Bài tập file word sinh học 10 chân trời Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 chân trời sáng tạo.

CHƯƠNG I: THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TẾ BÀO

BÀI 6 - CÁC PHÂN TỬ SINH HỌC TRONG TẾ BÀO

I. NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Trình bày khái niệm, vai trò, phân loại của các phân tử sinh học trong tế bào.

Trả lời:

-      Khái niệm: Các phân tử sinh học là các phân tử hữu cơ do sinh vật sống tạo thành.

-      Vai trò: Có vai trò quan trọng đối với sự sống vì là thành phần cấu tạo và tham gia thực hiện nhiều chức năng trong tế bào.

-      Phân loại: Các phân tử sinh học có vai trò quan trọng trong tế bào là carbohydrate, lipid, protein, nucleic acid.

Câu 2: Nêu cấu tạo, tính chất, phân loại và vai trò của carbohydate.

Trả lời:

-      Cấu tạo:

+      Là phân tử sinh học được cấu tạo từ các nguyên tố C, H, O.

+      Được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân. Đơn phân là đường đơn (gồm từ 3 – 7 carbon), phổ biến là đường 5 – 6 carbon.

-      Tính chất: Có vị ngọt, tan trong nước và một số có tính khử.

-      Phân loại: Tùy theo số lượng đơn phân mà carbohydrate được chia thành 3 loại.

+      Đường đơn (monosaccharide): chỉ chứa 1 đơn phân.

+      Đường đôi (disaccharide): chỉ chứa 2 đơn phân.

+      Đường đa (polysaccharide): chứa nhiều hơn 2 đơn phân.

-      Vai trò:

+      Là nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống.

+      Là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể.

+      Tham gia cấu tạo nên một số thành phần của tế bào và cơ thể sinh vật.

+      Có khả năng liên kết với protein, lipid tham gia cấu tạo màng sinh chất và kênh vận chuyển các chất trên màng.

+      Tham gia cấu tạo nucleic acid.

Câu 3: Nêu đặc điểm chung và vai trò của lipid.

Trả lời:

-      Đặc điểm chung:

+      Được cấu tạo từ 3 nguyên tố chính: C, H, O.

+      Không cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

+      Không tan trong nước nhưng tan trong các dung môi hữu cơ.

+      Phân loại: Dựa vào cấu trúc phân tử, lipid được chia thành lipid đơn giản và lipid phức tạp.

-      Vai trò:

+      Là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

+      Là thành phần cấu tạo màng sinh chất.

+      Tham gia vào nhiều hoạt động sinh lí của cơ thể.

 

Câu 4: Nêu đặc điểm chung và vai trò của protein.

Trả lời:

-      Đặc điểm chung:

+      Là đại phân tử sinh học chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong cơ thể sinh vật.

+      Được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân, mỗi đơn phân là các amino acid.

+      Có 20 loại amino acid. Các amino acid chỉ khác nhau ở gốc R.

+      Có hai nhóm amino acid: amino acid thay thế (là loại amino acid mà cơ thể có thể tự tổng hợp được) và amino acid không thay thế (là loại amino acid mà cơ thể không tự tổng hợp được).

-      Vai trò: Protein là sản phẩm cuối cùng của gene, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống:

+      Là thành phần cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

+      Là nguồn dự trữ các amino acid.

+      Xúc tác các phản ứng sinh hóa trong tế bào (enzyme).

+      Điều hòa các hoạt động sinh lí trong cơ thể (hormone).

+      Bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (kháng thể).

+      Tham gia vào chức năng vận động của tế bào và cơ thể.

+      Tiếp nhận và đáp ứng các kích thích của môi trường (thụ thể nằm trên màng sinh chất).

 

Câu 5: Nêu đặc điểm chung của nucleic acid.

Trả lời:

-      Là đại phân tử sinh học được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân:

+      Mỗi đơn phân là một nucleotide.

+      Mỗi nucleotide được cấu tạo bởi 3 thành phần (đường 5C, base, gốc P) nhưng chỉ khác nhau ở thành phần base (có 2 loại base là purine A, G và pyrimidine C, T, U). Tên các base được dùng để đặt tên cho nucleotide.

