Bài tập file word Vật lí 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 5: Ánh sáng (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Vật lí) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 5: Ánh sáng (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Vật lí 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 5: ÁNH SÁNG

(PHẦN 2 - 20 CÂU)

Câu 1: Tia sáng là gì?

Trả lời:

- Đường truyền của ánh sáng được biểu diễn bằng một đường thẳng có mũi tên chỉ hướng, gọi là tia sáng.

- Một chùm sáng hẹp song song có thể xem là một tia sáng.

Câu 2: Hiện tượng phản xạ ánh sáng là gì?

Trả lời:

Hiện tượng ánh sáng bị hắt trở lại môi trường cũ khi gặp một bề mặt nhẵn bóng gọi là hiện tượng phản xạ ánh sáng.

Câu 3: Nêu các bước dựng ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng.

Trả lời:

- Các tia sáng từ điểm sáng S tới gương phẳng cho tia sáng phản xạ có đường kéo dài đi qua ảnh ảo S’.

 

- Ảnh của một vật sáng là tập hợp ảnh của tất cả các điểm trên vật.

- Ta nhìn thấy ảnh ảo S’ của điểm sáng S khi các tia sáng phản xạ lọt vào mắt có đường kéo dài đi qua ảnh S’.

Câu 4: Có mấy loại chùm sáng?

Trả lời:

Có 3 loại chùm sáng:

- Chùm sáng song song.

- Chùm sáng hội tụ.

- Chùm sáng phân kì.

Câu 5: Nêu khái niệm phản xạ khuếch tán.

Trả lời:

Sự phản xạ ánh sáng xảy ra khi ánh sáng chiếu tới bề mặt gồ ghề, thô ráp được gọi là phản xạ khuếch tán. Khi có phản xạ khuếch tán, ta không nhìn thấy ảnh rõ nét của vật.

Câu 6: Lấy ví dụ về các cách thu năng lượng ánh sáng.

Trả lời:

- Thu năng lượng ánh sáng bằng pin Mặt Trời.

- Thu năng lượng ánh sáng bằng kính lúp.

Câu 7: Em biết hiện tượng phản xạ ánh sáng nào trong thực tế?

Trả lời:

Ví dụ: Phản xạ ánh sáng qua mặt nước phẳng lặng

Câu 8: Nêu ví dụ về ảnh của vật qua gương phẳng.

Trả lời:

Ví dụ: Ảnh của em bé qua gương phẳng.

Câu 9: Hiện tượng nhật thực là gì? Hiện tượng nguyệt thực là gì?

Trả lời:

- Hiện tượng nhật thực là hiện tượng Trái Đất đi vào vùng tối do Mặt trăng tạo ra. Khi đó, ở một số vị trí trên trái Đất, người ta sẽ thấy Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất.

- Tương tự như vậy, hiện tượng nguyệt thực là hiện tượng khi Mặt trăng đi vào vùng tối do trái Đất tạo ra, ở một số nơi trên Trái Đất, người ta sẽ thấy Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất.

Câu 10: Em hãy lấy một ví dụ về hiện tượng phản xạ.

Trả lời:

Ví dụ: Chiếu tia sáng của đèn pin lên mặt bàn nhẵn bóng, ta sẽ thu được một vệt sáng trên tường.

Câu 11: So sánh độ lớn của ảnh với độ lớn của vật.

Trả lời:

Độ lớn của ảnh bằng độ lớn của vật.

Câu 12: Lấy ví dụ về các chùm sáng trong thực tế.

Trả lời:

- Chùm sáng song song: máy chiếu, đèn pin

- Chùm sáng hội tụ:  ánh sáng đi qua kính lúp

- Chùm sáng phân kì: ánh sáng Mặt Trời

Câu 13: Kể tên vật có tính đối xứng gương trong đời sống.

Trả lời:

Vật có tính đối xứng gương trong đời sống: Chùa Một Cột, sao biển, cái thìa, cái bát, kim tự tháp,...

Câu 14: Một người đứng trước, cách gương phẳng 1 m. Có một chậu cây ở phía sau cách người 1 m. Ảnh của chậu cây tạo bởi gương phẳng cách nơi người đó đứng bao nhiêu mét?

Trả lời:

Khoảng cách từ chậu cây đến gương phẳng là: 1 + 1 = 2 (m)

=> Ảnh của chậu cây sau gương là 2 m

=> Ảnh của chậu cây tạo bởi gương cách nơi người đó đứng: 1 + 2 = 3 (m)

Câu 15: Vì sao thanh kim loại để ngoài nắng một khoảng thời gian thì nóng lên. Năng lượng ánh sáng đã chuyển hóa thành dạng năng lượng nào?

