Câu hỏi tự luận địa lí 10 chân trời sáng tạo Bài 36: Địa lí ngành thương mại
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 36: Địa lí ngành thương mại. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án địa lí 10 chân trời sáng tạo (bản word)
BÀI 36: ĐỊA LÍ NGÀNH THƯƠNG MẠI
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1: Thế nào là ngành thương mại?
Trả lời:
- Thương mại là quá trình mua, bán, trao đổi, lưu thông hàng hoá, dịch vụ bên trong một nước và giữa các nước trên thế giới.
- Thương mại là khâu nối liền sản xuất với tiêu dùng thông qua việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua.
- Thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương.
Câu 2: Nêu vai trò của ngành thương mại?
Trả lời:
Ngành thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương. Hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi quốc gia gọi là nội thương, giữa các quốc gia với nhau gọi là ngoại thương.
Hoạt động nội thương tạo ra thị trường thống nhất trong nước và thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng; đồng thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân trong xã hội.
Hoạt động ngoại thương góp phần gắn liên thị trường trong nước với thị trường thế giới; tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Hoạt động thương mại là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giúp cho sự trao đổi hàng hoá và dịch vụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường.
Góp phần sử dụng hợp lí các nguồn lực, thúc đẩy phân công lao động xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế.
Câu 3: Ngành thương mại có đặc điểm như thế nào?
Trả lời:
Hoạt động thương mại là quá trình trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa người bán và người mua, đồng thời tạo ra thị trường. Thị trường hoạt động theo quy luật cung và cầu. Sự biến động của thị trường dẫn đến sự biến động về giá cả.
Hoạt động ngoại thương được đo bằng cán cần xuất nhập khẩu. Nếu trị giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu gọi là xuất siêu; nếu trị giá nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu gọi là nhập siêu.
Hoạt động thương mại rất đa dạng, hình thức trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ phong phú và ngày càng phát triển. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ thì thương mại diện tử ngày càng phổ biến trong giao dịch toàn cầu.
Câu 4: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành thương mại?
Trả lời:
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố ngành thương mại như:
- Vị trí địa lí tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động thương mại. Tại những nơi có vị trí thuận lợi sẽ hình thành dầu mối thương mại, thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại phát triển.
- Trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội sẽ ảnh hưởng tới quy mô, cơ cấu ngành thương mại cũng như đầu tư và bổ sung lao động cho ngành thương mại.
- Quy mô dân số, nguồn lao động, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, phong tục tập quán, mức sống,… ảnh hưởng tới sức mua, nhu cầu của người dân, phát triển mạng lưới và loại hình thương mại.
- Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế thúc dầy dấu tư quốc tế, phát triển ngoại thương và hình thành các tổ chức thương mại quốc tế.
- Tiến bộ khoa học - công nghệ ảnh hưởng tới cách thức trao đổi, mua bán và phát
triển đa dạng loại hình thương mại.
Ngoài ra, các nhân tố khác như vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật, điều kiện tự nhiên,... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành thương mại.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của nội thương?
Trả lời:
Tình hình phát triển và phân bố của nội thương:
+ Nhìn chung, hoạt động nội thương ở các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển mạnh; hàng hoá và dịch vụ trên thị trường ngày càng phong phú và đa dạng.
+ Tuỳ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và hoàn cảnh xã hội mà hoạt động nội thương có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới. Hoạt động nội thương diễn ra sôi động ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển với nhiều loại hàng hoá và dịch vụ được trao đổi, mua bán dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở các quốc gia kém phát triển hoặc bất ổn chính trị thì hoạt động nội thương bị hạn chế.
Câu 2: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngoại thương?
Trả lời:
Tình hình phát triển và phân bố của ngoại thương:
- Xu hướng toàn cầu hoá kinh tế thúc đẩy hoạt động giao thương trên thế giới không ngừng tăng lên. Năm 2020, tổng GDP toàn thế giới là 84 578 tỉ USD thì trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ trên thị trường thế giới là 44 139 tỉ USD (chiếm 52,2%).
- Hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức và liên kết thương mại đã ra đời như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định thương mại Hoa Kỳ – Mê-hi-cô (Mexico) – Ca-na-đa (USMCA), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).... Các tổ chức này đã góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hoá kinh tế và phát triển thương mại trên thế giới.
- Một số mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu trên thế giới là dầu thô, linh kiện điện tử, ô tô, lương thực và dược phẩm. Các khu vực có đóng góp lớn vào hoạt động thương mại thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Các quốc gia đứng đầu thế giới về hoạt động thương mại toàn cầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc...
Câu 3: Trình bày cơ cấu của ngành dịch vụ?
Trả lời:
Cơ cấu của ngành dịch vụ:
- Là khu vực có cơ cấu ngành hết sức phức tạp.
- Ở nhiều nước, người ta chia các ngành dịch vụ ra thành ba nhóm: -
+ Dịch vụ kinh doanh: gồm vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...
+ Dịch vụ tiêu dùng: bao gồm các hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch, các dịch vụ cá nhân (như y tế, giáo dục, thể dục thể thao)...
+ Dịch vụ công: bao gồm dịch vụ hành chính công, các hoạt động đoàn thể...
Câu 4: Phân biệt cán cân xuất nhập khẩu?
Trả lời:
Cán cân xuất nhập khẩu:
+ Quan hệ so sánh giá trị giữa hàng xuất khẩu với giá trị hàng nhập khẩu được gọi là cán cân xuất nhập khẩu.
+ Nếu trị giá hàng xuất khẩu mà lớn hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu. Ngược lại, nếu trị giá hàng xuất khẩu mà nhỏ hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là nhập siêu.
Câu 5: Trình bày cơ cấu xuất nhập khẩu?
Trả lời:
Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu:
+ Các mặt hàng xuất khẩu có thể chia thành các nhóm: Nguyên liệu chưa qua chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến,...
+ Các mặt hàng nhập khẩu có thể chia thành các nhóm: Tư liệu sản xuất (nguyên liệu, máy móc, thiết bị...) và sản phẩm tiêu dùng,...
+ Ngoài việc xuất và nhập khẩu hàng hoá, các nước còn xuất và nhập khẩu các dịch vụ thương mại.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Chứng minh thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế?
Trả lời:
Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế do:
- Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua. Trong nền kinh tế thị trường thì sản xuất hàng hóa phát triển mạnh làm tăng vai trò của thương mại.
- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới. Thương mại là cầu nối thị trường trong nước với thị trường thế giới. Trong thời đại ngày nay, thương mại phát triển thể hiện rõ xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, tử đó góp phần đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.
- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
Câu 2: Chứng minh sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng?
Trả lời:
Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng do:
- Phân công lao động theo lãnh thổ: Mỗi lãnh thổ dựa vào thế mạnh của mình để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá, trao đổi với các lãnh thổ khác; mặt khác, lại tiêu thụ các sản phẩm của các lãnh thổ khác mà mình cần. Mỗi lãnh thổ tham gia vào phân công lao động với cả hai khía cạnh: Cung cấp các sản phẩm hàng hoá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá.
- Xuất nhập khẩu là hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia. Việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa các lãnh thổ được tiến hành thông qua xuất nhập khẩu.
- Xuất nhập khẩu đòi hỏi tăng cường sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
- Xuất nhập khẩu tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Câu 3: Phân tích tác động của hoạt động nhập khẩu tới sự phát triển kinh tế?
Trả lời:
- Tác động của hoạt động nhập khẩu đến sự phát triển kinh tế:
+ Nhập khẩu thiết bị, máy móc góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành kinh tế.
+ Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu cho phép mở rộng sản xuất, bù đắp các nhu cầu trong nước mà chưa đáp ứng được, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
+ Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cần thiết giữa hàng nội địa và hàng nhập, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...
Câu 4: Chứng minh rằng giá cả thị trường luôn biến động?
Trả lời:
- Thị trường được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người bán (bên bán) và người mua (bên mua).
- Giá cả trên thị trường luôn biến động vì phụ thuộc vào quan hệ cung và cầu.
+ Nếu cung lớn hơn cầu, thì hàng hóa ế thừa, giá cả trên thị trường có xu hướng giảm.
+ Nếu cung nhỏ hơn cầu, thì hàng hoá khan hiếm, giá cả tăng.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Nhập siêu là xu thế chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Nhập siêu là xu thế chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển do:
- Kinh tế phát triển chưa cao; hàng xuất khẩu chủ yếu từ nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, hàng công nghiệp gia công, có giá trị thấp.
- Công nghiệp hóa đòi hỏi nhập trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu để phát triển công nghiệp..., đây là những hàng có giá trị cao.
Câu 2: Chứng minh hoạt động thương mại ngày càng phát triển mạnh mẽ?
Trả lời:
Hoạt động thương mại trên thế giới ngày càng phát triển mạnh do:
- Kinh tế thế giới phát triển mạnh, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và có nhu cầu cao về máy móc, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng...
- Thị trường thế giới rộng mở cùng với toàn cầu hoá, thị trường trong các nước ngày càng phát triển.
- Điều kiện thương mại ngày càng hiện đại, tiện lợi: Giao thông vận tải, thông tin liên lạc, dịch vụ khác...
=> Giáo án địa lí 10 chân trời bài 36: Địa lí ngành thương mại