-      Có hai loại nucleic acid:

+      Deoxyribonucleic acid (DNA): cấu tạo từ bốn loại nucleotide A, T, G, C.

+      Ribonucleic acid (RNA): cấu tạo từ bốn loại nucleotide A, U, G, C.

Câu 6: Trình bày cấu tạo và chức năng của DNA.

Trả lời:

-      Kích thước: Mỗi phân tử DNA thường có kích thước rất lớn, có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm micrometer (µm).

-      DNA có tính đa dạng và đặc thù do các phân tử DNA khác nhau về số lượng, thành phần và trật tự sắp xếp các nucleotide.

-      Cấu trúc không gian:

+      DNA có cấu trúc xoắn kép gồm 2 mạch polynucleotide song song và ngược chiều nhau, xoắn đều từ trái sang phải. Hai mạch polynucleotide liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung (A liên kết với T bằng 2 liên kết hydrogen, G liên kết với C bằng 3 liên kết hydrogen). DNA xoắn có tính chu kì: Mỗi chu kì xoắn gồm 10 cặp nucleotide, cao 34 Ao.

+      DNA của sinh vật nhân sơ có cấu trúc xoắn kép, dạng vòng, DNA của sinh vật nhân thực có cấu trúc xoắn kép, dạng không vòng.

-      Chức năng: Lưu trữ, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.

Câu 7: Trình bày cấu tạo và chức năng của RNA.

Trả lời:

-      Cấu tạo: Có cấu tạo tương tự DNA, tuy nhiên hầu hết các RNA đều có mạch đơn, thẳng hoặc xoắn kép cục bộ.

-      Phân loại: 3 loại chính là mRNA, tRNA, rRNA.

-      Chức năng:

+      Tham gia quá trình tổng hợp protein.

+      Ở một số virus, RNA có vai trò là vật chất di truyền mang thông tin quy định các đặc điểm cấu tạo của chúng.

II. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: So sánh cấu tạo đơn phân của DNA và RNA.

Trả lời:

Đơn phân của DNAĐơn phân của RNA
Đường deoxyriboseĐường ribose
4 loại base là A, T, G, C4 loại base là A, U, G, C

 

Câu 2: DNA có cấu tạo như thế nào để phù hợp với chức năng?

Trả lời:

-      Lưu trữ thông tin di truyền: Thông tin di truyền trên DNA được lưu trữ dưới dạng trình tự sắp xếp các nucleotide tạo nên các gene (gene mang thông tin mã hóa cho một chuỗi polypeptide hoặc RNA). Một phân tử DNA chứa nhiều gene.

-      Bảo quản thông tin di truyền: Nhờ có cấu trúc cuộn xoắn và liên kết với nhiều loại protein mà thông tin di truyền trên DNA được bảo quản chặt chẽ.

-      Truyền đạt thông tin di truyền: Thông tin di truyền trên DNA được truyền đạt qua các thế hệ nhờ quá trình tái bản DNA trong phân bào.

 

Câu 3: Các loại RNA khác nhau có vai trò gì?

Trả lời:

-      RNA thông tin (mRNA): được dùng làm khuôn cho quá trình dịch mã (tổng hợp protein), truyền đạt thông tin di truyền từ DNA đến ribosome.

-      RNA vận chuyển (tRNA): vận chuyển các amino acid đến ribosome để dịch mã, từ trình tự các nucleotide trên mRNA được dịch thành trình tự các amino acid trên protein.

-      RNA ribosome (rRNA): là thành phần chủ yếu cấu tạo nên ribosome (là nơi tổng hợp protein trong tế bào).

-      Ngoài ra, còn có snRNA tham gia tham gia hoàn thiện mRNA, snoRNA tham gia quá trình biến đổi hóa học các loại RNA, các miRNA và siRNA tham gia điều hòa biểu hiện gene.

 

Câu 4: Lấy ví dụ minh họa về carbohydrate tham gia cấu tạo nên một số thành phần của tế bào và cơ thể sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ: Cellulose cấu tạo nên thành tế bào thực vật, chitin cấu tạo nên thành tế bào nấm và bộ xương ngoài của côn trùng,…

Câu 5: Cấu trúc không gian của protein có thể bị ảnh hưởng, thậm chỉ bị phá hủy khi nào?

Trả lời:

Cấu trúc không gian của protein có thể bị phá hủy khi chịu sự tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, kim loại nặng, độ pH,... gây biến tính protein. Khi protein bị biến tính, protein sẽ mất chức năng sinh học.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Các loại đường đơn có nhiều trong thực phẩm nào?

Trả lời:

-      Đường glucose: có nhiều trong bộ phận của thực vật, nhất là các loại quả chín; chúng còn có ở mật ong, trong cơ thể người và động vật.

-      Đường fructose: có nhiều trong các loại quả có vị ngọt, đặc biệt trong mật ong làm cho mật ong có vị ngọt gắt.

Câu 2: Các loại đường đôi có nhiều trong thực phẩm nào?

Trả lời:

Có 3 loại đường đôi phổ biến:

-      Saccharose: có nhiều trong thực vật đặc biệt là mía và củ cải đường.

-      Maltose (đường mạch nha): có trong mầm lúa mạch, kẹo mạch nha.

-      Lactose (đường sữa): có trong sữa người và động vật.

Câu 3: Kể tên một số thực phẩm giàu protein.

Trả lời:

Một số thực phẩm giàu protein: trứng, hạnh nhân, ức gà, yến mạch, phô mai, sữa chua, bông cải xanh, thịt bò,...

Câu 4: DNA được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?

Trả lời:

Ứng dụng: Xác định quan hệ huyết thống, truy tìm tội phạm và nghiên cứu phát sinh loài.

IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Tại sao có những người không uống được sữa bò?

Trả lời:

-      Nguyên nhân chính là do cơ thể không thể tiêu hóa được lactose - một dạng đường có trong sữa. Lactose trong sữa bò cao hơn các loại sữa động vật khác.

-      Cơ chế hoạt động như sau: Thông thường, ruột non có nhiệm vụ sản xuất ra một loại enzyme tên là lactase, sau đó lactase sẽ phân hủy đường sữa trở thành một loại đường đơn giản hơn thường gọi là glucose rồi được hấp thụ vào cơ thể thông qua đường máu.

-      Tuy nhiên có những người enzym lactase không được sản xuất ra hoặc sản xuất ra rât ít. Khi đó lactose có trong sữa mà bạn uống vào không thể được tiêu hóa đi vào ruột già - nơi các vi khuẩn sẽ phá vỡ và làm cho sữa trở thành nước và khí dư, gây nên hiện tượng tiêu chảy, đầy hơi và chuột rút sau khi uống sữa.

-      Có hai dạng không tiêu hóa được lactose là nguyên phát và thứ phát. Không dung nạp lactose nguyên phát là dạng thường thấy nhất ở mọi người. Thông thường, hiếm có tình trạng trẻ mới sinh ra đã không dung nạp được lactose, tuy nhiên theo thời gian thì cơ thể người đó sẽ dung nạp giảm dần lượng lactase. Không dung nạp lactose thứ phát là do ruột non sau những căn bệnh như viêm dạ dày hoặc trải qua phẫu thuật sẽ giảm sản xuất lactase.

Câu 2: Vì sao vi sinh vật sử dụng RNA làm vật chất di truyền?

Trả lời:

Vi sinh vật sử dụng RNA làm vật chất di truyền thay vì DNA chủ yếu vì tính linh hoạt và lợi thế của RNA trong việc thích nghi nhanh chóng với điều kiện sống. RNA có khả năng sao chép thông tin di truyền nhanh hơn và trải qua ít quá trình hơn DNA. Trong môi trường thay đổi nhanh chóng, việc sử dụng RNA giúp vi sinh vật có thể thích nghi nhanh với điều kiện môi trường thay đổi và tăng khả năng sinh sản. Ngoài ra, RNA dễ bị đột biến hơn DNA do không có cơ chế sửa sai, đôi khi đột biến đó lại có lợi trong điều kiện sống của vi sinh vật..

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay