Bài tập file word sinh học 10 chân trời Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 chân trời sáng tạo.

CHƯƠNG I: THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TẾ BÀO

BÀI 5 - CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC VÀ NƯỚC

I. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Có bao nhiêu nguyên tố hóa học có trong tế bào? Chúng được phân loại như thế nào?

Trả lời:

-      Có khoảng 25 nguyên tố được biết là có vai trò quan trọng đối với sự sống.

-      Các nguyên tố C, H, O, N chiếm khoảng 96,3% khối lượng chất khô của tế bào.

-      Phân loại: Có 2 loại nguyên tố là nguyên tố đa lượng (mỗi nguyên tố đa lượng chiếm tỉ lệ lớn hơn 0,01%) và nguyên tố vi lượng (mỗi nguyên tố vi lượng chiếm tỉ lệ nhỏ hơ 0,01%).

Câu 2: Nêu cấu tạo và vai trò của nguyên tố carbon.

Trả lời:

-      Cấu tạo: Nguyên tử carbon có 4 electron ở lớp ngoài cùng nên có thể cho đi hoặc thu về 4 electron để có đủ 8 electron ở lớp ngoài cùng.

-      Vai trò: Nhờ đặc điểm cấu tạo, carbon có thể liên kết với chính nó hoặc các nguyên tử khác (H, O, N, P, S) để hình thành các mạch carbon với cấu trúc khác nhau, là cơ sở hình thành vô số hợp chất hữu cơ.

Câu 3: Nêu vai trò của các nguyên tố hóa học.

Trả lời:

-      Vai trò của các nguyên tố đa lượng:

+      Tham gia cấu tạo nên các đại phân tử hữu cơ như: nucleic acid, protein, carbohydrate, lipid → Góp phần xây dựng nên cấu trúc tế bào và cơ thể sinh vật.

+      Một số là thành phần của các hợp chất hữu cơ tham gia các hoạt động sống của tế bào. Ví dụ: Mg cấu tạo nên diệp lục,…

-      Vai trò của các nguyên tố vi lượng:

+      Nguyên tố vi lượng là thành phần cấu tạo nên hầu hết các enzyme, hormone, vitamin,...

+      Thiếu các nguyên tố vi lượng có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như thiếu máu, bướu cổ,…

 

Câu 4: Nêu cấu tạo và tính chất của nước.

Trả lời:

-      Cấu tạo: Nước gồm một nguyên tử oxygen liên kết với hai nguyên tử hydrogen bằng liên kết cộng hóa trị.

-      Tính chất:

+      Nước có tính phân cực: Đầu oxygen của phân tử nước mang điện tích âm còn đầu hydrogen mang điện tích dương. Do đó, trong tế bào, nước tồn tại ở hai dạng: nước tự do và nước liên kết (là dạng nước liên kết với các phân tử phân cực hoặc nằm trong các liên kết hóa học).

+      Các phân tử nước liên kết với nhau giúp tạo nên các cột nước liên tục giúp cho quá trình vận chuyển nước trong thân, cũng như tạo nên sức căng bề mặt giúp một số loài có thể đứng và di chuyển trên mặt nước.

+      Nước có nhiệt dung riêng cao: Nước có thể hấp thu nhiệt hoặc thải nhiệt dự trữ.

Câu 5: Nước có vai trò gì đối với tế bào?

Trả lời:

Do các tính phân cực nên nước có nhiều vai trò sinh học quan trọng đối với sự sống:

-      Là thành phần chính cấu tạo nên tế bào.

-      Là dung môi hòa tan nhiều chất cần thiết.

-      Là nguyên liệu và môi trường cho các phản ứng sinh hóa xảy ra trong tế bào để duy trì sự sống.

-      Cân bằng và ổn định nhiệt độ của tế bào và cơ thể.

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Vì sao các nguyên tố vi lượng chiếm một tỉ lệ rất nhỏ nhưng không thể thiếu?

Trả lời:

Vì nguyên tố vi lượng là thành phần cấu tạo nên hầu hết các enzyme, hoạt hóa enzyme, và nhiều hợp chất hữu cơ tham gia vào các hoạt động sống của cơ thể.

Câu 2: Liên kết hydrogen được hình thành như thế nào?

Trả lời:

Nhờ có tính phân cực mà các phân tử nước có thể liên kết với nhau hoặc liên kết với các phân tử phân cực khác bằng liên kết hydrogen, phần oxi có điện tích âm sẽ hút phần hidro có điện tích dương của phân tử nước khác tạo thành liên kết hidro.

Câu 3: Tại sao nước có thể làm dung môi hòa tan nhiều chất cần thiết?

Trả lời:

Vì nước có tính phân cực.

 

Câu 4: Vì sao nước có vai trò quan trọng trong quá trình cân bằng và ổn đinh nhiệt độ của tế bào và cơ thể? Cho ví dụ?

Trả lời:

-      Nước chiếm đến 70% cơ thể, có vai trò cân bằng nhiệt trong cơ thể là 37 độ C. Khả năng thích nghi trước những thay đổi của môi trường dựa vào cơ chế điều hòa thân nhiệt, mà nhân tố đóng vai trò quan trọng chính là nước.

-      Ví dụ: khi cơ thể ta vận động và nóng lên thì cơ thể sẽ thoát hơi nước dưới dạng mồ hôi mang theo nhiệt lượng ra bên ngoài cơ thể.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Vì sao phải uống đủ nước?

Trả lời:

Vì nước có vai trò quan trọng đối với cấu tạo và sự hoạt động chức năng của cơ thể. Cơ thể luôn phải duy trì một mức cân bằng nước ổn định, nếu thiếu nước cơ thể không thể hoạt động sống bình thường.

Câu 2: Cơ thể người lấy carbon từ nguồn nào?

Trả lời:

Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể chúng ta được lấy từ các chất dinh dưỡng có trong các loại thức ăn. Khi thức ăn được đưa vào trong cơ thể ® phân giải ® chất dinh dưỡng đơn giản ® hấp thụ vào máu đưa đến các tế bào ® diễn ra hàng loạt các phản ứng sinh hóa để tổng hợp nên các chất cần thiết.

Câu 3: Nước hay đồ ăn quan trọng hơn đối với cơ thể con người?

Trả lời:

-      Con người có thể nhịn ăn 3 tuần và nhịn uống nước 3 ngày. Chúng ta đã thấy rất nhiều trường hợp con người vượt qua được nhu cầu ăn uống của cơ thể trong một thời gian dài mà vẫn sống sót.

-      Đối với nhịn ăn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà thời gian nhịn ăn có thể dài hoặc ngắn, tuy nhiên nếu thiếu nước uống, cơ thể sẽ nhanh chóng bị gục ngã.

® Nước quan trọng hơn đồ ăn.

Câu 4: Cơ thể người khi bị thiếu nước sẽ gặp phải những vấn đề nào?

Trả lời:

-      Thiếu nước mức độ nhẹ: cơ thể bạn sẽ có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, táo bón, mệt mỏi, tâm trạng thay đổi, dễ cáu, lo lắng, chuột rút và đau khớp,… Ngoài ra da bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng không đủ nước sẽ làm da bạn khô và gây nên hốc hác.

-      Cơ thể thiếu nước ở tình trạng nghiêm trọng: gây ra tình trạng sốt, giảm huyết áp, nhịp tim tăng đột ngột, tiêu chảy,…

+      Trao đổi chất bị chậm.

+      Dễ gây tăng cân.

+      Gặp phải tình trạng táo bón.

+      Nhiệt độ cơ thể tăng cao.

+      Cơ thể trong tình trạng mệt mỏi.

+      Tăng đường huyết trong cơ thể.

IV. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Phân bón vi lượng quan trọng như thế nào đối với cây trồng?

Trả lời:

-      Đối với cây trồng, phân vi lượng vô cùng quan trọng. Nó quyết định đến sự phát triển và độ bền, năng suất của cây trồng. Việc thiếu hay thừa phân vi lượng đều rất ảnh hưởng đến cây trồng. Chúng ta cần quan tâm để ý đến cây trồng để có thể cung cấp đủ vi lượng cần thiết cho cây trồng.

-      Tác dụng phân bón vi lượng: bổ sung vi lượng cần thiết cho cây trồng; ổn định pH và kích thích ra rễ cực mạnh giúp cây sử dụng phân bón hiệu quả; Tăng tốc độ vận chuyển dinh dưỡng, giúp quả lớn nhanh, đồng đều, chống nứt trái; Tăng phẩm chất, hương vị của trái (mỏng vỏ, mọng nước, trái lớn đều, bóng đẹp,…; hạn chế vàng lá thối rễ, đẩy nhanh tiến trình phục hồi cây vàng lá thối rễ.

-      Cây trồng bị thiếu nguyên tố vi lượng thì cây mắc bệnh và phát triển không bình thường như vàng lá, xoắn lá, rụng hoa, rụng trái non…

-      Nếu đất thiếu vi lượng thì cây sẽ thiếu vi lượng. Nếu nông dân bón nhiều vôi, pH tăng làm nhiều nguyên tố vi lượng (Fe, Mn, Cu, Zn) bị cố định lại cây không đồng hóa được.

-      Muốn đánh giá việc thiếu vi lượng nếu không qua phân tích đất và lá thì phải dựa đầy đủ vào quá trình hình thành đất, nghiên cứu bản đồ địa chất, lịch sử sử dụng đất đai (chế độ canh tác, chế độ bón phân, loại phân đã sử dụng, mức độ thâm canh, tình hình sử dụng vôi và việc bón phân hữu cơ).

-      Phân vi lượng thường được cung cấp qua lá để tránh bị đất cố định. Phun qua lá việc cung cấp vi lượng vừa kịp thời vừa trực tiếp, lại tiết kiệm hơn.

Câu 2: Nước sạch là gì? Nước hợp vệ sinh là gì? Nước sạch và nước hợp vệ sinh nước nào tốt hơn?

Trả lời:

-      Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.

-      Nước sinh hoạt là nước sạch hoặc nước có thể dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người.

-      Nếu như nước hợp vệ sinh được đánh giá chỉ bằng trực quan, không yêu cầu đi sâu các xét nghiệm thì ngược lại. Nước sạch phải đáp ứng những tiêu chí trong quy định của Bộ y tế. Như vậy, nước sạch an toàn hơn nước hợp vệ sinh.

Câu 3: Độ đục của nước là gì? Ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nước?

Trả lời:

-      Độ đục được hiểu là độ vẩn đục của nước do những hạt lơ lửng tồn tại trong nước mà mắt thường có thể nhìn thấy được. Hạt lơ lửng đó có thể là đất, nấm, tảo, các chất hữu cơ…

-      Ngoài việc làm giảm khả năng truyền ánh sáng trong nước, độ đục còn ảnh hưởng tới quá trình quang hợp trong môi trường nước, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Độ đục càng cao thì mức độ nguy hại của nó tới đối tượng sử dụng càng cao.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay