Nội dung chính Địa lí 9 chân trời Bài 15: Duyên hải Nam Trung Bộ
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 15: Duyên hải Nam Trung Bộ sách Lịch sử và Địa lí 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án địa lí 9 chân trời sáng tạo
BÀI 15: DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Gồm thành phố Đà Nẵng và 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích tự nhiên là 44,6 nghìn km2, chiếm gần 13,5% diện tích cả nước (2021).
- Có vùng biển rộng lớn với nhiều đảo và quần đảo, đóng vai trò quan trọng về nền kinh tế và quốc phòng như: quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (Bình Thuận),…
- Có lãnh thổ kéo dài theo chiều bắc nam, hẹp theo chiều tây đông, tiếp giáp với Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nước láng giềng Lào. Đóng vai trò là cầu nối giữa các vùng phía bắc và phía nam đất nước, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và Lào.
2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Địa hình và đất: phía tây chủ yếu là đồi núi với đất feralit, thuận lợi trồng cây công nghiệp, trồng rừng; phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi đâm sát ra biển với đất phù sa và đất cát pha.
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hai mùa mưa - khô rõ rệt. Đầu mùa hạ có gió Tây Nam khô nóng, đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh này có lượng mưa thấp nhất Việt Nam (695 mm/năm); mùa mưa vào mùa thu đông.
- Biển, đảo: có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh nước sâu, nhiều đảo và quần đảo thuận lợi xây dựng các cảng biển; các bãi tắm đẹp như Non Nước, Mũi Né,… tạo ưu thế phát triển du lịch biển; vùng biển rộng, nhiều bãi tôm, bãi cá, có hai ngư trường là quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, đầm phá lớn thuận lợi phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; dọc bờ biển có nhiều cánh đồng muối lớn như Sa Huỳnh, Cà Ná,…
- Nước: sông ngắn và dốc, có tiềm năng thủy điện và cung cấp nước cho sản xuất. Một số mỏ nước khoáng có giá trị như Vĩnh Hảo, Thạch Bích, Đảnh Thạnh,…
- Sinh vật: năm 2021, có hơn 2,4 triệu ha rừng, tỉ lệ che phủ khoảng 50,4%, đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới: sông Thanh, Cù lao Chàm, Núi Chúa,…
- Khoáng sản: gồm ti-tan (Bình Thuận), dầu khí (gần đảo Phú Quý, Bình Thuận), muối biển,… là cơ sở cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp.
- Hạn chế: biến đổi khí hậu làm gia tăng các thiên tai như hạn hán và sa mạc hóa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; đất dễ bị rửa trôi, ít thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
3. Đặc điểm phân bố dân cư, dân tộc
- Phân bố dân cư, dân tộc có sự phân hóa theo không gian, đan xen giữa các dân tộc.
+ Vùng đồng bằng ven biển phía đông dân cư tập trung đông đúc, là nơi sinh sống chủ yếu của người Kinh và người Chăm.
+ Vùng đồi núi phía tây có mật độ dân số thấp, phân bố nhiều dân tộc như Xơ Đăng, Cơ Ho, Raglai, Hrê, Giẻ Triêng,…
- Phân bố dân cư có sự thay đổi theo thời gian do quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Tỉ lệ dân thành thị tăng (chiếm 40,7% số dân năm 2021). Hình thành chuỗi đô thị lớn với mật độ dân số cao như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang,…
4. Sự phát triển và phân bố kinh tế
- Cơ cấu ngành kinh tế chuyển biến theo hướng giảm tỉ trọng các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tăng tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ; chú trọng phát triển kinh tế biển, đảo. Nội bộ các ngành kinh tế cũng có sự chuyển biến:
+ Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: chú trọng nông nghiệp sinh thái, phát triển hạ tầng và dịch vụ nghề cá, gắn với công nghiệp chế biến.
+ Công nghiệp: đẩy mạnh công nghiệp lọc, hóa dầu; công nghiệp khai thác khoáng sản biển và công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu,…
+ Dịch vụ: phát triển mạnh du lịch; dịch vụ cảng biển, hàng không; viễn thông quốc tế; tài chính - ngân hàng,…
- Phân bố kinh tế theo lãnh thổ cũng đang có sự thay đổi:
+ Hình thành các khu kinh tế ven biển: Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa); kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường biển quốc tế.
+ Hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng động lực miền Trung tạo động lực phát triển kinh tế toàn vùng.
+ Tập trung quy hoạch các chuỗi trung tâm công nghiệp ven biển như Liên Chiểu - Đà Nẵng - Dung Quất, Nha Trang - Diên Khánh - Cam Ranh; gắn với cá bến cảng biển tổng hợp nước sâu như Quy Nhơn (cảng Bình Định), Vũng Rô (cảng Phú Yên), Vân Phong (cảng Khánh Hòa); hệ thống cảng hàng không như Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh.
+ Phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô gắn với phát triển bền vững.
- Kinh tế biển đảo:
+ Giao thông vận tải biển: tiềm năng phát triển giao thông vận tải biển gắn với các bến cảng biển tổng hợp như Quy Nhơn (cảng Bình Định); Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa);,… và dịch vụ biển với các trung tâm logistics, dịch vụ hỗ trợ, đóng tàu.
+ Du lịch biển: phát triển mạnh gắn với việc hình thành các khu du lịch, đô thị du lịch trọng điểm quốc gia như Khu du lịch biển tổng hợp Vân Phong - Đại Lãnh, Khu du lịch biển Phan Thiết - Mũi Né, du lịch biển Nha Trang,… TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa là hai địa phương đóng góp hơn 80% doanh thu du lịch toàn vùng (2021).
+ Hải sản: sản lượng khai thác chiếm gần 30% cả nước, số lượng tàu khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên đạt hơn 42% cả nước (2021). Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn là Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận. Nhiều địa phương phát triển nuôi tôm và con giống, hình thành các vùng chuyên canh nuôi trồng, chỉ riêng 4 tỉnh có diện tích nuôi trồng lớn nhất (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) đã đạt hơn 16 nghìn ha (2021).
+ Khai thác khoáng sản biển: khai thác dầu thô, khí tự nhiên, cát, ti-tan, muối,… Tiềm năng khai thác băng cháy ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
- Công nghiệp:
+ Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển gắn với việc hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Công nghiệp cơ khí chủ yếu là sửa chữa và đóng tàu, thuyền. Công nghiệp điện có tiềm năng lớn như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt, công nghiệp lọc, hóa dầu tại Dung Quất (Quảng Ngãi) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
+ Các khu công nghiệp phân bố dọc hành lang kinh tế ven biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối vùng Tây Nguyên.
5. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
a) Quá trình hình thành và phạm vi lãnh thổ
– Diện tích hơn 28,0 nghìn km2 với hơn 6,6 triệu người (năm 2021).
– Gồm 5 tỉnh, thành phố (năm 2021): Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
b) Thế mạnh
– Vị trí địa lí thuận lợi.
– Tài nguyên tự nhiên và văn hoá phong phú.
– Cơ sở hạ tầng giao thông khá hiện đại.
- Có dải đô thị là các trung tâm hạt nhân và thu hút đầu tư.
c) Vai trò
– Thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
– Phát triển kinh tế biển, đảo; chuyển đổi cơ cấu kinh tế; khai thác hợp lí tài nguyên; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Là cầu nối, cửa ngõ ra biển của các vùng và các quốc gia láng giềng.
=> Giáo án Địa lí 9 Chân trời bài 15: Duyên hải Nam Trung Bộ