PBT tiếng việt 4 kết nối tri thức Tuần 28: Quê hương trong tôi
Mô tả theo mẫu: Phiếu bài tập tiếng việt 4 kết nối tri thức Tuần 28: Quê hương trong tôi. Tài liệu soạn đa dạng các câu hỏi, bài tập để học sinh ôn tập kiến thức. Bộ tài liệu bao gồm đầy đủ phiếu học tập cho 35 tuần để học sinh luyện tập. Bộ tài liệu có file word và tải về được. Mời thầy cô tham khảo!
Xem: => Phiếu bài tập tuần tiếng việt 4 kết nối tri thức
Trường:…………………………………………..
Họ và tên:……………………Lớp………………
KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
- Đọc hiểu: Đọc và hiểu văn bản, trả lời được những câu hỏi liên quan đến nội dung, ý nghĩa nghệ thuật của văn bản.
- Luyện từ và câu: Luyện tập về trạng ngữ chỉ phương tiện.
- Viết: Tìm hiểu và luyện tập cách viết bài văn miêu tả cây cối.
BÀI TẬP
- ĐỌC – HIỂU
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đầu trước ý đúng:
CÂY ĐỀ
Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ, có một cây đề. Cây đề như vẫy gọi người xa, như vỗ về kẻ ở bằng màu xanh um tùm cao ngất với vô vàn lá hình tim. Lá đề không mọc ngang như lá đa mà cứ treo nghiêng hờ hững cho gió lách mình qua để rung lên niềm thanh thoát nhẹ nhàng, xao xuyến.
Mùa xuân khi đề ra lộc, hình như chúa xuân đã dát mỏng những tấm đồng điếu thành từng chiếc lá màu đỏ au hơi ánh tím. Phải nắng lên chói chang, lá đề mới xanh óng nuột nà. Cho đến khi đông sang, lá mới ngả màu nâu thẫm trước khi rơi về gốc mẹ lạnh lùng. Những chiếc lá đề cuối cùng còn sót lại vẫn treo nghiêng như để an ủi gốc cây vặn mình trong giá rét. Cho đến khi mưa xuân phủ tấm màn voan mỏng lên cây, lá đề ướt đẫm nước mắt trời không ai biết.
Cây đề thường cổ thụ. Gốc cây đề vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng bất chấp mọi ganh đua, chẳng màng đến niềm vui thông tục. Đền đài miếu mạo chính là chỗ cho cây đề gửi thân nương hồn như nhà tu hành đắc đạo. Trong tâm khảm người Việt Nam, cây đề không phải là kỷ niệm mà là niềm sùng kính. Đó cũng là cây mà Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền, đã giác ngộ, đã thành Đức Phật Tổ từ trên hai nghìn năm trăm năm nay. Vì thế, nó được chăm chút trong mỗi làng quê từ đời này sang đời khác, vững chắc, trường tồn.
Trên đất Thăng Long thời hiện đại, có biết bao nơi còn lưu giữ bóng đề, một thứ cây cổ tích, trầm tư suy ngẫm, một thứ cây reo reo rung động lòng người bằng muôn vàn trái tim đồng cảm trong gió mơn man. Đó cũng là chút hồn non nước lắng sâu trong mỗi chúng ta chăng?
(Theo Băng Sơn)
Câu 1. Nhân dân ta thường trồng cây đề ở đâu?
- Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ.
- Cạnh giếng nước, mái đình.
- Bên cạnh thác nước.
- Trồng ở cuối làng.
Câu 2. Cây đề ra lộc vào mùa nào?
- Mùa xuân
- Mùa hạ
- Mùa thu
- Mùa đông
Câu 3. Khi miêu tả lá đề, tác giả đã khéo léo dùng những từ chỉ màu sắc nào dưới đây?
- Đỏ au, ánh tím, xanh óng, vàng hoe, nâu đỏ.
- Đỏ au, xanh óng, vàng hoe, ánh tím, đẫm nước.
- Đỏ au, ánh tím, xanh óng, nuột nà, nâu thẫm.
- Đỏ au, vàng hoe, nâu thẫm, nuột nà, xanh ngắt.
Câu 4. Gốc cây đề có điểm gì đặc biệt?
- Vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng bất chấp mọi ganh đua, chẳng màng đến niềm vui thông tục.
- Gốc có màu nâu thẫm và nhiều rễ.
- Không mọc ngang như lá đa mà cứ treo nghiêng hờ hững
- Gốc đề là nơi mọi người ngồi tránh nắng những khi trưa hè.
Câu 5. Trong tâm khảm người Việt nam, cây đề là:
- Kỉ niệm thời thơ ấu.
- Niềm sùng kính..
- Biểu tượng của tình mẹ con.
- Biểu trưng của thời hiện đại.
- LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Bài 1. Gạch chân dưới các trạng ngữ chỉ phương tiện trong các câu sau:
- a) Bằng cách quan sát tỉ mỉ thế giới loài vật, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thế giới loài vật rất sinh động.
- b) Với nghị lực phi thường, dù đã bị liệt cả hai cánh tay, Nguyễn Ngọc Ký vẫn kiên trì luyện tập và viết được những dòng chữ đẹp bằng chân.
- c) Với những điệu múa điêu luyện, những giọng hát mượt mà, trong trẻo, các nghệ sĩ đã chinh phục được khán giả.
Bài 2. Đặt câu hỏi cho trạng ngữ chỉ phương tiện cho mỗi câu dưới đây:
- a) Chúng tôi làm bài tập bằng máy tính.
………………………………………………………………………………………
- b) Cô ấy học tiếng Anh qua trang web học trực tuyến.
………………………………………………………………………………………
III. VIẾT
Bài 1. Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi:
Mới ngày nào nó chỉ là cây chuối con mang tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác, đâm thẳng lên trời. Hôm nay, nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc, thân bằng cột hiên. Các tàu lá ngả ra mọi phía như những cái quạt lớn, quạt mát cả góc vườn xanh thẫm. Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ. Sát chung quanh nó, dăm cây chuối bé xíu mọc lên từ bao giờ. Cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại. Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra đánh động cho mọi người biết rằng hoa chuối ngoi lên đến ngọn rồi đấy.
Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non. Nó càng ngày càng to thêm, nặng thêm, khiến cây chuối nghiêng hẳn về một phía.
Khi cây mẹ bận đơm hoa, kết quả thì các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn.
Để làm ra buồng, ra nải, cây mẹ phải đưa hoa chúc xuôi sang một phía. Lẽ nào nó đành để mặc cái hoa to bằng cái chày giã cua hoặc buồng quả to bằng cái rọ lợn đè giập một hay hai đứa con đứng sát nách nó?
Không, cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa sang cái khoảng trống không có đứa con nào.
(Theo Phạm Đình Ân)
- Trong bài văn trên, đặc điểm của cây chuối được miêu tả theo trình tự nào?
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
- Trong bài văn trên, chi tiết nào cho thấy tác giả tả cây kết hợp với tả những sự vật có liên quan đến cây?
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
Bài 2. Hãy lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cây có bóng mát mà em thích