Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 7: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 7: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 10 cánh diều (bản word)
ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 7. CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Câu 1: Kể tên các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có dân số trên 1 triệu người.
Trả lời:
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có dân số trên 1 triệu người:
- Có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là Tày, Thái, Mường, Hmông, Khơ-me, Nùng ( trong đó dân tộc Tày có số dân đông nhất – 1,845,492 người).
Câu 2: Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên các cơ sở nào?
Trả lời:
- Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên các cơ sở:
+ Trước hết là tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.
+ Trong quá trình đấu tranh xã hội, đấu tranh chống ngoại xâm.
+ Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên.
Câu 3: Nhận xét về cơ cấu dân số theo dân tộc ở Việt Nam hiện nay.
Trả lời:
Nhận xét cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay:
+ Trong cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay, dân tộc Kinh có dân số lớn nhất, chiếm khoảng 85.3% tổng số dân
+ 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm khoảng 14.7% dân số.
Câu 4: Kết quả của quá trình tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc.
Trả lời:
+ Quá trình thực hiện khối đoàn kết dân tộc đã tạo nên truyền thống yêu nước, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
+ Thời kì cổ – trung đại, các vương triều luôn coi trọng việc đoàn kết chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân và sự hòa thuận trong nội bộ triều đình để tạo dựng sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm.
+ Các triều đại luôn đề cao mối quan hệ giữa các tộc người với cộng đồng quốc gia và có những chính sách nhất quán về việc đoàn kết giữa các dân tộc, các vùng miền.
Câu 5: Em hãy xác định địa bàn phân bố chủ yếu cả các dân tộc theo ngữ hệ trên lược đồ Việt Nam
Trả lời:
- Cư dân ngữ hệ Nam Á
+ Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường sinh sống chủ yếu dọc theo các đồng bằng ven biển trải dài từ đồng bằng Sông Hồng vào đến đồng bằng Sông Cửu Long.
+ Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
- Ngữ hệ HMông – Dao sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam, một bộ phận nhỏ ở khu vực Đông Bắc.
- Ngữ hệ Thái – Kadai:
+ Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái sinh sông tập trung ở vùng rừng núi Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ.
+ Nhóm ngôn ngữ Kađai có một bộ phận nhỏ ở phía Bắc đồng bằng Sông Hồng
- Ngữ hệ Nam Đảo sinh sống chủ yếu ở Bắc Tây Nguyên.
- Ngữ hệ Hán – Tạng:
+ Nhóm ngôn ngữ Hán có một bộ phận nhỏ sinh sống ở Đông Nam Bộ và các tỉnh giáp Trung Quốc.
+ Nhón ngôn ngữ Tạng sinh sống ở cực Bắc và cực Tây Việt Nam.
Câu 6: Hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc từ thời Văn Lang – Âu Lạc đến nay.
Trả lời:
– Thời Văn Lang – Âu Lạc: Cư dân Việt có đoàn kết để trị thủy và chống ngoại xâm.
- Thời Bắc thuộc: Nhân dân ta đoàn kết để chống quân xâm lược phương Bắc, giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc. Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đánh tan quân Nam Hán thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc.
- Trong thời phong kiến độc lập, tự chủ:
+ Các triều đại phong kiến ở nước ta đều thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
+ Tiêu biểu là thực hiện chính sách phong tước, gà con gái cho các tù trưởng (thời nhà Lý), đoàn kết chống quân xâm lược Mông - Nguyên thời nhà Trần, đoàn kết chống quân Minh trong khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, ...
- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ:
+ Luôn đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đó là thành lập các mặt trận thống nhất như: Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1938), Mật trận Việt Minh (1941), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960).
+ Miền Bắc ra sức đoàn kết và chi viện cho chiến trường miền Nam để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. - Trong giai đoạn hiện nay: Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết bằng những chính sách cụ thể, thiết thực.
Câu 7: Nêu những đặc sắc trong trang của dân tộc Thái ở nước ta.
Trả lời:
Trang phục: Một bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái bao gồm: áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Không chỉ có nước da trắng, người dân tộc Thái còn biết cách sử dụng trang phục để khéo léo tôn lên vẻ đẹp của đường cong cơ thể vừa kín đáo, tế nhị.
Câu 8: Em hãy kể tên một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam.
Trả lời:
- Một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam:
+ Anh hùng Bế Văn Đàn (dân tộc Tày),
+ Anh hùng Kim Đồng (dân tộc Nùng);
+ Anh hùng La Văn Cầu (dân tộc Tày);
+ Anh hùng Hoàng Văn Thụ (dân tộc Tày);
+ Anh hùng Đinh Núp (dân tộc Ba Na);
+ Anh hùng Hồ Vai (dân tộc Pa-cô);
+ Anh hùng Pi Năng Tắc (dân tộc Raglai),…
Câu 9: Em hãy giới thiệu một số nét chính về phương tiện đi lại và vận chuyển của người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Trả lời:
- Dựa vào môi trường sống, trước đây, người Kinh đi bộ, vận chuyển bằng vai, xe trâu, bò, ngựa, thuyền bè...
- Còn đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu đi bộ, vận chuyển bằng gùi, sức vật và các loại xe, thuyền để vận chuyển hàng hóa.
- Ngày nay, xã hội phát triển, việc đi lại trao đổi giữa các vùng miền trở nên dễ dàng hơn, người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số đều đi lại, vận chuyển bằng xe đạp, xe máy, ô tô, tàu....
Câu 10: Theo em, các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ như thế nào?
Trả lời:
- Các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ giữa các dân tộc - tộc người trong quá trình phát triển đất nước.
Câu 11: Em hãy trình bày về các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trả lời:
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu của các cộng đồng dân tộc Việt Nam là trồng trọt, chăn nuôi nhưng có sự khác nhau về hình thức giữa đồng bằng và miền núi.
- Người Kinh tập trung ở chủ yếu ở vùng đồng bằng, trung du và duyên hải, kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã được hình thành và phát triển từ rất sớm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng là những hoạt động kinh tế phổ biến.
- Các dân tộc thiểu số phần lớn phân bố ở miền núi, trung du, cao nguyên. Hiện nay, họ đã chuyển sang hình thức canh tác định canh, trồng nhiều loại cây như lúa, ngô, khoai xen canh rau, lạc, vừng,...
Câu 12: Lập bảng tóm tắt một số nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước (về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng).
Trả lời:
Lĩnh vực |
Nội dung |
Kinh tế |
Chủ trương phát triển kinh tế miền núi, dân tộc thiểu số, phát huy thế mạnh tiềm năng của từng vùng, khắc phục chênh lệch giữa các vùng miền. |
Văn hóa |
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. |
Xã hội |
Thực hiện chính sách xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
An ninh quốc phòng |
Củng cố địa chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc. |
Câu 13: Hãy kể tên một số phong tục, tập quán, lễ hội của người Kinh và các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trả lời:
- Đối với người Kinh: nhiều phong tục, tập quán thường xuyên được diễn ra như: thôi nôi, cưới, ma chay, xuống đồng, tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu.... và các lễ hội như: hội rước Thành hoàng làng, hội Lim, hội Chùa Thầy....
- Đối với dân tộc thiểu số: Các lễ hội của người dân tộc thiểu số tổ chức với quy mô làng, bản, phổ biến như lễ thôi nôi, cưới xin, ma chay, lễ tế thần, lễ cơm mới, hội lồng tồng, lễ cấp sắc…
Câu 14: Khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy như thế nào trong thời kì phong kiến độc lập, tự chủ đến năm 1976 ở Việt Nam?
Trả lời:
- Trong thời phong kiến độc lập, tự chủ, khối đại đoàn kết dân tộc là nhân tố ổn định xã hội.
- Các vương triều Lý, Trần, Lê sơ đã từng bước đưa quốc gia Đại Việt phát triển phồn thịnh trong XV trên cơ sở tư tưởng lấy dân làm gốc, với các chính sách nhằm phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân: ưu đãi về thuế khoá, thúc đẩy khai hoang, chăm lo đê điều, giảm bớt thuế khoá, lao dịch,...
- Sau Cách mạng tháng Tám (1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng trước tình thế khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc". Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam trên mọi miền đất nước đã nhiệt tình ủng hộ “Tuần lễ vàng” và “Quỹ Độc lập” góp phần thiết thực dưa công cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thành công.
- Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1975), cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung đã được tiến hành (ngày 25 - 4 - 1976) thống nhất đất nước vẻ mặt nhà nước là điều kiện cơ bản để phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở để cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Câu 15: Hãy trình bày những điểm riêng về tín ngưỡng, tôn giáo của người Kinh và các dân tộc thiểu số.
Trả lời:
- Về tín ngưỡng:
+ Người Kinh: Người Kinh là thờ cúng tổ tiên, thờ người có công với cộng đồng, thờ thành hoàng, thờ Mẫu, thờ tổ sư, tổ nghề,...
+ Các dân tộc thiểu số: Thờ nhiều vị thần tự nhiên, theo thuyết “vạn vật hữu linh”, nhiều dân tộc thờ các vị thần nông nghiệp.
- Về tôn giáo:
+ Hiện nay, phần lớn dân tộc Chăm cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo Hindu giáo, có bộ 1 phận người Chăm cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh theo Hồi giáo.
Câu 16: Nhận xét về sự hình thành và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam.
Trả lời:
- Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu đời (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc), phát triển qua hoạt động sống hằng ngày và các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc .
- Việc trồng lúa nước yêu cầu nhân dân ta lại cùng nhau “chung lưng đấu cật” xây dựng thủy lợi và đê điều từ đó hình thành tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
- Trước sự đe dọa từ thế lực bên ngoài, nhân dân ta cùng nhau đoàn kết đứng lên chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc..
Câu 17: Sản xuất nông nghiệp của người Kinh và các dân tộc thiểu số có điểm gì giống và khác nhau?
Trả lời:
Điểm so sánh |
Người Kinh |
Các dân tộc khác |
Giống nhau |
Đều phát triển nông nghiệp với đặc trưng là trồng lúa, bên cạnh đó là trồng các cây ăn quả, gia vị… và nuôi gia súc, gia cầm… |
|
Khác nhau |
Chủ yếu là trồng lúa nước, bên cạnh đó trồng cả sắn, ngô, củ quả…. Phải thường xuyên đắp đê, thau chua rửa mặn… Phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy – hải sản. |
Trồng các cây trên cạn như: lúa nương, ngô, khoai, sắn, cây ăn quả… Lúa nước được trồng ở thung lũng chân núi hoặc ruộng bậc thang. Ít nuôi thủy hải sản, chủ yếu phát triển thủy hải sản qua ao, suối… |
Câu 18: Em hãy cho biết nguyên nhân thắng lợi của các cuộc đấu tranh giành độc lập trong lịch sử dân tộc. Qua đó phân tích vai trò và tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam.
Trả lời:
- Nguyên nhân thắng lợi của các cuộc đấu tranh trong lịch sử dân tộc ta chủ yếu do sự đoàn kết một lòng chống lại kẻ thù của dân tộc ta.
- Khi có giặc ngoại xâm, khối đại đoàn kết là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc đấu tranh.
Câu 19: Theo em, văn hóa ăn, mặc, ở của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam có sự thay đổi như thế nào trong những năm gần đây? Nêu một số ví dụ ở địa phương em.
Trả lời:
- Sự thay đổi về văn hóa ăn, mặc, ở: Văn hóa ăn, ở, mặc của các dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên phong phú, hiện đại, ngày càng đáp ứng được nhu cầu về tinh thần và thẩm mỹ của con người hơn.
- Trang phục của các dân tộc ngày càng hiện đại, giúp bảo vệ con người khỏi những biến đổi về thời tiết…
Ví dụ: Trang phục của học sinh đồng bào H-mông nặng, dày, bất tiện cho các hoạt động thể chất, vì vậy mà được thay thế bằng đồng phục sơ mi quần âu cho tiện lợi.
Câu 20: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”
(Hồ Chí Minh)
Em hiểu như thế nào về quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Lấy những dẫn chứng lịch sử để chứng minh cho luận giải của em.
Trả lời:
Ý nghĩa của quan điểm trên:
- Đoàn kết là sự gắn bó, chúng tay để cùng làm một việc gì đó, đại đoàn kết trước hết là đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, sau là đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.
- Câu nói của Bác đã đưa ra một câu có quan hệ nhân quả giữa đoàn kết và thành công: có đoàn kết thì mới thành công.
Dẫn chứng: trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trước lời kêu gọi toàn dân kháng chiến cả Bác cùng với lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc ngoại xâm, quân và dân ta đã anh dũng đứng lên tạo nên những chiến thắng vang rộn năm châu và giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước.