ tục, tệ nạn; đại bộ phận dân cư có trình độ dân trí thấp,… Trong bối cảnh đó, việc nêu cao tinh thần học hỏi có ý nghĩa rất quan trọng.

+ Việc học hỏi, tiếp thu những tiến bộ, văn minh của nhân loại sẽ giúp cho: người dân được giác ngộ, thức tỉnh tinh thần dân tộc; mở mang trình độ hiểu biết; có ý thức phát huy tinh thần tự lực, tự cường,… đây chính là một con đường hiệu quả để tiến lên giành lại độc lập cho nước nhà.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay