Câu hỏi tự luận kinh tế pháp luật 10 cánh diều Bài 17: Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

Bộ câu hỏi tự luận kinh tế pháp luật 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 17: Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học kinh tế pháp luật 10 cánh diều.

BÀI 17: HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

(10 câu)

1. Nhận biết (5 câu)

Câu 1: Hiến pháp 2013 quy định như thế nào về kinh tế?

Trả lời:

Hiến pháp năm 2013 khẳng định:

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí.

Câu 2: Hiến pháp 2013 quy định như thế nào về văn hóa?

Trả lời:

Về văn hoá, Hiến pháp năm 2013 khẳng định mục đích, chính sách phát triển nền văn hoá ở Việt Nam là xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng cho nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có văn hoá, giàu lòng yêu nước, có ý thức thực hiện trách nhiệm công dân.

 

Câu 3: Hiến pháp 2013 quy định như thế nào về giáo dục?

Trả lời:

Về giáo dục, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo phát triển giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bồng, học phí hợp lí. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề.

 

Câu 4: Hiến pháp 2013 quy định như thế nào về khoa học, công nghệ?

Trả lời:

Về khoa học, công nghệ, Hiến pháp năm 2013 khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

 

Câu 5: Hiến pháp 2013 quy định như thế nào về môi trường?

Trả lời:

Về môi trường, Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lí và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lí nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

 

2. Thông hiểu (1 câu)

Câu 1: Trình bày các chủ trương của Nhà nước Việt Nam đối với phát triển giáo dục?

Trả lời:

Để thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, mỗi người cần chủ động tìm hiểu về nền kinh tế, các thành phần kinh tế theo quy định của Hiến pháp. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào về văn hoá; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp về giáo dục để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ học tập của bản thân. Tích cực nghiên cứu, trau dồi tri thức, chiếm lĩnh các tri thức khoa học. Tự giác, hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do nhà trường, địa phương tổ chức.

 

3. Vận dụng (2 câu)

Câu 1: Phân biệt quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất?

Trả lời:

Quyền sở hữu đất đaiQuyền sử dụng đất
Quyền sở hữu đất là quyền chiếm giữ, sử dụng, định đoạt đất đai thông qua hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp. Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí.Quyền sử dụng đất là quyển của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể có quyền thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho,... Hiến pháp năm 2013 quy định: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Quyển sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Câu 2: Đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước, nội dung về văn hóa, xã hội của Hiến pháp có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Nội dung về văn hóa, xã hội của Hiến pháp có ý nghĩa: thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội như:

+ Tạo việc làm cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định

+ Chăm lo, phát triển sức khỏe của nhân dân, tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội

+ Chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, …

4. Vận dụng cao (2 câu)

Câu 1: Đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước, nội dung về khoa học, công nghệ của Hiến pháp có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Ý nghĩa nội dung của Hiến pháp về khoa học, công nghệ: Khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đối với đất nước; tạo tiền đề, căn cứ pháp lí để phát triển khoa học, công nghệ trong nước; tạo điều kiện người dân được tham gia và thụ hưởng công bằng lợi ích từ hoạt động khoa học, công nghệ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; tạo nền tảng, điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước toàn diện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội),...

 

Câu 2: Đối với sự phát triển của đất nước và đời sống xã hội, nội dung của Hiến pháp về môi trường có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Đối với sự phát triển của đất nước và đời sống xã hội, nội dung của Hiến pháp về môi trường có ý nghĩa: Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo vệ môi trường; tạo Cơ sở, nền tảng pháp lí cho việc bảo vệ môi trường sống của con người; gìn giữ, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; góp phần gìn giữ môi trường trong sạch, lành mạnh, bảo vệ sức khoẻ của người dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường bên vững; tạo điều kiện để phát triển đất nước một cách bền vững...

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận kinh tế pháp luật 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay