Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 3: Một số nền văn minh thế giới thời cổ – trung đại

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 3: Một số nền văn minh thế giới thời cổ – trung đại. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 cánh diều.

Xem: => Giáo án lịch sử 10 cánh diều (bản word)

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 3. MỘT SỐ NỀN VĂN MINH THẾ GIỚI THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI

Câu 1: Em hãy trình bày khái niệm văn minh.

Trả lời:

Văn minh là trạng thái tiến hoá, phát triển cao của nền văn hoá và đối lập với nó là dã man, nguyên thuỷ.

Câu 2: Hãy nêu cơ sở hình thành nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Trả lời:

* Cơ sở về điều kiện tự nhiên

- Ai Cập cổ đại nằm ở đông bắc châu Phi.

- Địa hình:

+ Chia làm hai khu vực: cao nguyên Thượng Ai Cập ở phía nam và đồng bằng Hạ Ai Cập ở phía bắc.

+ 90% diện tích là sa mạc.

- Có nhiều khoáng sản như đá quý, vàng, đồng,…

- Sông Nin có phần chảy qua lãnh thổ Ai Cập cổ đại, nước dâng lên đem theo lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng dọc hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.

* Cơ sở về dân cư

- Dân cư chủ yếu của Ai Cập là các bộ lạc Li-bi.

- Các bộ tộc Ha-mít từ Tây Á tràn vào chiếm lĩnh vùng thung lũng sông Nin, tạo nên sự hỗn hợp chủng tộc

* Điều kiện kinh tế

- Nông nghiệp:

+ Biết trồng trọt theo mùa vụ với các loại cây như lúa mì, lúa mạch, nho, lanh,..

+ Chăn nuôi gia súc như cừu, bò, dê,…

- Thủ công nghiệp: phát triển các nghề làm bánh mì, làm bia, nấu rượu, dệt vải, làm gốm, thuộc da, nấu thuỷ tinh, khai khoáng, chế tác đá, đúc đồng,...

- Thương nghiệp:

+ Buôn bán với các nước láng giềng, trao đổi sản phẩm nông nghiệp và đồ thủ công.

+ Tiền tệ xuất hiện dưới dạng những mảnh kim loại.

* Tình hình chính trị - xã hội

- Chính trị:

+ Thiên niên kỉ IV TCN, do nhu cầu trị thuỷ, làm thuỷ lợi, nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời để tổ chức sản xuất và quản lí xã hội.

+ Ban đầu, Ai Cập gồm hai vương quốc cổ là Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập, sau đó được thống nhất.

+ Nhà nước Ai Cập cổ đại mang tính chất chuyên chế, đứng đầu là pha-ra-ông (vua) có quyền lực tối cao về chính trị, quân sự, tôn giáo, là đại diện của thần thánh. Giúp việc cho pha-ra-ông là các quý tộc và tăng lữ (thu chi thuế, xây dựng đền tháp, chỉ huy quân đội,..).

- Xã hội: Ai Cập cổ đại gồm nhiều tầng lớp, có sự phân hoá địa vị, giàu nghèo rõ nét.

 

Câu 3: Em hãy trình bày cơ sở về điều kiện tự nhiên dẫn tới hình thành nền văn minh Hy Lạp - La Mã thời cổ đại.

Trả lời:

* Cơ sở về điều kiện tự nhiên:

- Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

- Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,...

- La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.

Câu 4: Nêu một số nền văn minh của thế giới và Việt Nam.

Trả lời:

- Một số nền văn minh thế giới như: Văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã thời cổ – trung đại.

- Một số nền văn minh của Việt Nam như: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc hay còn gọi là Văn minh sông Hồng, Văn minh Đại Việt thời phong kiến độc lập, tự chủ,...

Câu 5: Em hãy xác định thành phần, vị trí các tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ đại.

Trả lời:

- Pha-ra-ông (Vua): đứng đầu đất nước, có quyền lực tối cao về chính trị, quân sự, tôn giáo, là đại diện của thần thánh.

- Tầng lớp quan lại, quý tộc: Giúp việc cho Pha-ra-ông (thu thuế, xây dựng đền tháp, chỉ huy quân đội,…).

- Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, nông dân công xã: chiếm số lượng đông đảo trong xã hội; trong đó, nông dân là lực lượng sản xuất chính.

- Tầng lớp nô lệ: Chiếm số ít trong xã hội, chủ yếu làm việc trong các gia đình quan lại, quý tộc hoặc phục vụ trong cung điện.

Câu 6: Hãy nêu thành tựu của thành tựu văn minh thời Phục hưng.

Trả lời:

* Thành tựu cơ bản:

- Văn học đạt nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu là các tác phẩm Thần khúc (A. Đan-tê), Đôn Ki-hô-tê (M. Xéc-van-téc), Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Séch-xpia)....

- Triết học: kịch liệt phê phán triết học duy tâm, lên án chế độ phong kiến, đề cao tri thức, lí trí của con người. Đại diện tiêu biểu là Mi-chen đơ Mông-ten-nhơ (Pháp), E-ra-xmơ (Hà Lan), La Ra-mê (Pháp),...

- Khoa học: gắn liền với sự đóng góp của các nhà khoa học trên lĩnh vực Toán học, Thiên văn học…. Tiêu biểu là Cô-péc-ních, Brunô và Ga-li-lê với Thuyết Nhật tâm.

- Nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu là bức họa Nàng Mô-na Li-sa, Bữa ăn tối cuối cùng (Lê-ô-na đơ Vanh-xi), Tượng Đa-vít, Sự sáng tạo A-đam (Mi-ken-lăng-giơ), lâu đài Sam-bô (Pháp), nhà thờ Xanh Pi-tơ (Va-ti-căng),...

 

Câu 7: Các nền văn minh phương Đông được hình thành trên các dòng sông nào?

Trả lời:

* Các nền văn minh phương Đông được hình thành trên các dòng sông:

- Trong thời kì cổ đại, ở phương Đông có bốn trung tâm văn minh lớn là Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Hoa và Ấn Độ.

- Các nền văn minh này được hình thành trên các dòng sông lớn, đó là:

+ Văn minh Ai Cập được hình thành trên lưu vực sông Nin.

+ Văn minh Lưỡng Hà được hình thành trên lưu vực sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát.

+ Văn minh Trung Hoa được hình thành trên lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang.

+ Văn minh Ấn Độ được hình thành trên lưu vực sông Hằng và sông Ấn.

Câu 8: Điều kiện chính trị - xã hội ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành nền văn minh Trung Hoa cổ - trung đại?

Trả lời:

- Điều kiện chính trị:

+ Khoảng thế kỉ XXI TCN, cư dân ở lưu vực Hoàng Hà bước vào thời kì tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, hình thành xã hội có phân hoá giai cấp và nhà nước.

+ Triều Hạ, Thương, Chu: tổ chức bộ máy nhà nước từng bước được xây dựng và phát triển theo mô hình quân chủ chuyên chế.

+ Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc. Thiết chế nhà nước quân chủ chuyên chế tiếp tục được xây dựng và củng cố qua các triều đại từ Tần cho đến Minh, Thanh.

- Điều kiện xã hội:

+ Thời Hạ, Thương và Chu, cơ cấu xã hội Trung Quốc bao gồm: vua, quý tộc, nông dân, thợ thủ công, thương nhân và nô lệ.

+ Từ thời Tần trở đi, xã hội Trung Quốc chủ yếu bao gồm: vua quan, địa chủ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Trong đó, nông dân là giai cấp đông đảo nhất, giữ vai trò quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp.

 

Câu 9: Những thành tựu tiêu biểu về chữ viết, văn hóa, nghệ thuật của người Hy Lạp và La Mã cổ đại có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Ý nghĩa của thành tựu chữ viết:

+ Chữ viết Hy Lạp và La Mã đơn giản, ngắn gọn, linh hoạt, mang tính khái quát hóa. Đó là nền tảng chữ viết theo hệ chữ La-tinh hiện nay.

+ Hệ chữ số La Mã mà ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng là một cống hiến lớn của người La Mã cổ đại.

- Ý nghĩa của thành tựu văn hóa, nghệ thuật:

+ Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã đạt tới trình độ cao, mang tính thực tế, tinh tế và tính dân tộc sâu sắc.

+ Đó là hình mẫu cho những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của châu Âu trong giai đoạn sau như thời Phục hưng, cận đại, hiện đại,…

Câu 10: Vì sao chữ viết là một trong những thành tựu tiêu biểu và sớm nhất của văn minh nhân loại.

Trả lời:

Chữ viết là thành tựu tiêu biểu và sớm nhất của văn minh nhân loại vì:

- Chữ viết khắc phục những hạn chế của hình thức âm thanh, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống con người. Chức năng của chữ viết là biểu ý cho lời nói dưới dạng văn bản.

- Nhờ có chữ viết, con người có thể ghi chép lại những gì đã xảy ra trong xã hội. Đây là nguồn sử liệu quan trọng trong công tác nghiên cứu.

- Chữ viết ra đời đưa con người bước vào thời kì phát triển cao của văn minh, sau đó nhà nước và giai cấp cũng lần lượt ra đời.

 

Câu 11: Nêu những thành tựu cơ bản về tư tưởng và tôn giáo của văn minh Trung Hoa.

Trả lời:

- Các thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành:

+ Người Trung Quốc cổ đại đã tìm cách giải thích nguồn gốc của thế giới, đúc kết thành các thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành.

+ Các thuyết này thể hiện yếu tố duy vật biện chứng thô sơ, có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng triết học ở Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Hán.

- Nho gia:

+ Người sáng lập: Khổng Tử (551 - 479 TCN). Tư tưởng của ông bao hàm các nội dung về triết học, đạo đức, đường lối trị nước và giáo dục.

+ Các nhà tư tưởng xuất sắc thời Chiến quốc (Mạnh Tử, Tuân Tử) đã bổ sung và phát triển học thuyết này.

+ Từ thời Hán Vũ Đế, học thuyết Nho gia trở thành tư tưởng chính thống của chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, kéo dài hơn 2000 năm.

- Pháp gia:

+ Người khởi xướng: Quản Trọng - tướng quốc nước Tề.

+ Thời Xuân thu - Chiến quốc: nhiều người tham gia phát triển học thuyết này, nổi bật nhất là Thương Ưởng và Hàn Phi.

+ Chủ trương của Pháp gia là dùng pháp luật để quản lí đất nước, chú trọng đến các biện pháp làm cho nước giàu, binh mạnh.

- Mặc gia:

+ Người sáng lập: Mặc Tử, sống vào thời Chiến quốc.

+ Đề xướng thuyết Kiêm ái (thương yêu tất cả mọi người), phản đối chiến tranh xâm lược. Mặc Tử chủ trương người làm quan phải là người có tài đức, không kể dòng dõi và nguồn gốc xuất thân.

+ Tác phẩm tiêu biểu của phái Mặc gia là sách Mặc Tử.

- Đạo gia và Đạo giáo:

+ Người khởi xướng tư tưởng Đạo gia là Lão Tử. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Đạo đức kinh.

+ Thời Chiến quốc, Trang Tử kế thừa và phát triển thêm các yếu tố duy vật và biện chứng trong tư tưởng triết t và hiện chứng học của Đạo gia.

+ Thời Đông Hán, trên cơ sở các hình thức tín ngưỡng dân gian kết hợp với học thuyết của Đạo gia, Đạo giáo hình thành.

+ Thời Nam - Bắc triều, Đường và Tống, Đạo giáo phát triển, thờ cúng Lão Tử và các vị thần tiên khác với mục đích tu luyện để trở nên trường sinh bất tử.

Câu 12: Văn minh Hy Lạp, La Mã đã kế thừa những gì từ văn minh phương Đông?

Trả lời:

* Sự kế thừa thành tựu văn minh phương Đông

- Địa hình Hy Lạp và La Mã mang tính “mở” nên có điều kiện giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh phương Đông cổ đại.

- Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cũng như các kĩ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp.

 

Câu 13: Tại sao các nền văn minh lại xuất hiện sớm ở phương Đông?

Trả lời:

Chính nhờ sự bồi đắp của các dòng sông lớn nên đất đai ở những nền văn minh lớn ở phương Đông trở nên màu mỡ, nông nghiệp có điều kiện phát triển trong hoàn cảnh nông cụ còn thô sơ, dẫn đến sự xuất hiện nhà nước sớm. Do đó, cư dân ở đây bước vào xã hội văn minh và hơn thế nữa là sáng tạo nên những nền văn minh vô cùng rực rỡ.

Câu 14: Em hiểu như thế nào về nhận định của sử gia Hy Lạp cổ đại Hê-rô-đốt: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”?

Trả lời:

- Sông Nin dài khoảng 6650 km, chảy từ Trung Phi đến Bắc Phi, trong đó có phần chảy qua lãnh thổ Ai Cập cổ đại.

Hằng năm, nước dâng lên đem theo lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng dọc hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp. Mặt khác, sông Nin cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa các vùng ở Ai Cập. Vì vậy, nhà sử học Hê-rô-đốt nhận định: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”.

Câu 15: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nền văn minh Hy Lạp - La Mã có những tác phẩm tiêu biểu nào? Theo em, những tác phẩm này thể hiện điều gì trong đó?

Trả lời:

- Các tác phẩm tiêu biểu về kiến trúc:

+ Ở Hy Lạp: đền Pác-tê-nông, đền thờ thần Dớt, lăng mộ vua Mô-xô-lớt,…

+ Ở La Mã: đấu trường Cô-li-dê, đền Păng-tê-ông, Khải hoàn môn Công-xtang-ti-nút,...

- Các tác phẩm về điêu khắc: tượng thần Vệ nữ thành Milô, tượng Lực sĩ ném đĩa, tượng Thần Dớt, các bức phù điêu,…

- Những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc thể hiện tài năng và sự sáng tạo của cư dân Hy Lạp - La Mã

 

Câu 16: Vì sao nói các nền văn minh lại hình thành gần các con sông?

Trả lời:

Vì ở đó tiện lợi của việc sử dụng nguồn nước từ sông để cung cấp nước cho nông nghiệp, lấp đầy hồ chứa, và sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, sông cũng cung cấp giao thông thuận lợi, giúp vận chuyển hàng hóa và kết nối các khu vực khác nhau. Các con sông còn cung cấp nguồn lợi tức là cá và thực phẩm từ nguồn nước, giúp nâng cao sự sống còn và phát triển kinh tế xã hội của các nền văn minh. Sự tập trung dân cư gần sông cũng tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông và kinh tế phát triển. Hơn nữa, sông thường được xem như biểu tượng của sự sống và là nguồn cảm hứng văn hóa, tín ngưỡng trong nhiều nền văn minh trên thế giới.

Câu 17: Vì sao người Trung Quốc sớm có những hiểu biết quan trọng về Thiên văn học và Lịch pháp?

Trả lời:

- Người Trung Quốc sớm có những hiểu biết quan trọng về Thiên văn học và Lịch pháp vì: Do nhu cầu sản xuất nông nghiệp, để cày cấy đúng thời vụ, người nông dân phải “trông trời, trông đất”, dần dần họ biết được sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng. Đó là những tri thức đầu tiên về thiên văn. Từ tri thức đó, người Trung Quốc sáng tạo ra lịch.

Câu 18: Những hạn chế của phong trào Phục hưng.

Trả lời:

–  Những hạn chế phong trào Văn hóa Phục hưng của giai cấp tư sản:

+ Giai cấp tư sản chưa triệt để chống Giáo hội phong kiến, do giai cấp tư sản mới trỗi dậy nên khi chống Giáo hội phong kiến vẫn phải e dè, có khi còn dựa vào phong kiến và Giáo hội.

+ Nhiều nhà nhân văn chủ nghĩa và cá các nhà khoa học vẫn công nhận có Thượng đế, vẫn chủ trương duy trì Giáo hội, thậm chí sống dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng, quý tộc. Do vậy, họ không trÁnh khỏi mặt hạn chế, thỏa hiệp,…

 

Câu 19: Em hãy cho biết sự khác nhau giữa văn minh và văn hóa.

Trả lời:

Văn hóa

Văn minh

Nhận diện

- Tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.

- Gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong giai đoạn phát triển cao của xã hội.

Đặc điểm

- Xuất hiện đồng thời cùng loài người.

- Xuất hiện khi Nhà nước và chữ viết ra đời.

Câu 20: Người A-rập có câu nói: “Con người phải sợ thời gian nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp”. Em có nhận xét gì về câu nói trên?

Trả lời:

- Nhân dân Ai Cập cổ đại, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã để lại cho nền văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá.

- Trải qua gần 5000 năm, các kim tự tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững ở vùng sa mạc Ai Cập, bất chấp thời gian và mưa nắng.

- Cho đến nay, trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, chỉ còn mỗi kim tự tháp Kê-ốp còn tồn tại. Vì vậy, người A-rập có câu: Con người phải sợ thời gian nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp”.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay