Nội dung chính Địa lí 9 chân trời Bài 19: Vùng Đông Nam Bộ
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 19: Vùng Đông Nam Bộ sách Lịch sử và Địa lí 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án địa lí 9 chân trời sáng tạo
BÀI 19: VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Diện tích khoảng 23,6 nghìn km2, chiếm 7,1% cả nước (2021).
- Có vùng biển rộng lớn, gồm nhiều đảo, quần đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Côn Sơn có diện tích lớn nhất.
- Tiếp giáp vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tiếp giáp Cam-pu-chia qua một số cửa khẩu như Mộc Bài, Xa Mát, Hoa Lư,… tạo cơ hội thông thương, phát triển kinh tế năng động. Có Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước ta.
2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
+ Địa hình, đất: là vùng bán bình nguyên, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đỏ badan, đất feralit, đất xám phù sa cổ chiếm diện tích lớn, thuận lợi cho quy hoạch vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị và hệ thống giao thông vận tải. Đất phù sa dọc theo thung lũng các sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai, La Ngà phù hợp trồng cây lương thực, cây thực phẩm.
+ Khí hậu: nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo gió mùa, có mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nền nhiệt độ cao và nóng quanh năm, ít thiên tai, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế diễn ra quanh năm.
+ Nước: hệ thống sông Đồng Nai có giá trị cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Các hồ thủy điện, thủy lợi (Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng) có giá trị lớn về cung cấp nước, du lịch, góp phần điều hòa dòng chảy. Nguồn nước ngầm trữ lượng lớn, thuận lợi sản xuất và sinh hoạt; một số khu vực có nguồn nước khoáng mang lại giá trị kinh tế cao như Bình Châu, Suối Nghệ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Suối Nho (Đồng Nai),…
+ Khoáng sản: chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng, ở thềm lục địa có dầu mỏ và khí tự nhiên, là điều kiện thuận lợi phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
+ Rừng: rừng nhiệt đới cận xích đạo chiếm ưu thế. Nhiều vườn quốc gia như Cát Tiên, Bù Gia Mập, Lò Gò - Xa Mát,… một số khu vực có rừng ngập mặn, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
+ Biển, đảo: nhiều điều kiện phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo với các bãi tắm đẹp như Vũng Tàu, Đầm Trầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) phục vụ cho du lịch, địa thế bờ biển thuận lợi hình thành các cảng nước sâu, có khoáng sản dầu mỏ và khí tự nhiên góp phần hình thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Có ngư trường và diện tích mặt nước lớn, thuận lợi phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản.
- Hạn chế: mùa khô kéo dài gây thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt, tình trạng xâm nhập mặn ở vùng cửa sông, ven biển, hiện tượng ngập úng, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
3. Đặc điểm dân cư, đô thị hóa
- Là vùng đông dân, năm 2021 số dân khoảng 18,3 triệu người, chiếm 18,6% cả nước. Mật độ dân số cao 778 người/km2 (2021), gấp hơn 2,6 lần mức trung bình cả nước; trong đó Tp Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nhất cả nước và vùng (4375 người/km2 2021).
- Tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp, ngày càng giảm (0,98% năm 2021), nhưng tỉ lệ gia tăng cơ học cao nhất cả nước, tỉ lệ nhập cư cao 17,9% (2021).
- Là nơi cư trú của nhiều thành phần dân tộc, gồm người Kinh, Chơ Ro, Mạ, Xtiêng, Cơ Ho, Hoa,… tạo nên sự đa dạng về văn hóa.
4. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế
- Công nghiệp:
+ Ngành công nghiệp là động lực phát triển của vùng, chiếm khoảng 38% GRDP vùng, khoảng 38% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước (2021).
+ Một số ngành công nghiệp thế mạnh là: khai thác dầu thô, khí tự nhiên; sản xuất ô tô; hóa chất; cơ khí,…
+ Đi đầu trong thu hút đầu tư, phát triển một số ngành gắn với công nghệ mới, công nghệ cao như: sản xuất điện tử, máy vi tính, phần mềm, sản phẩm số; chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vắc xin; công nghệ vật liệu mới và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hướng đến phát triển các ngành công nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường.
+ Phân bố tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở tứ giác TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Dịch vụ: Ngành dịch vụ phát triển, chiếm hơn 42% GRDP của vùng và hơn 30% giá trị sản xuất ngành dịch vụ cả nước. Hoạt động dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, logistics,...
- Kinh tế biển, đảo:
+ Giao thông vận tải biển: vùng phát triển hệ thống cảng biển trung chuyển quốc tế và trong nước, các dịch vụ hậu cần cảng biển như cảng Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Bà Rịa – Vũng Tàu (cụm bến cảng Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai – Bến Đình).
+ Khai thác khoáng sản biển: vùng là địa bàn chủ lực khai thác dầu thô và khí tự nhiên của nước ta với các mỏ quan trọng như Bạch Hổ, Rồng,... Vùng đã phát triển được hệ thống các ngành công nghiệp và dịch vụ khai thác dầu khí trên biển.
+ Du lịch biển: bên cạnh các khu nghỉ dưỡng biển có bãi tắm đẹp như Vũng Tàu, Đầm Trầu (Bà Rịa – Vũng Tàu), vùng cũng đã hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở Bình Châu – Phước Bửu, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
+ Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản: vùng đã đẩy mạnh phát triển nghề cá xa bờ, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hoá cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu.
- Phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả:
+ Cây công nghiệp: Ở Đông Nam Bộ đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao ở Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương,... Một số cây công nghiệp lâu năm có diện tích và sản lượng lớn, chiếm tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước như cao su trồng ở Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh; điều trồng nhiều ở Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương; hồ tiêu ở Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu;... Ngoài ra, vùng còn có thể mạnh về cây công nghiệp hàng năm như lạc, đậu tương, mía,.
+ Cây ăn quả: Cây ăn quả nhiệt đới cũng là thế mạnh của vùng với các loại cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu,... trồng ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.
5. Ý nghĩa của việc tăng cường kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng
- Hướng đến các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, góp phần tăng cường mối liên kết 2 chiều giữa Đông Nam Bộ và các vùng khác.
- Đông Nam Bộ là nơi tiếp nhận các sản phẩm thế mạnh về nguồn nguyên liệu của Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
- Cung ứng cho các vùng khác thế mạnh về hạ tầng logistics; đầu mối giao thông vận tải với hệ thống các cảng hàng không, cảng biển quốc tế; các thế mạnh về công nghệ, vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế,…; đào tạo lao động và cung ứng lao động chất lượng cao cho các vùng khác.
6. Vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh
- Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước.
- Chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, số dân khoảng 9,16 triệu người (2021) nhưng đóng góp trên 20% GDP cả nước (2021) và khoảng 48% GRDP vùng Đông Nam Bộ.
- Thu nhập bình quân đầu người luôn nằm trong các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Dẫn đầu cả nước về số dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm khoảng 31% tổng số dự án và hơn 12% tổng vốn đầu tư của cả nước (2021).
- Là đầu tàu, có sức hút và sức lan tỏa lớn, hỗ trợ các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội; hướng đến trở thành thành phố thông minh, sáng tạo khi luôn tiên phong áp dụng khoa học - kĩ thuật, phát triển công nghệ cao trong sản xuất và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, gắn với kinh tế tri thức.
=> Giáo án Địa lí 9 Chân trời bài 19: Vùng Đông Nam Bộ