Bài tập file word sinh học 10 chân trời Ôn tập chương 5 (P1)
Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập chương 5. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án sinh học 10 chân trời sáng tạo (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 5: VI SINH VẬT VÀ ỨNG DỤNG
(PHẦN 1 – 20 CÂU)
Câu 1: Nêu khái niệm và đặc điểm chung của vi sinh vật.
Trả lời:
- Vi sinh vật là những sinh vật có kích thước nhỏ thường được quan sát bằng kính hiển vi.
- Một số đặc điểm chung của vi sinh vật:
+ Có kích thước nhỏ, thường được quan sát bằng kính hiển vi.
+ Phần lớn có cấu trúc đơn bào (nhân sơ hoặc nhân thực), một số khác là tập đoàn đơn bào.
+ Có khắp mọi nơi như trong nước, trong đất, trong không khí và cả trên cơ thể sinh vật.
+ Có khả năng hấp thụ và chuyển hóa nhanh các chất dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản nhanh.
Câu 2: Trình bày cơ chế tổng hợp carbohydrate và protein.
Trả lời:
- Tổng hợp carbohydrate:
+ Ở vi khuẩn và tảo, việc tổng hợp tinh bột và glycogen cần hợp chất mở đầu là ADP – glucose.
+ Các phân tử polysaccharide được tạo ra nhờ sự liên kết các phân tử glucose bằng liên kết glycosidic.
[Glucose]n + [ADP-glucose] → [Glucose]n+1 + ADP
- Tổng hợp protein: Vi sinh vật có khả năng tự tổng hợp amino acid và tổng hợp các protein khi liên kết các amino acid với nhau bằng liên kết peptide.
(Amino acid)n → Protein
Câu 3: Vi sinh vật nhân sơ sinh sản bằng cách nào?
Trả lời:
- Chỉ có hình thức sinh sản vô tính, bản chất là quá trình phân bào trực phân.
- Các hình thức sinh sản ở vi sinh vật nhân sơ: phân đôi và bào tử trần.
+ Phân đôi: Phân tử DNA của tế bào mẹ nhân đôi, tế bào kéo dài ra, tách thành hai phần bằng nhau và tạo thành hai cơ thể con.
+ Bào tử trần: Phân tử DNA nhân đôi nhiều lần, sợi khí sinh kéo dài ra, cuộn lại và hình thành các bào tử, mỗi bào tử chứa 1 DNA, bào tử chín rơi xuống đất, gặp điều kiện thuận lợi, nảy mầm và mọc thành hệ sợi nấm.
Câu 4: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong công nghiệp thực phẩm.
Trả lời:
- Sử dụng các vi sinh vật có khả năng sản xuất sinh khối nhanh để tạo ra các nguyên liệu trong công nghiệp và đời sống.
- Sử dụng các vi sinh vật lên men để sản xuất các loại rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm.
Câu 5: Trình bày quy trình sản xuất chất kháng sinh.
Trả lời:
- Nhân giống: Chọn chủng giống vi khuẩn phù hợp, chọn môi trường nuôi cấy.
- Lên men 2 pha: Pha 1 là pha sinh trưởng, tính từ khi cấy giống vào thùng lên men đến khi sinh khối ngừng tăng lên. Pha 2 là pha sinh tổng hợp để tích tụ chất kháng sinh. Môi trường lên men phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, để đạt năng suất cao cần phải thêm tiền chất. Mặt khác, quá trình lên men cần đảm bảo các thông số như pH, nhiệt độ, độ thông khí và thời gian.
- Tách chiết: Tùy thuộc vào từng loại chất kháng sinh mà có phương pháp tách chiết sao cho phù hợp hơn. Quá trình này thực hiện theo các bước sau: lọc tách sinh khối → tách chiết → đông khô → bột tinh sạch.
Câu 6: Giải thích tại sao vi sinh vật lại phân bố rộng và có nhiều chủng loại.
Trả lời:
Trong quá trình tiến hoá lâu dài, vi sinh vật đã tạo cho mình cơ chế điều hòa trao đổi chất nên có thể thích ứng trong các điều kiện rất khác nhau. Chúng dễ dàng phát sinh biến dị và thích nghi với môi trường sống. Chúng có nhiều kiểu dinh dưỡng nên có thể dùng nhiều loại chất khác nhau làm thức ăn. Chúng có thể sống ở nơi rất nóng hoặc rất lạnh, nơi có hoặc hoàn toàn không có oxi, nơi có môi trường rất chua hoặc rất kiềm, nơi có áp suất rất lớn thậm chí trên 1000 atm dưới đáy biển sâu, hoặc ở nơi hầu như không có nước, như sâu tới 1 km trong lòng đá. Chính vì thế mà vi sinh vật rất đa dạng, chúng có nhiều chủng loại. Số loài vi sinh vật ước tính có tới vài triệu loài.
Câu 7: Vì sao vi sinh vật sinh có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn nhiều so với động vật và thực vật?
Trả lời:
Vi sinh vật có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn nhiều so với động vật và thực vật bởi vì:
- Kích thước của vi sinh vật rất nhỏ (tỉ lệ S/V lớn) dẫn đến khả năng trao đổi chất với môi trường nhanh đáp ứng nhu cầu về vật chất và năng lượng để vi sinh vật sinh trưởng, sinh sản.
- Ngoài ra, vi sinh vật cũng có cấu tạo đơn giản hơn cho với thực vật và động vật.
Câu 8: Vi sinh vật có vai trò gì đối với đời sống con người?
Trả lời:
- Trong trồng trọt: Vi sinh vật cải thiện chất lượng đất, như tăng khả năng kết dính các hạt đất, chuyển hóa chất dinh dưỡng giúp cây dễ hấp thụ, tiết ra chất có lợi cho cây trồng, tiêu diệt sâu hại.
- Trong chăn nuôi: Vi sinh vật góp phần cải thiện hệ tiêu hóa vật nuôi, giúp tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Trong bảo quản và chế biến thực phẩm: sản xuất nước mắm, nước tương, rượu, bia, nước giải khát, giấm, muối chua rau củ,…
- Trong sản xuất dược phẩm: sản xuất chất kháng sinh, vaccine, men tiêu hóa và một số đồ uống.
Câu 9: Các hình thức sinh sản vô tính ở vi sinh vật nhân thực thường gặp ở những loài nào?
Trả lời:
- Phân đôi: Gặp ở một số loài vi sinh vật nhân thực đơn bào như trùng roi, trùng giày, amip, tảo lục đơn bào,...
- Nảy chồi: Gặp ở nấm men bia,...
- Bào tử: Ở nấm men có hình thức sinh sản vô tính bằng bào tử đốt, bào tử bắn, bào tử áo. Ở nấm sợi có hình thức sinh sản vô tính bằng bào tử đính hay bào tử trần, bào tử kín.
Câu 10: Nêu một số ứng dụng của vi sinh vật trong nông nghiệp.
Trả lời:
- Các chế phẩm vi sinh vật: phân vi sinh cố định đạm, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh phân giải cellulose,…
- Sản xuất thuốc trừ sâu: thuốc trừ sâu Bacillus thuringiensis Bio-B diệt sâu tơ, sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang,…; sử dụng chế phẩm nấm Nomuraea rileyi để sản xuất thuốc trừ sâu diệt các loại sâu hại rau;…
Câu 11: Quá trình xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Quá trình xử lí nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính: Nước thải đã được xử lí sơ cấp được dẫn vào bể thổi khí để cung cấp oxygen cho vi khuẩn và vi sinh vật oxi hóa chất hữu cơ. Trong bể thổi khí, lượng bùn hoạt tính tăng dẫn → Dẫn hỗn hợp từ bể thổi khí sang bể lắng để tách bùn hoạt tính ra khỏi nước thải → Một phần bùn hoạt tính được đưa trở lại bể thổi khí làm giống, phần bùn thừa sau khi được tách nước sẽ được đưa đi phân giải yếm khí.
Câu 12: Tại sao vại dưa đôi khi xuất hiện váng trắng, dưa không chua nữa và bắt đầu bị khú.
Trả lời:
Trong dung dịch muối (môi trường ưu trương), dịch đường tiết ra khỏi tế bào. Vi khuẩn lactic sử dụng đường, lên men tạo lactic acid, tạo pH thấp, ức chế các vi khuẩn gây thối. Tuy nhiên, khi pH xuống quá thấp cũng ức chế luôn cả vi khuẩn lactic. Lúc đó một loại nấm men chịu acid sinh trưởng, phân giải lactic acid, khiến môi trường trở nên trung tính, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây thối sinh trưởng làm khú dưa.
Câu 13: Vi sinh vật có thể được phân loại thành mấy nhóm?
Trả lời:
Dựa vào đặc điểm cấu tạo tế bào, vi sinh vật có thể được phân loại thành 2 nhóm gồm:
- Nhóm đơn bào nhân sơ: Vi khuẩn cổ và vi khuẩn.
- Nhóm đơn bào hay tập đoàn đơn bào nhân thực: Vi nấm, vi tảo, nguyên sinh vật.
Câu 14: Nêu khái niệm và vai trò của quá trình tổng hợp ở vi sinh vật.
Trả lời:
- Tổng hợp là quá trình tạo ra phân tử hữu cơ phức tạp từ những chất đơn giản.
- Vai trò: Quá trình tổng hợp giúp hình thành các hợp chất (vật liệu) để xây dựng và duy trì các hoạt động của vi sinh vật, đồng thời, giúp vi sinh vật tích lũy năng lượng.
Câu 15: Có mấy hình thức nuôi cấy? Sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn trong hai hình thức nuôi cấy như thế nào?
Trả lời:
- Có 2 hình thức nuôi cấy: nuôi cấy không liên tục và nuôi cấy liên tục.
+ Nuôi cấy không liên tục là quá trình nuôi cấy không được bổ sung chất dinh dưỡng và không lấy đi các sản phẩm của quá trình nuôi cấy.
+ Nuôi cấy liên tục là quá trình nuôi cấy thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng, đồng thời lấy đi một lượng dịch nuôi cấy tương đương.
- Sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn:
+ Trong nuôi cấy không liên tục, sự sinh trưởng của quần thể vi khuẩn gồm 4 pha: tiềm phát, lũy thừa, cân bằng và suy vong.
1. Pha tiềm phát: Vi khuẩn thích nghi với môi trường sống mới, chúng tổng hợp các enzyme trao đổi chất và các nguyên liệu để chuẩn bị cho quá trình phân chia. Số lượng tế bào chưa tăng.
2. Pha lũy thừa: Vi khuẩn trao đổi chất, sinh trưởng mạnh và tốc độ phân chia đạt tối đa do chất dinh dưỡng dồi dào. Số lượng tế bào tăng theo cấp số nhân.
3. Pha cân bằng: Song song với quá trình phân chia, vi khuẩn chết do chất dinh dưỡng giảm dần. Số lượng tế bào đạt cực đại và không thay đổi theo thời gian do tế bào vi khuẩn sinh ra cân bằng với số lượng tế bào vi khuẩn chết đi.
4. Pha suy vong: Số lượng vi khuẩn chết tăng dần do chất dinh dưỡng cạn kiệt, chất độc hại tích lũy nhiều.
+ Trong nuôi cấy liên tục, sự sinh trưởng của quần thể vi sinh vật diễn ra qua pha tiềm phát, pha lũy thừa và duy trì ở pha cân bằng.
Câu 16: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong nông nghiệp.
Trả lời:
- Công nghệ vi sinh sản xuất phân bón:
+ Các chế phẩm vi sinh vật có thể chứa một hoặc nhiều chủng vi sinh vật khác nhau được phối trộn với chất mang hoặc chất hữu cơ để tạo phân bón.
+ Hiện nay, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ gene để tạo ra các chủng vi sinh vật có nhiều đặc điểm tốt, có khả năng ức chế hoặc tiêu diệt các loài vi sinh vật gây hại trong đất nhằm cải thiện đất, tăng năng suất cây trồng.
- Công nghệ vi sinh sản xuất thuốc trừ sâu:
+ Sử dụng các chế phẩm vi khuẩn có khả năng tiết ra chất độc diệt sâu bệnh hoặc nấm kí sinh trên côn trùng để sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh.
+ Hiện nay, các nhà khoa học đã sử dụng vi khuẩn làm vector chuyển gene để tạo giống thực vật kháng sâu bệnh.
Câu 17: Trình bày quy trình sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.
Trả lời:
- Chuẩn bị giống vi khuẩn chủng Bacillus thuringiensis chuẩn.
- Nhân giống. Thực hiện nhân giống cấp 1 trên máy lắc và nhân giống cấp 2 trong nồi lên men 500 lít hoặc 5000 lít.
- Lên men.
- Li tâm để thu sinh khối.
- Sấy, nghiền sinh khối vi khuẩn.
- Phối trộn phụ gia và đóng gói sản phẩm. Sản phẩm có thể ở dạng chai hoặc dạng gói.
Câu 18: Có thể sử dụng vi khuẩn khử sulphat để xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng được không?
Trả lời:
Kim loại nặng (Hg, Pb, Cr, As,…) là các chất độc, khi tích lũy trong cơ thể đến nồng độ nhất định sẽ gây bệnh, đặc biệt là ung thư. Để loại bỏ kim loại nặng người ta trộn vi khuẩn sulphat vào các chất như rơm, rạ, xơ dừa, bã sau trồng nấm… rồi nhồi vào cột phản ứng trong quy trình xử lý nước thải. Ở điều kiện kị khí, vi khuẩn sẽ khử sulphat tạo ra H2S. Khi cho nước thải chứa kim loại nặng chạy qua cột phản ứng, H2S sẽ kết hợp với kim loại tạo thành kim loại sulphure kết tủa xuống đáy. Nước qua cột phản ứng về cơ bản đã được loại bỏ.
Câu 19: Vì sao khi để đồ ăn ở ngoài vào mùa hè thì đồ ăn dễ bị hư, hỏng?
Trả lời:
Vì mùa hè ở nước ta là có điều kiện khí hậu là nhiệt đới ẩm gió mùa, tạo môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao, đây là môi trường thích hợp cho các vi sinh vật gây hư, thối thực phẩm phát triển.
Câu 20: Vi sinh vật có vai trò gì đối với tự nhiên?
Trả lời:
- Chuyển hóa vật chất trong tự nhiên: Vi sinh vật là một mắt xích quan trong trong lưới thức ăn của hệ sinh thái, góp phần tạo nên vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên.
- Làm sạch môi trường: Vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ từ xác chết của động, thực vật, rác thải, các chất hữu cơ lơ lửng trong nước làm cho môi trường sạch hơn, hạn chế ô nhiễm.
- Cải thiện chất lượng đất: Các vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ, một số vi sinh vật có khả năng cố định đạm góp phần cải tạo đất, tạo điều kiện cho hệ thực vật phát triển tốt hơn.
=> Giáo án sinh học 10 chân trời bài : Ôn tập chương 5 (1 tiết)
Thông tin tải tài liệu:
Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 chân trời sáng tạo - Tại đây