Trả lời:

Khi để thanh kim loại ngoài trời nắng, ánh sáng mặt trời (quang năng) chiếu xuống thanh kim loại sẽ chuyển hóa thành nhiệt năng, làm thanh kim loại nóng lên.

Câu 16: Ảnh của bông hoa sen trên mặt nước gợn sóng là sự phản xạ hay tán xạ? Vì sao?

Trả lời:

Ảnh của bông hoa sen trên mặt nước gợn sóng là sự phản xạ khuếch tán vì bề mặt ánh sáng chiếu tới không bằng phẳng, không nhìn rõ hình.

Câu 17: Nêu ứng dụng của gương phẳng trong đời sống.

Trả lời:

Gương phẳng là loại gương được ứng dụng rộng rãi nhất. Gương phẳng được dùng để làm gương soi, gương trang trí trong gia đình, hiệu làm tóc, gương chiếu hậu. Gương phẳng được làm một bộ phận trong kính nha khoa, kính hiển vi, kính thiên văn, ống nhòm.

Câu 18: Tại sao ánh sáng lại có khả năng làm cho các vật thể trở nên nhìn rõ hơn?

Trả lời:

- Ánh sáng có khả năng làm cho các vật thể trở nên nhìn rõ hơn do sự tương tác giữa ánh sáng và mắt của chúng ta. Mắt con người có khả năng thu nhận ánh sáng và chuyển đổi nó thành các tín hiệu điện truyền đến não bộ thông qua thị giác. Ánh sáng tạo ra sự phản chiếu từ các vật thể. Khi ánh sáng chiếu vào một vật sẽ bị phản xạ lại đi vào mắt chúng ta, tạo ra hình ảnh của vật thể đó. Quá trình này giúp chúng ta phát hiện màu sắc, hình dạng và chi tiết của các vật thể xung quanh.

- Ngoài ra, ánh sáng còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học ngày đêm của cơ thể con người và ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm xúc. Khoảng 80% thông tin đến não chúng ta thông qua đôi mắt, vì vậy chiếu sáng có vai trò quan trọng đối với hoạt động thị giác và cảm nhận môi trường xung quanh.

Câu 19: Tại sao sau cơn mưa rào lại xuất hiện cầu vồng?

Trả lời:

- Cầu vồng là một hiện tượng tự nhiên được tạo ra từ hình ảnh phản chiếu của ánh sáng Mặt Trời thông qua những giọt nước trong không khí hay còn gọi là sự khúc xạ ánh sáng. Sau cơn mưa, không khí sẽ lẫn những giọt nước nhỏ li ti. Khi ánh nắng Mặt Trời xuất hiện và chiếu rọi vào không khí, những giọt nước nhỏ li ti sẽ trở thành một lăng kính. Lăng kính sẽ bẻ cong tia sáng từ ánh nắng Mặt Trời sau đó phản xạ lại tạo thành một dải màu sắc liên tục được gọi là quang phổ và đi ra ngoài theo một góc 42 độ.

- Bản chất của cầu vồng là sự tán sắc của ánh nắng mặt trời mà ánh nắng mặt trời thì có rất nhiều màu. Tuy nhiên khi nhìn bằng mắt thường sẽ chỉ thấy cầu vồng có 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Thực chất cầu vồng là một dải gồm hàng triệu màu tán sắc liên tiếp. Trong đó 7 màu mà chúng ta quan sát được là những màu nổi bật nhất. Bên cạnh đó, khi tia sáng mặt trời đi qua lăng kính thủy tinh là các giọt nước thì những màu sắc sẽ lần lượt bị bẻ cong. Những tia màu đỏ thường bị bẻ cong ít nhất nên sẽ nằm phía trên cùng sau đó là đến các tia màu cam, vàng, xanh lá cây, xanh lam và cuối cùng là tia màu tím bị bẻ cong nhiều nhất nên sẽ nằm ở phía dưới cùng. Khi những giọt nước trong không khí càng to thì màu sắc cầu vồng càng rõ.

Câu 20: Tại sao khi đặt vật gần sát gương hơn, ảnh của nó qua gương phẳng sẽ trở nên lớn hơn?

Trả lời:

Khi một vật tới gần gương, các tia sáng từ điểm trên vật sẽ phản xạ gần nhau hơn và đến mắt quan sát với một góc lớn hơn, gây ra ấn tượng rằng hình ảnh của vật lớn hơn so với vật gốc.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Vật lí 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay