Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 6: Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 6: Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 cánh diều.

Xem: => Giáo án lịch sử 10 cánh diều (bản word)

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 6. MỘT SỐ NỀN VĂN MINH TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858) (PHẦN 1)

Câu 1: Hãy nêu cơ sở điều kiện tự nhiên hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Cơ sở về điều kiện tự nhiên hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Vị trí địa lí (tiếp giáp với Trung Quốc, giáp biển) => thuận lợi giao lưu với các nền văn minh khác.

+ Sông ngòi: có nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả,.. => bồi đắp nên những đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu thuận lợi cư dân sinh sống thành các làng.

+ Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa (nóng, mưa nhiều) => thuận lợi để trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn đa dạng.

+ Tài nguyên khoáng sản phong phú => là cơ sở để dân cư chế tác các loại công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

Câu 2: Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành văn minh Phù Nam?

Trả lời:

Phù Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp và thương mại

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, trữ lượng nước ngọt dồi dào, nguồn lợi thủy sản phong phú, đất đai giàu phù sa.

- Phía đông và tây nam có biển bao bọc có nhiều hải cảng quan trọng tiếp xúc với khu vực Đông Nam Á hải đảo và Ấn Độ.

- Phù Nam sớm kết nối với nền thương mại biển quốc tế thông qua con đường Tơ lụa và con đường Hồ tiêu.

Câu 3: Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành văn minh Chăm-pa?

Trả lời:

- Địa hình: phía tây là dãy Trường Sơn; phía đông là biển đảo, xen kẽ là dải đồng bằng nhỏ, hẹp, dọc ven biển, bị chia cắt bởi các con sông ngắn và những núi, đèo hiểm trở.

- Tác động:

+ Khó khăn: khí hậu khô nóng, đất đai cằn cỗi, thường xuyên phải hứng chịu những trận bão lụt.

+ Thuận lợi: lâm thổ sản, các mỏ khoáng sản và nhiều vịnh, cảng tốt.

Câu 4: Hãy nêu một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Chăm-pa.

Trả lời:

* Thành tựu văn học

- Văn học dân gian: sử thi, truyện cổ, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, câu đố,... Sử thi của người Chăm vừa mang màu sắc thần thoại Ấn Độ, vừa thấm đượm triết lí Bà La Môn giáo và Hồi giáo.

- Văn học viết: trường ca, gia huấn ca và thơ triết lí, thơ trữ tình,… được sáng tác bằng cả chữ Phạn lẫn chữ Chăm cổ.

* Thành tựu tín ngưỡng, tôn giáo

- Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng phồn thực.

- Tôn giáo:

+ Ấn Độ giáo: trở thành tôn giáo chính ở Chăm-pa từ thế kỉ III;

+ Phật giáo Đại thừa: phát triển trong hai thế kỉ IX và X;

+ Hồi giáo: du nhập vào Chăm-pa từ thế kỉ XII - XIV, hình thành cộng đồng Hồi giáo Chăm Bà-ni.

* Thành tựu nghệ thuật

- Kiến trúc, điêu khắc:

+ Những đền tháp Chăm là một khối vững chắc xây bằng gạch, có cửa chính và cửa giả gồm nhiều tầng, xếp nếp, tầng trên lặp lại tầng dưới nhưng nhỏ dần và tụ lại thành đỉnh nhọn vươn lên cao.

+ Dấu ấn riêng biệt trong kiến trúc Chăm là kĩ thuật làm gạch kết dính để xây tháp và kĩ thuật chạm trổ trên đá.

+ Những phù điêu nhấn mạnh vào từng hình tượng và khuynh hướng thiên về tượng tròn là đặc điểm giàu tính ấn tượng, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc cổ Chăm-pa.

- Âm nhạc:

+ Âm nhạc và ca múa không thể thiếu trong sinh hoạt cộng động và các dịp lễ hội truyền thống như Ri-gia Nư-ga, Ka-tê, Ri-gia Pra-ung.

+ Chế tạo nhiều loại nhạc cụ độc đáo như trống gi-neng, trống pa-ra-nưng, chiêng, kèn xa-ra-nai, lục lạc, đàn ka-nhi,...

- Phong tục tập quán:

+ Nghi lễ cưới hỏi của người Chăm chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ.

+ Tập tục tang ma có sự phân chia theo lứa tuổi, đẳng cấp và nguyên nhân cái chết.

Câu 5: Hãy nêu cơ sở xã hội hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Cơ sở xã hội hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Việc sử dụng đồ kim loại vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động, của cải dư thừa nhiều, xuất hiện tư hữu và đưa đến sự phân hóa trong xã hội thành các tầng lớp: quý tộc, nông dân tự do, nô tì.

+ Sự gắn kết trong chống ngoại xâm, xây dựng công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng địa bàn cư trú và quá trình giao lưu trao đổi sản phẩm đã hình thành mối liên kết giữa các cư dân Việt cổ.

Câu 6: Theo em, Vương quốc cổ Phù Nam có mối quan hệ như thế nào với nền văn hoá Óc Eo?

Trả lời:

Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ - Việt Nam, là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ 19.

 

Câu 7: Giải thích khái niệm văn minh Đại Việt.

Trả lời:

Văn minh Đại Việt ra đời gắn liền với thời kỳ độc lập tự chủ đầu tiên vào thời Ngô Vương Quyền (938). Tồn tại và phát triển cùng các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Tên gọi Đại Việt qua nhiều thời kỳ cũng có sự thay đổi: thời Đinh- Tiền Lê đặt tên nước là Đại Cồ Việt, thời Lý bắt đầu từ năm 1054 vua Lý Thánh Tông đặt tên nước là Đại Việt, nhà Hồ đặt tên nước là Đại Ngu (An vui lớn) và tên gọi Đại Việt là tên gọi có lịch sử dài nhất.

 

Câu 8: Em hãy cho biết vị trí, vai trò của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình phát triển nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

- Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long, bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long An Nam đô hộ phủ, thế kỉ VII) qua thời Đinh, Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê sơ…

- Đây là quần thể kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn minh Đại Việt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục.

 

Câu 9: Hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về tổ chức nhà nước của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

* Tổ chức nhà nước:

- Thời Văn Lang:

+ Kinh đô đặt tại Phong Châu (Phú Thọ).

+ Đứng đầu nhà nước là Vua Hùng, giúp việc có các Lạc Hầu.

+ Cả nước chia làm 15 bộ do Lạc tướng cai quản.

+ Dưới bộ là các chiềng, chạ do Bồ chính phụ trách.

- Thời Âu Lạc:

+ Bộ máy nhà nước cơ bản giống với thời Văn Lang: đứng đầu nhà nước là An Dương Vương, giúp việc có các Lạc Hầu.

+ Các đơn vị hành chính địa phương không có nhiều thay đổi so với nước Văn Lang.

+ Nhà nước Âu Lạc đã có nhiều điểm tiến bộ hơn, như: lãnh thổ mở rộng hơn; có vũ khí tốt, thành Cổ Loa kiên cố.

Câu 10: Luật pháp ra đời tác động như thế nào đến sự phát triển xã hội?

Trả lời:

- Sự ra đời của luật pháp cho đã phản ánh sự phát triển về trình độ tư duy và trình độ tổ chức, quản lí nhà nước và xã hội của Đại Việt.

- Luật pháp ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lí cho việc quản lý xã hội và dân cư.

Câu 11: Em có nhận xét gì về bộ máy nhà nước thời Lê sơ?

Trả lời:

- Nhận xét: dưới thời Lê sơ, bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế đạt mức độ cao, hoàn chỉnh, quyền lực tập trung vào tay nhà vua.

+ Ở Trung ương, vua bãi bỏ các chức quan đại thần, hạn chế quyền lực của quý tộc tôn thất. Nhà vua trực tiếp quyết định mọi việc, giúp việc cho vua là các cơ quan chuyên môn.

+ Ở địa phương, cả nước chia làm 13 đạo thừa tuyên, nhà nước tăng cường quản lí tới tận cấp xã.

Câu 12: Hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về chính trị của nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

- Bộ máy nhà nước được củng cố và hoàn thiện từ trung ương đến địa phương, phát triển đỉnh cao thời kì Lê Sơ:

+ Vua là người đứng đầu nắm trong tay mọi quyền hành;

+ Giúp việc cho vua có các cơ quan văn phòng, hành chính, giám sát, chuyên môn.

+ Cả nước chia thành nhiều đạo, dưới đạo là phủ, huyện (châu), xã.

- Việc thành lập cơ quan hành chính, pháp lí, chuyên môn, giám sát,... thể hiện vai trò tổ chức, quản lý của nhà nước ngày càng chặt chẽ.

Câu 13: Hãy cho biết ý nghĩa, giá trị của nền văn minh Âu Lang- Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam.

Trả lời:

Ý nghĩa, giá trị của nền văn minh Âu Lang- Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam

- Văn minh lúa nước có trình độ phát triển cao.

- Hình thành cộng đồng làng xóm, nhà nước phôi thai.

- Xác lập lối sống mang đặc trưng Việt Nam.

- Đặt cơ sở vững chắc cho toàn bộ sự phát triển của quốc gia- dân tộc.

Câu 14: Nêu các thành tựu về pháp luật của văn minh Đại Việt

Trả lời:

- Thành tựu về luật pháp trong nền văn minh Đại Việt:

+ Năm 1002, nhà Tiền Lê định luật lệ

+ Thời Lý có bộ Hình thư (năm 1042);

+ Thời Trần có bộ Hình luật (năm 1230);

+ Thời Lê Sơ có bộ Quốc triều hình luật (năm 1483);

+ Thời Nguyễn có bộ Hoàng triều luật lệ (năm 1815).

Câu 15: Phân tích tác động của những thành tựu về kinh tế đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

- Nông nghiệp phát triển đã cung cấp nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp. Ví dụ: cung cấp nguyên liệu cho nghề làm cốm; nông sản cũng là một mặt hàng buôn bán quan trọng…

- Nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân ấm no, sung túc sẽ góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.

- Sản xuất nông nghiệp để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa của cư dân. Ví dụ: có nhiều lễ nghi liên quan đến nông nghiệp; sáng tác ca dao, dân ca về lao động sản xuất…

Câu 16: Em hãy nhận xét về ưu điểm, hạn chế và phân tích ý nghĩa của nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

* Nhận xét ưu điểm, hạn chế của văn minh Đại Việt:

- Ưu điểm:

+ Là nền văn minh lúa nước, dựa trên sự kế thừa văn minh Văn Lang Âu Lạc, tiếp biến văn minh từ bên ngoài với sự độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt đã làm cho văn minh phát triển rực rỡ và toàn diện.

+ Yếu tố xuyên suốt trong nền văn minh Đại Việt: truyền thống yêu nước, nhân ái, nhân văn và tính cộng đồng sâu sắc.

- Hạn chế:

+ Kinh tế hàng hóa còn hạn chế.

+ Khoa học, kĩ thuật chưa thực sự phát triển.

+ Cá nhân và xã hội còn thụ động, tư tưởng bình quân, thiếu năng động, sáng tạo.

+ Đời sống tinh thần còn nhiều yếu tố duy tâm.

* Ý nghĩa của văn minh Đại Việt

- Thể hiện sự sáng tạo và truyền thống lao động bền bỉ của các thế hệ người Việt.

- Là tiền đề và điều kiện quan trọng để tạo nên sức mạnh dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

- Góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những thành tựu và giá trị của văn minh Việt cổ.

- Văn minh Đại Việt có giá trị lớn đối với quốc gia dân tộc Việt Nam và cả nhân loại (UNESCO công nhận 1 số thành tựu tiêu biểu của văn minh Đại Việt).

Câu 17: Nêu nhận xét chung về đời sống vật chất và tinh thần của văn minh Văn Lang – Âu Lạc.

Trả lời:

+ Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang – Âu Lạc phong phú, đặc sắc và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta.

+ Đời sống vật chất và tinh thần đó đã hoà quyện với nhau trong con người Lạc Việt, tạo nên tính cộng đồng sâu sắc.

Câu 18: Phân tích tác động của những thành tựu về thương nghiệp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.

Trả lời:

+ Sự phát triển của thương nghiệp đã trực tiếp góp phần tạo nên sự phồn thịnh của quốc gia Đại Việt

+ Thương nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX phát triển do hệ thống tiền tệ, đo lường được thống nhất; chính sách mở cửa của chính quyền phong kiến; những cuộc phát kiến địa lí đã tạo nên sự giao lưu văn hóa Đông - Tây thuận lợi.

+ Giữa thế kỉ XVIII, ngoại thương suy yếu dần do chế độ thuế khóa của nhà nước ngày càng phức tạp, các đô thị dần lụi tàn.

Câu 19: Hãy nêu những cơ sở hình thành văn minh Phù Nam về dân cư và xã hội.

Trả lời:

- Tổ tiên người Phù Nam là nhóm cư dân bản địa;.

- Phù Nam sớm tiếp thu văn minh Ấn Độ như chữ viết, tư tưởng, tôn giáo, tổ chức nhà nước và chế độ đẳng cấp…

- Xã hội Phù Nam có sự phân hóa sâu sắc:

+ Giới quý tộc và tu sĩ chi phối các quan hệ chính trị - xã hội và ngoại giao.

+ Giới thương nhân nắm quyền lực lớn trong nền kinh tế.

+ Nông dân, thợ thủ công và bộ phận nô lệ là lực lượng lao động, là tầng lớp bị trị trong xã hội.

Câu 20: Nêu quá trình phát triển của văn minh Đại Việt trong thế kỉ XVI- XIX

Trả lời:

+ Văn hoá phát triển trong tình trạng đất nước không ổn định.

+ Từ thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII là giai đoạn có nhiều biến động, các triều đại thay thế nhau trị vì và chia cắt đất nước. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp giữa thế kỉ XIX đã chấm dứt thời kì phát triển của văn minh Đại Việt.

+ Nhiều yếu tố mới xuất hiện khi văn minh phương Tây du nhập vào, tạo nên xu hướng vận động mới làm tiền để cho sự hình thành văn minh Việt Nam về sau.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay