Bài tập file word sinh học 10 chân trời Bài 31: Virus gây bệnh

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 31: Virus gây bệnh. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 chân trời sáng tạo.

CHƯƠNG VI: VIRUS VÀ ỨNG DỤNG

BÀI 31 - VIRUS GÂY BỆNH

I. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Virus lây truyền từ cá thể này sang cá thể khác theo phương thức nào?

Trả lời:

Virus lây truyền từ cá thể này sang cá thể khác theo hai phương thức: truyền ngang và truyền dọc.

Câu 2: Virus lây truyền theo phương thức truyền ngang như thế nào?

Trả lời:

-      Đối với người và động vật:

+      Virus lây lan qua đường hô hấp: các giọt tiết bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc nói to từ cá thể nhiễm virus sang cá thể khác.

+      Virus lây lan qua đường tiêu hóa: virus từ phân, nước tiểu, nhiễm vào thức ăn, nước uống.

+      Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp: qua đường tình dục, qua đường máu, qua bắt tay, dùng chung các đồ dùng hằng ngày.

-      Đối với thực vật: Do có vách cellulose nên virus chỉ có thể lây qua vết thương (do côn trùng cắn, do dụng cụ lao động).

 

Câu 3: Virus lây truyền theo phương thức truyền dọc như thế nào?

Trả lời: 

-      Đối với người và động vật: Virus lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, nhiễm qua sinh nở hoặc qua sữa mẹ.

-      Đối với thực vật: Virus lây truyền qua phấn hoa, qua hạt giống, qua nhân giống vô tính để truyền sang cho thế hệ sau.

 

Câu 4: Các biến thể virus là gì?

Trả lời: 

Biến thể của virus là những thể mới của virus do sự thay đổi hệ gene của chúng qua đột biến.

II. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Vì sao virus có nhiều biến thể?

Trả lời:

Nguyên nhân virus có nhiều biến thể vì:

-      Virus nói chung và đặc biệt những virus có hệ gene là RNA thường có tần số và tốc độ đột biến rất cao bởi vì enzyme polymerase do virus tổng hợp không có cơ chế sửa sai, quần thể virus có kích thước lớn, khả năng nhân lên nhanh, lây nhiễm rộng.

-      Bên cạnh đó, các biến chủng cũng được tạo ra do cơ chế tái tổ hợp virus từ nhiều nguồn khác nhau.

Câu 2: Virus có nhiều biến thể gây ra hậu quả gì?

Trả lời:

Hậu quả: Sự thay đổi bộ gene của virus dẫn đến những sai khác về lớp vỏ, thay đổi khả năng xâm nhập, lây truyền và làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể không nhận ra được virus, giảm hiệu quả của vaccine.

Câu 3: Virus HIV lây truyền qua con đường nào?

Trả lời:

HIV lây truyền từ người này sang người khác theo 3 con đường:

-      Qua đường máu: Người có vết thương hở, khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Sử dụng chung bơm kim tiêm, dung cụ xăm mình,… với người nhiễm HIV cũng khiến bệnh lây lan trong cộng đồng.

-      Qua đường tình dục: Quan hệ tình dục với người nhiễm HIV sẽ có nguy cơ lây bệnh cao, đặc biệt trong trường hợp không sử dụng các biện pháp bảo vệ (bao cao su).

-      Mẹ truyền sang con: Những người mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus cho con qua nhau thai và qua sữa mẹ.

 

Câu 4: Virus cúm lây truyền qua con đường nào?

Trả lời:

Virus cúm thường phát tán từ người này sang người khác thông qua các giọt dịch khi hắt hơi, dịch tiết, qua tiếp xúc với các bề mặt có dịch tiết chứa virus.

Câu 5: Bệnh ở thực vật do virus gây ra lây truyền qua con đường nào?

Trả lời:

Virus lây bệnh ở các loài thực vật được truyền theo hai cách truyền theo hàng ngang và theo hàng dọc.

-      Truyền bệnh theo hàng ngang: Là sự lây nhiễm từ cây này sang cây khác. Do tế bào thực vật có thành tế bào nên virus không thể xâm nhập vào trong tế bào qua con đường thực bào hoặc dung hợp màng tế bào. Virus truyền từ cây này sang cây khác khi thành tế bào thực vật bị tổn thương (do côn trùng chích hoặc do tổn thương trong quá trình chăm sóc cây), sau đó virus được nhân lên và lây nhiễm từ tế bào này sang tế bào khác qua cầu sinh chất.

-      Truyền bệnh theo hàng dọc: Là virus được di truyền từ cây mẹ sang cây con qua con đường sinh sản hữu tính hoặc sinh sản vô tính.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Làm thế nào để phòng tránh bệnh do virus gây ra ở người?

Trả lời:

-      Một số biện pháp chung: chăm sóc sức khỏe bản thân, tăng cường sức đề kháng, kiểm tra sức khỏe định kì, tiêm vaccine đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ,...

-      Ngoài ra, tùy vào cơ chế biểu hiện bệnh, cơ chế lây truyền của mỗi loại virus để có cách phòng chống khác nhau:

+      Đối với virus lây truyền qua đường hô hấp: Đeo khẩu trang thường xuyên nơi công cộng, nơi tập trung đông người,...; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Giữ vệ sinh nhà cửa và các vật dụng sạch sẽ; Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; Thực hiện khai báo y tế theo quy định;…

+      Đối với virus lây truyền qua đường tiêu hóa: Thực hiện ăn uống hợp vệ sinh; Không dùng chung bát, đũa, li uống nước,… với người khác;…

+      Đối với virus lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp qua đường tình dục, máu, dùng chung các đồ vật hằng ngày: Sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; Tiệt trùng các dụng cụ y tế, không dùng chung bơm, kim tiêm; Tránh tiếp xúc với các động vật truyền bệnh; Khử trùng các đồ dùng hằng ngày;…

+      Đối với các virus lây truyền theo con đường từ mẹ sang con: Tiêm vaccine đầy đủ trước khi mang thai; Nếu mẹ bị nhiễm virus thì cần chữa khỏi trước khi sinh con;…

Câu 2: Làm thế nào để phòng tránh bệnh do virus gây ra ở động vật?

Trả lời:

-      Cần tìm hiểu các triệu chứng gây bệnh và cơ chế lây truyền của từng loại virus để kịp thời phát hiện và xử lí.

-      Cách li cá thể nhiễm bệnh khỏi đàn gia súc, gia cầm.

-      Không sử dụng các động vật đã bị nhiễm virus, không cần chôn lấp động vật chết do virus đúng quy trình.

-      Vệ sinh chuồng, trại, ao nuôi sạch sẽ; xử lí ao, hồ trước khi nuôi thủy sản.

-      Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi theo quy định.

-      Chọn, tạo giống khỏe mạnh để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,...

Câu 3: Làm thế nào để phòng tránh bệnh do virus gây ra ở thực vật?

Trả lời:

-      Cần tìm hiểu triệu chứng gây bệnh và cơ chế lây truyền trên cây trồng của từng loại virus để kịp thời phát hiện và xử lí.

-      Loại bỏ các cá thể nhiễm bệnh khỏi quần thể.

-      Phòng tránh, xử lí côn trùng gây hại, hạn chế các vết cắn của côn trùng lên cây.

-      Xử lí đồng ruộng trước khi gieo trồng.

-      Chọn, tạo giống khỏe, sạch bệnh để gieo trồng.

Câu 4: Căn cứ vào cơ chế lây truyền của mỗi loại virus, ta có cách phòng chống như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ vào cơ chế lây truyền của mỗi loại virus để có thêm biện pháp phòng chống khác nhau:

-      Đối với virus lây truyền qua đường hô hấp: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác.

-      Đối với virus lây truyền qua đường tiêu hóa: Ăn uống hợp vệ sinh

-      Đối với virus lây truyền qua đường tình dục: Sống lành mạnh

-      Đối với virus lây truyền từ mẹ sang con: Tiêm vaccine đầy đủ

IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Con người thường gặp phải những bệnh nguy hiểm nào do virus gây ra?

Trả lời:

-      Sởi, quai bị, Rubella: Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, bao gồm viêm não ở trẻ em và viêm phổi ở người lớn. Quai bị gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là vô sinh. Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính nhưng nguy hiểm nhất khi gặp ở phụ nữ đang mang thai.

-      Bệnh dại: Dại là một bệnh nhiễm virus dại ở hệ thần kinh trung ương.

-      Bệnh viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm: Do rất nhiều loại virus gây ra. Bệnh rất nguy hiểm, có thể lây lan rất nhanh.

-      Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

-      Bệnh viêm não: Viêm não (encephalitis), một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.

-      Bệnh AIDS do HIV gây ra: Căn bệnh thế kỷ đã giết chết nhiều người và đe dọa nhiều cộng đồng.

-      Bệnh viêm gan do virus: Bệnh tiến triển từ từ qua nhiều giai đoạn dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan...

Câu 2: Vì sao cơ thể không thể chống lại virus HIV?

Trả lời:

-      Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi HIV đi vào cơ thể con người, chúng sản xuất một loại protein được gọi tên là vpu trực tiếp chống lại các protein phòng vệ của hệ thống miễn dịch. Thông thường, protein của hệ thống miễn dịch ngăn chặn khả năng lan rộng và sao chép khắp cơ thể. Tuy nhiên, vpu đã vô hiệu hóa cơ chế phòng vệ này khiến virus HIV có thể dễ dàng xâm nhập và phát triển.

-      Theo các thí nghiệm của các nhà nghiên cứu, khi họ phân tách gene của virus để loại bỏ vpu, các tế bào của hệ thống miễn dịch ở người có thể chống lại virus HIV dễ dàng.

-      Mặc dù kết quả tìm ra chỉ giải thích được tác động của virus trong thời kỳ đầu tiên của quá trình lây nhiễm, nhưng vẫn có tác dụng hỗ trợ các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn cách loại virus nguy hiểm này lại có thể né tránh được hệ miễn dịch của con người.

-      Việc tìm ra loại protein này là rất quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc chống lại virus HIV bởi vì loại virus này rất tinh vi trong quá trình thích nghi để kháng lại các loại thuốc hiện hành.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay