Câu hỏi tự luận lịch sử 8 kết nối tri thức Bài 14: Trung Quốc và Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 14: Trung Quốc và Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 Kết nối tri thức.

BÀI 14: TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN 

TỪ NỬA SAU THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

 (20 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (9 câu)

Câu 1: Thực chất của Chiến tranh thuốc phiện (1840 – 1842) là gì?

Trả lời:

Thực chất cuộc chiến tranh thuốc phiện là chiến tranh xâm lược nhằm mục đích cưỡng đoạt và nô dịch Trung Quốc của thực dân Anh.

Câu 2: Trình bày quá trình các nước đế quốc xâm lược Trung Quốc.

Trả lời:

Quá trình các nước đế quốc xâm lược Trung Quốc:

- Năm 1840: lấy cớ chính quyền Mãn Thanh tịch thu và thiêu huỷ toàn bộ thuốc phiện của thương nhân Anh, thực dân Anh đã gây chiến với Trung Quốc, chính quyền Mãn Thanh phải kí Hiệp ước Nam Kinh đầu hàng và chấp nhận những điều khoản có lợi cho thực dân Anh.

- Nửa sau thể kỉ XIX: các nước để quốc từng bước nhảy vào xâu xé Trung Quốc:

+ Đức chiếm vùng Sơn Đông.

+ Anh chiếm vùng châu thổ sông Dương Tử.

+ Nga, Nhật Bản chiếm vùng Đông Bắc.

+ Pháp chiếm vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông;...

- Năm 1901: sau khi kí Hiệp ước Tân Sửu với các nước đế quốc, Trung Quốc trở thành nước phong kiến, nửa thuộc địa. 

Câu 3: Trình bày nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tân Hợi. 

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tân Hợi: tháng 5 - 1911, chính quyền Mãn Thanh ra Sắc lệnh “Quốc hữu hoá đường sắt” nhưng thực chất là trao quyền kinh doanh đường sắt cho các nước đế quốc, bán rẻ quyền lợi dân tộc. 

 Gây ra làn sóng căm phẫn trong quần chúng nhân dân, châm ngòi cho sự bùng nổ của Cách mạng Tân Hợi (191 1).

Câu 4: Trình bày diễn biến chính, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi.

Trả lời:

Diễn biến chính, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi: 

- Diễn biến chính:

+ Ngày 10/10/1911: rVới mục tiêu lật đổ chính quyền Mãn Thanh, cách mạng bùng nổ và giành thắng lợi ở Vũ Xương. Sau đó, lan rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Nam. 

+ Cuối tháng 12/1911: 

  • Trung Hoa dân quốc được thành lập.
  • Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng thống lâm thời.

+ Tháng 2/1912: 

  • Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức. 
  • Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Cách mạng chấm dứt. 

- Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi:

+ Sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, đứng đầu là Tôn Trung Sơn với cương lĩnh “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, tiến tới một Trung Hoa dân chủ, phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản. 

+ Nhận được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. 

Câu 5: Cho biết kết quả, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tân Hợi.

Trả lời:

- Kết quả:

+ Hệ thống phong kiến của triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc thời kỳ này bị lật đổ.

+ Trung Hoa Dân Quốc ra đời, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế lâu đời ở Trung Quốc.

+ Công nhận các quyền tự do dân chủ và bình đẳng của mọi công dân. Tuy nhiên, về cơ bản cuộc cách mạng này không mang lại kết quả triệt để.

- Ý nghĩa:

+ Là cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên tại Trung Quốc có đường lối và giai cấp lãnh đạo cụ thể, rõ ràng.

+ Chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, lật đổ triều đại Mãn Thanh, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. 

+ Mang đến quyền tự do bình đẳng cho nhân dân Trung Quốc. 

+ Cổ vũ tinh thần đấu tranh đòi quyền dân chủ cho nhân dân thế giới.

Câu 6: Nêu một số điểm hạn chế của Cách mạng Tân Hợi. 

Trả lời:

Một số điểm hạn chế của Cách mạng Tân Hợi:

- Không xóa bỏ triệt để giai cấp phong kiến. 

- Không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân. 

- Không chống lại các nước đế quốc xâm lược.

Câu 7: Trình bày nội dung chính và kết quả, ý nghĩa của cuộc Duy tân Minh Trị (1868). 

Trả lời:

Nội dung chính và kết quả của cuộc Duy tân Minh Trị (1868):

- Nội dung chính:

+ Chính trị:

  • Thành lập ban chính phủ mới, xóa bỏ tình trạng cát cứ. 
  • Ban hành Hiến pháp năm 1889, quyền lực tối cao thuộc về Thiên hoàng.
  • Đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm quyền.

+ Kinh tế: 

  • Thống nhất tiền tệ và chính trị, cho phép mua bán ruộng đất và tự do kinh doanh.
  • Xây dựng đường sá, cầu cống,…

+ Quân sự:

  • Tổ chức và huấn luyện quân đội theo phương Tây.
  • Phát triển công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí. 
  • Học tập các chuyên gia quân sự nước ngoài.

+ Giáo dục:

  • Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học – kĩ thuật trong chương trình giảng dạy.
  • Cử học sinh ưu tú du học phương Tây.

- Kết quả, ý nghĩa:

+ Như một cuộc cách mạng tư sản, đưa Nhật Bản phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học – kĩ thuật. 

+ Nhật Bản giữ vững được nền độc lập, trở thành nước tư bản chủ nghĩa. 

Câu 8: Trình bày những biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Trả lời:

Những biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX:

- Kinh tế Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là về công nghiệp. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, kéo theo sự tập trung trong sản xuất, thương nghiệp và ngân hàng. 

- Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật. 

- Thi hành chính sách xâm lược, giành thắng lợi trong chiến tranh Nga – Nhật. Thuộc địa đế quốc Nhật Bản được mở rộng. 

Câu 9: Lập và hoàn thành bảng thống kê về những lĩnh vực cải cách trong cuộc Duy tân Minh Trị.

Lĩnh vực

Nội dung

Ý nghĩa

Chính trị

  

Kinh tế

  

Khoa học, giáo dục

  

Quân sự

  

Trả lời:

Lĩnh vực

Nội dung

Ý nghĩa

Chính trị

- Thành lập ban chính phủ mới, xóa bỏ tình trạng cát cứ. 

- Ban hành Hiến pháp năm 1889, quyền lực tối cao thuộc về Thiên hoàng.

- Đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm quyền.

Đất nước dần thoát khỏi chế độ phong kiến lạc hậu.

Kinh tế

- Thống nhất tiền tệ và chính trị, cho phép mua bán ruộng đất và tự do kinh doanh.

- Xây dựng đường sá, cầu cống,…

Tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế.

Khoa học, giáo dục

- Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học – kĩ thuật trong chương trình giảng dạy.

- Cử học sinh ưu tú du học phương Tây.

Trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.

Quân sự

- Tổ chức và huấn luyện quân đội theo phương Tây.

- Phát triển công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí. 

- Học tập các chuyên gia quân sự nước ngoài.

Quân đội được huấn luyện bài bản, có tính hệ thống.

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Vì sao các nước đế quốc tranh nhau xâm chiếm Trung Quốc?

Trả lời:

Các nước đế quốc tranh nhau xâm chiếm Trung Quốc vì:

- Trung Quốc là một nước lớn, đông dân, giàu tài nguyên, khoáng sản, có nền văn hóa rực rỡ.

- Chế độ phong kiến ở Trung Quốc nửa sau thế kỉ XIX lâm vào tình trang suy yếu, khủng hoảng.

Câu 2: Tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về tình hình Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX?

“Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí và quân trang trở thành ngành mũi nhọn nhằm xây dựng lực lượng quân sự mạnh để cạnh tranh và bành trướng. Công nghiệp gang thép và công nghiệp điện tăng trưởng mạnh. Những tập đoàn tư bản Nhật Bản đã tăng cường xuất vốn ra nước ngoài, lập các nhà máy và kinh doanh ở Trung Quốc, Triều Tiên,...”.

(Theo Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 313 - 314)

Trả lời:

- Nội dung đoạn tư liệu:

+ Chú trọng công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí để xây dựng quân đội.

+ Phát triển các tập đoàn tư bản, nhà máy ở một số nước khác.

- Ý nghĩa: biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. 

Câu 3: Vì sao nói Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản?

Trả lời:

Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản vì:

- Giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo.

- Lật đổ chế độ phong kiến tồn tại lâu đời và đã suy yếu ở Trung Quốc (cụ thể là nhà Mãn Thanh), mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

- Có ảnh hưởng đến phong trào đứng lên đấu tranh giành tự do của các nước châu Á (trong đó có Việt Nam)

Câu 4: Kết quả quan trọng nhất mà Cách mạng Tân Hợi (1911) đã đạt được là gì?

Trả lời:

Kết quả quan trọng nhất mà Cách mạng Tân Hợi (1911) đạt được là lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Mãn Thanh.

Câu 5: Theo em, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh Trị là gì?

Trả lời:

Ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh trị là là đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, thoát khỏi nguy cơ bị biến thành thuộc địa, bảo toàn được nền độc lập dân tộc.

Câu 6: Những sự kiện nào chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc?

Trả lời:

Những sự kiện chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc:

- Kinh tế Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là về công nghiệp. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, kéo theo sự tập trung trong sản xuất, thương nghiệp và ngân hàng. 

- Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật. 

- Thi hành chính sách xâm lược, giành thắng lợi trong chiến tranh Nga – Nhật. Thuộc địa đế quốc Nhật Bản được mở rộng. 

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Cách mạng Tân Hợi (1911) và cuộc Duy tân Minh Trị có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX – đầu thể kỉ XX?

Trả lời:

Ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi (1911) và cuộc Duy tân Minh Trị đến tình hình Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX: 

Trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam, khi phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng lại bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn thì sự thành công của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản và cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc như một làn gió mới thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước. Đồng thời, hai sự kiện lớn này cũng mở ra con đường mới, lối thoát mới cho phong trào cách mạng Việt Nam; cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp. Sự thành công của cuộc Duy tân Minh trị và cách mạng Tân Hợi đã thu hút nhiều thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật Bản học tập, hoạt động cách mạng, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,...

Câu 2: Giả sử em đang tổ chức một buổi triển lãm tư liệu lịch sử về Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Em hãy đặt tên và viết chú thích cho bức tranh dưới đây để người xem có thể hiểu cụ thể hơn về lịch sử của Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. 

Trả lời:

Đặt tên và viết chú thích cho bức tranh: 

- Tên bức tranh: Đế quốc Anh, Đức, Nga, Pháp xâu xé “cái bánh ngọt” Trung Quốc.

- Chú thích: Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Trung Quốc là đất nước rộng lớn nhưng đã trở thành “Cái bánh ngọt”, bị phân chia thành nhiều miếng bởi các nước đế quốc. 

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Trình bày một số hiểu biết của em về Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa Tam dân của ông. 

Trả lời:

- Một số thông tin về Tôn Trung Sơn:

+ Tôn Trung Sơn sinh ra trong một gia đình nông dân ở Quảng Đông. Năm 13 tuổi, ông được người anh là tư sản Hoa kiểu cho đi du học ở Nhật Bản, Mỹ, Anh. Vì thế, ông sớm có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng dân chủ Âu - Mỹ.

+ Tôn Trung Sơn là nhà chính trị, nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, ông trở về nước năm 1911 và lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi. Sau khi vua Thanh thoái vị, Tôn Trung Sơn từ chức, Viên Thế Khải nhậm chức Tổng thống.

- Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn:

+ Là một cương lĩnh chính trị, với tinh thần biến đất nước Trung Hoa (khi đó đang trong triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu) thành một quốc gia tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Việc kế thừa và hiện thực ngày nay thể hiện rõ nhất trong tổ chức chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). 

+ Triết lý này cũng xuất hiện trong dòng đầu tiên của Quốc ca Trung Hoa Dân Quốc. Cương lĩnh (hay học thuyết) chính trị này bao gồm: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. 

+ Chủ nghĩa Tam dân có ảnh hưởng đến cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, cả hai đều mến mộ Tôn Trung Sơn, cho dù là đối thủ của nhau và đều hay được xem là những nhà cai trị độc đoán.

Câu 2: Sau khi tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, theo em, cần học hỏi điều gì để đất nước phát triển?

Trả lời:

Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ cuộc Duy tân Minh Trị:

- Muốn tồn tại và phát triển phải luôn có sự thay đổi để thích ứng với những chuyển biến mới của tình hình.

 

- Cải cách muốn thành công phải xây dựng được một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc.

- Tiến hành cải cách toàn diện trong đó chú trọng đến vấn đề: đầu tư phát triển giáo dục con người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

- Chú trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

- Tiếp thu có chọn lọc và cải biến những giá trị văn hóa, văn minh tiến bộ của thế giới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Câu 3: Trình bày một vài hiểu biết của em về ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á.

Trả lời:

Ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á:

- Thắng lợi của cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 không chỉ kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hơn 2.000 năm tại Trung Quốc, giáng đòn nặng nề vào chủ nghĩa đế quốc, mà còn làm chấn động phương Đông, thức tỉnh châu Á. Cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Thái Lan và nhất là đối với Việt Nam.

- Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, khi các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng lại bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn, thì sự thành công của Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo như một làn gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước.

- Đồng thời, Cách mạng Tân Hợi cũng mở ra con đường mới cho phong trào cách mạng Việt Nam đó là con đường đi theo chủ nghĩa tư sản để giỏi phóng đất nước; cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp.

- Sự thành công của cách mạng Tân Hợi cũng thu hút nhiều thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc để học tập, hoạt động cách mạng, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh,…

 

Đặc biệt, những thành công và hạn chế của Cách mạng Tân Hợi là bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng trên thế giới, Việt Nam cũng học được nhiều bài học từ cuộc cách mạng này.





=> Giáo án Lịch sử 8 kết nối bài 14: Trung Quốc và Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay