Câu hỏi tự luận lịch sử 8 kết nối tri thức Bài 18: Phong trào chống Pháp trong những năm 1885 - 1896

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 18: Phong trào chống Pháp trong những năm 1885 - 1896. Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 Kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án lịch sử 8 kết nối tri thức

BÀI 18: PHONG TRÀO CHỐNG PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1885 - 1896

 (14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy cho biết nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX. 

Trả lời:

Nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Với Hiệp ước Pa-tơ-nốt, thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược nước ta. Một bộ phận quan lại trong triều đình Huế, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và quan lại các tỉnh thành, vẫn nêu cao y chí chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc.

- Sau cuộc phản công quân Pháp ở kinh thành Huế của phái chủ chiến bất thành, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị). 

 Lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Dụ Cần vương, kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước giúp vua cứu nước.

=> Phong trào Cần vương bùng nổ, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX.

Câu 2: Trình bày một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX. 

Trả lời: 

Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

+ Địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa là vùng Bãi Sây. 

+ Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân xây dựng căn cứ, triệt để áp dụng chiến thuật du kích để đánh địch. Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, bị bao vây, cô lập.

+ Đến cuối năm 1892, khởi nghĩa thất bại.

- Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896): Địa bàn hoạt động của nghĩa quân gồm các huyện miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng, cùng các tướng lĩnh tài ba, tiêu biểu là Cao Thắng.

+ Từ năm 1885 đến năm 1888 (giai đoạn xây dựng lực lượng và căn cứ chiến đấu): nghĩa quân được tổ chức quy củ, chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp.

+ Từ năm 1888 đến năm 1896 (giai đoạn chiến đấu quyết liệt): với sự chỉ huy thống nhất và tương đối chặt chẽ, đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.

 Tuy thất bại nhưng đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương. 

- Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887):

+ Căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa thuộc huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá). 

+ Lãnh đạo chủ chốt là Phạm Bành và Đinh Công Tráng. 

+ Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái tham gia.

+ Tháng 1 - 1887, Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ. Bị tốn thất nặng, nghĩa quân phải rút lên Mã Cao (miền Tây Thanh Hoá) chiến đấu thêm một thời gian nữa rồi tan rã.

Câu 3: Trình bày diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế. 

Trả lời:

Diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế:

- Năm 1884: khởi nghĩa nông dân tại Yên Thế (Bắc Giang) bùng nổ dưới sự lãnh đạo của  Hoàng Hoa Thám với mục tiêu chủ yếu là giữ đất, giữ làng, bảo vệ cuộc sống tự do.

- Nghĩa quân đã đánh bại nhiều trận càn của quân Pháp vào căn cứ của cuộc khởi nghĩa.

- Sau các lần giảng hoà, thực dân Pháp lại mở cuộc vây ráp quy mô (từ đầu năm 1909),

quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng. 

- Tháng 2 - 1913, Hoàng Hoa Thám bị tay sai Pháp giết hại. Khởi nghĩa suy yếu rồi tan rã.

 Là cuộc khởi nghĩa nông dân chống xâm lược lớn nhất ở Việt Nam thời kì cận đại.

Câu 4: Lập và hoàn thành bảng hệ thống về các khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX. 

Tên cuộc khởi nghĩa, thời gian

Người lãnh đạo

Căn cứ/địa bàn

Kết quả

Ý nghĩa

     
     

Trả lời:

Tên cuộc khởi nghĩa, thời gian

Người lãnh đạo

Căn cứ/địa bàn

Kết quả

Ý nghĩa

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892)

Nguyễn Thiện Thuật

Vùng Bãi Sậy

Khởi nghĩa thất bại

- Là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân đồng bằng Bắc Kì

- Để lại nhiều kinh nghiệm tác chién ở đồng bằng đất hẹp, người đông

Khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896)

Phan Đình Phùng cùng các tướng lĩnh

Căn cứ chính: Hương Khê (Hà Tĩnh)

Địa bàn hoạt động: các huyện miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Khởi nghĩa thất bại

Là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương.

Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887)

Phạm Bành và Đinh Công Tráng

Căn cứ chính: Nga Sơn (Thanh Hóa)

Khởi nghĩa thất bại

- Thể hiện tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc. Làm chậm lại quá trình bình định của thực dân Pháp.

- Để lại bài học về xây dựng căn cứ, tổ chức kháng chiến trong giai đoạn sau.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Theo em, tại sao gọi là “phong trào Cần vương”? Nêu điểm chung của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương.

Trả lời:

- Gọi là “phong trào Cần vương” vì:

+ “Cần Vương” là giúp vua, mang nghĩa là phò vua giúp nước.

+ Phong trào Cần Vương thực chất là tập hợp hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang khắp cả nước từ năm 1885 đến năm 1896 với sự hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

- Đặc điểm chung của các phong trào Cần vương:

+ Phạm vi hoạt động: rộng lớn, diễn ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu là Trung, Bắc Kì, về sau chuyển về vùng trung du, miền núi.

+ Lãnh đạo: gồm các văn thân sĩ phu yêu nước.

+ Mục tiêu chung: đánh Pháp, giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước, lập lại chế độ phong kiến.

+ Lực lượng tham gia: các văn thân sĩ phu yêu nước và nông dân, đồng thời có các tộc người thiểu số.

+ Hình thức đấu tranh: khởi nghĩa vũ trang.

+  Kết quả: phong trào kéo dài hơn 10 năm, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng cuối cùng đã thất bại.

=> Đây là phong trào yêu nước trên lập trường phong kiến.

Câu 2: Nêu nhận xét của em về phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX. 

Trả lời:

Nhận xét về phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX:

- Phong trào Cần vương là một trong những phong trào giải phóng dân tộc xuất hiện sớm trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Phong trào bắt đầu từ năm 1885 và kết thúc vào năm 1896.

- Dù thất bại nhưng phong trào đã gây cho Pháp tổn thất nặng nề, làm chậm bước tiến trong âm mưu bình định. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.

Câu 3: Theo em, cuộc khởi nghĩa nào là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương? Vì sao?

Trả lời:

Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương:

- Quy mô, địa bàn hoạt động rộng lớn, gồm 4 tỉnh bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.

- Thời gian tồn tại dài nhất, 11 năm từ năm 1885 đến năm 1896.

- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương.

Câu 4: Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế có điểm gì giống và khác nhau so với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương?

Trả lời:

- Điểm giống nhau giữa cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương:

+ Đều là phong trào yêu nước có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

+ Đều bị thất bại.

- Điểm khác nhau giữa cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế với các các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương:

 

Phong trào Cần vương

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế

Người lãnh đạo

Các Văn thân sĩ phu yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương.

Nông dân, đứng đầu là Đề Thám (Hoàng Hoa Thám)

Mục tiêu

Chống Pháp dành lại độc lập dân tộc

Mong muốn xây dựng cuộc sống bình đẳng và sơ khai về kinh tế xã hội.

Địa bàn

 hoạt động

Hoạt động rộng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ

Hoạt động ở vùng núi Yên Thế của tỉnh Bắc Giang

Tính chất

Là phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp theo khuynh hướng phong kiến

Là phong trào nông dan mang tính tự phát

Thời gian

hoạt động

Phát triển qua 2 giai đoạn và kết thúc sớm hơn phong trào nông dân Yên Thế.

Phát triển qua 3 giai đoạn và kết thúc trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Trình bày một vài hiểu biết của em về Tôn Thất Thuyết. 

Trả lời:

Một số thông tin về Tôn Thất Thuyết:

Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội đồng Phụ chính. Ông ra sức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, khí giới, thẳng tay trừng trị những kẻ thân Pháp và đưa Ưng Lịch lên ngôi vua (vua Hàm Nghi). 

Câu 2: Trình bày một vài hiểu biết của em về Phan Đình Phùng.

Trả lời:

Một số thông tin về Phan Đình Phùng:

Phan Đình Phùng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống lại thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương. Trong thế kỷ XIX, ông là sĩ phu Nho giáo nổi bật nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Trong thế kỷ XX, sau khi đã qua đời, Phan Đình Phùng vẫn được những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc. Phan Đình Phùng nổi tiếng với những ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân – không chịu đầu hàng ngay cả khi quân Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết gia đình.

Câu 3: Trình bày một vài hiểu biết của em về Hoàng Hoa Thám.

Trả lời:

Một số thông tin về Hoàng Hoa Thám:

Hoàng Hoa Thám  còn gọi là Đề Dương, Đề Thám (“Đề đốc” Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913).

Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870–1875), và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (tháng 11 năm1873), Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn, lãnh binh Bắc Ninh. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (tháng 4 năm 1882), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng (1882–1888). Cuối năm 1885 ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài.

 

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Từ phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế, em rút ra được bài học gì cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau đó, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

Bài học rút ra sau sự thất bại của phong trào Cần Vương:

- Cần hội tụ và tập hợp được nhân dân thành một khối thống nhất, có phương hướng hoạt động cũng như đường lối chiến lược rõ ràng, phù hợp.

- Lấy được sự tin tưởng từ nhân dân, lấy dân làm gốc.

- Tạo dựng được sự đoàn kết, chung sức của nhân dân, không phân biệt vùng miền, tôn giáo.

- Khơi dậy trong quần chúng ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.

Câu 2: Kể tên một số địa danh, đường phố,… mang tên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà em biết. 

Trả lời:

- Ở Việt Nam rất nhiều thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang,…. có đường phố mang tên Hoàng Hoa Thám.

- Tên đường phố Đề Thám cũng được đặt ở rất nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thái Bình, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Cà Mau và một số địa danh khác.

- Đặc biệt, trường THPT Hoàng Hoa Thám ở Đà Nẵng là trường có bề dày truyền thống trong việc đào tạo học sinh khá giỏi của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. 

Câu 3: Kể tên một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896.

Trả lời:

Một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896:

- Tên phố: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết (Hà Nội),…

- Tên trường học: THPT Phan Đình Phùng, THPT Hoàng Hoa Thám (Hà Nội),…

- Di tích lịch sử: Di tích Nhà thờ và Lăng mộ Đề đốc Lê Trực, di tích Lăng mộ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khởi,…

=> Giáo án Lịch sử 8 kết nối Bài 18: Phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay