Nội dung chính Công nghệ 9 Định hướng nghề nghiệp Kết nối Bài 2: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 2: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sách Công nghệ 9 - Định hướng nghề nghiệp kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án công nghệ 9 - Định hướng nghề nghiệp kết nối tri thức
BÀI 2: CƠ CẤU HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
I. Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, cụ thể như sau:
– Giáo dục mầm non.
– Giáo dục phổ thông.
– Giáo dục nghề nghiệp.
– Giáo dục đại học.
– Giáo dục thường xuyên dành cho người ở các lứa tuổi và trình độ, có thể học tập, phát triển năng lực chuyên môn, tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi ngành, nghề phù hợp.
II. Phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân
– Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để HS tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
– Giáo dục phổ thông có hai thời điểm phân luồng: (1) Sau tốt nghiệp trung học cơ sở; (2) Sau tốt nghiệp trung học phổ thông.
+ Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, HS có 3 hướng đi để lựa chọn:
(1) Vào học tại các trường trung học phổ thông (công lập hoặc tư thục);
(2) Vào học các nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (3) Vừa học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, vừa tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.
+ Sau khi tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông, HS có thể tiếp tục học các nghề nghiệp trình độ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoặc vào học trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học.
III. Cơ hội lựa chọn nghề nghiệp kĩ thuật, công nghệ trong hệ thống giáo dục
Cơ hội lựa chọn nghề nghiệp kĩ thuật, công nghệ của HS có thể thực hiện ở cả hai thời điểm phân luồng.
+ Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, HS có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ trình độ sơ cấp và trung cấp. HS cũng có thể lựa chọn vào học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên để vừa học chương trình giáo dục trung học phổ thông, vừa học các nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ trình độ sơ cấp.
+ Đối với HS tốt nghiệp trung học phổ thông, các em có thể lựa chọn học các nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất và dịch vụ, trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học.
IV. Những hướng đi liên quan tới nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ sau tốt nghiệp trung học cơ sở
1. Các trình độ trong nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ được đào tạo với nhiều trình độ như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, và tiến sĩ. Một số ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ có đào tạo từ trình độ trung cấp đến tiến sĩ.
2. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, HS có thể lựa chọn theo ba hướng đi liên quan đến lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ sau:
(1) Theo học các ngành thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ các trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo.
(2) Theo học tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để vừa học chương trình trung học phổ thông kết hợp với học một nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.
(3) Tiếp tục học trung học phổ thông và định hướng lựa chọn các môn học liên quan đến lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.
- Nếu lựa chọn hướng đi học trung học phổ thông, sau khi tốt nghiệp cấp học này, HS có thể lựa chọn các trường cao đẳng hoặc đại học có đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ để theo học các trình độ đào tạo cao đẳng hoặc đại học. Sau khi tốt nghiệp các trình độ này, người học có thể tham gia lao động với các nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.
=> Giáo án Công nghệ 9 Định hướng nghề nghiệp kết nối Bài 2: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân